Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT QUẢN LÝ VÀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Ngày 21 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Ngoại giao, Nội vụ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, đề nghị xây dựng luật và ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an trong thời gian ngắn đã chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan tích cực chuẩn bị, trình dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định hiện hành, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Để hoàn thiện dự án Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư; không gây xung đột với luật khác nhất là các luật mới ban hành; có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; đề cao công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; những nội dung chưa ổn định cần giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất trang, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam.

- Về phạm vi điều chỉnh của Luật: thống nhất điều chỉnh hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày nhằm cứu nạn, cứu hộ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với các tai nạn, sự cố chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự.

- Về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài: rà soát, quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài có quy định an toàn phòng cháy chữa cháy cao hơn Việt Nam.

- Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với công trình cải tạo: tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy chữa cháy nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.

- Về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thống nhất quy định này theo hướng đồng bộ với pháp luật về xây dựng; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa liên thông” để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Có cơ chế đối với các công trình đặc thù, giao cho cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an.

- Về miễn trừ các thủ tục với cơ quan đại diện: nghiên cứu quy định theo nguyên tắc có đi, có lại.

- Về quy định chuyển tiếp: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, thống nhất bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các quy hoạch, hồ sơ dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; lưu ý giải pháp xử lý đối với công trình hiện hữu, bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy và giao Chính phủ quy định cho phù hợp với thực tế để các bộ, địa phương có căn cứ thực hiện giải pháp kỹ thuật khắc phục những vướng mắc, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2024.

2. Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, ổn định về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật trong thời gian qua.

Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật này; giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Văn kiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, bám sát quá trình sơ kết Nghị quyết số 12-NQ/TW để kịp thời cập nhật, bổ sung, hoàn thiện nội dung chính sách trong quá trình xây dựng Luật.

- Tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là vị trí, vai trò, chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; Chính phủ và các bộ quản lý ngành thực hiện đúng chức năng tham mưu ban hành chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không làm thay trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

- Đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là các thủ tục trong quá trình doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, tránh trùng lặp, chồng chéo với quy định pháp luật có liên quan.

Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện về một số nội dung cụ thể trong Đề nghị xây dựng Luật như sau:

- Về đối tượng áp dụng: nghiên cứu, xác định rõ nội hàm “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác”, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ-TW về xác định doanh nghiệp nhà nước.

- Về trình tự, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án đầu tư của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp; tách bạch quy trình phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với quy trình quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Về thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, phê duyệt chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, phê duyệt danh mục chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, gắn với cơ chế kiểm soát, giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

- Về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển: nghiên cứu, tăng tỷ lệ tối đa trích lập Quỹ đầu tư phát triển để bảo đảm sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hằng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước.

- Cần thuyết minh rõ hơn lý do đề xuất quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên.

- Về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn: thống nhất bổ sung và quy định rõ vị trí, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong Luật này; cần nghiên cứu làm rõ đối tượng là “Tổ chức khác được Chính phủ giao thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn”.

- Về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp: nghiên cứu bổ sung trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ để phù hợp với thực tiễn cơ cấu lại công ty mẹ của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty thời gian qua.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg;
các Vụ, Cục: NC, TH, KTTH, ĐMDN, CN, KSTT;
- Lưu: VT, PL (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 127/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 127/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 28/03/2024
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Cao Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản