Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ MINH KHÁI TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CUNG CẤP DỊCH VỤ BẢO HIỂM NHÂN THỌ THỜI GIAN QUA

Ngày 18 tháng 4 năm 2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; đại diện các Bộ: Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kết luận như sau:

1. Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ, số lượng người tham gia bảo hiểm ngày càng tăng (giai đoạn 2018-2022, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%/năm), góp phần thực hiện an sinh xã hội, huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vừa qua một số phương tiện truyền thông đưa tin phản ánh của người dân liên quan tới việc tham gia bảo hiểm nhân thọ như: có tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm; doanh nghiệp/đại lý bảo hiểm giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, thiếu minh bạch, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng tham gia bảo hiểm; chất lượng dịch vụ sau bán hàng chưa tốt,…

2. Các loại hình sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay được cung cấp trên thị trường ngày càng phong phú, trong đó có các sản phẩm rất phức tạp như bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. Bộ Tài chính đã báo cáo một số nguyên nhân dẫn đến tình hình như thời gian qua là do đặc thù của hợp đồng bảo hiểm là dài hạn, có nhiều thuật ngữ chuyên môn sâu; việc giao chỉ tiêu doanh số bán hàng; tâm lý của người tham gia bảo hiểm và việc kiểm soát chất lượng dịch vụ sau bán hàng.

3. Để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân khi tham gia bảo hiểm, yêu cầu các Bộ, cơ quan tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau đây

a) Bộ Tài chính:

- Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, trong đó nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng;

- Nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định hiện hành và triệt để khắc phục những bất cập trong triển khai bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua;

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm về tình hình thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm;

- Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định, thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

- Tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường bảo hiểm; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý trong trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, làm rõ thông tin phản ánh về các tồn tại, bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng; tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm; có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đưa thông tin chính xác, trung thực, khách quan; xử lý nghiêm theo quy định các cá nhân, tổ chức có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bảo hiểm (nếu có).

d) Bộ Công an phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự của thị trường, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, PTTg Lê Minh Khái;
- Các Bộ, cơ quan: Tài chính, TTTT, Công an, KHĐT, Công Thương, Tư pháp, NHNN;
- Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, PL;
- Lưu: Văn thư, KTTH (2b).N.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 152/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 152/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/04/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản