SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 188/SL NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 1948 LẬP MỘT CHẾ ĐỘ CÔNG CHỨC MỚI VÀ MỘT THANG LƯƠNG CHUNG CHO CÁC NGẠCH VÀ CÁC HẠNG CÔNG CHỨC VIỆT NAM
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu chế độ viên chức hiện thời và các thể lệ hiện hành về lương bổng và phụ cấp của các hạng viên chức,
Xét cần lập một chế độ mới cho công chức Việt Nam thích hợp với nền Dân chủ cộng hoà các và công cuộc kháng chiến kiến quốc,
Sau khi Hội đồng Chính phủ và ban Thường trực Quốc hội thoả hiệp,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Nay sửa đổi lại chế độ công chức hiện thời theo hai mục đích:
- Cải thiện đời sống công chức,
- Đơn giản hoá chế độ công chức, và theo những nguyên tắc sau đây:
a) Ấn định mức sinh hoạt tối thiểu,
b) Trọng dụng thành tích, tài năng,
c) Chú ý đến tình trạng gia đình,
d) Nâng đỡ phụ nữ và đồng bào miền núi làm công chức,
e) Thống nhất ngạch và cấp bậc.
THANG LƯƠNG CHUNG
Điều 2
Các công chức chính ngạch ở mỗi ngành làm việc trong các cơ quan của Chính phủ, sẽ theo một thang lương chung gồm 25 bậc.
Nhân viên Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân sẽ có một quy tắc riêng theo tinh thần của Sắc lệnh này.
Trong thang lương, ấn định trong bảng số 1 định theo Sắc lệnh này có:
A) Một số lương chính ngạch, làm căn bản để tính hưu liễm 10% góp cho Quỹ Hưu bổng.
B) Một số lương phụ tạm thời, định theo thời gian sinh hoạt và có thể thay đổi bằng Sắc lệnh. Lương phụ này, nay là 40% số lương chính.
Nếu lương chính và phụ cấp dưới 220đ một tháng thì cũng được lĩnh 220 đồng.
TỔ CHỨC CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC
Điều 3
Những người được tuyển dụng sẽ bổ vào một trong 5 hạng sau này, tuỳ theo văn bằng và trình độ học thức hay năng lực, khi mới được tuyển bổ:
Hạng A: Ngạch Tá sự: lương có 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10.
Trình độ: tiểu học hoặc năng lực tương đương.
Những người đã được tốt nghiệp Tiểu học cơ bản hay một lớp công nghệ thực hành, hoặc có năng lực tương đương, sẽ bắt đầu ở bậc 5.
Hạng B: Ngạch Cán sự: lương có 12 bậc, từ bậc 5 đến bậc 16.
Trình độ: trung học phổ thông hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng Trung học phổ thông hay tốt nghiệp một trường thực nghiệp (niên hạn học: 5 hay 4 năm) hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu ở bậc 7.
Bậc 5 sẽ là bậc bắt đầu của những người đã học 2 năm trung học phổ thông hay thực nghiệp, hoặc năng lực tương đương.
Hạng C: Ngạch Tham sự: lương có 10 bậc, từ bậc 10 đến bậc 19.
Trình độ: trung học cao cấp, hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng trung học cao cấp hoặc văn bằng hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu ở bậc 10.
Hạng D: Ngạch Kiêm sự: lương có 10 bậc, từ bậc 13 đến bậc 22.
Trình độ: cử nhân hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng cử nhân luật hoặc năng lực tương đương sẽ bắt đầu ở bậc 13.
Hạng E: Ngạch Giám sự: lương có 10 bậc, từ bậc 16 đến bậc 25.
Trình độ: tiến sĩ, bác sĩ, hoặc năng lực tương đương.
Những người có bằng luật khoa tiến sĩ, y khoa bác sĩ, hay những văn bằng tương đương, hoặc năng lực tương đương, sẽ bắt đầu từ bậc 16.
Những người có bằng y khoa thạc sĩ, luật khoa thạc sĩ hay kỹ sư cao cấp đã qua trường Bách khoa, và một trường Cao học sẽ bắt đầu ở bậc 19.
Những danh từ các ngạch trên này sẽ chung cho các ngành song những ngành có những chức vụ đặc biệt có thể có những danh từ riêng, lương bổng thì theo chế độ chung.
Những điều kiện để tuyển bổ vào ngạch và vào các bậc sẽ ấn định rõ ràng trong quy chế công chức Việt Nam và trong những quy tắc riêng tổ chức mỗi ngạch.
CÁC KHOẢN PHỤ CẤP
Điều 4
Những công chức thuộc các ngạch kể trên đều được hưởng những phụ cấp sau này:
1- Phụ cấp gia đình cho 1 vợ chính thức và các con chính thức dưới 16 tuổi. Từ 16 đến 18 tuổi, phải có giấy chứng nhận hay con đi học hay tập nghề ở một công xưởng hay một xí nghiệp hay bị tàng tật mới được hưởng phụ cấp. Những con đã lĩnh lương hay sinh hoạt phí của Chính phủ, không được hưởng phụ cấp.
Con thứ 2 được hưởng phụ cấp nhiều hơn con thứ nhất, con thứ 3 nhiều hơn con thứ 2 và con thứ 4 nhiều hơn con thứ ba. Con thứ 5 trở đi bằng con thứ 4.
2- Phụ cấp gạo đắt: Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ ra nghị định ấn định phụ cấp gạo đắt cho công chức.
3- Phụ cấp khu vực khí hậu xấu: Cấp theo nghị định ấn định khu vực của Liên Bộ Nội vụ Y tế có sự thoả thuận của Bộ Tài chính.
4- Phụ cấp khu vực tiền tuyến: cấp theo Thông tư Liên Bộ Nội vụ Tài chính sau khi hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy.
Khi một công chức làm việc ở một nơi được kể vào khu vực tiền tuyến và khu vực khí hậu xấu, sẽ được lĩnh cả số phụ cấp to và một nửa số phụ cấp nhỏ, hoặc 3/4 số tổng cộng nếu hai phụ cấp bằng nhau.
Các khoản phụ cấp nói trên định trong bảng số 2 đính theo Sắc lệnh này.
Điều 5
Nếu lương Và các khoản phụ cấp kể trên của một công chức dưới 220 đồng một tháng, thì công chức ấy được lĩnh 220 đồng.
TRỌNG DỤNG THÀNH TÍCH TÀI NĂNG
Điều 6
Những công chức giữ những chức vụ điều khiển hoặc có TRách Nhiệm về tiền tài sẽ được hưởng một khoản phụ cấp chức vụ hay trách nhiệm.
Những công chức về các ngành chuyên môn có bằng cấp cao mà có công dụng thực tế, hoặc có năng lực tương đương, sẽ được hưởng 1 khoản phụ cấp chuyên môn.
Một nghị định liên Bộ Nội vụ Tài chính sau khi thoả thuận với các Bộ sở quan sẽ định rõ hai thứ phụ cấp ấy.
Những công chức có thể qua những kỳ thi chuyên nghiệp để lên ngạch trên.
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI
Điều 7
Đối với công chức đồng bào miền núi, sẽ có những thể lệ ưu đãi về việc tuyển dụng.
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC PHỤ NỮ
Điều 8
Trong thời kỳ thai sản, công chức phụ nữ được nghỉ 2 tháng hưởng cả lương và các phụ cấp.
Những công chức phụ nữ mà chồng không là công chức, được hưởng các thứ phụ cấp cho con như công chức nam giới và cả cho chồng nếu chồng tàng tật không thể làm việc được.
ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG TRONG CÔNG CUỘC GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
Điều 9
Những công chức đã nghỉ việc trước ngày tuyên bố Độc lập (2-9-1945) để tham dự công cuộc giải phóng dân tộc đến nay, nếu lại vào làm việc, sẽ được coi như vẫn ở ngạch công chức trong thời kỳ thôi việc và sẽ theo hạn thâm niên trung bình của công chức cùng hạng để được đặt vào bậc mới.
Những người có công trong cuộc giải phóng dân tộc, hiện đương làm công nhật hay làm theo hợp đồng, đều có thể được bổ vào chính ngạch: nếu làm chưa được 2 năm sẽ bắt đầu ở bậc lương bắt đầu ở mỗi ngạch, nếu đã làm việc được quá 2 năm sẽ được bổ ngay vào bậc liền trên.
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC GIA NHẬP BỘ ĐỘI
Điều 10
Những công chức gia nhập bộ đội vệ quốc quân mà được Bộ sở quản cho phép, vẫn được hưởng lương bổng như khi tại chức, và khi nhập ngũ được hưởng 1 khoản tiền thưởng bằng 1 tháng lương (gồm cả phụ cấp) của mình. Nếu chưa lĩnh số tiền thưởng này sẽ được truy lĩnh.
Những công chức này vẫn được dự các kỳ thăng thưởng cũng như công chức tại chức.
Sau khi giải ngũ, tuỳ theo chiến công, còn có thể được đặc cách thăng từ 1 đến 3 bậc.
ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN GIẢI NGŨ
Điều 11
Những quân nhân muốn xin vào ngạch công chức sau khi giải ngũ có thể được tuyển vào các ngạch tuỳ theo năng lực không kể bằng cấp, phải qua một kỳ thi nhưng sẽ được hưởng thêm một số điểm.
Những quân nhân có chiến công khi giải ngũ, muốn vào làm công chức, sẽ qua một kỳ thi riêng.
ĐỐI VỚI NHỮNG CÔNG CHỨC CŨ TRỞ LẠI LÀM VIỆC HOẶC TRƯNG TẬP
Điều 12
Những công chức đã từ chức, nay trở lại làm việc có thể bổ vào ngạch và bậc cũ của mình, nhưng phải có giấy chứng nhận sức khoẻ của bác sĩ của Chính phủ.
Những viên chức đã về hưu, được Chính phủ trưng tập, nếu phụ trách một việc giống như việc mình làm trước, sẽ được hưởng ngang lương bổng và các khoản phụ cấp của công chức cùng bậc, nhưng phải trừ số hưu bổng mình vẫn được lĩnh; nếu phụ trách một việc khác việc mình làm trước, sẽ được định lương tuỳ theo việc, nhưng cũng phải trừ sổ hưu bổng mình vẫn lĩnh.
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC TẠM THỜI
Điều 13
Các công chức tuyển dụng theo lối tạm thời, sẽ cũng theo thang lương công chức chính ngạch, nhưng dưới công chức chính ngạch 1 bậc còn các khoản phụ cấp cũng được hưởng như đã ấn định trong Điều 4.
Công chức tạm thời, nếu lương chính và các khoản phụ cấp dưới 220 đồng một tháng, sẽ được lĩnh 220 đồng.
ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CHÍNH NGẠCH HIỆN TẠI CHỨC
Điều 14
Những công chức chính ngạch sẽ chuyển sang ngạch mới theo bảng đối chiếu các cấp bậc.
Các Bộ sở quản sẽ cùng với liên bộ Nội vụ Tài chính xét cách xếp đặt kể trên theo mẫu đối chiếu ấn định trong bảng số 3 đính theo Sắc lệnh này. Những bảng đối chiếu ấy sẽ định quy tắc riêng của từng ngạch.
THI HÀNH
Điều 15
Những khoản về lương bổng và phụ cấp ấn định trong Sắc lệnh này sẽ thi hành bắt đầu từ ngày 1-5-1948.
Các thể lệ cũ trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 16
Các ông Bộ trưởng các bộ chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh này.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|
Sắc lệnh số 188/SL về việc lập một chế độ công chức mới và một thang lương chung cho các ngạch và các hạng công chức Việt Nam do Chủ tịch Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà ban hành
- Số hiệu: 188/SL
- Loại văn bản: Sắc lệnh
- Ngày ban hành: 29/05/1948
- Nơi ban hành: Chủ tịch nước
- Người ký: Hồ Chí Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/05/1948
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định