VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020
Ngày 13 tháng 12 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg và xây dựng mô hình tiên tiến dạy nghề cho lao động nông thôn; xác định quy chế phối hợp triển khai dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực Đề án và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Qua báo cáo kiểm tra 02 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, cho thấy đã có chuyển biến khá mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện. Đã cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động; xây dựng được một số mô hình tiên tiến. Ở nhiều địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia dạy nghề; số lượng người tham gia học nghề khá lớn, chất lượng đào tạo khá cao.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đúng mức, chưa coi trọng chất lượng đào tạo, cũng như đầu ra cho người lao động sau dạy nghề. Việc xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị cần được quan tâm quản lý chặt chẽ hơn.
2. Về tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg và xây dựng mô hình tiên tiến.
- Đồng ý tổ chức lồng ghép Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Hội nghị xây dựng mô hình tiên tiến trong 01 ngày, dự kiến tổ chức vào ngày 11 tháng 01 năm 2012, theo hình thức họp trực tuyến với 63 tỉnh/thành trong cả nước với thành phần như sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 và đại diện các mô hình tiên tiến.
- Về Đề cương sơ kết:
Các thành viên Ban Chỉ đạo, các Tổ: Tài chính, Nông nghiệp, Tuyên truyền của Đề án và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phối hợp xây dựng Đề cương, lưu ý:
+ Có nhận định chính xác, toàn diện trong cả nước, chỉ rõ mặt được, chưa được, có phụ lục số liệu thống kê;
+ Tập trung thống nhất với các địa phương để đưa vào báo cáo các mô hình làm tốt, các bài học kinh nghiệm là thực hiện Đề án có vùng sản xuất, vùng nguyên liệu…, thu hút tham gia của doanh nghiệp và tạo việc làm sau khi học nghề, có vùng sản xuất, vùng nguyên liệu; nhanh chóng nhân rộng các điển hình tiên tiến. Sơ bộ đánh giá việc thí điểm sử dụng thẻ học nghề;
+ Trong năm 2012 và thời gian tới: Phải tiếp tục coi dạy nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp quan trọng, thực hiện đồng bộ với việc quy hoạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch nhân lực của từng địa phương.
Về cơ chế phối hợp sắp tới: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dạy nghề nông nghiệp có hiệu quả, phát huy vai trò các ngành liên quan tham gia thực hiện Đề án. Phát huy vai trò chủ động điều phối của các địa phương trong việc thực hiện Đề án. Hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy nghề ngắn hạn, gắn với sản xuất, kinh doanh một cách thiết thực, hiệu quả; đề xuất việc thí điểm sử dụng thẻ học nghề tiếp theo và tuổi học nghề cho thích hợp (có thể cao hơn quy định hiện nay).
Trong khi xây dựng kế hoạch năm 2012, các Bộ, ngành và các địa phương chú ý xây dựng hệ thống các giải pháp tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.
3. Một số công việc cần tập trung hoàn thành
Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát tất cả danh mục đầu tư, sử dụng ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn, các nguồn và chính sách cho vay để sản xuất trong nông nghiệp; hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện cơ chế giao kế hoạch kinh phí cho địa phương, cơ chế thẩm định sử dụng kinh phí xây dựng cơ bản, mua sắm cho phù hợp, trong đó xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sai phạm; không giao vốn cho những nơi không thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp cần thiết, vận dụng chuyển kinh phí không sử dụng hết sang năm sau, tránh tình trạng giải ngân gấp, kém hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án; đề xuất sửa, bổ sung nội dung các văn bản đã hướng dẫn cho thích hợp, tháo gỡ các vướng mắc nói trên, trong đó có chính sách hỗ trợ đối tượng theo quy định chuẩn nghèo mới, hoàn thành trước ngày 15 tháng 01 năm 2012; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất những nội dung cần sửa, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg nếu cần thiết.
Văn phòng Chính phủ thông báo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 06/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 06/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 05/01/2012
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định