VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 25 tháng 5 năm 2011, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự buổi làm việc có đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về kết quả hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua, phương hướng hoạt động trong thời gian tới và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
Giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với ổn định chính trị - xã hội. Chính sách tín dụng ưu đãi là một trong các chính sách quan trọng hỗ trợ giảm nghèo, giúp người nghèo giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo. Cùng với các hỗ trợ trực tiếp chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi đã tạo được các điều kiện thực tế để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận, vay được vốn để họ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống.
Hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện chính tín dụng ưu đãi, đã đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo. Sự kết hợp các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hoạt động của tổ Tiết kiệm và vay vốn là một mô hình hiệu quả của NHCSXH và phù hợp với điều kiện của nước ta.
Sau hơn 8 năm hoạt động, NHCSXH đã triển khai được trên 10.000 điểm giải ngân đến tận xã để đưa tín dụng chính sách đến gần với người nghèo, đã cho vay trên 10 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần giúp trên 2 triệu hộ thoát nghèo. Đa số người nghèo sử dụng có hiệu quả vốn vay và có ý thức tốt trong việc hoàn trả vốn vay; một bộ phận người nghèo sau khi vay vốn đã biết cách làm ăn, vượt qua đói nghèo và vươn lên khá giả.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian qua còn một số hạn chế: do thiếu sự thống nhất về đối tượng và mức độ hỗ trợ của các chính sách tín dụng ưu đãi đã được ban hành; nhu cầu về tín dụng lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, khả năng huy động của NHCSXH còn hạn chế nên chưa đảm bảo đủ nhu cầu vay. Chưa có các cơ chế phù hợp đảm bảo cho NHCSXH hoạt động chủ động, ổn định để thực chiến các chính sách tín dụng ưu đãi mà Chính phủ ban hành.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi trong thời gian tới, đảm bảo cho NHCSXH hoạt động ổn định, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan cần thực hiện một số nội dung sau:
1. Phải tập trung xây dựng cho được Chiến lược phát triển của NHCSXH giai đoạn 2011 -2015 tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể, rõ ràng gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược giảm nghèo của Quốc gia. Trong đó:
- Tín dụng chính sách là để Nhà nước hỗ trợ lãi suất giúp người nghèo tiếp cận, vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh để từng bước giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.
- Đối tượng phục vụ chủ yếu và thường xuyên của NHCSXH là hộ nghèo. Nhà nước sẽ uỷ thác NHCSXH thực hiện cho vay một số đối tượng khác để giải quyết một số mục tiêu cụ thể trong một thời gian nhất định.
- Tín dụng chính sách được phân loại theo vùng và áp dụng cho nhóm đối tượng khác nhau với mức hỗ trợ khác nhau.
- Nguồn vốn được xác định hợp lý trên cơ sở nhu cầu cần thiết và khả năng ngân sách nhà nước, khả năng tự huy động của NHCSXH, các nguồn vốn đóng góp của xã hội, nguồn vốn ODA ưu đãi...
- Để đảm bảo cho NHCSXH hoạt động chủ động, ổn định, an toàn, cần xác định cụ thể hoạt động tín dụng và dịch vụ mà NHCSXH được phép thực hiện; đồng thời xây dựng và tổ chức hoạt động tốt cơ chế bù đắp rủi ro, thanh tra, giám sát, quản trị hợp lý.
2. Về nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác:
Trên cơ sở định hướng của Chiến lược phát triển của NHCSXH giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020 sửa đổi quy định của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với yêu cầu và tình hình mà Chiến lược đặt ra.
3. Trong Quí III năm 2011, NHCSXH phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược và Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP .
4. Để đảm bảo cho NHCSXH có vốn cho vay học sinh, sinh viên, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 25 tháng 2 năm 2011 về vốn cho vay học sinh, sinh viên, trên cơ sở mức cho vay sẽ tăng lên 1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2011 theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
- 2Quyết định 853/QĐ-TTg năm 2011 về điều chỉnh mức cho vay và lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 160/TB-VPCP năm 2016 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 135/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 135/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 07/06/2011
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2011
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định