Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 142-NV/CC NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 1946 TU CHỈNH SẮC LỆNH SỐ 75-NV/CC NGÀY 17/12/1945 VỀ VIỆC TRƯNG TẬP CÔNG CHỨC

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh số 75-NV/CC ngày 17-12-1945 về việc trưng tập công chức;

Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

Sau khi hỏi ý kiến Ban thường trực Quốc hội;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thảo thuận;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1

Điều thứ 2 của Sắc lệnh số 75-NV/CC ngày 17-12-1945 kể trên, nay tu chỉnh như sau này:

"Điều thứ 2 (mới) - Một viên chức tòng sự tại một sở tại một công sở nào không tuân theo Sắc lệnh này sẽ bị trừng phạt như sau đây:

1- Về phương diện chuyên nghiệp

a) Nếu là công chức tạm thời (công nhật, làm việc có hợp đồng...): sẽ bị thải hồi vì kỷ luật.

b) Nếu là công chức chính ngạch: sẽ phải đưa ra Hội đồng kỷ luật, để trừng phạt theo những cách định trong quy tắc chung. Tuy nhiên, nếu có công lệnh mà chính công chức phạm lỗi ký nhận, đòi đến sở để hỏi, mà công chức phạm lỗi không đến, tỏ rằng không tuân lệnh trên thì công chức đó có thể bị cách chức ngay mà không cần đưa ra Hội đồng kỷ luật xét.

Việc trừng phạt về phương diện chuyên nghiệp sẽ do quyết định của cấp có quyền tuyên bố công chức phạm lỗi (Bộ trưởng hay Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kỳ).

2- Về phương diện pháp luật

Ngoài sự trừng phạt về phương diện chuyên nghiệp nói trên, công chức tự tiện bỏ việc có thể bị truy tố trước toà án để trừng phạt theo Điều 12 của Sắc lệnh số 68 ngày 30-11-1945.

Việc truy tố trước toà án sẽ do quyết định của cấp có quyền tuyên bố công chức phạm lỗi (Bộ trưởng hay Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kỳ) sau khi thoả hiệp cùng Bộ trưởng Bộ Nội Vụ".

Điều 2

Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc, Trung và Nam kỳ phụ trách thi hành Sắc lệnh này.

 

Huỳnh Thúc Kháng

(Đã ký)