Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG BÔXIT GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

Ngày 04 tháng 01 năm 2013, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bôxit giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (sau đây gọi là Quy hoạch). Tham dự họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng và Cao Bằng.

Sau khi nghe Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam báo cáo, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

Một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn như bôxit, titan, quặng sắt, ... là nguồn lực quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản còn nhiều bất cập, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường. Việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bôxit một cách thận trọng là cần thiết.

2. Về nội dung Quy hoạch:

Quy hoạch đã được Bộ Công Thương xây dựng công phu, trình tự, thủ tục tuân thủ các Quy định hiện hành; về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Quy hoạch. Tuy nhiên, để Quy hoạch có tính khả thi, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm hiệu quả tổng thể, cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, trong khi tiếp tục khẳng định mục tiêu lâu dài là xây dựng nền công nghiệp bôxit/nhôm, cần điều chỉnh một số mục tiêu cụ thể cho phù hợp yêu cầu thực tế. Định hướng như sau:

- Giai đoạn đến năm 2015: Hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất thí điểm hai nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ với tổng công suất khoảng 1,3 triệu tấn/năm, có sản phẩm ổn định để xuất khẩu; đồng thời hoàn thiện quy trình xử lý bùn đỏ, bảo đảm yêu cầu về môi trường.

- Giai đoạn đến năm 2020: Tiếp tục nâng cao trữ lượng xác minh ở khu vực Tây Nguyên, Bình Phước, phía Bắc... Trên cơ sở kết quả của hai dự án thí điểm, nghiên cứu phương án nâng tổng công suất hai nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ lên khoảng 2,6 triệu tấn/năm, gắn với quy hoạch các nhà máy điện phân nhôm; đồng thời với việc nâng cao hiệu quả tổng thể của quy hoạch dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, phương án vận tải hợp lý, bảo đảm tốt hơn về môi trường.

- Giai đoạn đến năm 2030: Căn cứ nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật (vận tải, cung cấp điện, nước), quy hoạch bổ sung các dự án nhà máy alumin để đạt tổng công suất khoảng 6 đến 7 triệu tấn/năm. Các dự án nhà máy alumin được đầu tư đồng bộ với các dự án điện phân nhôm để sử dụng tối đa sản phẩm alumin.

- Về phương án vận tải: Giai đoạn đến năm 2015 vận chuyển sản phẩm alumin từ các nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) bằng đường bộ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả số vốn đã bố trí để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông để vận chuyển alumin về cảng Gò Dầu theo tiến độ các dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Hoàn thành việc nghiên cứu, lựa chọn phương án vận chuyển tinh quặng và cảng tổng hợp phục vụ phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn sau năm 2015.

- Về địa điểm các nhà máy alumin, điện phân nhôm, hydroxit nhôm cần quy hoạch linh hoạt. Trên cơ sở đánh giá tổng thể các yếu tố tác động đến dự án, trước hết là sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật (vận tải, điện, nguồn nước), khả năng xử lý môi trường, nguồn nhân lực, khả năng tận dụng cơ sở hậu cần - dịch vụ, tác động lan tỏa của dự án và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội đối với địa phương và liên vùng, địa điểm các nhà máy sẽ được xác định thông qua việc lập Báo cáo khả thi đối với dự án cụ thể.

3. Về quy hoạch khai thác, chế biến quặng bôxit quy mô nhỏ: Có thể dự kiến khai thác, chế biến quặng bôxit với quy mô nhỏ đối với quặng bôxit khu vực miền Bắc nếu bảo đảm yêu cầu tổng thể về kinh tế - xã hội, môi trường của từng dự án cụ thể.

4. Giao Bộ Công Thương căn cứ định hướng trên đây, chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2013 để xem xét, báo cáo Bộ Chính trị.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT,TC, KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT, GTVT;
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN;
- UBND các tỉnh: Cao Bằng, Đắk Nông, Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Hữu Vũ, Trợ lý TTgCP, các Vụ: TH, KTTH, V.III;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 18/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bôxit giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 18/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 14/01/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản