Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2025

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI

Ngày 11 tháng 12 năm 2024 tại Hà Nội (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và các điểm cầu trực tuyến tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị trực tiếp tại Hà Nội có đại diện Lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các bộ, cơ quan, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và một số cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến tại các địa phương có đại diện Thường trực Ủy ban nhân dân 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và một số cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Sau khi nghe Báo cáo tình hình, kết quả sau 07 năm triển khai thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do đại diện Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày; ý kiến phát biểu của đại diện Lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và của đại diện một số địa phương; phát biểu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

1. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh; là quan điểm xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của đất nước ta và mang tính toàn cầu. Nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của quyền con người, việc thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân và giáo dục quyền con người trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; nghiêm túc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người có ý nghĩa chiến lược đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối phát triển toàn diện con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Trong thời gian qua, bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Tiến bộ, công bằng xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; trẻ em được nuôi dưỡng, tạo điều kiện đến trường, mọi người dân đều được khuyến học; người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ được hỗ trợ kịp thời; người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2017 và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, công tác giáo dục về quyền con người được triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong 07 năm qua, Đề án giáo dục quyền con người đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả; trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan chủ trì Đề án đã tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành tốt hầu hết các hoạt động theo Kế hoạch tổng thể đề ra. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực và kết quả tổ chức triển khai hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người; đặc biệt Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt vai trò chủ trì, chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực hỗ trợ các cơ quan liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cung cấp kiến thức, kỹ năng về quyền con người.

3. Bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, chúng ta cần phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người và giáo dục về quyền con người; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người; trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:

(1) Đối với việc bảo đảm quyền con người, đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền:

- Tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người.

- Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, hội nhập trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế.

- Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giám sát và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội.

- Tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.

(2) Đối với việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân:

- Các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục, đào tạo tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan xác định Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng môn học quyền con người là môn học độc lập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng; thực hiện học tập suốt đời. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là công việc thường xuyên, liên tục, cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự tham gia của của người dân.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các tài liệu giáo dục, biên soạn giáo trình chuẩn quốc gia, sách tham khảo về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng người học, bảo đảm tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu, gắn kết lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn về sử dụng giáo trình, các tài liệu giáo dục quyền con người trong các cấp học; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quyền con người, phát triển đội ngũ chuyên gia, giáo viên giảng dạy quyền con người; hoàn thành việc triển khai đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục đại học trong năm học 2025 - 2026.

- Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực để các cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong Hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch về quyền con người.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án chủ động tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017-2025; đồng thời nghiên cứu trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào Quý II năm 2025; xây dựng Đề án giáo dục quyền con người cho giai đoạn tiếp theo (2026 - 2030), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2025.

(3) Đồng thời, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng hàng đầu của Học viện là Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý, khoa học xã hội và nhân văn, phát triển tư duy, nhận thức mới về con người và quyền con người xã hội chủ nghĩa; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần phát huy hơn nữa vai trò của Học viện, nhất là trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Ban Đối ngoại Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- VP Thường trực BCĐ Nhân quyền của CP;
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo (Bộ GDĐT gửi);
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH gửi);
- VPCP: BTCN, PCN Đỗ Ngọc Huỳnh, Trợ lý TTgCP, Thư ký PTTgCP Lê Thành Long, các Vụ: PL, KTTH, QHQT, NC, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2b), ĐND.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Đỗ Ngọc Huỳnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 1/TB-VPCP năm 2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/01/2025
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Ngọc Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản