Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 55/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2010

 

Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, ký tại Brussel, ngày 04 tháng 10 năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2010.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

THỎA THUẬN

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HÀ LAN VỀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ QUẢN LÝ NƯỚC

Mở đầu

Một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hà Lan.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hà Lan (sau đây gọi là “các Bên”);

TRÊN CƠ SỞ quan hệ hữu nghị tốt đẹp, lợi ích chung và hợp tác lâu dài giữa hai nước;

NHẬN THỨC RẰNG Việt Nam và Hà Lan nằm trong số những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai;

NHẬN THỨC RẰNG, trong tương lai gần, Việt Nam và Hà Lan có lợi ích bổ sung lẫn cho nhau trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu;

GHI NHẬN RẰNG khu vực tư nhân và nhà nước của Hà Lan có chuyên môn cao trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước;

NHẬN THỨC RẰNG cộng đồng quốc tế đã và đang tập trung nỗ lực thích ứng với biến đối khí hậu và Hà Lan đã chủ động và có nhiều sáng kiến để thích ứng với biến đổi khí hậu cả trong nước, cũng như trên quy mô toàn cầu;

GHI NHẬN RẰNG Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ Hà Lan phối hợp chặt chẽ để xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long;

GHI NHẬN RẰNG Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cả Bộ Giao thông, Công chính và Quản lý nước, Hà Lan và thành phố Rotterdam trợ giúp trong việc xây dựng một tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận;

QUYẾT ĐỊNH thiết lập một Đối tác chiến lược như là một cấu trúc mới, bao trùm mọi hoạt động hợp tác hiện tại và hợp tác trong tương lai thuộc lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Quan hệ đối tác này làm gia tăng chiều sâu, sự chân thành của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hà Lan, nhằm mục đích phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi. Thỏa thuận này không thay thế hoặc loại bỏ các thỏa thuận đã ký trước đó giữa các Bên;

NÊU RÕ THIỆN Ý CỦA CÁC BÊN về tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước;

Đã đi đến thỏa thuận như sau,

LĨNH VỰC HỢP TÁC

Điều 1. Phạm vi và mục đích của Thỏa thuận Đối tác chiến lược

1.1. Mục đích của Thỏa thuận Đối tác chiến lược là xác định bối cảnh và các mục tiêu chiến lược của hợp tác ưu tiên giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước, thông qua một khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài.

1.2. Thỏa thuận Đối tác chiến lược, do Việt Nam và Hà Lan cùng xây dựng, xác định các ưu tiên chiến lược cần tập trung hợp tác song phương trong suốt giai đoạn quan hệ đối tác. Khuôn khổ này cũng xác định mối liên hệ giữa các ngành, giữa hai chính phủ, giữa các vùng và giữa hai quốc gia, với mục đích khuyến khích sự gắn kết và toàn diện hơn nữa trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Điều 2. Hợp tác trong nước và quốc tế

2.1. Các Bên thừa nhận lẫn nhau là đối tác ưu tiên cho hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và nhằm mục đích thiết lập một mối quan hệ hợp tác gần gũi trong tất cả các lĩnh vực có liên quan. Hiểu rõ sự khác biệt về điều kiện thủy văn, địa lý và kinh tế - xã hội giữa hai nước, các Bên thừa nhận tầm quan trọng của cam kết chiến lược lâu dài với nhau, trong đó các Bên phấn đấu để đạt được điểm tương đồng khi có thể. Các Bên nhận thức rằng, quan hệ đối tác chiến lược là một quá trình liên tục sẽ được hoàn thiện ở tất cả các cấp, và giữa các bên khác nhau như khu vực nhà nước, tư nhân, cũng như giữa các viện nghiên cứu.

2.2. Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và Bộ Giao thông, Công chính và Quản lý nước của Vương quốc Hà Lan, trong lĩnh vực quản lý tổng hợp lưu vực sông và quản lý đới bờ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được ký ngày 05 tháng 10 năm 2009, bao gồm chương trình làm việc cập nhật hàng năm, sẽ là một cơ sở quan trọng cho hợp tác giữa các Bên.

Theo Bản ghi nhớ này, các Bên tập trung vào tăng cường hợp tác song phương, trao đổi kiến thức và tăng cường năng lực trong các lĩnh vực:

- Thích ứng với biến đổi khí hậu (bao gồm quy hoạch và phát triển đô thị và nông thôn);

- An toàn (kiểm soát lũ lụt);

- Thực phẩm và các hệ sinh thái (bao gồm phối hợp quản lý tài nguyên đất và nước);

- Cấp nước, xử lý nước thải và vệ sinh; và

- Quản lý Nhà nước (các thỏa thuận thể chế, bao gồm pháp luật, các vấn đề và hoạt động tài chính của Việt Nam trong quan hệ với Ủy hội sông Mê Công)

2.3. Quan tâm cụ thể sẽ dành cho giáo dục sau đại học về quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái/nông nghiệp liên quan tại Việt Nam.

Các Bên phấn đấu nhằm gắn kết và hội nhập giữa các chủ đề và liên kết với sự phát triển đổi mới liên tục trong chính sách về nước và việc thực hiện tại Việt Nam như đề cập trong Thỏa thuận này. Điều này cũng bao gồm việc thành lập hai viện nghiên cứu hàng đầu về nước (tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh).

2.4. Các Bên phấn đấu tăng cường các cuộc tiếp xúc kinh doanh và thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực quản lý nước. Các Bên sẽ khuyến khích các tổ chức tư nhân và công ty tư nhân xây dựng các hoạt động hợp tác nhằm hoàn thành các mục tiêu của Thỏa thuận này. Ghi nhận rằng các tổ chức tư nhân và nhà nước của Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước là các đối tác ưu tiên/hiển nhiên.

2.5. Thỏa thuận Đối tác chiến lược dựa trên sự công nhận các lợi ích chung của cả hai Bên trong nhiều lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm có thể yêu cầu hai Bên có chung quan điểm, hành động và/hoặc phối hợp chính sách. Những mối quan tâm này và các hành động toàn cầu có thể được tăng cường thông qua các cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và tự do và trao đổi thông tin giữa các Bên về các vấn đề trong nước, khu vực, lục địa và toàn cầu.

Điều 3. Hợp tác khu vực và địa phương

3.1. Các Bên quyết định phối hợp chặt chẽ xây dựng một tầm nhìn dài hạn tích hợp cho đồng bằng sông Cửu Long, để thích ứng với những hậu quả của biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực này. Do đó Tầm nhìn Đồng bằng sông Cửu Long, trong nhiều vấn đề khác, bao gồm các tương tác với quy hoạch đô thị và nông thôn, nông nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, phát triển cơ sở hạ tầng và các vấn đề năng lượng.

3.2. Các Bên quyết định phối hợp chặt chẽ trong kế hoạch phát triển “thành phố Hồ Chí Minh hướng ra biển”, nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu của các dự án phát triển (đô thị) hiện tại và tương lai của thành phố Hồ Chí Minh, và để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.

3.3. Các Bên quyết định mở rộng phạm vi địa lý hợp tác khu vực về các vấn đề quản lý nước trong tương lai cho khu kinh tế trọng điểm phía Nam (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang). Ngoài các chủ đề được đề cập trong phần 2.2, các chủ đề hợp tác sẽ được mở rộng cùng với sự phát triển cảng chiến lược, quản lý cảng, vận tải và hậu cần, hàng hải nội địa v.v.

3.4. Các Bên quyết định mở rộng hợp tác trong tương lai về các vấn đề quản lý nước liên quan đến khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực duyên hải Việt Nam.

THỰC HIỆN

Điều 4. Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan

4.1. Để triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược, các Bên quyết định thành lập Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (sau đây gọi là “Ủy ban”).

4.2. Ủy ban sẽ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam hoặc một Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Phó Thủ tướng Chính phủ Hà Lan làm đồng chủ tịch, và bao gồm đại diện các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương liên quan do mỗi bên quyết định phù hợp với luật pháp nước mình.

4.3. Ủy ban sẽ:

(i) giám sát việc xây dựng Thỏa thuận Đối tác chiến lược và việc thực hiện và quản lý các Phụ lục của Thỏa thuận;

(ii) thiết lập và giao trách nhiệm cho các Ủy ban đặc biệt hoặc các Ủy ban thường trực, các nhóm làm việc hoặc các nhóm chuyên gia. Ủy ban Thường trực thuộc Ủy ban sẽ được thành lập nhằm triển khai các nhiệm vụ cụ thể, thực hiện các chương trình, dự án, và đưa ra các đề xuất và kiến nghị. Ủy ban Thường trực đề xuất (a) Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long; (b) Hợp tác Rotterdam - TP.HCM; (c) hỗ trợ trao đổi kiến thức; và (d) cải thiện môi trường kinh doanh cho ngành nước tư nhân.

(iii) giám sát công việc của tất cả các Ủy ban đặc biệt hoặc các Ủy ban thường trực, các nhóm làm việc và các nhóm chuyên gia được thành lập theo Thỏa thuận đối tác chiến lược này và Phụ lục của Thỏa thuận.

(iv) thảo luận với các cơ quan Chính phủ, liên Chính phủ và phi Chính phủ khi cần thiết;

(v) duy trì Thỏa thuận đối tác chiến lược này và Phụ lục của Thỏa thuận thông qua việc rà soát theo định kỳ, đánh giá hoạt động của Thỏa thuận và đề xuất các biện pháp thích hợp để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận tốt hơn;

(vi) xem xét bất cứ vấn đề nào khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Thỏa thuận này và các phụ lục của Thỏa thuận và có hành động thích hợp.

(vii) giải quyết mọi tranh chấp có thể phát sinh trong việc giải thích, thực hiện, hoặc không tuân thủ hoặc áp dụng Thỏa thuận Đối tác chiến lược này, và Phụ lục của Thỏa thuận theo quy định của Điều 11 về giải quyết tranh chấp;

(viii) thực hiện các chức năng khác do các Bên phân công;

4.4. Cơ quan thường trực của Ủy ban về phía Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan thường trực của Ủy ban về phía Hà Lan là Bộ Giao thông, Công chính và Quản lý nước.

4.5. Ủy ban sẽ họp thường kỳ ít nhất một năm một lần và các cuộc họp bất thường vào các thời điểm khác có thể được quyết định giữa các Bên. Các cuộc họp sẽ được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Hà Lan hoặc bất cứ nơi nào khác do các Bên quyết định. Chương trình nghị sự cho mỗi cuộc họp thường kỳ của Ủy ban sẽ được các Bên xây dựng ít nhất một tháng trước mỗi cuộc họp đề xuất. Các quyết định của Ủy ban sẽ được thông qua với sự đồng thuận và kiến nghị với các Bên.

Cuộc họp đầu tiên sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày các Bên cùng quyết định nhưng không được quá 3 tháng sau khi Thỏa thuận có hiệu lực.

4.6. Các cuộc họp sẽ được tổ chức định kỳ ở cấp cán bộ cấp cao và cấp chuyên gia để trao đổi các quan điểm về các vấn đề quốc gia, khu vực, xuyên biên giới và toàn cầu.

Điều 5. Các hoạt động trong khu vực tư nhân

5.1. Các Bên quyết định tăng cường sự tham gia tích cực của lĩnh vực tư nhân để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận. Các Bên sẽ tổ chức Diễn đàn Nước Việt Nam - Hà Lan để phân tích các cơ hội thương mại và đầu tư, đồng thời trao đổi thông tin, tổ chức các buổi thảo luận và giải quyết các vấn đề có liên quan.

Diễn đàn Nước sẽ có quy định riêng về các thủ tục và có thể đưa ra các kiến nghị cho Ủy ban về bất kỳ vấn đề nào trong khả năng và quyền hạn của mình.

Các hoạt động khác được các Bên cùng quyết định.

Điều 6. Nguồn lực cho các hoạt động hợp tác

6.1. Đối với các hoạt động của Ủy ban, Ủy ban thường trực, các nhóm làm việc và nhóm chuyên gia được thành lập theo Thỏa thuận này, mỗi Bên sẽ chi trả chi phí cho thành viên của Bên mình.

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan sẽ cung cấp các hoạt động hỗ trợ, các nhà khoa học, các chuyên gia; tổ chức các hoạt động khoa học chung; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, các khóa tập huấn và chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện để thực hiện thành công các kết quả cụ thể, khuyến khích sự tham gia của các bên có liên quan.

6.2. Đối với các hoạt động hợp tác khác, tùy thuộc vào từng hoạt động cụ thể, nguồn ngân sách có thể từ mỗi Bên, từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, từ hợp tác song phương hoặc quan hệ đối tác công-tư, từ nguồn đa phương, từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc bất kỳ nguồn ngân sách nào khác của mỗi Bên. Tất cả các đề xuất và/ hoặc điều kiện tham chiếu cho từng hoạt động cụ thể sẽ bao gồm một chương trình làm việc và kế hoạch nguồn ngân sách.

Điều 7. Sở hữu trí tuệ

7.1. Thông tin về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận không mang tính chất sở hữu độc quyền sẽ được công bố rộng rãi thông qua nhiều kênh thông tin phù hợp với thông lệ.

7.2. Việc bảo hộ và quản lý sở hữu trí tuệ được tạo ra hoặc sử dụng trong các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Điều 8. Xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa

8.1. Mỗi Bên, theo luật pháp và quy định hiện hành của mình, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập cảnh tại lãnh thổ của mình cán bộ, các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật, các doanh nghiệp và các nhân sự khác thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận.

8.2. Mỗi Bên, theo luật pháp và quy định hiện hành của mình, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập cảnh tại lãnh thổ của mình các thiết bị và tài liệu được sử dụng trong các hoạt động hợp tác theo Thỏa thuận này, cũng như đồ dùng cá nhân của các cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, doanh nghiệp có liên quan.

8.3. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, hàng hóa xuất, nhập khẩu vào lãnh thổ mỗi Bên liên quan đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận này thực hiện theo quy định hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều 9. Tham gia của các đối tượng khác

9.1. Các Bên khuyến khích sự tham gia của chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện, các viện nghiên cứu, khối tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ và các đối tượng khác vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận này.

Điều 10. Trách nhiệm và quy chế

10.1. Thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng tới hiệu lực hoặc việc thi hành của bất kỳ điều ước quốc tế nào khác mà mỗi Bên đã và sẽ ký kết.

Điều 11. Giải quyết tranh chấp

11.1. Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích, thực hiện và áp dụng Thỏa thuận này sẽ được hai Bên giải quyết thông qua tham vấn hoặc đàm phán.

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung

12.1. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi, bổ sung vào bất cứ khi nào có sự đồng ý bằng văn bản của các Bên. Phần được sửa đổi, bổ sung sẽ được coi là một phần không thể tách rời của Thỏa thuận này và sẽ có hiệu lực từ ngày các Bên ký.

Điều 13. Hiệu lực

13.1. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký.

13.2. Thỏa thuận này có hiệu lực đến thời điểm một trong hai Bên gửi thông báo chấm dứt Thỏa thuận cho Bên kia trước 6 tháng.

13.3. Trừ khi có Thỏa thuận khác, việc chấm dứt Thỏa thuận không làm ảnh hưởng tới các chương trình, dự án và các hoạt động đang được thực hiện và chưa hoàn tất đến thời điểm chấm dứt Thỏa thuận.

13.4. Thỏa thuận này không tạo nên bất kỳ quyền lợi hay nghĩa vụ nào trong khuôn khổ luật quốc tế.

Làm tại Brussels, ngày 04, tháng 10 năm 2010 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và tiếng Hà Lan, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở./.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Tấn Dũng

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ HÀ LAN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Jan Peter Bcetkenende

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa Việt Nam - Hà Lan

  • Số hiệu: 55/2010/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 04/10/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Hà Lan
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng, Jan Peter Bcetkenende
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 612 đến số 613
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản