Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2020 |
Ngày 21 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để bàn về kết quả công tác điều hành giá quý I/2020; định hướng công tác điều hành giá quý II và các tháng còn lại năm 2020. Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo, ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Ban Chỉ đạo điều hành giá cơ bản đồng ý nội dung báo cáo, nhận định đánh giá và đề xuất, kiến nghị của Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các ý kiến tại cuộc họp. Nhìn chung, mặt bằng giá quý I năm 2020 tăng khá cao so với cùng kì năm 2019 (5,56%), nhất là trong tháng 1 tăng 1,23%, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành giá của cả năm 2020; dẫn đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm (tăng 13,21%); nhất là mặt bằng giá mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao (80.000 - 86.000đ/kg lợn hơi), tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá của một số mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn,.. trên thị trường có diễn biến phức tạp, giá bị đẩy cao; mặt khác trong một số thời điểm, cục bộ có một bộ phận người dân đổ đi mua hàng dự trữ nhu yếu phẩm nên có những tác động nhất định tới tâm lý chung của toàn xã hội.
Trong quý I, nhất là tháng Tết và thời điểm cao điểm phòng chống dịch, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong từng lĩnh vực, địa bàn, nhất là tăng cường quản lý, điều hành giá. Hiện nay, các cấp, các ngành vẫn đang triển khai tốt công tác quản lý, điều hành giá theo kịch bản từ đầu năm; cơ bản không tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (nhất là giá điện), điều hành giá xăng dầu liên tục giảm theo giá thế giới và chủ động điều hành chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt đã góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thị trường, giá cả quốc tế, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; trong đó phải tăng cường quản lý giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết chống đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý... Đồng thời theo dõi sát, nắm bắt thông tin, phân tích dự báo và điều hành giá cả phù hợp với mục tiêu nhất quán là kiểm soát CPI dưới 4%, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp đề ra.
2. Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra và căn cứ các nghiên cứu, phân tích, đề xuất kịch bản điều hành giá đã được trao đổi, thảo luận làm rõ và thống nhất tại cuộc họp; Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Các nhiệm vụ, giải pháp chung:
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong thời gian diễn ra dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2020 và Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02 tháng 02 năm 2020 thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; công văn số 1771/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
- Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ, ngành địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương chung của Chính phủ là không thực hiện điều chỉnh giá trong quý II đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhất là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020. Trường hợp cần xem xét điều chỉnh trong năm 2020 thì chủ động tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ và thời điểm phù hợp để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá theo lộ trình giá thị trường, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế để tránh tác động đến an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát mục tiêu. Quan điểm nhất quán là việc điều chỉnh giá theo lộ trình không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
- Tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.... Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, thanh tra thị trường để xử lý vi phạm đối với các hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; Ban Chỉ đạo 389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu đề ra. Khẩn trương hướng dẫn triển khai các giải pháp liên quan đến ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ và đối tượng bị thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi cần nhu cầu vốn để tổ chức tái đàn, chăn nuôi. Bám sát mục tiêu điều hành lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 dưới 3%.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và giám sát thông tin mạng, không để những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá, góp phần kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.
b) Đối với công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu:
Yêu cầu các bộ quản lý ngành hàng, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương căn cứ quy định pháp luật hiện hành và diễn biến cụ thể giá cả, thị trường để có biện pháp quyết liệt trong điều hành, cụ thể như sau:
- Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động làm tăng CPI đã được nêu trong kịch bản điều hành giá:
+ Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan: (i) Tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng xăng sinh học theo chủ trương của Chính phủ; (ii) Sớm đẩy nhanh tiến độ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; (iii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất xăng dầu trong nước kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước gắn với việc điều hành giá đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
+ Điện: Cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Đối với chủ trương miễn, giảm giá trong 03 tháng cho một số đối tượng đã được Chính phủ thông qua, Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện chủ trương giảm giá điện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo. Đồng thời, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, chủ động thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để tránh trường hợp lỗ và treo các khoản lỗ khi thực hiện chương trình giảm giá điện theo như phương án được đề xuất để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây áp lực tăng giá trong năm 2021 và thời gian tới, nhất là ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí,…), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện trong khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.
+ Gas/LPG: Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai giá. Đồng thời, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý, giám sát nguồn cung trong nước và sản lượng nhập khẩu để kịp thời đề xuất các biện pháp đảm bảo nguồn cung phù hợp.
+ Thịt lợn
Để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng. Yêu cầu các bộ, ngành chức năng và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng từ nay đến hết quý III; đồng gửi Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp chung.
Chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán lợn hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý như chỉ đạo trên.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó đôn đốc các địa phương rà soát, công bố hết dịch để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình, tăng đàn bù đắp nguồn cung thiếu hụt; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý và an toàn dịch bệnh cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về cầu và giá cả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu đảm bảo nhập đủ số lượng thịt còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để bổ sung thịt lợn thiếu hụt trên thị trường từ nay đến quý III, không để thiếu nguồn cung thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trên cơ sở kế hoạch tái đàn, phát triển sản xuất và sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước hàng tháng, đánh giá cụ thể tình hình cung cầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án điều hòa cung cầu, trong đó có tính đến tiếp tục nhập khẩu bù đắp nguồn cung thiếu hụt (nếu cần thiết).
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi là đầu vào cho sản xuất, chăn nuôi lợn để kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Chính phủ giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, nếu cần thiết kiến nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất.
Bộ Công Thương:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm theo pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt lợn và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trái phép.
Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, khuyến khích yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý để thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn.
Bộ Tài chính:
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện quy trình để trình Chính phủ ban hành trong tháng 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn thông quan đối với lượng hàng thịt lợn nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn qua biên giới.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi theo kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi theo quy định pháp luật về giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các đơn vị truyền thông, báo chí đưa thông tin chính xác, tích cực, đa chiều, phản ánh đầy đủ về tình hình sản xuất, cung ứng, nhu cầu thịt lợn.
Chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tuyên truyền định hướng người tiêu dùng tăng cường sử dụng đa dạng các loại thịt lợn, trong đó tiêu dùng thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh đảm bảo chất lượng và các sản phẩm thay thế như thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện ngay việc công bố hết dịch tả lợn Châu Phi khi có đủ điều kiện theo quy định để tạo tâm lý tốt cho hộ chăn nuôi trên địa bàn và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho người sản xuất trên địa bàn tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm công bố hết dịch khi đã đủ điều kiện công bố và chậm triển khai hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch theo quy định. Chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan triển khai đồng bộ việc kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện tái đàn, tăng đàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thường xuyên đánh giá tình hình sản xuất, cân đối cung cầu của mặt hàng thịt lợn nói riêng và các loại sản phẩm thịt thay thế để tuyên truyền người tiêu dùng có định hướng sử dụng để tránh tình trạng giá cả, cung cầu của các mặt hàng quá cao hoặc quá thấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển thịt lợn trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định theo thẩm quyền.
+ Thóc, gạo:
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường thóc gạo để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường; giải pháp đối với việc xuất khẩu gạo thống nhất nguyên tắc tôn trọng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia và quyền lợi của người nông dân, người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả trong nước, tình hình xuất khẩu trong những tháng tới và tác động của đại dịch Covid-19 để kịp thời có giải pháp điều hòa cung cầu; trước mắt xây dựng kế hoạch điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ (lúa gạo vụ Hè Thu) nhằm đảm bảo cung cầu thực tế, cân đối phù hợp nhu cầu trong nước và cân đối xuất khẩu.
- Đối với một số mặt hàng khác, căn cứ yêu cầu đặt ra để có giải pháp điều hành phù hợp trong từng giai đoạn; cụ thể như sau:
+ Vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh:
Bộ Y tiếp tục đánh giá tình hình và kịp thời trình Chính phủ các biện pháp quản lý giá khẩu trang y tế phù hợp trên cơ sở nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích hài hòa của người sản xuất, lưu thông phân phối và tiêu dùng. Trường hợp diễn biến tiếp tục vẫn giữ ở mức cao như hiện nay hoặc tiếp tục tăng giá thì Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn.
Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và theo quy định của pháp luật về giá để chủ động đánh giá sự cần thiết; trên cơ sở đó thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp kê khai giá khẩu trang, nước sát khuẩn tay, hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh, hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh.
Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế, đặc biệt là các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành may mặc chủ động nguyên liệu, lập kế hoạch sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ nhu cầu của nhân dân; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong tìm kiếm, nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất khẩu trang theo quy định; chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng trục lợi, thao túng giá, tăng giá bất hợp lý.
+ Dịch vụ hàng không, BOT: Bộ Giao thông vận tải sớm có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành triển khai việc thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT.
+ Sách giáo khoa: Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014; giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của phụ huynh, học sinh. Đối với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm học 2021 - 2022, trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành; đồng thời, đề nghị các Nhà xuất bản rà soát phương án giá đã kê khai, trong đó đề nghị kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng.
+ Nước sạch cho sinh hoạt: Các địa phương có trách nhiệm căn cứ ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 2725/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ, phí, lệ phí và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời căn cứ hướng dẫn thi hành tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án triển khai phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
+ Vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi diễn biến giá trên thị trường vật liệu xây dựng đặc biệt khi các dự án trọng điểm trong năm 2020 được triển khai, nhất là giá thép (do ảnh hưởng nhiều từ nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu) và giá cát (do tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn); giá thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt là đối với loại hình nhà ở riêng lẻ và loại hình văn phòng cho thuê; kịp thời nắm bắt diễn biến về giá của các loại vật liệu, phân khúc nhà ở thương mại đang có xu hướng biến động tăng giá trên thị trường nhằm có những biện pháp quản lý, điều chỉnh cung cầu phù hợp và kịp thời, đảm bảo mục tiêu ổn định giá thị trường vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, không gây biến động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung trong năm 2020.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu cũng như tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào trong nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
4. Các hiệp hội ngành nghề (trong đó có Hiệp hội người tiêu dùng,...) chủ động tham gia tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức là thành viên và người dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách điều hành, quản lý giá của Nhà nước để tránh lạm phát kỳ vọng và tâm lý tiêu dùng tiêu cực, như tích trữ hàng hóa hơn mức nhu cầu cần thiết tạo khan hiếm giả trên thị trường...
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì xây dựng các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng bị tác động bởi đại dịch Covid-19), đánh giá tác động tới mặt bằng giá cả, chỉ số giá CPI của các gói hỗ trợ trong quá trình theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá giải pháp xử lý phù hợp.
6. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng tiến độ, điều hành giá đúng kịch bản đã được Ban chỉ đạo điều hành giá thông qua nhằm kiểm soát mặt bằng giá, kiểm soát CPI theo mục tiêu dưới 4% và những nội dung khác thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ được phân công, triển khai thực hiện. Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo quý II.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 845/TB-BCĐĐHG năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27 tháng 09 năm 2019
- 2Công văn 8907/VPCP-KTTH về Thông báo kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27 tháng 9 năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20 tháng 3 năm 2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 9021/VPCP-KTTH về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 223/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13 tháng 8 năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 293/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý III năm 2021 ngày 26 tháng 10 năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Thông báo 193/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá Quý I năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn do Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Luật giá 2012
- 3Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 4Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Quốc hội ban hành
- 5Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế
- 6Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan
- 7Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan
- 8Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế
- 9Thông báo 845/TB-BCĐĐHG năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27 tháng 09 năm 2019
- 10Công văn 8907/VPCP-KTTH về Thông báo kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27 tháng 9 năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 3/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp tổng kết năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Thông báo 35/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 31 tháng 01 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Công văn 1771/VPCP-KTTH năm 2020 về bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 15Thông báo 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20 tháng 3 năm 2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 16Công văn 9021/VPCP-KTTH về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 17Thông báo 223/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13 tháng 8 năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 18Thông báo 293/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý III năm 2021 ngày 26 tháng 10 năm 2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 19Thông báo 193/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá Quý I năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 178/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 178/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 12/05/2020
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Thị Thu Vân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra