Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-UB/TL | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1957 |
THỂ LỆ
VỀ XÉT ĐỊNH VỐN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Điều 1. – Căn cứ theo "quyết định về kiểm kê tài sản và xét định vốn của xí nghiệp Quốc doanh" của Thủ tướng Chính phủ số 141-TTg ngày 08-04-1957, nay ban hành thể lệ này nhằm xác định chính thức số đầu tư vào xí nghiệp quốc doanh của Nhà nước, tăng cường quản lý vốn của xí nghiệp và xây dựng cơ sở cho chế độ hạch toán kinh tế.
Điều 2. – Các xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc đều phải tính và xét định vốn của mình bằng tiền Ngân hàng Quốc gia.
Điều 3. – Vốn phải tính và xét định của xí nghiệp quốc doanh toàn quốc gồm có 2 loại: vốn cố định và vốn lưu động.
Điều 4. – Về mặt tài vụ thì các xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc phải dựa theo các kế hoạch sản xuất, cung cấp, tiêu thụ năm 1957, để tính toán kỹ lưỡng, hết sức tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động, nhằm sử dụng vốn được hiệu quả nhất và hợp lý nhất, đồng thời dựa vào các nguyên tắc dưới đây để tính định mức vốn lưu động cần thiết:
1) Định mức nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và vật liệu phụ:
Định mức cho những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và vật liệu phụ chủ yếu phải căn cứ vào số lượng cần thiết trung bình mỗi ngày (định mức tiêu hao số lượng sản xuất trung bình mỗi ngày), và căn cứ theo tình hình đi mua, vận chuyển để tính số ngày dự trữ cần thiết tối thiểu nhằm bảo đảm cung cấp cho sản xuất được bình thường (tính từ ngày trả tiền hàng đến những ngày thực tế bỏ vào sản xuất, bao gồm cả số ngày thực tế cần thiết cho các quá trình vận chuyển, kiểm nhận, bảo quản và chuận bị trước khi bỏ vào sản xuất), để tính định mức toàn bộ số vốn dự trữ. Nếu là vật liệu dự trữ đặc biệt, thì được tính ký dự trữ bảo hiểm nhất định.
Những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, và vật liệu phụ thứ yếu, nếu tính theo định mức tiêu hao gặp khó khăn, thì có thể căn cứ vào số dư trung bình thực tế của từng loại, trừ phần dự trữ quá nhiều và dựa vào điều kiện sản xuất mới để tính số dự trữ cần thiết tối thiểu.
2) Định mức phụ tùng dùng để sửa chữa (phụ tùng linh tinh):
Phải xác định theo kế hoạch sửa chữa linh tinh của tài sản cố định hoặc lấy số dư trung bình thực tế trong niên độ 1956 của xí nghiệp làm định mức cho niên độ 1957.
3) Định mức vật rẻ tiền mau hỏng:
Có thể căn cứ vào kinh nghiệm cũ của xí nghiệp hay phẩm chất của vật rẻ tiền mau hỏng để tính định mức cần thiết tối thiểu cho từng thứ, hoặc theo số công nhân, hoặc theo số máy móc, hoặc theo số phí tổn sản xuất.
4) Định mức sản phẩm đang chế tạo:
Căn cứ theo số lựong sản xuất và giá thành đơn vị trong kỳ kế hoạch (hàng năm hay hàng quý) của từng loại sản phẩm để tính tổng giá thành sản xuất, rồi chia cho số ngày trong kỳ kế hoạch (360 ngày hay 90 ngày) rồi nhân với chu kỳ sản xuất và hệ số sản phẩm đang chế tạo (tỷ lệ phần trăm so sánh giữa giá thành trung bình sản phẩm đang chế tạo với giá thành sản phẩm) thì sẽ tính được định mức vốn cần thiết trong kỳ chế tạo cho từng loại sản phẩm. Đem cộng các định mức của các loại sản phẩm đang chế tạo, thì sẽ được định mức vốn cần thiết của toàn bộ số sản phẩm đang chế tạo.
Nếu tính theo phương pháp trên gặp khó khăn, thì có thể tính theo số dư trung bình thực tế của niên độ 1956.
5) Định mức bán thành phẩm tự chế:
Căn cứ vào số tiền cần dùng bình quân mỗi ngày của bán thành phẩm tự chế, và căn cứ số ngày dự trữ bán thành phẩm tự chế để tính định mức vốn lưu động cần thiết về bán thành phẩm tự chế.
6) Định mức thành phẩm:
Căn cứ theo điều kiện tiêu thụ và kỳ luân chuyển trung bình của thành phẩm để tính ra số dự trữ cần thiết tối thiểu và ký luân chuyển trung bình. Về thành phẩm công nghiệp, là số ngày trung bình cần thiết kể từ khi thành phẩm đã làm xong cho tới khi xuất khỏi kho và thu đủ tiền hàng. Về hàng của xí nghiệp Mậu dịch, là số ngày trung bình cần thiết kể từ ngày bắt đầu trả tiền mua hàng gồm quá trình vận chuyển, kiểm nhận và bảo quản cho đến khi hàng đã xuất kho và thu đủ tiền hàng.
"Cho đến khi thu đủ tiền hàng" nghĩa là chỉ đóng khung trong những thời gian cần thiết bình thường để làm kết toán nhận tiền sau khi giao hàng, không kể những món nợ còn chịu.
7) Định mức phí tổn trả trước (phí tổn đợi phân bổ):
Là những khoản chi đặt mua sách báo, tạp chí, v.v... phải trả trước cho kỳ sau; có thể tính số vốn cần thiết trung bình theo tình hình cần đúng thực tế.
8) Tiền mặt tồn quỹ:
Căn cứ theo quy định của bản thể lệ quản lý tiền tệ, thì tiền mặt tồn quỹ là tiền mặt linh tinh và tiền bán hàng của xí nghiệp Mậu dịch mà Nhà nước quy định cho xí nghiệp được giữ.
Tổng số các khoản vốn lưu động cần thiết tính ở trên là định mức vốn lưu động cần thiết cho xí nghiệp và là căn cứ để tính tỷ lệ luân chuyển vốn lưu động.
Điều 5. – Ngoài việc hạch toán mức vốn lưu động cần thiết tối thiểu quy định trên ra, xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc và Ủy ban Kiểm kê các cấp phải căn cứ theo tình hình sản xuất, kế hoạch tài vụ và tình hình thực tế trên bảng tổng kết tài sản đến ngày bắt dầu kiểm kê của bản thân xí nghiệp, để tính toán và xét duyệt chặt chẽ số đầu tư của Nhà nước cần thiết tối thiểu. Đồng thời phải có bản ghi ý kiến gửi cho Ủy ban Kiểm kê toàn quốc. Nếu số nguyên liệu, vật liệu, nhiên iệu và thành phẩm của các đơn vị thực có nhiều hơn định mức thì phải ghi vào bảng chi tiết những vật liệu dự trữ quá mức và lập kế hoạch tiêu thụ hoặc kế hoạch sử dụng, từng cấp một phải xét duyệt và tổng hợp gửi cho Ủy ban Kiểm kê toàn quốc.
Điều 6. – Vốn lưu động luân chuyển bất thường cần cho sản xuất hoặc kinh doanh, có tính chất thời vụ hay vì những nguyên nhân đặc biệt khác, thì phải giải quyết bằng cách vay ngắn hạn ở Ngân hàng Quốc gia.
Điều 7. – Xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc phải căn cứ vào tổ chức sản xuất, khả năng thiết bị, kết hợp với định mức kinh tế, kỹ thuật, để tính ra số tài sản cố định tối thiểu cần phải có (kể cả phần dự trữ trong niên độ 1957); số tài sản này phải ghi vào tài sản cố định để sử dụng. Những tài sản cố định chưa dùng đến hoặc căn bản xí nghiệp đó không dùng đến, thì phải ghi riêng vào tài khoản có và phải lập sổ kiểm kê chi tiết riêng. Ủy ban Kiểm kê các cấp phải xét duyệt tổng hợp để gửi lên trên.
Điều 8. – Nếu có vật liệu tồn kho ứ đọng, thì xí nghiệp quốc doanh toàn quốc phải kiểm kê, mở riêng tài khoản có và phải lập sổ ghi những vật liệu ứ động riêng để gửi cho Ủy ban Kiểm kê các cấp xét duyệt và tổng hợp gửi lên Ủy ban Kiểm kê toàn quốc.
Các Bộ chủ quản xí nghiệp phải cùng Ủy ban Kiểm kê cùng cấp, căn cứ theo tính chất và công dụng của những vật tư ứ động, để đề ra kế hoạch điều chỉnh và phải tổ chức ngay việc điều chỉnh trong những phạm vi sau đây, để giảm bớt số vật liệu ứ đọng:
a) Trong hệ thống của xí nghiệp, tiến hành điều chỉnh tại chỗ, điều chỉnh hoặc trong khu vực nhất định hoặc trong toàn quốc.
b) Trong các Bộ chủ quản xí nghiệp, điều chỉnh giữa các ngành hoặc giữa các khu vực.
Kế hoạch điều chỉnh vật liệu ứ đọng phải gửi lên Ủy ban Kiểm kê toàn quốc để báo cáo.
Điều 9. – Sau khi kiểm kê tài sản xong, việc tính toán và xét định vốn của xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc phải do Ủy ban Kiểm kê các cấp chịu trách nhiệm xét duyệt chặt chẽ để tổng hợp, theo mẫu bảng cáo cáo đã quy định và ghi ý kiến nhận xét, rồi qua từng cấp một theo như trình tự đã quy định, gửi lên Ủy ban Kiểm kê toàn quốc, kèm theo kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài vụ của các xí nghiệp.
Điều 10. – Vốn xí nghiệp do Nhà nước đầu tư vào xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc, sau khi xét định lần sau cùng, thì số vốn còn thừa hay thiếu sẽ do các Bộ chủ quản xí nghiệp điều chỉnh số vốn cần thiết qua từng cấp cho tới xí nghiệp cơ sở và lần lượt làm thủ tục chuyển khoản đầu tư chính thức với Bộ Tài chính. Biện pháp cụ thể sẽ do Bộ Tài chính ban hành sau.
Điều 11. – Các Bộ chủ quản xí nghiệp, các Ủy ban Kiểm kê các cấp phải bảo đảm tiến hành và hoàn thành công tác kiểm kê tài sản xét định vốn đúng như thời hạn đã quy định trong "quyết định về kiểm kê tài sản xét định vốn của xí nghiệp quốc doanh" của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 12. – Các báo biểu, mẫu bảng chính và trình tự gửi cùng với thể lệ cần thiết cho việc xét định vốn của xí nghiệp quốc doanh toàn quốc đều do Ủy ban Kiểm kê toàn quốc thống nhất quy định và ban bố.
Điều 13. – Ủy ban Kiểm kê các Bộ chủ quản xí nghiệp phải căn cứ theo quy định của bản thể lệ này, kết hợp với tình hình thực tế của các xí nghiệp do Bộ phụ trách, để thống nhất định ra bản thể lệ bổ sung thi hành cụ thể và gửi cho Ủy ban Kiểm kê Toàn quốc làm hồ sơ theo dõi.
Điều 14. – Sau khi vốn cố định và vốn lưu động đã được xét định, thể lệ quản lý những vốn đó sẽ do Bộ Tài chính quy định sau.
| T.L. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VĂN KIỆN PHỤ
CỦA THỂ LỆ SỐ 01 NGÀY 01 THÁNG 06 NĂM 1957 QUY ĐỊNH VỀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CỦA XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP
A. – TÀI SẢN CỐ ĐỊNH DÙNG VÀO SẢN XUẤT
1) Nhà cửa.
a) Nhà cửa dùng cho các phân xưởng chính, phân xưởng phụ, phòng thí nghiệm, hoặc thiết bị sản xuất cá biệt (ví dụ như máy biến thế điện, kho ướp lạnh và những thứ khác v.v...)
b) Nhà cửa dùng vào nghiệp vụ vận chuyển của xí nghiệp công nghiệp (nhà chứa xe, xưởng sửa chữa và lắp xe v.v...).
c) Nhà cửa dùng vào việc quản lý hành chính (phòng làm việc, nhà chứa xe cứu hỏa, v.v...)
2) Vật kiến trúc.
a) Vật kiến trúc dùng vào sản xuất (Hầm mỏ, công trường làm đá, ống khói v.v...).
b) Vật kiến trúc dùng vào vận chuyển (cầu, đường sắt, đường cái, đường bộ, v.v...).
c) Vật kiến trúc trong nghiệp vụ kinh doanh (đê điều, thiết bị hộ để ở mỏ than v.v...)
3) Thiết bị động lực.
Gồm những máy phát động sản xuất ra nhiệt điện hoặc điện lực (nồi hơi, máy phát điện và những thứ khác) và những máy động lực dẫn các loại động lực đến các gian máy (động cơ, tuyếc-bin và những thứ khác).
4) Thiết bị chuyền dẫn.
Gồm những loại thiết bị động lực và thay đổi phương thức động lực (như đường giây dẫn điện, công cụ chuyển dẫn, đường giây nhiệt điện và những thứ khác v.v...).
5) Thiết bị sản xuất.
Là tất cả những thiết bị máy móc có thể trực tiếp ảnh hưởng đến đối tượng lao động, làm thay đổi hình thức, thành phần và trạng thái của đối tượng lao động, gồm các loại máy móc và thiết bị đúng vào sản xuất như máy khoan, máy tiện, lò nấu quặng, máy dệt, máy khởi động vận chuyển (như máy mô-tơ trong gian máy, giây chuyền và những thứ khác...) và những thứ khác v.v...
Tất cả những máy móc và nền đặt máy, những đồ phụ thuộc, bộ phận phụ tùng máy, công cụ, kết hợp với nhau thành một cái máy toàn vẹn, đều gọi là những bộ phận cấu tạo của máy.
6) Công cụ, khí cụ và dụng cụ dùng vào sản xuất.
a) Khí cụ làm việc (máy ép, ê-tô và những thứ khác...).
b) Khí cụ đo và máy móc thực nghiệm.
c) Những khí cụ dụng cụ khác dùng vào sản xuất không thuộc vào đồ phụ thuộc của khí cụ và thiết bị sản xuất.
7) Thiết bị vận chuyển
Gồm các loại phương tiện vận tải bằng máy móc và bằng súc vật: toa, đầu máy, ô-tô, xe ngựa, súc vật và những thức khác, v.v...
8) Đồ dùng trong nhà
a) Đồ dùng trong nhà và đồ dùng văn phòng (trang bị trong phòng làm việc, máy tính, két và những thứ khác v.v...)
b) Thư viện kỹ thuật (sách vở tạp chí, bản đồ và đồ án thiết kế, không kể giá trị nhiều hay ít, đều thuộc loại này).
9) Tài sản cố định dự trữ.
Gồm tất cả những tài sản cố định dự trữ thường xuyên dùng để thay thế khi xảy ra tai nạn hoặc để dùng trong khi sửa chữa, nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất không bị gián đoạn.
10) Số đầu tư mua đất đai.
B. – TÀI SẢN CỐ ĐỊNH DÙNG CHO PHI SẢN XUẤT
1) Tài sản cố định dùng cho hoạt động nông nghiệp phụ thuộc của xí nghiệp công nghiệp hoặc các nghề phụ thuộc khác của xí nghiệp công nghiệp.
2) Tài sản cố định dùng cho việc tiêu thụ và cung cấp thức ăn vật dùng.
3) Tài sản cố định về nhà ở, về sự nghiệp công dụng (điện, nước), gồm tất cả những vật kiến trúc, thiết bị, đồ dùng phụ thuộc và phòng tắm, phòng giặt, v.v...
4) Tài sản cố định dùng vào những xây dựng về đời sống văn hóa, gồm những nhà cửa cùng những vật kiến trúc, thiết bị và đồ dùng phụ thuộc cần cho trường học, thư viện, câu lạc bộ, vườn trẻ, nhà gửi trẻ, v.v...
5) Tài sản cố định dùng cho y tế, bảo vệ sức khỏe, gồm nhà cửa, thiết bị và những vật dụng cần thiết khác của bệnh viện, phòng khám bệnh, v.v...
Trên đây chỉ quy định về tài sản cố định của xí nghiệp công nghiệp; các Bộ chủ quản xí nghiệp sẽ căn cứ vào văn bản này và tình hình cụ thể để quy định cho các xí nghiệp không phải công nghiệp.
| T.L. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Thể lệ số 02-UB/TL về việc xét định vốn xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ Tướng ban hành
- Số hiệu: 02-UB/TL
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 01/06/1957
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Bùi Công Trừng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra