Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 25 tháng 12 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:
I. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2015
Trong năm 2015, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức triển khai tích cực và phối hợp hiệu quả hơn, điển hình là sự phối hợp giữa cơ quan Công an (C49) và Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đấu tranh với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi qua đó đã cảnh báo người vi phạm, từng bước tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực này. Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm trong nước và hội nhập quốc tế. Công tác truyền thông được chú trọng với các hình thức tuyên truyền đa dạng đã tác động tốt đến các đối tượng trong việc thay đổi hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh và có kết quả bước đầu đáng khích lệ: thí điểm kết nối thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng, giúp minh bạch hóa quy trình thẩm định hồ sơ, giảm thời gian, nhân lực cho doanh nghiệp.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi được đẩy mạnh thông qua các hoạt động của Tháng hành động về an toàn thực phẩm với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” và triển khai đợt cao điểm về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Việc xử phạt vi phạm được thực hiện cương quyết, áp dụng chế tài mạnh hơn so với năm 2014. Các đoàn liên ngành cũng đã lấy 13.563 mẫu để kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm. Tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép tiếp tục được ngăn chặn, đẩy lùi. Số vụ ngộ độc thực phẩm và tử vong đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Đã tổ chức đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc tại các hội nghị, sự kiện lớn của đất nước. Đã triển khai Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, công tác an toàn thực phẩm năm 2015 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: các nội dung tuyên truyền tại địa phương chưa đa dạng (chủ yếu sử dụng tài liệu của Trung ương cung cấp) và thiếu nội dung mang tính đặc thù của địa phương; một số vấn đề an toàn thực phẩm được thông tin chưa thật chính xác, đầy đủ gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến uy tín các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế; nhiều địa phương, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, đặc biệt là chưa được coi trọng ở cấp xã, việc chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng, gây vướng mắc trong quản lý ở cơ sở; việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện nhiều; vấn đề lạm dụng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C sau tái kiểm tra vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, chưa có phương án xử lý dứt điểm. Ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, chế xuất tuy không tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo, tỉ lệ sản phẩm được kiểm tra không bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ dưới 10% nhưng với người dân thì khi lưu thông trên thị trường không thể nhận biết được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Phần lớn số thực phẩm được bán tại các chợ truyền thống không có chứng nhận an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó người tiêu dùng không thể biết được thực phẩm sạch để sử dụng, trong khi đó thực phẩm an toàn thì bị thực phẩm bẩn cạnh tranh không tiêu thụ được. Đây là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và hệ thống phân phối.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Đánh giá kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2015 cho thấy với sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự quan tâm của toàn xã hội, công tác an toàn thực phẩm đã có nhiều tiến bộ. Trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc lưu thông thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc điều tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vừa qua đã triển khai đạt kết quả tốt cần tiếp tục triển khai, xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, cần tập trung triển khai các công việc sau:
1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các địa phương
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016; thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định.
- Tổ chức triển khai và đánh giá hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý an toàn thực phẩm; nhanh chóng triển khai cơ chế một cửa quốc gia về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; có lộ trình phù hợp tiến đến bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phương pháp quản lý tiên tiến về an toàn thực phẩm như HACCP, GAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
2. Bộ Y tế:
- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức chiến dịch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an (C49) và địa phương tổ chức điều tra, phát hiện và đấu tranh với hành vi kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm soát ngộ độc thực phẩm và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất việc xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ tái kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C, xử lý dứt điểm các cơ sở tái xếp loại C và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; rà soát, bổ sung danh mục các chất cấm trong chăn nuôi.
- Tiếp tục rà soát, đề xuất loại khỏi danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng có hại đến người và môi trường; nghiên cứu, bổ sung các hoạt chất mới an toàn, hiệu quả để bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phối hợp với Hội nông dân Việt Nam tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
- Triển khai các chương trình áp dụng VietGap trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; có giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn.
4. Bộ Công Thương:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; có giải pháp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn.
- Giám sát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, tập trung vào 6 tỉnh biên giới trọng điểm về nhập khẩu thực phẩm; tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tổ chức công tác truyền thông để mọi người dân hiểu rõ nguy cơ và tác hại của việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm của các cơ quan báo chí, đồng thời tránh việc đưa các thông tin về an toàn thực phẩm không đầy đủ, thiếu chính xác gây hoang mang cho người tiêu dùng.
6. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: cân đối ngân sách, nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và các năm tiếp theo; Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phương thức huy động nguồn kinh phí và sử dụng kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
7. Bộ Công an: tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016; phối hợp với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
8. Đài Tiếng nói Việt Nam: khẩn trương hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến về Chương trình phối hợp truyền thông về an toàn thực phẩm giữa Đài Tiếng nói Việt Nam với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương để tổ chức ký kết và triển khai thực hiện.
9. Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình thực hiện đúng các quy định trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để người dân được biết và lựa chọn.
- Triển khai quyết liệt việc xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý.
- Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh buôn bán cũng như các chợ bán lẻ sản phẩm động vật, thủy sản bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm (từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm).
- Xử phạt nghiêm đối với các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh theo quy định; chỉ đạo quản lý chặt chẽ và từng bước giảm dần các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ trong khu dân cư và chợ truyền thống về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh:
+ Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án “Mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015” và Đề án “xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn”, báo cáo Ban Chỉ đạo vào kỳ họp tới.
+ Đẩy nhanh tiến độ triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đánh giá hiệu quả việc thí điểm triển khai, báo cáo Ban Chỉ đạo vào kỳ họp tới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ và cơ quan liên quan, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 243/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 01/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 269/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo 243/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 01/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 269/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông báo 04/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 04/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 07/01/2016
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Khắc Định
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra