Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/TB-BTTTT | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG LÊ DOÃN HỢP TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2011
Ngày 24/12/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 bằng hình thức trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có đồng chí Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT; Lãnh đạo các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an; Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng Công ty CMC; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin; đại diện Lãnh đạo các cơ quan chức năng của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ban, ngành; Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam, Công đoàn Bưu điện Việt Nam; Đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, các nhà xuất bản; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; các Hội, Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, các đồng chí Thứ trưởng; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; các Sở Thông tin và Truyền thông tại 63 điểm cầu toàn quốc.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp kết luận:
Năm 2010, toàn ngành Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị có nhiều thuận lợi: Được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả xã hội quan tâm; Lãnh đạo Bộ cùng với lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đã tạo được sự đồng thuận trong công tác chỉ đạo điều hành; Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ đam mê công nghệ; Ngành Thông tin và Truyền thông có nhiều lợi thế đối với xã hội, viễn thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, là nhu cầu không thể thiếu trong môi trường thông tin liên lạc hiện nay; CNTT đang phát triển rất nhanh, sẽ là ngành kinh tế tri thức mũi nhọn của đất nước; báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin kịp thời, chính xác tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững chính trị, an ninh quốc phòng, tăng trưởng kinh tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời quảng bá ra thế giới những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Vị thế của Ngành ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đó chính là lợi thế không những của Ngành nói riêng mà còn là của đất nước nói chung.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành Thông tin và Truyền thông cũng gặp không ít khó khăn: Do tác động của suy thoái kinh tế thế giới; Thiên tai, lũ lụt diễn ra liên tục tại các tỉnh miền Trung; Bộ phải chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp chi viện cho vùng bão lụt, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; toàn Ngành phải tham gia và phục vụ các Ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; năm có rất nhiều hoạt động chuyên ngành; Bộ dành thời gian để Tổng kết 5 năm 2006 - 2010 để bàn hàng loạt những vấn đề định hướng phát triển trong 5 năm, 10 năm tới, vì vậy bị chi phối rất nhiều thời gian chuyên môn, nghiệp vụ, công sức và trí tuệ.
Từ những thuận lợi và khó khăn trên, năm 2010 ngành Thông tin và Truyền thông đạt được những thành tự nổi bật:
- Bộ đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, nhiều văn bản QPPL quản lý nhà nước, quản lý hoạt động chuyên ngành được ban hành; trong đó, Luật Bưu chính được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011; ban hành 29 Thông tư, trong đó có 2 Thông tư liên tịch, 2 Nghị quyết; tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động thông tin và truyền thông phát triển.
- Bộ đã xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội thông qua các Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quan trọng định hướng cho sự phát triển của Ngành, đó là: Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Chính phủ thông qua; Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ VIII thông qua; Chính phủ thông qua Kế hoạch ứng dụng thông tin giai đoạn 2011-2015 và toàn bộ chương trình ứng dụng CNTT trong QLNN; Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh và truyền hình đến năm 2020; quy hoạch các khu công nghiệp CNTT.
- Bộ đã thực hiện thành công điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010. Kết quả điều tra sẽ phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển thông tin và truyền thông của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin và truyền thông ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước.
Lãnh đạo Bộ đã thăm và làm việc với UBND 50 tỉnh, thành phố, riêng trong năm 2010 Bộ trưởng đã làm việc với 18 địa phương. Sau 3 năm, Bộ trưởng đã làm việc với 63 tỉnh, thành phố và tất cả các doanh nghiệp trong Ngành để tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở, định hướng hoạt động và phát triển thông tin và truyền thông của địa phương; triển khai hiệu quả Chương trình “Máy tính cho cuộc sống”, đưa được hơn 2.000 máy tính về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến những đối tượng khó khăn, đồn biên phòng, trường học; đưa máy tính giá rẻ với kết nối Internet tới các đơn vị với quy mô lớn hơn, đẩy nhanh tốc độ thu hẹp khoảng cách số, nâng cao kiến thức về máy tính và Internet cho cộng đồng; tổ chức tốt Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; xây dựng trình Chính phủ các mô hình tổ chức VNPT, VTC...
- Bộ chỉ đạo triển khai thành công nhiều chủ trương mới như Kênh đối ngoại (VTC10), Kênh phòng chống thiên tai (VTC14), Kênh nông nghiệp, nông thôn (VTC16), ra đời mạng xã hội Go.vn; Đề án an toàn thông tin mạng; Cổng nhân đạo 1400 quyên góp hơn 20 tỷ đồng cứu trợ cho đồng bào bị bão lụt miền Trung. Đưa internet về trường học, khai thác dịch vụ ở nước ngoài. Bộ đưa ra nhiều mô hình để học tập, có nhiều gương người tốt, việc tốt như ở Lào Cai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, An Giang…
- Công tác Hợp tác quốc tế được mở rộng, mang tính hiệu quả, đồng bộ và toàn diện trên cả 5 lĩnh vực QLNN của Bộ. Triển khai hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, kể cả trao đổi phóng viên… Bộ đã chủ động hợp tác sâu hơn, rộng hơn với các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm hẹn của quốc tế trong đầu tư, hợp tác. Bộ làm tốt chức trách của Việt Nam tham gia các tổ chức Quốc tế, trong đó có ITU, UPU và cũng là năm Việt Nam giành giải nhất về viết thư quốc tế UPU.
- Bộ đã chỉ đạo, định hướng báo chí, xuất bản đưa thông tin trung thực, khách quan; nhanh nhạy góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ phục vụ cho phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại, tạo đồng thuận tốt trong xã hội.
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phấn đấu đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Doanh thu BCVT năm 2010 toàn Ngành đạt 226.295 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2009; lợi nhuận năm 2010 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 20%; riêng doanh thu về công nghiệp CNTT đạt 7,4 tỷ USD tăng 1,2 tỷ USD so với năm 2009. Nộp ngân sách đạt 17.000 tỷ đồng tăng 21% so với năm 2009.
- Tập thể Lãnh đạo Bộ, tổ chức Đảng, chuyên môn, công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng như Lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đoàn kết hơn, hợp lực cùng nhau giải quyết những vấn đề lớn, khó khăn của Ngành.
- Bộ chỉ đạo tham gia các hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đồng thời tổ chức các hoạt động mang tính chính trị, xã hội, truyền thống của Ngành: Hội thi thể thao, biểu diễn văn nghệ, thi kỹ năng máy tính; Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Bưu điện, 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 120 năm ngày sinh nhật Bác, ngày thành lập Đảng... Trên cơ sở đó tạo hào khí chính trị cho toàn Ngành, động viên toàn thể cán bộ, công nhân viên chức vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Gắn kết tình nghĩa giữa cán bộ đương chức với cán bộ đã nghỉ hưu.
- Với mục tiêu toàn Ngành hướng về cơ sở, Bộ đã tập trung xây dựng Chương trình quốc gia đưa thông tin về cở sở; chỉ đạo Quỹ viễn thông công ích đầu tư cho vùng sâu, vùng xa và hải đảo; chú trọng quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia bậc cao; xử lý các vấn đề bức xúc của cơ sở như: Mô hình phát thanh truyền hình địa phương, quy hoạch các khu công nghiệp CNTT tập trung, phát triển hạ tầng viễn thông gắn với quy hoạch và ngầm hóa cáp viễn thông và phát thanh truyền hình; chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội như: Quản lý trò chơi trực tuyến, quản lý di động trả trước, quản lý báo mạng, quản lý truyền hình trả tiền, quản lý báo chí xuất bản vì mục tiêu trung thực và hướng thiện...
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, năm 2010 ngành Thông tin và Truyền thông còn một số tồn tại:
- Tiến độ giải quyết công việc liên quan đến địa phương, doanh nghiệp và cơ sở vẫn chậm và không đồng bộ, làm cản trở phát triển và gây khó dễ cho địa phương. Cần làm rõ vấn đề nào là do trách nhiệm, vấn đề nào là do năng lực, vấn đề nào là do quá tải. Nếu do trách nhiệm thì kiểm điểm, do năng lực thì phải thay thế, do khối lượng công việc nhiều phải phân cấp.
