VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2018 |
Ngày 29 tháng 5 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (sau đây gọi tắt là Ủy ban và Hội đồng) đã chủ trì phiên họp của Ủy ban và Hội đồng. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và Hội đồng; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, ủy viên Ủy ban; các ủy viên Ủy ban và Hội đồng và đại diện lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên thường trực Ủy ban và Hội đồng, ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban và Hội đồng, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Giáo dục và đào tạo luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì vai trò của giáo dục và đào tạo lại càng trở nên quan trọng. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, hoàn thiện. Đặc biệt gần đây Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động để thực hiện.
Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, xã hội, các cấp, các ngành mà trực tiếp là ngành giáo dục, nhờ đó chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta từng bước được nâng cao. Năm 2017, chúng ta đã chính thức hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được đổi mới theo hướng tạo thuận lợi, giảm áp lực và chi phí, được xã hội đồng thuận, đánh giá cao. Những năm gần đây, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế luôn đạt kết quả cao. Theo kết quả từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố, tại kỳ đánh giá năm 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8/70 về khoa học, thứ 22/70 về toán học và thứ 32/70 về đọc hiểu. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên rõ rệt, đã có 26 cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ; Việt Nam đã có 5 trường đại học nằm trong tốp 400 trường hàng đầu Châu Á. Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục và phát triển, là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường lao động khu vực và quốc tế. Đồng thời có một số vấn đề cụ thể như: (1) còn xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đầu vào sư phạm nhìn chung còn thấp; quy hoạch hệ thống các trường sư phạm không còn phù hợp; công tác dự báo nhu cầu nhân lực sư phạm chưa sát thực tế; (2) việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình và các yêu cầu cần đáp ứng về: giảm tải chương trình, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương để triển khai; (3) tự chủ đại học chưa được hiểu thống nhất, cơ chế kiểm tra, giám sát, vai trò của cơ quan chủ quản chưa được làm rõ đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ; thứ hạng của các trường đại học Việt Nam còn thấp trong khu vực; (4) việc công nhận, bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập, gây nên bức xúc dư luận xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng xã hội học tập và môi trường tự học; yêu cầu gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn nhiều hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương và tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Về phát triển đội ngũ giáo viên
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo từng bậc học, lớp học, môn học gắn với quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo, đào tạo lại, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; khắc phục bằng được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các trường và đội ngũ giáo viên.
b) Bộ Nội vụ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các đề án vị trí việc làm của các cơ sở giáo dục trực thuộc để bảo đảm đủ giáo viên, kiểm tra và có hình thức xử lý phù hợp đối với những địa phương tuyển dụng giáo viên không đúng quy định của pháp luật; thực hiện chính sách tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành và địa phương.
c) Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao; tăng cường công tác giáo dục về đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên; đổi mới mô hình, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm khả thi, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
2. Về xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra chất lượng giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới cần có nội dung truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh. Chú trọng hơn đến phát triển phương pháp, kỹ năng dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
b) Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương trong việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban, Hội đồng, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6 năm 2018.
Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu để phát huy nội lực, tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học trong thời gian qua và thực hiện các công việc sau đây:
a) Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương, trong đó quy định Hội đồng trường phải có thực quyền để bảo đảm việc giám sát hoạt động của nhà trường, hạn chế lạm quyền; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời đề xuất nội dung tự chủ trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
b) Chỉ đạo làm thí điểm, trước mắt là 03 cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án hoạt động không có cơ quan chủ quản để báo cáo Chính phủ quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các đề án thí điểm này; trên cơ sở tổng kết mô hình thí điểm, đề xuất lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” đối với cơ sở giáo dục đại học.
c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cụ thể, thực tế hơn và coi đó là một nội dung đào tạo quan trọng, đồng thời yêu cầu các trường đại học đặt ra những mục tiêu cụ thể về hoạt động khởi nghiệp trong đào tạo.
4. Về việc công nhận, bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban và Hội đồng, khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trong đó lưu ý một số vấn đề sau đây:
a) Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng phải phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể áp dụng ngay các tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư và giao hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học tự xét và bổ nhiệm các chức danh này như của nước ngoài mà phải có lộ trình thích hợp vì các chức danh giáo sư, phó giáo sư không chỉ gắn liền với danh dự khoa học, niềm tự hào mà kèm theo các chức danh đó là những tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ của nhà nước.
b) Để nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư, quy định mới phải bảo đảm khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành; nâng cao tiêu chuẩn của cả ứng viên và thành viên Hội đồng xét các cấp, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng nhóm ngành; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp hội đồng; quy định thời hạn của quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm phải gắn với cơ sở giáo dục đại học cụ thể.
Đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tiếp theo sẽ thực hiện theo quy định mới sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Văn phòng Chính phủ thông báo Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Công văn 4908/BGDĐT-TĐKT năm 2017 về hướng dẫn thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học và xét khen thưởng năm học 2017-2018 khối các sở giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông báo 535/TB-BGDĐT năm 2017 về kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp lần thứ hai Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Kế hoạch 270/KH-BGDĐT năm 2018 về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Quyết định 1100/QĐ-BXD năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 154/QĐ-TTg năm 2023 về kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2026 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Công văn 4908/BGDĐT-TĐKT năm 2017 về hướng dẫn thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học và xét khen thưởng năm học 2017-2018 khối các sở giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông báo 535/TB-BGDĐT năm 2017 về kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp lần thứ hai Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Kế hoạch 270/KH-BGDĐT năm 2018 về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Quyết định 1100/QĐ-BXD năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Quyết định 154/QĐ-TTg năm 2023 về kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2026 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông báo 220/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 220/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 18/06/2018
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/06/2018
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định