Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

VỀ ẤN ĐỊNH THỂ LỆ PHỤC CHỨC CÁC CÔNG CHỨC BỊ BÃI CHỨC HAY CÁCH CHỨC VÌ CỚ CHÍNH TRỊ CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 161 NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu chi quy tắc chung của các ngạch công chức;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ;

Sau khi đã hỏi ý kiến Ban thường trực Quốc hội;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1: Những công chức Việt Nam, vì cớ chính trị, đã bị bãi chức và cách chức trước ngày 19-8-1945, có thể, nếu có đơn xin, được phục chức đúng ngạch cũ hoặc ở một ngạch tương đương như ngạch cũ đã bãi bỏ hay đã đủ người rồi.

Điều 2: Những đơn xin phục chức phải gửi đến Bộ trưởng có nhiệm vụ quản trị ngạch công chức sở quan, hay Chủ tịch Uỷ ban hành chính cấp kỳ (nếu công tác ở một ngạch thuộc kỳ).

Đơn ấy sẽ giao cho một Hội đồng xét, gồm có:

Bộ trưởng Bộ có nhiệm vụ quản trị ngạch

công chức sở quan, hay Chủ tịch Uỷ ban

hành chính cấp kỳ (nếu công chức ở một

ngạch thuộc kỳ) hoặc người đại diện ................ Chủ tịch

Một công chức đại diện Bộ Nội vụ .................. Hội viên

Một công chức đại diện Bộ Tư pháp ................ Hội viên

Một công chức cùng ngạch hay ở một ngạch

tương ứng với công chức có đơn xin phục chức,

do Tổng hội viên chức đề cử ............................ Hội viên

Chủ sự phòng viên chức................................... Thư ký

(không có quyền biểu quyết)

Hội đồng sẽ thiết lập do nghị định của cấp có quyền quản trị ngạch công chức sở quan (Bộ trưởng hay Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ).

Hội đồng cần phải biểu quyết và nếu số phiếu hai bên ngang nhau, quyết nghị của Hội đồng sẽ theo biểu quyết của Chủ tịch.

Điều 3: Hội đồng nói trên có nhiệm vụ:

1) Xét xem công chức xin phục chức có thực đã bị bãi chức hay cách chức "vì có chính trị" không, và ngoài cớ chính trị đó, công chức có phạm gì khác nữa không. Hội đồng sẽ căn cứ vào hồ sơ và lời khai của những công chức hoặc tư nhân đã chứng kiến những việc đã sẩy ra trước kia có liên can mật thiết đến sự trừng phạt người đương sự.

2) Đề nghị cho công chức đó được xếp vào bậc nào trong ngạch cũ, hoặc một ngạch tương đương nếu ngạch cũ đã được bãi bỏ hay là đã đủ người rồi.

Một công chức đã bị bãi chức hay cách chức vì cớ chính trị có thể coi như là vẫn ở ngạch cũ và được thăng trật đều đều kể từ ngày thôi cho đến ngày được phục chức. Niên hạn để thăng từ bậc dưới lên bậc sẽ căn cứ vào niên hạn tối thiểu cho mỗi bậc định trong quy tắc chung, thêm một năm; đặc biệt, nếu công chức đó trước kia hay còn tập sự thì hạn tập sự vẫn chỉ kể là hai năm thôi.

Bậc tính như trên sẽ là bậc cao nhất mà công chức được phục chức có thể được xếp vào. Nhưng Hội đồng có quyền đề nghị xếp đặt vào một bậc mới, tuỳ từng trường hợp.

Điều 4: Bộ trưởng Bộ Quản trị ngạch công chức (hay Chủ tịch Uỷ ban hành chính cấp kỳ, đối với ngạch thuộc kỳ) nếu chuẩn ý đề nghị của Hội đồng kể trên, sẽ ra nghị định cho phục chức. Dự thảo nghị định đó phải được Bộ trưởng Tài chính hay cơ quan đại diện kiểm nhận trước.

Công chức được phục chức:

1) Chỉ được hưởng lương bổng kể từ ngày nhậm chức sau khi được tái bổ theo trất ấn định trong nghị định cho phục chức;

2) Về phương diện thâm niên, cũng chỉ được tính thâm niên trong trật mới kể từ ngày nhậm chức sau khi được tái bổ;

3) Về phương diện hưu bổng, có thể xin truy thường theo thể lệ sở hưu bổng, một số năm đã nghỉ việc, để được quyền hưởng hưu bổng khi đến tuổi về hưu.

Điều 5: Bộ trưởng các Bộ chịu trách thi hành Sắc lệnh này.

 

Huỳnh Thúc Kháng

(Đã ký)