- Hiệu quả và chất lượng đầu tư giảm dần. Doanh thu tăng nhưng hiệu quả đầu tư lại giảm và xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh; bên cạnh tốc độ phát triển của Ngành nhanh dễ tạo nhiều lỗ hổng về quản lý, cần phải quan tâm cả cán bộ, cơ chế và thiết bị công nghệ.
- Chất lượng nguồn nhân lực CNTT thấp, tạo ra những bất cập giữa phát triển nhanh với nhu cầu lao động cần đáp ứng; giữa phát triển toàn diện với thiếu cán bộ quản lý, cán bộ khoa học công nghệ…
- Phát triển hạ tầng còn chậm, phân tán, không đồng bộ, phát triển các trạm BTS thiếu quy hoạch và mỹ quan đô thị, thiếu giải pháp tháo gỡ. Việc dùng chung hạ tầng còn nhiều tồn tại, bất cập và hạn chế.
- Thể chế chuyên ngành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng; vẫn thiếu luật, nghị định, thông tư và văn bản QPPL trong quản lý.
- Các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành và doanh nghiệp chưa phù hợp. Lĩnh vực CNTT, công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, mã nguồn mở rất chậm. Phát triển hạ tầng theo phương châm xã hội hóa, cổ phần hóa chưa mạnh dẫn tới phân tán nguồn lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn nhiều vướng mắc, các chính sách cho các Tập đoàn của nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam chưa hấp dẫn, chưa thuyết phục và chưa sát thực tế.
Về bài học kinh nghiệm:
- Bài học đoàn kết: Đoàn kết lãnh đạo, đoàn kết trong ngành, ngoài ngành; đoàn kết Trung ương với địa phương; đoàn kết cơ quan QLNN với doanh nghiệp, với cơ sở; đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế. Bài học đốc thúc kiểm tra: Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và xử lý sai phạm. Quyết tâm chuyển đổi nhận thức, làm cho nhận thức theo kịp thời đại; tư duy thể hiện trong đối thoại, tranh luận và thuyết phục. Quan tâm đến chức năng phối hợp: Phối hợp trong ngành, ngoài ngành.
Những thuận lợi và khó khăn của Ngành trong năm 2011:
- Về thuận lợi: Năm 2011 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm và 10 năm tiếp theo; nhiều chủ trương lớn sẽ được triển khai; năm kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi; Ngân sách đầu tư cho Ngành tăng so với năm 2010.
Về khó khăn: Năm 2011 là năm cạnh tranh gay gắt hơn, cả quốc tế lẫn trong nước; thị trường điện tử và môi trường mạng phát triển rất nhanh, diễn biến phức tạp, khó quản lý; nhận thức và hành động không theo kịp thực tiễn.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2011:
- Triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, coi đây là nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt trong 10 năm tới và cũng là nhiệm vụ nhằm thay đổi thứ hạng của Việt Nam về lĩnh vực thông tin truyền thông.
- Cụ thể hóa kế hoạch phát triển thông tin truyền thông vào Chương trình mục tiêu Quốc gia, xây dựng kế hoạch 2011-2015, trình Quốc hội vào cuối năm 2011; ưu tiên thực hiện Mục tiêu đầu tư cho Phát thanh, truyền hình ở các địa bàn, địa phương được chọn làm thí điểm ngay trong năm 2011.
- Tiếp tục hoàn thiện các đề án triển khai trong năm 2011, nhất là những đề án chuyển tiếp giữa năm 2010-2011 (bao gồm Luật, Nghị định, Thông tư; bám sát Văn phòng Chính phủ để những văn bản của Bộ trình Chính phủ được giải quyết nhanh hơn). Quan tâm các chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi, chính sách kích cầu để đầu tư phát triển và hợp tác các doanh nghiệp.
- Tập trung tổng kết, đánh giá hoạt động và tổ chức của bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông 2007-2010 để chuẩn bị xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, giai đoạn 2011-2016. Trong đó có các vấn đề: Bộ máy quản lý Nhà nước của Bộ, Cục viễn thông, Cục an toàn thông tin, Cục thông tin cơ sở, kiện toàn củng cố Quỹ VTCI... Hoàn thiện mô hình và bộ máy của Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.
- Phát triển hợp tác quốc tế nhằm khơi trong, hút ngoài. Trong Quý I/2011 tiến hành đàm phán mua bản quyền của Microsoft; triển khai đàm phán hợp tác quốc tế xuyên Thái Bình Dương; tìm các nguồn tài trợ quốc tế để triển khai công tác đào tạo cán bộ quản lý và kỹ sư CNTT, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng Trường Đại học Thông tin và Truyền thông quốc gia; tìm kiếm các bài học kinh nghiệm của thế giới áp dụng vào Việt Nam để đưa Ngành và đất nước đi lên nhanh hơn.
- Xây dựng một số đề án mở đường cho việc thực hiện các chiến lược lớn, bao gồm: Đề án về chính sách tiền lương cho những người làm CNTT; Đề án khảo sát nhu cầu đào tạo kỹ sư CNTT; Đề án khuyến khích hợp tác, hợp nhất các doanh nghiệp trên lĩnh vực viễn thông và CNTT thành các Tập đoàn lớn, làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế; tích cực triển khai và cụ thể hóa Đề án quỹ bù đắp tiền lương cơ quan Bộ để khuyến khích động viên cán bộ, viên chức có năng suất lao động cao và hiệu quả công việc tốt hơn; tổng kết công tác quy hoạch và nâng nhận thức, nâng tầm nhìn, làm công tác quy hoạch mới trong ngành Thông tin Truyền thông.
- Đoàn kết hợp lực, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động đưa Ngành phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, toàn diện hơn trong thời kỳ 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020. Trong đó, cần thực hiện các công việc sau: Đoàn kết trong Ban cán sự, trong Lãnh đạo Bộ; các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị của Bộ. Đoàn kết các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương với doanh nghiệp và cơ sở. Đoàn kết trong Ngành để vươn ra quốc tế. Đoàn kết giữa cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu. Đoàn kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để giải quyết hiệu quả công việc. Đoàn kết trong công tác phòng chống tiêu cực gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Liên tục phát động các phong trào thi đua để động viên cán bộ, viên chức làm việc tốt, đoàn kết tốt, có nhiều sáng kiến, nhiều đề tài phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.
- Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, bức xúc của xã hội: Quản lý trò chơi trực tuyến, cần có cơ chế đồng bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các Bộ có liên quan, đặc biệt với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quản lý di động trả trước và ngăn chặn tin nhắn rác; Quản lý truyền hình trả tiền; Quản lý báo chí, đặc biệt là báo mạng và thông tin điện tử; Tập trung đào tạo cán bộ của Bộ, của các Sở và cán bộ kỹ thuật bậc cao về sản xuất công nghiệp CNTT, trong đó có quan tâm công nghệ nguồn, công nghệ lõi, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu; chỉ đạo phát triển hạ tầng, gắn với quy hoạch dùng chung cơ sở hạ tầng; Mở rộng các dịch vụ thuê bao, khai thác hạ tầng, đường truyền chuyên dùng của Đảng, Nhà nước; vấn đề dữ liệu quốc gia; vấn đề đưa các dịch vụ ra nước ngoài; Quy hoạch đầu tư, chuyển giao công nghệ, chọn đầu tư trọng điểm cho các Điểm Bưu điện Văn hóa xã; giải quyết vấn đề đất đai, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho việc lắp đặt các trạm BTS; vấn đề Quỹ VTCI, đảm bảo nghiêm túc, chính xác, chống tiêu cực, chống trùng lặp, chống lãng phí. Các Cục, Vụ, Viện chủ động làm việc với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.
Những công việc cần ưu tiên triển khai trong Qúy I/2011:
- Tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán (tuyên truyền về thành tựu năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011 với những cơ hội và thách thức mới; chuẩn bị các ấn phẩm phục vụ Đại hội XI; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, hạn chế những mặt trái của thông tin trên mạng, trên báo chí và điện thoại di động.
- Quyết tâm xây dựng hình ảnh, thương hiệu ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam; xây dựng tiêu chí ứng xử văn hóa đối với cán bộ, công nhân viên chức ngành Thông tin và Truyền thông, để thống nhất thực hiện trong cả nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo Kết luận của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2011, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các Sở TTTT quán triệt và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 02/TB-BTTTT về kết luận của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 02/TB-BTTTT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 10/01/2011
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Nguyễn Trọng Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra