Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 176/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 16 tháng 3 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ Giao thông vận tải. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và đại điện lãnh đạo một số các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016 - 2021, hệ thống các cơ quan của Chính phủ đã cơ bản được hoàn thiện. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải đã được Chính phủ ban hành. Tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động ngành Giao thông vận tải đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành đã nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong hoạt động, nhất là lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cần bám sát và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang là nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số bất cập, tồn tại đã làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của Bộ như: thể chế, chính sách còn nhiều vướng mắc (đặc biệt là các luật liên quan như: Luật đầu tư năm 2014, Luật đầu tư công năm 2014, Luật xây dựng năm 2014, Luật các tổ chức tín dụng...); cơ chế chính sách về đầu tư PPP chưa khuyến khích các nhà đầu tư; không đồng bộ trong phối hợp triển khai các phương thức vận tải. Nhìn chung đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Giao thông vận tải có năng lực chuyên môn cao, đạt nhiều thành quả tốt; tuy nhiên, một bộ phận cán bộ chưa thực sự năng động, sáng tạo, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc; tình trạng thiếu vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông (chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu); công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, nhất là các dự án BOT;...

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết số 13-NQ/TW) đã chỉ rõ "Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì vậy, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) là giải pháp thu hút đầu tư quan trọng, cần tập trung tháo gỡ để triển khai trong thời gian tới.

II. MỘT SỐ YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát triển kinh tế - xã hội trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, cần tập trung thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ sau:

1. Phát huy truyền thống "đi trước mở đường", tính sáng tạo của Ngành để có các giải pháp phát triển giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

2. Tiếp tục tập trung thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Nghị quyết số 13-NQ/TW; phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, trong đó tập trung phát triển vận tải thủy nội địa, các tuyến vận tải thủy ven biển; đẩy mạnh vận tải đa phương thức;

3. Huy động chủ yếu nguồn lực từ xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và một phần vốn để hỗ trợ (dựa trên quan điểm "vốn mồi") tăng tính khả thi của dự án để khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả các công trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông); sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư có hiệu quả; mọi cấp, mọi ngành tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, kể cả nguồn thu từ cổ phần hóa, cho thuê, chuyển nhượng hạ tầng...; tập trung nghiên cứu đầu tư các công trình hưởng lợi cho nhiều người, như các tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa...;

4. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển giao thông vận tải trong tất cả các lĩnh vực như điều hành bay, thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương thức điện tử tự động không dừng, thi công cầu lớn, hầm...;

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải, phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong liên kết vùng, trước hết là với các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc và các quốc gia có tuyến giao lưu hàng hải;

6. Chú trọng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đi liền với chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực: hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải;

7. Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, có cơ chế đầu tư phù hợp như hỗ trợ xi măng và huy động nhân công từ nhân dân...; phát triển giao thông đường thủy nội địa, tạo điều kiện phát triển logistics;

8. Nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong quyết định chủ trương đầu tư phát triển giao thông vận tải;

9. Rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế; bãi bỏ, sửa đổi các chính sách làm cản trở phát triển, nhất là chính sách về đầu tư PPP để thu hút nguồn vốn đàu tu từ khu vực tư nhân;

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ động, chủ trì xây dựng cơ chế đặc thù trong phát triển giao thông vận tải, bao gồm cả cơ chế đầu tư PPP và các cơ chế, chính sách khác. Các cơ chế dựa trên tinh thần đổi mới, đa dạng; vai trò chủ trì cần chủ động trong phối hợp với các bộ, ngành liên quan; tập trung huy động mọi nguồn lực, chú trọng nguồn ODA để phục vụ phát triển giao thông vận tải.

10. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Công an khẩn trương xử lý, tháo gỡ các bất cập trong phân bổ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông, xử lý đường ngang dân sinh và phân luồng các tuyến xe khách.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Về huy động vốn đầu tư PPP: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn vốn, xây dựng thể chế để tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư PPP.

2. Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Yêu cầu thực hiện xã hội hóa tối đa trên cơ sở kêu gọi đầu tư các nhà ga, đường lăn, sân đỗ; ACV chi giữ tỷ lệ nhỏ cổ phần; Nhà nước quàn lý các lực lượng an ninh, hải quan, xuất nhập cảnh và một số sân Bay không xã hội hóa được như Sân bay Nà Sản...

3. Về Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hợp đồng với Nhà đầu tư, có biện pháp thúc đẩy triển khai Dự án, trường hợp cần thiết thì thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định (cần xem xét chế tài phạt do nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng).

4. Về Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các dự án đầu tư BOT khác: về nguyên tắc cần thực hiện đúng quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Bộ Giao thông vận tải lập phương án tài chính rõ ràng, khả thi (dự án có khả năng hoàn vốn) để làm cơ sở các ngân hàng xem xét cho vay vốn; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự, đủ khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo đúng tỷ lệ quy định. Giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định kỹ dự án tnrớc khi xem xét cung cấp tín dụng.

5. Trong khi chưa sửa đổi các Luật có liên quan, giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi các Nghị định hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc, cụ thể:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi các Nghị định: số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; số 15/201NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

b) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc liên quan đến Luật các tổ chức tín dụng, đề xuất các giải pháp để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, TN&MT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
-VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, QHĐP, V.I, TH;
- Lưu: VT, CN (3). Ha

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 176/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 176/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/04/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản