Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

SỐ 83/SL CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ VỀ VIỆC THÀNH LẬP VIỆN HUÂN CHƯƠNG

Chiểu Sắc lệnh số 58-SL ngày 5 tháng 7 năm 1947 đặt ba thứ Huân chương "Sao vang", "Hồ Chí Minh", "Độc lập".

Xét nhu cầu hiện thời,

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

RA SẮC LỆNH:

Điều 1

Nay đặt ra một viện lấy tên là "Viện Huân Chương". Viện Huân chương trực tiếp phụ thuộc vào Chủ tịch Phủ.

Điều 2

Viện Huân chương có nhiệm vụ:

1- Tập trung và xét tất cả những đơn từ của tư nhân hay của các Bộ, các cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương,

2- Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huy chương, huân chương các thứ, các hạng;

3- Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đạt ra các thứ huy chương, huân chương các hạng;

4- Phụ trách làm các thứ huy chương, huân chương các hạng, theo đúng như kiểu mẫu đã ấn định;

5- Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương.

Điều 3

Viện Huân chương có quyền thu một số tiền cấp bằng, tuỳ theo các thứ và các hạng huy chương hay huân chương, do Sắc lệnh ấn định sau.

Những tư nhân hay đoàn thể được thưởng cấp huy chương, huân chương, phải nộp tại viện Huân chương một số tiền sổ phí để lĩnh huy chương, hay huân chương.

Tuy nhiên, những người ở trong quân đội, hay là những người được coi như quân nhân đều được miễn tiền sổ phí và được miễn không phải nộp cả số tiền cấp bằng.

Điều 4

Viện Huân chương do một Viện trưởng Giám đốc và quản trị, và gồm có 4 hội viên họp thành một Hội đồng huân chương do Viện trưởng làm Chủ tịch.

Viện trưởng và Hội viên do Sắc lệnh Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm.

Điều 5

Để thi hành nhiệm vụ nói trong Điều 2, Viện trưởng và hội viên phải họp hội đồng để lấy biểu quyết.

Hội đồng sẽ nghị quyết theo đa số thưởng. Nếu số phiếu bằng nhau, ý kiến của Viện trưởng Chủ tịch Hội đồng, sẽ được coi như là nghị quyết chung.

Điều 6

Viện Huân chương có:

a) Văn phòng, do một Chánh Văn phòng điều khiển, Chánh Văn phòng Viện Huân chương là thư ký của Hội đồng.

b) Một phòng chấp ấn để giữ việc cấp phát cùng thu nhận những tiền cấp bằng và tiền sổ phí.

Điều 7

Chi tiết thi hành Sắc lệnh này sẽ do Viện Huân chương hay Chủ tịch phủ ấn định sau.

Điều 8

Thủ trưởng Chủ tịch phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh Văn phòng Chủ tịch Chính phủ chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)