Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA

Ngày 30 tháng 5 năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã chủ trì cuộc họp để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VII. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước. Sau khi nghe Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và các đại biểu tham dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Quy hoạch điện VII có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Qua 4 năm thực hiện, ngành điện đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từ chỗ thiếu điện, đến nay không những cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng. Nhờ vậy, trong các tháng mùa khô năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nhu cầu điện tăng cao, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn có thể cam kết cung cấp đủ điện.

Có được các kết quả trên là nhờ có sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp ngành điện; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình nguồn và lưới điện; thu hút các nguồn vốn của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển các công trình nguồn điện.

Tuy vậy, một số dự án nguồn, lưới điện triển khai còn chậm, như các dự án nguồn điện: Sông Hậu 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Vĩnh Tân 4 mở rộng, các dự án đầu tư theo hình thức BOT và các dự án đường dây truyền tải điện,... cần phải có giải pháp thúc đẩy mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện những năm tới.

2. Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2016-2025 do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành than, dầu khí, ngành năng lượng và chiến lược phát triển nguồn năng lược tái tạo,... đây là các cơ sở quan trọng trong việc hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.

3. Các nội dung quan trọng cần giải quyết trong quá trình phát triển của ngành Điện trong thời gian là:

- Với công suất cần đưa vào hàng năm khoảng 4.000 MW đến 5.000 MW, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm khoảng 6 - 7 tỷ USD. Để đảm bảo thu xếp để nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành điện, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển nguồn điện, nhất là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

- Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện và tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào các dự án nguồn điện theo hình thức BOT.

II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ CÁC TẬP ĐOÀN

Đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án nguồn và lưới điện, cụ thể như sau:

1. Đồng ý giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thay chủ đầu tư dự án BOT Vĩnh Tân 3 (VTEC) thực hiện việc nạo vét vũng quay tàu và luồng hàng hải của cảng than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để bảo đảm cho tàu trọng tải lớn vào cung cấp than cho dự án Vĩnh Tân 4 từ giữa năm 2017.

2. Đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng công suất 360MW vào Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành giai đoạn 2019-2020. Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Năng lượng tính toán, cân đối trong đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.

3. Đồng ý các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam thực hiện bàn giao theo phương thức tăng giảm vốn sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Vũng Áng. Việc thu hồi vốn đầu tư của sân phân phối này sẽ được các Tập đoàn đàm phán, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Vũng Áng 1. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các Tập đoàn thực hiện.

4. Đồng ý việc sử dụng kết quả Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII áp dụng cho Đề án Chiến lược phát triển ngành điện nhằm tiết kiệm kinh phí cho Ngân sách nhà nước.

5. Đồng ý Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạm thanh toán đến 85% giá trị khối lượng công việc xây dựng, lắp đặt, gia công cơ khí trong nước hoàn thành, được nghiệm thu theo định mức, đơn giá trong tổng dự toán, tổng mức đầu tư điều chỉnh được Hội đồng thành viên Tập đoàn thẩm định, nghiệm thu, với điều kiện tổng giá trị thanh toán không vượt giá trị Hợp đồng EPC đã được phê duyệt.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Công Thương

- Đôn đốc các Bộ sớm có ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách thay thế cho Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn và lưới điện.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán của các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT: Duyên Hải 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong I, Nam Định, Hải Dương, Vũng Áng II. Phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi công dự án BOT Vĩnh Tân 1 trong năm 2015.

- Chỉ đạo đơn vị Tư vấn khẩn trương hoàn thành nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, Tập đoàn và ý kiến phản biện của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII; trong đó có một số nội dung như sau:

+ Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thực hiện chi tiết, cụ thể cân bằng công suất - điện năng giai đoạn 2017 - 2020. Trường hợp xuất hiện khả năng thiếu điện, đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

+ Giai đoạn sau năm 2020, thực hiện cân đối từng vùng, miền để lựa chọn phương án hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu tại chỗ trường hợp sự cố các đường dây liên kết. Các công trình liên kết 500 kV giữa các miền có vai trò hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, bảo đảm huy động thuận lợi các nguồn điện trong mùa mưa, mùa khô và huy động các nguồn điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện.

+ Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cân đối tiến độ và quy mô các nguồn điện phù hợp với khả năng cung cấp khí từ các mỏ khí; bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả các công trình nguồn điện và nguồn khí:

. Đối với nguồn khí từ mỏ Sư Tử Trắng: Trên cơ sở ưu tiên cấp đủ khí cho các nhà máy điện hiện có tại Phú Mỹ, Nhơn Trạch và công suất của đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn - Phú Mỹ, nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nguồn khí hiệu quả nhất cho phát điện (nhà máy điện Hiệp Phước, Nhơn Trạch 3,...).

. Đối với nguồn khí từ Lô B: Chính xác lại nhiệt trị của nguồn khí, cập nhật hiệu suất công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng của các tua bin khí để xác định cấu hình, công suất tối ưu tại các Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Ô Môn trên cơ sở đảm bảo đủ khí cho các dự án điện đã xây dựng và đã có nguồn vốn ở Trung tâm điện lực Ô Môn.

. Đối với nguồn khí từ mỏ PM3: Khả năng mua khí của Malaysia từ Lô PM3 để cung cấp khí bổ sung cho Trung tâm điện đạm Cà Mau. Nghiên cứu sự cần thiết của đường ống dẫn khí Kiên Giang - Cà Mau.

- Phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương làm việc với các Trung tâm nhiệt điện, từng nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành để thúc đẩy mạnh mẽ phương án sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng, đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2015.

- Sớm có văn bản hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về cơ chế thực hiện tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án Thái Bình 2.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào về các dự án thủy điện tại Nam Lào do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư làm cơ sở xem xét, điều chỉnh danh mục, quy mô các công trình lưới điện được đầu tư để đưa điện về Việt Nam.

- Tổng hợp, đánh giá kết quả tỷ lệ nội địa hóa của các dự án nhà máy nhiệt điện đã được thực hiện trong thời gian qua (Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1, Long Phú 1,…), đề xuất các giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dự án thực hiện cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2015.

- Chủ trì, cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về địa điểm xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3; đảm bảo dự án khả thi về kinh tế, tài chính, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khẩn trương xem xét, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án BOT nhiệt điện Duyên Hải II; có giải pháp đẩy nhanh quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nói chung.

3. Bộ Tấi chính:

- Sớm lựa chọn ngân hàng đầu mối cho công tác giải ngân nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới trong Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3).

- Khẩn trương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh nguồn vốn vay nước ngoài của các dự án Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 mở rộng của EVN.

4. Bộ Giao thông vận tải:

Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án, công trình sau:

- Hoàn thành đê chắn sóng phía Nam của Cảng Duyên Hải trong tháng 10 năm 2015 để tránh xảy ra bồi lắng bùn cát trong luồng và vũng quay tàu trong Cảng Duyên Hải.

- Sớm hoàn thành luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu để bảo đảm vận chuyển hàng hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 vào cuối năm 2017.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành của Thành phố và Ủy ban nhân dân các địa phương, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường dây 220kV: Thường Tín - Kim Động, Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2; các trạm biến áp 220kV: Long Biên, Tây Hà Nội để bảo đảm cung cấp điện cho Thành phố.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu để bảo đảm tải điện của tổ máy 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu vào vận hành vào cuối năm 2015.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng các đường dây 220 kV Cầu Bông - Đức Hòa, Cầu Bông - Hóc Môn - rẽ Bình Tân để có thể phát huy công suất của trạm biến áp 500 kV, bảo đảm cấp điện của Thành phố.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng các đường dây 220kV: Tân Định - Uyên Hưng; Phan Thiết - Phú Mỹ 2 để đảm bảo cấp điện cho các tỉnh.

6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để khắc phục hiện tượng quá tải tại một số thành phố lớn, khu vực trung tâm phụ tải bị quá tải; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng trong hệ thống điện.

- Khẩn trương đề xuất điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2015 và lộ trình tăng giá truyền tải điện để bảo đảm Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ, bảo đảm có tích lũy, có các chi tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính để có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

- Chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin độc lập phục vụ công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện nhằm nâng cao tính chủ động, an toàn, linh hoạt và hiệu quả hệ thống điện và phục vụ tốt cho việc phát triển thị trường điện trong thời gian tới.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn ngừa sự cố hành lang an toàn lưới điện; thực hiện công tác quản lý, vận hành để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định đường dây 500kV Bắc - Nam trong mọi tình huống; nhằm bảo đảm cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô cho các tỉnh phía Nam và bảo đảm an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt các giải pháp khắc phục bụi gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thải tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới (Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4,...).

- Phối hợp chặt chẽ với TKV, đảm bảo đầu tư đường dây 220 kV đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành của dự án thủy điện Đồng Nai 5.

- Khẩn trương thực hiện công tác thi công nạo vét luồng chung của Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải để có thể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn hơn, đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 sẽ hoàn thành xây dựng trong thời gian tới.

- Khẩn trương hoàn thành đàm phán với tổ hợp nhà thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 liên quan đến các hạng mục dùng chung của các dự án Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng; trên cơ sở đơn giá, định mức của các gói thầu tương tự đã thực hiện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Tập đoàn chỉ định nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công tác san gạt mặt bằng dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng để sớm khởi công xây dựng và không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án Vĩnh Tân 4.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án Ô Môn 3, Ô Môn 4; trong đó nghiên cứu cần phân tích, so sánh để lựa chọn công nghệ hiện đại đã được kiểm chứng và cấu hình phù hợp; bảo đảm hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nhiên liệu.

7. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

- Sớm đàm phán với đối tác Malaysia để mua khí từ Lô PM3 để cung cấp đủ khí cho Trung tâm điện đạm Cà Mau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Khẩn trương làm việc với các đối tác có liên quan đến việc phát triển các nguồn khí tại Lô B, Cá Voi Xanh, Sư Tử Trắng về trữ lượng, phương án phát triển mỏ, thời gian đưa khí vào bờ, giá khí,... báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo phát triển đồng bộ các dự án khai thác, vận chuyển khí, các dự án nguồn điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả tổng hợp tài nguyên khí.

8. Tập đoàn CN Than - Khoáng sán VN: Khẩn trương hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển than đồng bằng sông Cửu Long, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Thông báo: Số 456/TB-VPCP ngày 11 tháng 12 năm 2014, số 49/TB-VPCP ngày 12 tháng 02 năm 2015 và số 114/TB-VPCP ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các PTTgCP;
- Các Bộ: CT, TC, KH&ĐT, GTVT, XD, KH&CN, TN&MT, NN&PTNT, TP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Các thành viên Ban CĐNN QH điện VII;
- Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV;
- Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia;
- VP Ban CĐNN Quy hoạch điện VII;
- Viện Năng lượng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, V.III, HC;
- Lưu: VT, KTN (3b), v. (120)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 188/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 188/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 04/06/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản