Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 148/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2025 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH ĐỊNH
Ngày 22 tháng 03 năm 2025, tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Định; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 VÀ 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2025; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
1. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025
Năm 2024, tỉnh Bình Định đã đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,78%, xếp thứ 26/63 địa phương; quy mô kinh tế đạt 130.800 tỷ đồng, xếp thứ 25/63 địa phương. GRDP bình quân đầu người đạt 86,1 triệu đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Xuất khẩu đạt 1,752 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, đạt trên 9,2 triệu lượt khách, vượt 67% kế hoạch năm; nhiều sự kiện lớn, mới, mang tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 16.572 tỷ đồng, vượt 14,4% dự toán và tăng 30,9% so với năm 2023. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được nâng lên; phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai tích cực với những cách làm sáng tạo. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động... được chú trọng. Bình Định trở thành điểm sáng về chuyển đổi số trong cả nước, là một trong 02 địa phương thuộc nhóm “Xuất sắc” và dẫn đầu cả nước về “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp”. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tỉnh Bình Định tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như đã nêu tại Báo cáo số 491-BC/TU ngày 19 tháng 3 năm 2025 của Tỉnh ủy Bình Định.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả nổi bật mà tỉnh Bình Định đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
2. Quan điểm định hướng
Năm 2025, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời lưu ý một số nội dung sau:
a) Bình Định cần thể hiện tốt hơn nữa vai trò tiên phong, đi trước mở đường; phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh và vươn lên giữ vai trò, vị trí quan trọng ở khu vực miền Trung. Tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; không trông chờ, ỷ lại, không nản chí khi gặp khó khăn, thách thức.
b) Triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với phương châm tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải; phân công công việc phải bảo đảm 06 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và rõ thẩm quyền.
c) Khi giải quyết công việc, nhất là trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để phục vụ trên tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói là phải làm, đã hứa thì phải thực hiện; đã làm thì phải có sản phẩm cân đong đo đếm được.
d) Rà soát lại cách huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển theo phương châm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo và sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài kết hợp với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
đ) Khắc phục tâm lý e dè, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo tinh thần “3 có”, “02 không”: “3 có” là có lợi ích của nhà nước, lợi ích của người dân và lợi ích của doanh nghiệp theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; “2 không” là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, tài nguyên của đất nước,
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
a) Tổ chức tốt các ngày Lễ lớn trong năm 2025 như: Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm ngày thành lập Nước, 80 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân bảo đảm mục đích, ý nghĩa và trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả.
b) Tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong các cấp chính quyền, trong Nhân dân; đồng thời không để ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, các nhiệm vụ, công việc khác.
c) Bên cạnh việc xây dựng kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp và phân công, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp, từng ngành để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2025 và đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới; Tinh cần chú trọng khâu tổ chức, thực hiện, kiểm tra, đôn đốc và huy động sự tham gia tích cực của mọi người dân, doanh nghiệp. Có giải pháp làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch; các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu ...).
d) Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó cần xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Định; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đạt hiệu quả.
đ) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, tự chủ hơn và quyết liệt hơn nữa về 3 đột phá chiến lược nhưng phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Tập trung nguồn lực, trong đó có việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả tài sản công, nhất là trụ sở sau khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã để phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
e) Thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ. Tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó chú trọng công tác tư tưởng; đồng thời tham gia, đóng góp ý kiến cho các văn kiện của Đại hội Đảng cấp trên, đặc biệt là về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
g) Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bình Định. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thành sớm việc xóa nhà tạm, nhà dột nát; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; quan tâm, thúc đẩy, phối hợp tốt với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn.
h) Đẩy mạnh huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa cả nguồn lực bên trong (nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng núi, không gian biển, không gian lòng đất, không gian vũ trụ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...) và nguồn lực bên ngoài (đầu tư nước ngoài, các khoản đầu tư của xã hội...). Đa dạng hóa cách huy động nguồn lực theo các mô hình hợp tác công tư như: “lãnh đạo công, quản trị tư”; “đầu tư tư, sử dụng công”; “đầu tư công, quản lý tư”.
i) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đặc biệt là các tổ chức đảng ở cơ sở, gắn với tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
II. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
1. Đối với dự án đầu tư đường cất hạ cánh số 2 Cảng hàng không Phù Cát:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định rà soát chi phí đầu tư hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, phấn đấu khởi công dự án trong tháng 8 năm 2025.
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất phương án nguồn vốn theo hướng ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương 50% tổng kinh phí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2025.
2. Đối với việc đầu tư các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát:
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu thực hiện chủ trương xã hội hóa theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ và làm việc với Bộ Xây dựng để chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế khi có đủ điều kiện theo quy định.
3. Đối với dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku:
- Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1205/VPCP-CN ngày 14 tháng 02 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ; lập dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 05 năm 2025; phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Bộ Xây dựng rà soát nhu cầu sử dụng vốn và xem xét, tổng hợp dự án vào phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tinh thần là ưu tiên cho tuyến cao tốc Bắc - Nam, chuẩn bị kỹ công tác chuẩn bị đầu tư cho các tuyến Đông - Tây. Báo cáo dự án cho các cấp thẩm quyền.
4. Đối với tuyến đường ven biển đoạn Mỹ Thành đến cầu Lại Giang (thuộc dự án thành phần 2 thuộc Dự án phát triển tích hợp thích ứng - tỉnh Bình Định, vay vốn WB):
Bộ Tài chính khẩn trương làm việc, thống nhất với Ngân hàng Thế giới (WB) và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đàm phán Hiệp định cho Dự án theo quy định, báo cáo Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2025.
5. Về kiến nghị bố trí vốn cho các dự án hạ tầng giao thông khác (Tuyến đường kết nối từ Cao tốc Bắc - Nam đến KCN Phù Mỹ và Bến cảng Phù Mỹ; 05 tuyến đường kết nối giữa cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định; 02 đoạn tuyến đường ven biển):
- Việc đầu tư các dự án như kiến nghị của Tỉnh là cần thiết; tuy nhiên đây là các dự án dự án do địa phương quản lý, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, tỉnh Bình Định cần rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và chủ động cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu phương án huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư (xã hội hóa đầu tư, đầu tư theo phương thức PPP, ...).
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương khi có nguồn, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Nhưng tỉnh phải chủ động lập phê duyệt dự án, triển khai theo thẩm quyền.
6. Về kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản những khu vực bị chồng lấn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật:
Giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Bình Định và kiến nghị tương tự của các địa phương khác; đề xuất phương án xử lý trong quá trình rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 1866/VPCP-CN ngày 08 tháng 3 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ.
7. Về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương:
Giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ kiến nghị của tỉnh Bình Định trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương theo Kết luận số 123-KL/TW ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
8. Về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ kiến nghị của tỉnh Bình Định trong quá trình xây dựng dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số, sửa đổi các Luật thuế, Luật Lao động và các luật có liên quan theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
9. Về kiến nghị sớm phân bổ kinh phí để hỗ trợ người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2025:
- Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ cho các địa phương (trong đó có tỉnh Bình Định), hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
- Tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo để triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 31 tháng 10 năm 2025.
10. Về các kiến nghị đối với phát triển nhà ở xã hội (được chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội; mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội):
Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ kiến nghị của tỉnh Bình Định và khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 2254/VPCP-CN ngày 18 tháng 3 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ.
11. Về kiến nghị ưu tiên phân bổ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cho tỉnh Bình Định:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Bình Định và xử lý trong quá trình chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình.
12. Về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ, sớm giải quyết đề nghị của các địa phương liên quan công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chuẩn bị đầu tư... để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo:
Đồng ý với kiến nghị của Tỉnh; giao Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn tỉnh Bình Định trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, quy hoạch chung đô thị mới Tuy Phước; đẩy nhanh tiến độ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
13. Về kiến nghị xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng khu hành chính tại Khu kinh tế Nhơn Hội:
Việc đầu tư xây dựng khu hành chính tại Khu kinh tế Nhơn Hội phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2023. Tỉnh Bình Định quyết định theo thẩm quyền việc xây dựng khu hành chính tại Khu kinh tế Nhơn Hội, bảo đảm phù hợp với tiêu chí, định mức sử dụng và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
14. Về kiến nghị cho phép sử dụng nguồn thu từ bán đấu giá tài sản công sau khi sắp xếp lại hệ thống trụ sở để đầu tư xây dựng;
Giao Bộ Tài chính tổng hợp kiến nghị của tỉnh Bình Định và kiến nghị tương tự của các địa phương khác; nghiên cứu, xem xét việc xử lý tài sản công nói chung và hệ thống trụ sở nói riêng sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước để có các chính sách phù hợp, hiệu quả; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Văn phòng Chính phủ trân trọng thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Bộ luật Lao động 2019
- 2Thông báo 59/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1619/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2025 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Chính phủ ban hành
Thông báo 148/TB-VPCP năm 2025 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 148/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 02/04/2025
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Trịnh Mạnh Linh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra