Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

SẮC LỆNH SỐ 43 VỀ MỖI KỲ MỘT “ HỘI ĐỒNG PHÁN ĐỊNH THẨM QUYỀN GIỮA TÒA ÁN QUÂN SỰ, TÒA ÁN ĐẶC BIỆT VÀ TÒA ÁN THƯỜNG” CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 43 NGÀY 3 THÁNG 4 NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu chi Sắc lệnh ngày 23-11-1945 về Toà án đặc biệt;

Chiểu chi Sắc lệnh ngày 14-2-1946 về Toà án quân sự;

Chiểu chi nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 25-2-1946 về Toà án quân sự;

Xét cần phải thiết lập một cơ quan cao cấp để giải quyết những vụ phân tranh quyền hạn giữa Toà án quân sự, Toà án đặc biệt cùng Toà án thường;

Sau khi đã được Hội đồng Chính phủ thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều 1: Nay lập tại mỗi kỳ một "Hội đồng phán định thẩm quyền giữa Toà án quân sự, đặc biệt và Toà án thường".

Trụ sở của Hội đồng ấy là ở Hà Nội, Thuận Hoá và Sài Gòn.

Điều 2: Hội đồng phán định thẩm quyền gồm có:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc người đại diện là Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ Chủ tịch

- Chánh nhất Toà Thượng thẩm Hội viên

- Chưởng lý Toà Thượng thẩm Hội viên

Một viên lục sự do ông Chưởng lý chỉ định sẽ giúp Hội đồng và giữ giấy má.

Điều 3: Hội đồng phán định thẩm quyền có thẩm quyền phán định:

1- Các việc phân tranh về thụ lý;

2- Các việc phân tranh về di lý; giữa Toà án quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường.

Điều 4: Các người sau này có quyền khởi tụng về phân tranh quyền hạn:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

- Công cáo uỷ viên các Toà án quân sự;

- Chưởng lý và Biện lý.

Điều 5: Mỗi khi có một tội phạm do hai toà án mà một là hoặc Toà án quân sự, hoặc Toà án đặc biệt, hoặc Toà án thường cùng thụ lý, thì toà án nào nếu xét rằng mình thực có thẩm quyền có thể viết giấy yêu cầu toà án đối phương hoặc di lý và trả hồ sơ cho mình, hoặc nếu không sẽ phải để hồ sơ lên H.D.P.D.T.Q. xét. Bản yêu sách thẩm quyền đó sẽ nói rõ các lý do của mình.

Bản thanh tra đặc biệt hoặc Biện lý hoặc Công cáo uỷ viên của Toà án đối phương khi nhận được bản yêu sách đó trong hạn 5 ngày phải:

1- Hoặc trao hồ sơ vụ án tương tranh sang toà án yêu sách có thẩm quyền, và như thế thì việc đến đấy là xong.

2- Hoặc nếu không bằng lòng bản yêu sách đó, sẽ trả lời cho toà án đối phương biết và làm một tờ thuyết trình binh vực quan điểm của mình, kèm cả bản yêu sách thẩm quyền của toà án đối phương cùng cả hồ sơ vụ án tương tranh lên ông Chủ tịch H.D.P.D.T.Q. xét.

Điều 6: Nếu một toà án đã nhận được bản yêu sách thẩm quyền mà không chịu di lý và cũng không chịu giả lời cùng đệ hồ sơ lên ông Chủ tịch H.D.P.D.T.Q., thì toà án yêu sách thẩm quyền có thể gửi bản sao bản yêu sách của mình cùng hồ sơ, nếu có, lên ông Chủ tịch H. D. P. D. T. Q để khởi tụng vụ phân tranh quyền hạn.

Điều 7: Mỗi khi cả Toà án quân sự hay Toà án đặc biệt lẵn Toà án thường đều lần lượt tuyên án không có thẩm quyền xét xử một việc thì Ban thanh tra đặc biệt hoặc Biện lý hoặc Công cáo uỷ viên của toà án nào sau cùng đã tuyên án về thẩm quyền sẽ đệ hồ sơ lên ông Chủ tịch H.D.P.D.T.Q. để khởi tụng về phân tranh di lý nói trên.

Điều 8: Ông Chủ tịch H.D.P.D.T.Q. có thể tự mình hoặc cử một hội viên trong Hội đồng làm uỷ viên thuyết trình vụ phân tranh trước H.D.P.D.T.Q.

Vì uỷ viên thuyết trình đó có thể hỏi các toà án tương tranh cho những tài liệu cần thiết để giúp ích cho sự phân định của Hội đồng.

Điều 9: H.D.P.D.T.Q. nếu xét cả hai toà án tương tranh đều vô thẩm quyền có thể giao việc phạm pháp cho một toà án thứ ba xét xử.

Điều 10: H.D.P.D.T.Q. sẽ quyết nghị trong một hạn ngăn nhất sau khi nhận được hồ sơ vụ án phân tranh quyền hạn.

Điều 11: H.D.P.D.T.Q. xét xử ở trong phòng kín, chỉ bằng vào giấy má bút lục; những quyết nghị của Hội đồng ấy sẽ chung thẩm.

Điều 12: Bản quyết nghị phán định thẩm quyền sẽ do viên lục sự giúp việc H.D.P.D.T.Q. gửi cùng với cả hồ sơ vụ án trả toà án nào có thẩm quyền. Đồng thời một bản sao bản quyết nghị đó sẽ gửi báo cho toà án đối phương biết.

Điều 13: Một nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nếu cần, sẽ ấn định các chi tiết để thi hành Sắc lệnh này.

Điều 14: Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 43 về việc mỗi Kỳ một "Hội đồng phán định thẩm quyền giữa Toà án quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường" do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành

  • Số hiệu: 43
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 03/04/1946
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 18/04/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản