Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 32 NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

Chiểu Sắc lệnh số 40 ngày 29 tháng 3 năm 1946 và Sắc lệnh số 11 ngày 30 tháng 1 năm 1947 ấn định thể lệ đảm bảo tự do cá nhân và phương pháp đề phòng đặc biệt,

Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ nhất:

Điều thứ 9 Sắc lệnh số 40 ngày 29-3-1946 kể trên nay sửa đổi như sau:

"Điều thứ 9 mới - Khi nào cấp bách đặc biệt, Chủ tịch" Uỷ ban Kháng chiến tỉnh, và Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, được phép bắt người xét ra lời nói hay việc làm nguy hại cho cuộc trị an hay kháng chiến, nhưng phải báo tin lập tức ngay trong ngày tạm bắt giữ ấy cho Uỷ ban kháng chiến khu.

"Trong hạn 15 hôm là cùng, hồ sơ phải đề về Uỷ ban chiến khu và trong 30 ngày, Uỷ ban kháng chiến khu phải xét hồ sơ và lệnh hoặc tha, hoặc giam".

"Việc bắt giữ, điều tra, và lập và gửi hồ sơ, sẽ do Uỷ ban hành chính tỉnh phụ trách, dù lệnh bắt do Uỷ ban kháng chiến tỉnh ký "

Điều thứ hai:

Điều thứ 4b Sắc lệnh số 11 ngày 30 tháng 1 năm 1947 kể trên về các điều khoản trái với Sắc lệnh này, nay bãi bỏ.

Điều thứ 3:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chiểu theo Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)