Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2095/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỔ SUNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

Thực hiện ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 172-TB/VPTU ngày 05/8/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện Đề án cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 465/TTr-NHCS ngày 17 tháng 5 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Bình Thuận, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy,
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Thành viên BĐD NHCSXH tỉnh;
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXNV.Việt.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Phong

 

ĐỀ ÁN

BỔ SUNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Kèm theo Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng với nguồn vốn từ NHCSXH Trung ương chuyển về, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương hàng năm đã được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận tập trung cho vay các chương trình, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương giai đoạn 2016-2020 là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đã tăng lên rõ rệt, phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện Chương trình hành động số 33-NQ/TU ngày 24/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối nguồn ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH; lũy kế nguồn ngân sách địa phương ủy thác đến ngày 31/12/2020 là 93 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,16% tổng nguồn vốn, tăng 68,3 tỷ đồng với tỷ lệ tăng gấp 2,76 lần so với cuối năm 2015, trong đó ngân sách tỉnh bổ sung 39 tỷ đồng và 10/10 huyện, thị xã và thành phố chuyển sang 18,7 tỷ đồng, trích từ thu lãi và nguồn kết dư từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng nhập bổ sung nguồn 10,6 tỷ đồng; góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2016-2020 được tăng cường bổ sung với tốc độ tăng trưởng khá cao, được chuyển tải đến 100% thôn, khu phố toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Giai đoạn 2016-2020, đã có 154 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 3.656 tỷ đồng, bình quân mỗi lượt hộ vay 24,1 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với mức vay bình quân năm 2015. Dư nợ thực hiện đến ngày 31/12/2020 đạt 2.935 tỷ đồng với 100,5 ngàn hộ đang còn dư nợ, tăng 1.054 tỷ đồng (+56%) so với cuối năm 2015, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,2%.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,81% thời điểm điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều (đầu năm 2016) xuống còn 1,31% thời điểm 31/12/2020, bình quân mỗi năm giảm 0,9%, gần đạt so với mục tiêu xây dựng giảm từ 1-1,2%/năm; nguồn vốn góp phần thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 65/93 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; góp phần hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm tại tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 24 ngàn lao động.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị Quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra mục tiêu: (1) Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,7 - 1%/năm; (2) Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020; (3) Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị giảm còn 3,5%; (4) Có 5 huyện, 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo mục tiêu trên, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo toàn tỉnh ngày càng giảm dần và sẽ trở thành đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế, chính trị, thiên tai, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ hộ cận nghèo dễ có nguy cơ chuyển thành hộ nghèo khi có biến cố, nhất là các hộ ở vùng nông thôn, hộ gia đình ở vùng khó khăn không thuộc diện vay vốn khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, để các đối tượng trên có thể vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh, có mức thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững cần phải có lượng vốn tín dụng chính sách ưu đãi bổ sung cho vay các đối tượng này.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 33-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; việc xây dựng Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết. Đề án hướng đến xây dựng cơ chế, chính sách về vốn tín dụng chính sách, nhằm hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

- Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

- Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Chương trình hành động số 33-NQ/TU ngày 24/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

- Nghị Quyết số 03-NQ/TU ngày 26/11/2020 của Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025;

- Nghị Quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025;

- Kế hoạch số 951/KH-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

- Thông báo số 110-TB/VPTU ngày 23/4/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam;

- Thông báo số 172-TB/VPTU ngày 05/8/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện Đề án cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giai đoạn 2021 - 2025.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung triển khai kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, qua đó giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, có sức khỏe, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Mục tiêu cụ thể

Hỗ trợ 07 ngàn lao động vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,7%-1,0%/năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động đến năm 2025 còn 3,5%, từ đó hạn chế các tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

II. CƠ CHẾ CHO VAY

Áp dụng cơ chế cho vay theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo từng thời kỳ (hiện nay áp dụng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh).

III. KẾ HOẠCH CHO VAY VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Kế hoạch cho vay

Nhằm góp phần hoàn thành tốt chính sách hỗ trợ tạo việc làm, với mục tiêu giải quyết việc làm toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 100 ngàn lao động, bình quân giải quyết việc làm cho 20 ngàn lao động/năm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, kế hoạch cho vay giai đoạn 2021-2025 là hỗ trợ 07 ngàn lao động vay 490 tỷ đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với mức vay bình quân 70 triệu đồng/lao động để đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó giải quyết việc làm cho 07 ngàn lao động, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 1,4 ngàn lao động từ nguồn vốn chương trình.

NHCSXH tỉnh triển khai kế hoạch vốn cho vay chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, chương trình Giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021- 2025, trong đó sẽ tập trung cho vay lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; tạo điều kiện cho các lao động sử dụng nguồn vốn vay để tự tạo việc làm và tạo việc làm cho lao động khác.

2. Nguồn vốn thực hiện

Tổng nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021-2025 là 490 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn trung ương bổ sung 100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,4% tổng nguồn vốn chương trình; nguồn vốn ngân sách tỉnh bổ sung tối thiểu 175 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,7% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn ngân sách cấp huyện bổ sung tối thiểu 80 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,3% tổng nguồn vốn và Nguồn vốn thu hồi nợ: 135 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,6% tổng nguồn vốn; cụ thể:

Đvt: triệu đồng

STT

Nguồn vốn

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

GĐ: 2021- 2025

Bình quân năm

1

Nguồn vốn cho vay

84.000

91.000

98.000

105.000

112.000

490.000

98.000

a

Nguồn vốn trung ương

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

100.000

20.000

b

Nguồn ngân sách địa phương

39.000

45.000

51.000

57.000

63.000

255.000

51.000

Trong đó

Nguồn ngân sách tỉnh

25.000

30.000

35.000

40.000

45.000

175.000

35.000

 

Nguồn ngân sách huyện

14.000

15.000

16.000

17.000

18.000

80.000

16.000

c

Nguồn vốn thu hồi nợ trong năm

25.000

26.000

27.000

28.000

29.000

135.000

27.000

2

Số lao động vay vốn

1.400

1.400

1.400

1.400

1.400

7.000

1.400

3

Mức vay bình quân/lao động

60

65

70

75

80

70

70

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và xã hội

a) Tổng hợp nhu cầu nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay khi xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021- 2025.

b) Lồng ghép có hiệu quả chính sách Đề án này với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025.

c) Phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân trình trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác NHCSXH cho vay để thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững, chương trình Giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025.

2. Sở Tài chính

a) Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí từ nguồn chi thường xuyên ngân sách tỉnh bình quân 07 tỷ đồng/năm, ủy thác qua NHCSXH tỉnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021- 2025.

b) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của UBND tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ngoài nguồn chi thường xuyên do Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh bổ sung; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển hàng năm, ủy thác qua NHCSXH để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021- 2025.

4. NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch cấp huyện

a) Hàng năm, NHCSXH tỉnh phối hợp các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch trình Tổng Giám đốc NHCSXH phân bổ vốn để tổ chức thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021- 2025.

Phòng giao dịch cấp huyện phối hợp các phòng, ban có liên quan đề xuất UBND trình Hội đồng nhân dân cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác NHCSXH hàng năm để triển khai thực hiện.

b) Phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả chính sách của Đề án, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm tại địa phương.

c) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách tỉnh, cấp huyện ủy thác qua NHCSXH theo đúng quy định, đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.

d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định; lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

đ) Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện về kết quả quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác NHCSXH cho vay trước ngày 07/01 của năm sau.

e) NHCSXH tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Hàng năm, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí nguồn vốn ngân sách, ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện cho vay đảm bảo thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm tại địa phương.

b) Chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND cấp xã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tổ chức thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giải quyết việc làm.

6. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của Đề án đến người dân, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

b) Tổ chức thực hiện tốt các nội dung được ủy thác theo văn bản liên tịch và Hợp đồng ủy thác đã ký với NHCSXH.

7. UBND các xã, phường, thị trấn

a) Tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách của Đề án, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu giải quyết việc làm tại địa phương.

b) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn theo đúng quy định.

c) Phối hợp với NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị rủi ro.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh, báo cáo qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2095/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2095/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tuấn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản