Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 189/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/2004/QĐ-TTG NGÀY 5 THÁNG 10 NĂM 2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔNG THỂ ĐẢO PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
Ngày 30 và 31 tháng 03 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5 tháng 10 năm 2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Ban Thường vụ Thành ủy Phú Quốc và một số hoạt động khác; cùng tham dự có đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Quân khu 9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và đại diện Nhân dân thành phố Phú Quốc.
Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện Đề án và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, chuyên gia, hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT 20 NĂM PHÁT TRIỂN PHÚ QUỐC THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/2004/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Đánh giá khái quát những thành tựu đạt được
Phú Quốc có vai trò, vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, giao thương, du lịch, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy Phú Quốc phát triển và đặc biệt quan tâm bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn lực trong đó có Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5 tháng 10 năm 2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg).
Sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu và có sự phát triển vượt bậc, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2023 của thành phố Phú Quốc đạt 19,6%/năm; thu ngân sách tăng 113 lần, từ 38,6 tỷ đồng năm 2004 lên hơn 7,8 nghìn tỷ đồng năm 2023; tăng trưởng du lịch giai đoạn 2011 - 2023 đạt trên 38%/năm (gấp 6 lần bình quân chung cả nước); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 310 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 19,1 nghìn tỷ đồng năm 2023. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phát triển tương đối đồng bộ cả về cảng hàng không, cảng biển và đường bộ. Thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng, từ một địa phương không có dự án đầu tư nào năm 2004 thì đến năm 2023 tăng lên 321 dự án với tổng vốn đầu tư 412 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án đầu tư có các sản phẩm chất lượng cao, mang tầm khu vực và quốc tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt trên 21,6 nghìn tỷ đồng, gấp 64 lần năm 2004. Đến năm 2023, Phú Quốc có trên 4,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số doanh nghiệp và tăng gần 400 lần về số vốn đăng ký so với năm 2004. Huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố, đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang từ năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ.
Sau 20 năm phát triển, tiềm lực Phú Quốc được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế tăng lên; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Đạt được những kết quả quan trọng nói trên là nhờ có sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng lòng, giúp đỡ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, các địa phương trong Vùng và cả nước; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc; sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Phú Quốc vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phú Quốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đang phát triển nóng, nhiều yếu tố thiếu bền vững như nước sạch, điện, sóng viễn thông, vệ sinh môi trường, trong đó chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải, nước thải phù hợp quy mô dân số,... Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ; hạ tầng chuyển đổi số còn khó khăn. Các cơ chế, chính sách dành cho Phú Quốc chưa mang tính đột phá, vượt trội để tạo sự bứt phá và lợi thế cạnh tranh với các vùng, địa phương trong nước và khu vực, quốc tế.... Cơ chế, chính sách thu hút, huy động và sử dụng các nguồn lực chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ quản lý còn bất cập; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Yêu cầu, điều kiện, tiềm năng phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng các nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực chưa ngang tầm với sự phát triển. Quản lý rừng, đất đai, tài nguyên còn bất cập, nhất là vấn đề tiến độ thực hiện các dự án, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết khiếu nại...; đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn.
3. Bài học kinh nghiệm: Cơ bản thống nhất với bài học kinh nghiệm trong báo cáo của Tỉnh, ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh một số nội dung: (1) Nhận diện, đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển để từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; (2) Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại; tiếp tục nỗ lực phấn đấu với tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; (3) Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; (4) Cơ chế huy động nguồn lực phải thông thoáng, hiệu quả, tránh tiêu cực, tham nhũng, kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn lực Nhà nước và xã hội, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư; (5) Phát triển con người, công tác cán bộ, đào tạo nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; (6) Quan tâm đầu tư bảo vệ môi trường, phát triển bền vững hệ sinh thái, bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các Quy hoạch, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
1. Quan điểm, định hướng phát triển
(1) Quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Phú Quốc gắn với phát triển của cả nước trong tương lai. Phát triển Phú Quốc không chỉ là nhiệm vụ riêng của thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà là nhiệm vụ chung của cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Kiên Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
(2) Xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là thành phố thông minh, hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và đáng sống; phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hóa. Tiếp tục đổi mới tư duy phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp.
(3) Khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc lên tầm cao mới. Ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...).
(4) Phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; có cơ chế, chính sách phù hợp với lòng dân, huy động sức mạnh của Nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ.
2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
(1) Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố Phú Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(2) Thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc đến năm 2040, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm. Phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, cảng hàng không, cảng biển. Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(3) Phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch y tế,...bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách; tạo sự chuyển biến về chất, là điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam, bảo đảm phát triển du lịch Phú Quốc bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
(4) Chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên, rừng, biển, môi trường sinh thái, trên cơ sở huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nâng cao ý thức người dân. Giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới đất đai; các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường, trong đó tập trung xây dựng nhà máy nước sạch, các hồ dự trữ nước ngọt, trung tâm thu gom, xử lý rác thải, nước thải hiện đại; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy điện rác, điện sinh khối, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện kinh tế tuần hoàn.
(5) Khơi thông, sử dụng hiệu quả và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ tiên tiến, nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại) là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Kết hợp giữa nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, vốn tài trợ, các nguồn vốn xã hội, nhất là hình thức hợp tác công tư và thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc
(6) Tập trung phát triển mạnh các cơ sở đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nghề, kỹ năng nghề; đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Phú Quốc; có chính sách phù hợp, khuyến khích, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo cơ chế đặt hàng.
(7) Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và du khách, nhất là những trường hợp khẩn cấp. Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với sự phát triển của Phú Quốc. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
(8) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân và doanh nghiệp để giải quyết kịp thời, hiệu quả trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
(9) Thực hiện “sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc, bao gồm: (i) Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường, cạnh tranh lành mạnh để phát huy hơn nữa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; (ii) Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, về giao thông (trong đó sân bay, cảng biển bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế), đô thị, xã hội, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; (iii) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (iv) Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu; (v) Đẩy mạnh phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa của vùng đất lịch sử, con người Phú Quốc, Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển dịch vụ và du lịch; (vi) Đẩy mạnh hỗ trợ tối đa của các Bộ, các ngành, địa phương để Phú Quốc, Kiên Giang phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công các mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định và Nhân dân mong đợi.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc phân cấp Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Phú Quốc:
Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của Tỉnh trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để, phù hợp với nguồn lực và năng lực của địa phương.
2. Về việc phân cấp cho cơ quan chuyên môn tại địa phương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I. Kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I thuộc thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng:
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng, bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để, phù hợp với nguồn lực và năng lực của địa phương, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2024.
3. Về việc phân cấp cho cơ quan chuyên môn tại địa phương thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy các dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A:
Giao Bộ Công an nghiên cứu các nội dung kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017, bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để, phù hợp với nguồn lực và năng lực của địa phương, trình Chính phủ ban hành.
4. Về quản lý đất đai
a) Đề nghị khi ban hành Nghị định quy định về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì cần quy định rõ “thế nào là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp” để thống nhất áp dụng thu hồi đất cho trường hợp được quy định tại Khoản 27 Điều 79 Luật Đất đai 2024:
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó làm rõ loại hình dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.
b) Đề nghị khi quy định chi tiết Điều 126 Luật Đất đai năm 2024, cho phép chuyển tiếp đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư trong Khu kinh tế trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai (giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất):
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tổng hợp vướng mắc của các địa phương (trong đó có tỉnh Kiên Giang) trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước và nhà đầu tư, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2024.
5. Về đầu tư đường ven biển Phú Quốc và đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xem xét trong khả năng cân đối ngân sách nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý III năm 2024.
6. Về việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trong giai đoạn trung hạn tới (2026 - 2030) cần có tiêu chí ưu tiên phân bổ vốn cho các địa bàn, khu vực trọng điểm phát triển theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, trong đó có thành phố Phú Quốc:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Kiên Giang trong quá trình xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm phát triển theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo tiến độ quy định tại Luật Đầu tư công.
7. Về việc được sử dụng nguồn tăng thu hoặc nguồn thu hợp pháp khác để hợp đồng lao động:
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện theo quy định hiện hành đối với hợp đồng công việc hỗ trợ, phục vụ. Đối với hợp đồng chuyên môn thì nghiên cứu, tổng hợp vào Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho thành phố Phú Quốc để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
8. Về chủ trương xây dựng Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho thành phố Phú Quốc:
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý IV năm 2024.
9. Về thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố Phú Quốc:
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp và các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong Đề án cần làm rõ sự cần thiết, tính đặc thù đối với yêu cầu quản lý nhà nước về đô thị trên địa bàn thành phố Phú Quốc; đánh giá hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý trật tự đô thị của mô hình hiện nay; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, vướng mắc; đề xuất mô hình thí điểm kèm theo phân tích ưu điểm, nhược điểm và đánh giá tác động; trên cơ sở đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình thực hiện thí điểm, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý IV năm 2024.
10. Về việc thành lập huyện đảo Thổ Châu thuộc tỉnh Kiên Giang:
Giao Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương; trên cơ sở đó tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập huyện đảo Thổ Châu trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.
11. Về việc đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch; đầu tư cải tạo, nâng cấp (giai đoạn 2021 - 2025); triển khai lập thủ tục, đầu tư đường cất hạ cánh mới số 02 và xây dựng bổ sung nhà ga T2 với công suất 10 triệu hành khách/năm của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc:
- Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành trong tháng 5 năm 2024, để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
- Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đáp ứng công suất theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó bao gồm đường cất hạ cánh mới số 02, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.
12. Về việc điều chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới - Phú Quốc về Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quản lý:
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, đề xuất phương án xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh lãng phí tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.
13. Về cơ chế các chuyến bay quá cảnh các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Long Thành và nước thứ ba được đến thành phố Phú Quốc:
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ động làm việc với Bộ Giao thông vận tải để được hướng dẫn và có giải pháp vận chuyển phù hợp thu hút khách du lịch đến Phú Quốc.
14. Về việc sớm ban hành Nghị định quy định về khu phi thuế quan:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục thành lập Khu phi thuế quan, Quy chế hoạt động của Khu phi thuế quan trong khu kinh tế nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2024.
15. Về đề nghị người Việt Nam vào chơi casino sau thời gian thực hiện thí điểm tại Phú Quốc:
Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng sớm bố trí lịch làm việc của Bộ Chính trị để nghe báo cáo, đề xuất về những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh casino tại Việt Nam để cho chủ trương xử lý, trong đó có kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
16. Về cập nhật, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Phú Quốc:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ, cơ quan liên quan cập nhật, tổng hợp vào Báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ, trong đó có thành phố Phú Quốc, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 5 năm 2024.
17. Trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng Đề án phát triển tổng thể thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III năm 2024.
18. Giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo số 233/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”
- 2Công văn số 4276/VPCP-ĐP ngày 01/09/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc Báo cáo đề án Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
- 3Thông báo 286/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về Đề án nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo số 233/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”
- 2Công văn số 4276/VPCP-ĐP ngày 01/09/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc Báo cáo đề án Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
- 3Quyết định 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 5Thông báo 286/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về Đề án nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Luật đất đai 2013
- 7Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Chính phủ ban hành
- 8Luật Đầu tư công 2019
- 9Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 10Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 11Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- 12Luật Đất đai 2024
Thông báo 189/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 189/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 27/04/2024
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Đỗ Ngọc Huỳnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra