Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI TẠI CUỘC HỌP VỀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN TÍN DỤNG VÀ ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT

Ngày 24 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và điều hành lãi suất. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các Ngân hàng thương mại cổ phần: Ngoại thương Việt Nam, Công Thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Quân đội, Kỹ thương Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại cuộc họp, ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến kết luận như sau:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện báo cáo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 08 tháng 6 năm 2023, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

a) Đánh giá cụ thể tình hình, bối cảnh và kết quả điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023, làm rõ các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc của việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng đã nỗ lực cố gắng.

b) Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định, thủ tục liên quan đến cấp tín dụng, điều kiện vay vốn, nếu phát hiện các quy định không phù hợp thì theo thẩm quyền chủ động sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.

c) Nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các thông tin phản ánh qua các phương tiện thông tin báo chí, các chuyên gia, các hiệp hội trong thời gian qua liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng để nắm chắc tình hình và đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; đồng thời phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời, khách quan, giải đáp, trao đổi và làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tạo sự thống nhất, đồng thuận về việc điều hành tín dụng đối với nền kinh tế và tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

d) Bổ sung đánh giá sâu, toàn diện về khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gắn với phân loại các nhóm khách hàng để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.

đ) Tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện tình hình cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để xử lý ngay các vướng mắc, khó khăn, bất cập theo thẩm quyền và theo đúng quy định.

e) Bổ sung, cập nhật đầy đủ số liệu, dẫn chứng cụ thể, đồng thời khẳng định rõ tại báo cáo các quan điểm, nhận định, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là các kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, hiệu quả, khả thi, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Căn cứ nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật để điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tín dụng, tỷ giá, lãi suất… theo nguyên tắc phải đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

b) Chỉ đạo các các tổ chức tín dụng nỗ lực hơn nữa tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; rà soát, tính toán và đánh giá toàn diện các khoản đã huy động, lãi suất huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp.

c) Khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp hiệu quả, khả thi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

d) Có các giải pháp hiệu quả, khả thi để thiết lập môi trường công khai, minh bạch trong huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng theo đúng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, việc cạnh tranh không lành mạnh trong huy động và cấp tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm các quy định pháp luật.

đ) Kịp thời thông tin truyền thông rộng rãi, khách quan việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

a) Chủ động thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; tìm kiếm, khai thác và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, duy trì và phục hồi các thị trường truyền thống để tiếp tục có đơn hàng sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước.

b) Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, kiểm tra để bảo đảm việc góp vốn thành lập doanh nghiệp thực chất, hạn chế tình trạng vốn mỏng, vốn ảo và có chế tài xử lý nghiêm theo quy định.

c) Phản ứng chính sách cần chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các chính sách trong tổ chức thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái;
- Các Bộ: TC, TP, KHĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Vụ TH;
- Lưu: VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 204/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và điều hành lãi suất do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 204/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 02/06/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản