Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1002/TB-BYT | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PGS. TS. NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG, THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH VÀO NGÀY 24/7/2022
Ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sự lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Chiều ngày 24/7/2022, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ).
Sau khi nghe đại diện của WHO báo cáo về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, đánh giá tình hình dịch và các khuyến nghị của WHO đối với các quốc gia; báo cáo của Cục Y tế dự phòng về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ và các hoạt động đã triển khai tại Việt Nam; ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự; PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kết luận, chỉ đạo như sau:
Theo WHO, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực Châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sự lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đến ngày 24/7/2022, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Mặc dù bệnh ít lây lan hơn so với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là COVID-19, đa phần các trường hợp bệnh ở thể nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 2 đến 3 tuần, tuy nhiên, nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc bệnh và lây lan ở nước ta là hoàn toàn có thể.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đề nghị các đơn vị triển khai ngay các nội dung sau:
I. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế
1. Cục Y tế dự phòng
- Đầu mối xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam theo các kịch bản của WHO; hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.
- Dự thảo công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế để chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xếp loại bệnh đậu mùa khỉ trong danh mục bệnh truyền nhiễm với nhóm bệnh phù hợp.
- Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn và tập huấn chuyên môn về giám sát phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ; làm đầu mối phối hợp với các Viện, các đơn vị liên quan tham mưu ban hành các hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm và quy trình xét nghiệm phát hiện bệnh đậu mùa khỉ.
- Xây dựng báo cáo tổng hợp báo cáo đồng chí Quyền Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo.
- Tổ chức họp Cơ quan thường trực của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam định kỳ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế (WHO, CDC Hoa Kỳ) và chuyên gia trong nước để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp.
2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị người bệnh đậu mùa khỉ và phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở y tế.
3. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng tiếp tục hoàn thiện các tài liệu truyền thông nguy cơ về phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
4. Cục Quản lý Dược theo dõi việc cấp phép sử dụng, sản xuất thuốc kháng vi rút, vắc xin phòng bệnh để có thể chủ động tiếp cận nguồn thuốc, vắc xin; hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện các thủ tục tiếp nhận nhanh nhất có thể thuốc kháng vi rút, vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ từ các tổ chức quốc tế.
5. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế theo dõi việc cấp phép sử dụng trang thiết bị y tế là sinh phẩm, hóa chất chẩn đoán đậu mùa khỉ để có thể chủ động tiếp cận nguồn sinh phẩm chẩn đoán; hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện các thủ tục tiếp nhận nhanh nhất có thể sinh phẩm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ từ các tổ chức quốc tế.
6. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đầu mối phối hợp với Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Y tế dự phòng nghiên cứu cơ chế cho phép các cơ sở y tế sử dụng các sinh phẩm, hóa chất chẩn đoán trong quá trình nghiên cứu để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp nhằm xác định sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ khi chưa có các sinh phẩm chẩn đoán thương mại được cấp số lưu hành tại Việt Nam.
7. Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục đề nghị WHO, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ sinh phẩm, hóa chất chẩn đoán, thuốc kháng vi rút, vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ và hỗ trợ kỹ thuật trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
8. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng quy trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ để sử dụng chung trên toàn quốc, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/7/2022.
9. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các Bệnh viện tuyến cuối tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm, chẩn đoán, xác định và thu dung điều trị bệnh; tiếp tục phối hợp với WHO rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chẩn đoán, điều trị.
10. Cục Phòng chống HIV/AIDS
- Chủ trì, phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan thông tin, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp dự phòng, điều trị dịch bệnh đậu mùa khỉ đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao: nhiễm HIV, mắc bệnh AIDS, đồng tính nam, lưỡng tính, nghiện ma túy
- Phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tới các nhóm nguy cơ cao.
II. Đề nghị Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc giám sát dịch bệnh ở các động vật hoang dã; kịp thời chia sẻ thông tin và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
III. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
1. Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.
2. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
3. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
4. Tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, đảm bảo phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.
5. Thực hiện truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
6. Cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận thông tin về bệnh đậu mùa khỉ để người dân dễ dàng tiếp cập khi cần khai báo, tư vấn.
7. Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo tình hình dịch giữa các tuyến, cơ sở y tế, ban ngành thuộc địa bàn, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.
Văn phòng Bộ Y tế trân trọng thông báo để các Đơn vị biết và thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2265/QĐ-BYT năm 2022 Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 2306/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 996/DP-DT năm 2022 về thông điệp truyền thông về bệnh Đậu mùa khỉ tại cửa khẩu do Cục Y tế dự phòng ban hành
- 1Quyết định 2265/QĐ-BYT năm 2022 Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 2306/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 996/DP-DT năm 2022 về thông điệp truyền thông về bệnh Đậu mùa khỉ tại cửa khẩu do Cục Y tế dự phòng ban hành
Thông báo 1002/TB-BYT kết luận của Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch vào ngày 24/7/2022 do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 1002/TB-BYT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 02/08/2022
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Vũ Thị Kim Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/08/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra