Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Ngày 22 tháng 4 năm 2011, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đồng chủ trì Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy. Tham dự Hội nghị có: lãnh đạo Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội; các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp của 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương có nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài); đại diện một số cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và địa phương.

Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những tác động xã hội của hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài và các ý kiến tham luận, trao đổi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:

1. Thời gian qua, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc xác lập quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Công tác quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã từng bước được nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác giáo dục, tuyên truyền, phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương và địa phương được triển khai thường xuyên, đồng bộ hơn; việc đăng ký kết hôn, công nhận việc kết hôn, giải quyết những vấn đề liên quan đến quốc tịch của cô dâu Việt Nam, bảo vệ và hỗ trợ cô dâu Việt Nam ở nước ngoài về cơ bản đã đi vào nền nếp, bảo đảm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình với người nước ngoài. Bước đầu thành lập và đưa vào hoạt động các Trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Ở một số địa phương, nhiều trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới người nước ngoài, phổ biến là với nam giới Hàn Quốc, Đài Loan, còn mang nặng mục đích kinh tế, hoặc mang tính trào lưu, còn nhiều trường hợp thông qua môi giới trái phép. Tại các tỉnh biên giới, nhiều trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và nam giới nước ngoài không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai nước; tại một số địa phương có dự án đầu tư của nước ngoài có hiện tượng phụ nữ Việt Nam chung sống như vợ chồng với chuyên gia, công nhân nước ngoài mà không đăng ký kết hôn; tại một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện một số nam giới gốc Phi không có giấy tờ, lý lịch rõ ràng, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam. Hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới người nước ngoài vì mục đích kinh tế, mang tính trào lưu hoặc thông qua môi giới trái phép nên gia đình không hạnh phúc phải tìm cách quay trở lại Việt Nam, phải mang hoặc gửi con về cho gia đình ở Việt Nam nuôi, làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính (thừa nam, thiếu nữ) ở Việt Nam.

Tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là việc thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa hiệu quả, đầy đủ (như việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, chấm dứt tình trạng môi giới kết hôn bất hợp pháp); công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra chưa thật sự hiệu quả; việc phát hiện, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý hành vi vi phạm chưa đủ mạnh; hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận dân cư còn nhận thức lệch lạc về việc kết hôn với người nước ngoài (coi lấy chồng người nước ngoài là một giải pháp để cải thiện kinh tế gia đình, thay đổi hoàn cảnh sống).

2. Thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, làm lành mạnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong quá trình tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và các quy định của pháp luật có liên quan, các Bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo một số nội dung sau đây:

a) Bộ Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan khác có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành về kết hôn với người nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2011; tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; tập trung tổng kết 10 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; xây dựng dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và số 69/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (theo hướng chặt chẽ về thủ tục, giảm hợp lý thời gian giải quyết việc đăng ký kết hôn, xác định một cơ quan làm đầu mối trong công tác này, nâng cao hiệu lực của Trung tâm hỗ trợ kết hôn), trình Chính phủ trong quý IV năm 2011; nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung biện pháp xử lý hình sự đối với người có hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác có liên quan tổng hợp, thống nhất số liệu chính thức về thực trạng quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (trong đó có số liệu về đăng ký kết hôn), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2011; hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu về tình hình sinh sống của công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và đang sinh sống ở nước ngoài; khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị việc đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc văn bản thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, trước mắt với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (trong đó có nội dung về hôn nhân và gia đình), trình Chính phủ trong quý IV năm 2011; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thành lập một công ty tư vấn hôn nhân quốc tế của Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011 (Thủ tướng Chính phủ đã giao tại các Công văn số 1057/VPCP-VX ngày 06 tháng 12 năm 2006 và số 95/VPCP-KGVX ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ).

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hướng dẫn các Sở Tư pháp giải quyết vấn đề quốc tịch cho trẻ em là con lai khi về cư trú ở trong nước, nếu có yêu cầu, theo quy định của pháp luật hiện hành; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh tại Việt Nam và giải quyết những vướng mắc khác về hộ tịch cho trẻ em là con lai khi về cư trú ở trong nước, nếu có yêu cầu, theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.

b) Bộ Công an:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan công an các cấp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức các đường dây, tụ điểm môi giới kết hôn bất hợp pháp, tổ chức mua bán người; rà soát, nắm tình hình trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã được đưa về Việt Nam; đăng ký hộ khẩu cho trẻ em là con lai về cư trú ở trong nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán, ký kết với các nước, trước mắt là các nước trong khu vực, thỏa thuận về hợp tác phòng, chống mua bán người (chú trọng là phụ nữ và trẻ em); xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phòng chống mua bán người, trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2011; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống mua bán người, trình Chính phủ trong năm 2011; đồng thời, trên cơ sở tổng kết Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010, xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2011.

c) Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước có nhiều công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, tiếp tục nắm tình hình thực trạng hoàn cảnh gia đình của công dân Việt Nam đã kết hôn với người nước ngoài; tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình (như vấn đề nhập quốc tịch nước ngoài, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em là con lai) phù hợp với pháp luật nước sở tại và quy ước, pháp luật quốc tế; tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của nước sở tại cho cô dâu Việt Nam bằng những hình thức phù hợp; nghiên cứu, hình thành cộng đồng cô dâu Việt Nam phù hợp với pháp luật nước sở tại để tăng cường sự gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; ở những địa bàn có nhiều cô dâu Việt Nam sinh sống (như Đài Loan, Hàn Quốc), cần nghiên cứu bố trí cán bộ am hiểu về pháp luật để hỗ trợ pháp lý khi cần thiết; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cụ thể đối với phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài gặp rủi ro, khó khăn, đặc biệt trong hôn nhân.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo về những hệ lụy của việc kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế, mang tính trào lưu, thông qua môi giới trái phép; chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính (thừa nam, thiếu nữ) ở độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho nữ thanh niên nông thôn, miền núi; tiếp tục triển khai Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đối với phụ nữ bị lừa gạt qua con đường kết hôn từ nước ngoài về nước sinh sống, có chính sách hỗ trợ tạo việc làm phù hợp để giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với trẻ em là con lai khi về cư trú ở trong nước; chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tiếp tục tổ chức nghiên cứu ở quy mô quốc gia về những tác động xã hội của hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, chú trọng các địa phương có nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; nhân rộng mô hình tiên tiến về hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

g) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo cơ quan giáo dục và đào tạo các cấp tạo điều kiện cho trẻ em là con lai khi về cư trú ở trong nước được đi học như trẻ em là công dân Việt Nam.

h) Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo cơ quan y tế các cấp tạo điều kiện cho trẻ em là con lai khi về cư trú ở trong nước được chăm sóc sức khỏe như trẻ em là công dân Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo và chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính khi sinh.

i) Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thu thập, tổng hợp, công bố hàng năm về tỷ số giới tính khi sinh, tỷ số giới tính của dân số.

k) Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:

- Tổng kết, đánh giá hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn trong quý III năm 2011; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn, bảo đảm chuyển từ hiện trạng kết hôn “4 không” (không biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang để lấy chồng; không hiểu biết người dự định kết hôn; không biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; không tình yêu) sang mô hình kết hôn “5 biết” (biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước định sang lấy chồng; biết các trường hợp điển hình thành công, thất bại của những người đã kết hôn với người nước ngoài ở địa phương; hiểu biết người dự định kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người dự định kết hôn; biết các quy định của Việt Nam về kết hôn với người nước ngoài và cơ quan giúp đỡ mình khi ra nước ngoài); tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tư vấn hôn nhân quốc tế hợp pháp của các nước, vùng lãnh thổ, trước mắt của các nước, vùng lãnh thổ có nhiều công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán, các thông tin khác có liên quan của nước sở tại cho những người có ý định kết hôn với người nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền vận động phụ nữ giữ gìn truyền thống của phụ nữ Việt Nam, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo; phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giúp đỡ phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhưng vì hoàn cảnh éo le, khó khăn mà phải đưa con về sinh sống trong nước có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống; nghiên cứu, xây dựng mô hình Trung tâm hỗ trợ, vì sự phát triển của phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2012.

l) Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm của nam giới trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

m) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại địa phương; chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện việc giáo dục, thông tin cho phụ nữ để đạt được yêu cầu “5 biết” trước khi kết hôn với nam giới người nước ngoài; trong tháng 7 năm 2011, chỉ đạo việc rà soát, tổng hợp số liệu chính thức về thực trạng quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (trong đó có số liệu về đăng ký kết hôn) tại địa phương gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ, tạo điều kiện để Trung tâm hỗ trợ kết hôn của địa phương hoạt động có hiệu quả; kiên quyết xử lý những vi phạm, đặc biệt là các hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực biên giới, đặc biệt các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan tại địa phương thường xuyên kiểm soát khu vực biên giới, đẩy mạnh công tác quản lý dân cư.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Đài Truyền hình VN; Đài Tiếng nói VN; Thông tấn xã VN;
- Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ VN;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: QHQT, NC, KTTH, PL, ĐP, TH,
- Lưu: VT, KGVX (03).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 133/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 133/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 06/06/2011
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản