Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 148/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC NGÔ THỊNH ĐỨC VỀ BÁO CÁO CUỐI KỲ DỰ ÁN MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1A ĐOẠN: PHAN THIẾT – ĐỒNG NAI (KM1695-KM1851+714) TỈNH BÌNH THUẬN VÀ ĐỒNG NAI.

Ngày 10/04/2010 tại Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức đã chủ trì hội nghị thẩm định Báo cáo cuối kỳ dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn: Phan Thiết – Đồng Nai (Km1695-Km1851+714) tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Tham dự cuộc họp có đ/c Nguyễn Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; lãnh đạo các Sở: GTVT, KHĐT, TNMT, XD và lãnh đạo các huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận; lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai; và lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị thuộc Bộ GTVT: Vụ KHĐT, Vụ TC, Vụ KHCN, Vụ KCHT GT, Cục QLXD&CL CTGT, Văn phòng Bộ GTVT phía Nam, Ban QLDA 1 và Tư vấn lập dự án (Liên danh Tư vấn Trường Sơn – TECCO 1).

Sau khi nghe Tư vấn lập dự án báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong đó tại điểm a Khoản 1 Mục III đã nêu “Quốc lộ 1 từ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau), dài 2434km, hoàn thiện toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; mở rộng một số đoạn có lưu lượng lớn đạt tiêu chuẩn đường cấp II, với 4 làn xe; thay thế toàn bộ các cầu yếu; xây dựng các tuyến tránh cần thiết tại các đô thị; hoàn thành xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng (Thừa Thiên Huế), đèo Cả (Phú Yên)”.

Mặc dù đã có quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhưng việc đầu tư cần phải huy động nhiều nguồn lực, thực hiện trong thời gian dài. Nhằm đáp ứng trước mắt khả năng lưu thông trên QL1, Bộ đã cho đầu tư mở rộng một số đoạn trọng yếu như: đoạn Giẽ – Ninh Bình ở phía Bắc, đoạn TP Hồ Chí Minh -Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ ở phía Nam, hiệu quả rõ rệt. Trên cơ sở báo cáo của Tư vấn và ý kiến của 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, hiện nay kinh tế các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch nên mật độ xe từ TP.HCM đến các tỉnh tăng đột biến, vì vậy việc đầu tư mở rộng QL.1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai là bức thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng.

2. Về các nội dung của dự án đầu tư:

- Điểm đầu dự án: Là điểm cuối dự án BOT tuyến tránh Phan Thiết (Khoảng Km17 theo lý trình dự án tuyến tránh Tp. Phan Thiết và Thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận)

- Điểm cuối dự án: Điểm đầu tuyến tránh Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

- Quy mô đầu tư: Theo nguyên tắc giữ nguyên trắc dọc (châm chước độ dốc dọc đoạn đèo Mẹ bồng con) để mở rộng tuyến đường QL1 hiện hữu đảm bảo quy mô 4 làn xe, 2 làn xe thô sơ, bố trí dải phân cách bằng BTCT ở giữa.

- Đối với các đoạn qua các thị trấn, thị tứ: Rà soát bổ sung đầy đủ thị trấn, thị tứ vào Dự án; thống nhất quy mô như Tư vấn đề xuất.

- Mặt đường: Không thi công 50 km còn lại trong Dự án nâng cấp, cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB4); Các đoạn khác đã được thi công trong Dự án WB4, giao Vụ KHCN, Vụ KCHT GT, Chủ đầu tư và Tư vấn nghiên cứu chọn giải pháp xử lý cường độ mặt đường, Vụ KHCN chủ trì và báo cáo Bộ trước ngày 25/04/2010.

- Công trình:

+ Cầu: Thống nhất thành lập tổ công tác của Bộ GTVT bao gồm: Vụ KHCN chủ trì , Vụ KCHT GT, PMU 1, Vụ KHCN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở GTVT: Bình Thuận, Đồng Nai đi kiểm tra, đánh giá cụ thể tình trạng của tất cả các cầu trên tuyến.

+ Rà soát, kiểm tra lại việc bố trí các trạm dừng xe và các vị trí quay đầu xe trên tuyến theo quy định. Chủ đầu tư, Tư vấn lập dự án làm việc cụ thể với 2 Sở GTVT: Bình Thuận và Đồng Nai.

+ Chiếu sáng: Bố trí chiếu sáng tại thị trấn, thị tứ trên nguyên tắc địa phương phải trả chi phí điện chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng của Đồng Nai thì sẽ di dời để dùng lại.

- Giải phóng mặt bằng: Tách phần GPMB cho các Tỉnh thực hiện, kinh phí do địa phương chịu và các địa phương xin cơ chế của Chính phủ về kinh phí GPMB.

- Đồng ý chỉ số tăng trưởng GDP của các địa phương là 12%.

- Không đưa vào dự án tuyến tránh thị xã Long Khánh.

- Chủ đầu tư, Tư vấn lập dự án phối hợp với Nhà đề xuất dự án tuyến tránh QL 1A đoạn qua Tp. Phan Thiết và Thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận để xác định chính xác vị trí điểm đầu dự án.

3. Chủ đầu tư, Tư vấn lập dự án khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo quy định để trình Bộ GTVT trước ngày 30/04/2010.

4. Giao Vụ KHĐT và PMU 1 tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản gửi các Tỉnh để thống nhất quy mô, hướng tuyến, công tác GPMB (Do các địa phương tự thực hiện).

5. Tiến độ:

- Tư vấn thẩm tra có báo cáo thẩm tra dự án trước ngày 20/04/2010.

- Công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu, cống trên tuyến hoàn thành trước ngày 25/04/2010.

- Phê duyệt dự án trước ngày 25/05/2010.

Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT, Văn phòng Bộ GTVT xin thông báo tới các thành phần tham dự họp biết để cùng phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
Bộ trưởng (để b/c);
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức (để b/c);
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng (để b/c);
Các đơn vị dự họp;
Lưu VP, KHĐT (3 bản).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 148/TB- BGTVT kết luận của Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức về Báo cáo cuối kỳ dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn: Phan Thiết – Đồng Nai (Km1695-Km1851+714) tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 148/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 19/04/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản