Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 191/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM BÌNH MINH TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ NĂM 2017

Ngày 09 tháng 3 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đã chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) năm 2017. Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Trưởng BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Trưởng BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo, các Ủy viên BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế, đại diện Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Sau khi nghe 03 BCĐ liên ngành báo cáo tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Bộ Ngoại giao báo cáo về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Bộ Công Thương báo cáo về các giải pháp nhằm thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ý kiến của các Thành viên BCĐ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Trưởng BCĐ quốc gia kết luận như sau:

Năm 2016, công tác hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Chính phủ đã ban hành Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; trình Hội nghị Trung ương 4 ban hành Nghị quyết 06/NQ-TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục thực thi các cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các hoạt động diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế như LHQ, WTO, ASEAN, APEC, ASEM, đặc biệt tập trung chuẩn bị năm APEC Việt Nam 2017. Hội nhập quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Trong thành tích nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, cơ quan trong Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng bảo hộ mậu dịch có dấu hiệu quay trở lại, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động đáng kể đối với kinh tế khu vực và thế giới...Trong bối cảnh mới, chúng ta cần quyết tâm mạnh mẽ hơn, kiên trì thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế; phát huy những mặt tích cực của hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, nhất là tranh thủ có hiệu quả các ưu đãi trong các FTA để mở cửa thị trường, thu hút mạnh FDI, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; đồng thời cần chủ động, kịp thời có các phản ứng chính sách phù hợp với những biến động của tình hình, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức.

Trong năm 2017, các BCĐ liên ngành, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Về triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TW về hội nhập:

- 03 BCĐ liên ngành theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình hành động theo 3 nhóm lĩnh vực: Chính trị, an ninh, quốc phòng; Kinh tế và Khoa giáo - Văn xã; báo cáo kết quả thực hiện tại Phiên họp tổng kết hàng năm của BCĐ quốc gia về HNQT.

- Các Bộ, ngành ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06; đưa các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Chương trình hành động vào Chương trình công tác hàng năm của Chính phủ, của Bộ, ngành liên quan để đôn đốc thực hiện, định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm gửi các Ban Chỉ đạo liên ngành kết quả thực hiện, đồng thời sao gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về ký kết và nâng cao hiệu quả thực hiện các FTA:

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trước ngày 31 tháng 5 năm 2017; rà soát các FTA đã ký và kiến nghị các biện pháp xử lý nếu có các vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh chiến lược, chính sách đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới phù hợp với tình hình mới; triển khai các biện pháp thúc đẩy hội nhập trong nước, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ các FTA mới, khả năng thích nghi của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, ngành nghề...từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Các Bộ, ngành liên quan: Các Bộ, ngành chủ động thúc đẩy triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong lĩnh vực mình phụ trách; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trong việc đưa ra phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán các FTA đang đàm phán, đảm bảo các lợi ích của ta.

3. Các Ban Chỉ đạo liên ngành, các Bộ, ngành địa phương cần chủ động, đóng góp tích cực để Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ nhà APEC 2017.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2017.

5. Phát huy hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, tập trung vào các sự kiện hội nhập quốc tế quan trọng trong năm 2017 như năm APEC 2017, các FTA mới và sắp có hiệu lực; tăng cường sự tham gia và đối thoại của doanh nghiệp để các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân.

6. Về thể chế:

Tiếp tục kiện toàn thành phần các Ban Chỉ đạo liên ngành. Yêu cầu các BCĐ liên ngành hoạt động thường xuyên hơn để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách do hội nhập đặt ra, tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Tăng cường hơn nữa hoạt động và cơ chế phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các Ban Chỉ đạo liên ngành, các cơ quan giúp việc BCĐ quốc gia và các BCĐ liên ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao về hội nhập quốc tế.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTgCP, các Phó Thủ tướng (để b/c)
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Các Vụ: TH, KTTH, KGVX, CN, NC, PL;
- Lưu: VT, QHQT (3). TB

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 191/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 191/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 14/04/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản