Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010 |
Ngày 28 tháng 12 năm 2009, tại Trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, đại diện lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đaị diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh theo nội dung tại Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải đã kết luận như sau:
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Thành phố đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật Giao thông đường bộ, về văn hoá giao thông; tăng cường công tác tổ chức giao thông, quản lý kiểm tra, kiểm soát, giải toả ùn tắc giao thông, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông và đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng của Thành phố.
Chính phủ biểu dương và đánh giá cao các nỗ lực của tập thể lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Sở, ban, ngành cùng toàn thể nhân dân thành phố. Hiện nay, việc kéo giảm và chống ùn tắc giao thông là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động tích cực đến việc phát triển bền vững của cả nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả đạt được còn chưa bền vững và tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chỉ đạo thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục theo 04 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ.
II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức: qua thông tin truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, chương trình giảng dạy trong nhà trường, các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan; các hình thức trao đổi tọa đàm, hội thảo; thực hiện việc cam kết không lấn chiếm hè phố, lòng đường để tạo được sự cảm thông và đồng thuận của xã hội trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
b) Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông
- Tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không đảm bảo điều kiện; xoá bỏ các điểm trông giữ phương tiện ảnh hưởng đến giao thông;
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, nhất là ứng dụng các biện pháp kiểm tra, xử lý tiên tiến thông qua hình ảnh, camera;
- Các lực lượng chức năng phối hợp, duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hoá đường bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông;
- Xử lý nghiêm các phương tiện giao thông đi ngược chiều, không đúng làn đường, đi lấn làn đường của các phương tiện khác; đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định... Lập các tổ công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi đỗ xe không đúng quy định, trước mắt tập trung xử lý tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
c) Tiếp tục thực hiện tổ chức giao thông tại các điểm, nút giao thông, tuyến đường cho phù hợp, hiệu quả
- Tiếp tục khảo sát các điểm, nút giao thông thường xuyên có nguy cơ ùn tắc; xác định nguyên nhân, có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp. Bổ sung, duy trì các vạch sơn, gờ giảm tốc, đèn báo hiệu cho người đi bộ ở các tuyến đường, phố có đủ điều kiện, chú trọng các tuyến đường hướng tâm vào thành phố, đường có lưu lượng giao thông lớn, nhiều nút giao cắt...;
- Tổ chức các cặp đường một chiều đồng bộ với phân luồng, phân làn phương tiện trên một số tuyến phố; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo giao thông theo đúng quy đinh;
- Bố trí tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng khác hướng dẫn giao thông tại các vị trí thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
d) Về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị
- Trên cơ sở các Quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, như Quy hoạch hệ thống giao thông vân tải thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Quy hoạch các bãi đậu xe ngầm, Quy hoạch hệ thống đường trên cao..., Thành phố cần có kế hoạch và tiến độ cụ thể để hoàn thành các công trình theo quy hoạch. Bên cạnh đó, cần xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực, xã hội hoá để đảm bảo hoàn thành sớm các công trình, đưa vào sử dụng nhằm chống ùn tắc giao thông. Thành phố cũng cần bố trí đủ vốn để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án đầu tư, thiết kế,...) để tăng tính chủ động khi thực hiện các dự án theo quy hoạch, cũng như trong việc lựa chọn Nhà đầu tư;
- Lập danh mục các dự án giao thông đô thị cấp bách cần thực hiện để chống ùn tắc giao thông; có đề xuất về nguồn vốn, cơ chế đặc thù (chỉ định thầu; vừa thiết kế, vừa thi công; khởi công khi đang làm thủ tục cấp Giấy phép đầu tư,...) để có thể rút ngắn thời gian thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Về điều chỉnh nội dung Quy hoạch hệ thống đường bộ trên cao tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020: giao Uỷ ban nhân dân Thành phố làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vân tải, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
đ) Về phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
- Đẩy nhanh việc xã hội hoá trong công tác đầu tư cải tạo, xây dựng bế bãi đậu xe; bố trí vốn để sớm đầu tư xây dựng các bãi trung chuyển, bãi hậu cần phục vụ xe buýt,... Nghiên cứu xã hội hoá đầu tư hệ thống thu phí tự động tại các chỗ đậu xe;
- Hiện đại hoá phương tiện xe buýt trong đô thị theo hướng bố trí xe có kích cỡ phù hợp với các tuyến đường lưu thông, lựa chọn động cơ và sử dụng các nhiên liệu than thiện với môi trường như khí LPG, CNG…, tăng các tiện ích tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng xe buýt, đa dạng mẫu mã các loại xe để tăng mỹ quan đô thị. Đối với các vị trí có công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường cần chủ động điều chỉnh kịp thời để tăng tốc độ lưu thông tại các khu vực này;
- Có biện pháp kiểm soát số lượng phương tiện taxi hoạt động, quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt đông, rút Giấy phép hoạt động taxi trên địa bàn thành phố trong thời gian tới để nâng cao chất lượng phục vụ;
- Cần tập trung nghiên cứu, sớm triển khai các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng xe máy lưu thông, thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng phù hợp;
- Đồng ý về chủ trương tiếp tục thu phí điểm đỗ xe tĩnh, dưới lòng đường khu vực trung tâm thành phố. Thành phố phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để chủ động nghiên cứu Đề án thu phí đỗ xe đô thị theo hướng mức phí đỗ xe tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố với mức phí phù hợp, đủ để tác động hạn chế hành vi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; đồng thời, tạo ra thị trường kinh doanh điểm đỗ xe hấp dẫn đối với các Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng các công trình đỗ xe theo tiêu chuẩn để triển khai thực hiện;
- Đồng ý về nguyên tắc thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông. Thành phố cần chủ động nghiên cứu kỹ về các mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội để áp dụng cho phù hợp;
- Chấn chỉnh các nhà thầu thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường, nhanh chóng tái lập mặt đường; đẩy nhanh tiến độ thi công tại các rào chắn ở khu vực có mật độ giao thông cao;
e) Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng tỷ lệ nguồn thu để lại cho Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Giao thông vận tải trong phạm vi, chức năng quản lý nhà nước tương ứng trong Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (thay thế cho Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ);
- Phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008; sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định còn lại về hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ;
- Phối hợp với Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị loại đặc biệt như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Sớm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải quốc gia trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007;
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời các cảng trên sông Sài Gòn ra khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) và khu vực cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu);
- Chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ đầu tư đối với các dự án giao thông trọng điểm qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh như đường ô tô cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường ô tô cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 50. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công sớm các dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành;
- Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4 trong quý I năm 2010. Đối với vành đai 4, Bộ Giao thông vận tải tổ chức tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn nối từ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương vào Khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Đối với vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải phố hợp cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thống nhất về nguồn vốn, trách nhiệm đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn nối từ Nhơn Trạch đến nút giao Tân Vạn;
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có kế hoạch bố trí vốn cho các dự án khác như đường sắt trên cao Bình Triệu - Hoà Hưng, đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho, đường ô tô cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường ô tô cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Củ Chi - Mộc Bài để có thể đầu tư xây dựng và hoàn thành trong gai đoạn từ nay đến 2020.
- Chủ trì cùng Uỷ ban nhân các tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị vệ tinh, từng bước hình thành các đô thị mới, các thành phố vệ tinh như Nhơn Trạch, Biên Hoà, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Hậu Nghĩa, Đức Hoà, Bến Lức, Tân An... để tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư quá cao ở khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh, khai thác tốt nhất về thế mạnh kinh tế - xã hội của Vùng thành phố Hồ Chí Minh;
- Sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch đô thị;
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự thảo Luật Đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 03 năm 2010.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tại các đô thị loại đặc biệt như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Về đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng dân số cơ học của thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu Bộ Công sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ;
- Phối hợp cùng thành phố Hồ Chí Minh lập Đề án thí điểm công tác quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) để hạn chế việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.
- Khẩn trương xây dựng quy định về lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cá nhân tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010;
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ban hành chính sách miễn, giảm phí cầu, đường qua các trạm thu phí cho đối tượng xe buýt để thu hút hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét việc điều chỉnh thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010; đồng thời giao Bộ Nội vụ phối hợp Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất Đề án chính quyền đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2010; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cùng các Bộ có liên quan nghiên cứu đề xuất đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc cho phép thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giao Sở Giao thông vân tải quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đô thị như hiện nay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2010.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 101/QĐ-TTg năm 2007 Phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh
- 3Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà
- 4Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về việc từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ ban hành
- 5Luật giao thông đường bộ 2008
- 6Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở
- 7Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 8Thông báo số 221/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 10/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 10/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 12/01/2010
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra