TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ——— Số: 39/2021/QĐ-PT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 5 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT YÊU CẦU
CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI
TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Với thành phần Hội đồng phiên họp phúc thẩm gồm có:Thẩm phán – Chủ tọa phiên họp: Ông Nguyễn Đắc Minh Các Thẩm phán: Ông Dương Tuấn Vinh
Bà Phạm Thị Duyên
Thư ký phiên họp: Bà Lê Thị Thủy Tiên – Thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp: Ông Hà Văn Hừng – Kiểm sát viên.
Vào các ngày 24 và 27 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên họp phúc thẩm công khai giải quyết việc kinh doanh thương mại thụ lý số 07/TLPT-KDTM ngày 13/1/2021 về việc “Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài”, do Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 1603/2020/QĐST-KDTM ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định mở phiên họp số 1087/2021/QĐ-PT ngày 26/4/2021, gồm những người tham gia tố tụng sau đây:
Người yêu cầu được thi hành: W
Địa chỉ: Khu phát triển kinh tế, huyện Phồn Xương, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc
Đại diện hợp pháp: Ông Trần Thanh T, theo Văn bản ủy quyền số 26/2020/GUQ ngày 26/03/2020 (có mặt)
Người phải thi hành: Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H
Địa chỉ: số X Phan Đình P, phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo pháp luật: Ông Dương Tấn Th - Giám đốc (có mặt).
Người kháng cáo: Bên phải thi hành là Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H.
NỘI DUNG VỤ VIỆC:
Công ty W (gọi tắt là W) và Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H (gọi tắt là Công ty Nhật H) đã ký Hợp đồng số CTT–SZ-Aloe-2018-001-SZ ngày 24/5/2018 về việc mua bán mặt hàng Gel lô hội mật ong. Thực hiện hợp đồng, phía W đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho Công ty Nhật H, tuy nhiên cho rằng sản phẩm không đạt chất lượng, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng nên W đã nộp đơn ra Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H).
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H (gọi tắt là SHIAC) đã ban hành Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24/7/2019. Trong đó Phán quyết chấp nhận yêu cầu của W về việc buộc Công ty Nhật H có trách nhiệm hoàn trả cho W khoản tiền đã thanh toán là 21.250 đô la Mỹ, bồi thường tổn thất tinh thần cho W số tiền 4.322,47 đô la Mỹ, chịu phí trọng tài là
20.000 nhân dân tệ.
Nay W với tư cách là người yêu cầu được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24/7/2019 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H đối với người phải thi hành là Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H.
Công ty Nhật H có ý kiến: xuyên suốt quá trình giải quyết vụ việc tại SHIAC, Công ty Nhật H không được tống đạt các thư mời họp, thông báo về chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài. Ngoài ra Công ty Nhật H không nhận được thông tin về việc W yêu cầu SHIAC giải quyết tranh chấp, do đó thành phần của trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của SHIAC có phù hợp với pháp luật của nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực thế nào Công ty Nhật H cũng không được biết. Vì không nhận được các tài liệu, thông báo trên nên Công ty Nhật H không thể đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho mình. Do đó Công ty Nhật H không đồng ý với yêu cầu của W cũng như phản đối việc công nhận và cho thi hành Phán quyết của SHIAC tại Việt Nam.
Tại Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 1603/2020/QĐST-KDTM ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban Trọng tài
Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H).
Ngoài ra quyết định sơ thẩm còn tuyên về lệ phí Tòa án, quyền kháng cáo, quyền thi hành án theo quy định pháp luật.
Ngày 7/10/2020, người phải thi hành là Công ty Nhật H có đơn kháng cáo. Tại phiên họp phúc thẩm người đại diện theo pháp luật của Công ty Nhật H là ông Dương Tấn Th vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng phiên họp phúc thẩm xem xét sửa quyết định sơ thẩm, theo hướng không công nhận và cho thi hành Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019- 0606 ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H).
Người đại diện của bên yêu cầu có ý kiến không đồng ý quan điểm kháng cáo của bên phải thi hành, đề nghị giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Tại phiên họp, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng phiên họp đã chấp hành đúng các quy định pháp luật. Tại phiên họp, Hội đồng phiên họp đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: các đương sự đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Về nội dung: Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Nhật H, giữ nguyên quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của Tòa án cấp sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH:
Sau khi xem xét đơn yêu cầu, các giấy tờ, tài liệu kèm theo; Sau khi nghe ý kiến trình bày của người yêu cầu được thi hành và người phải thi hành; Sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên họp:
[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của Công ty Nhật H trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Về thẩm quyền giải quyết: Đây là việc kinh doanh thương mại “Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài” là một trong các loại việc kinh doanh thương mại, người phải thi hành là Công ty Nhật H có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ theo quy định tại các Điều 31, 37, 38, 39, 451 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết yêu cầu này là đúng thẩm quyền.
[2]. Xét kháng cáo của Công ty Nhật H:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 458 của BLTTDS, Hội đồng phiên họp không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVII của BLTTDS, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở ra quyết định công nhận hoặc không công nhận Phán quyết đó. Các tài tài liệu có trong hồ sơ thể hiện:
[2.1]. Bên yêu cầu được thi hành đã cung cấp các tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự hợp lệ theo quy định tại Điều 453 BLTTDS kèm theo đơn yêu cầu được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Bao gồm:
Bản sao hợp pháp Quyết định của Trọng tài nước ngoài là Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H) bằng tiếng Anh được hợp pháp hóa lãnh sự kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Bản sao thỏa thuận trọng tài là điều khoản trọng tài được thể hiện tại Mục 13 của Hợp đồng số CTT–SZ-Aloe-2018-001-SZ ngày 24/5/2018 ký giữa W và Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H bằng tiếng Anh được hợp pháp hóa lãnh sự kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Bên phía Nhật H cung cấp cung cấp tập tài liệu do Ban Thư ký của SHIAC gửi cho người phải thi hành vào ngày 29/4/2019 thông báo về phiên điều trần lần thứ hai ngày 21/4/2019 và yêu cầu Công ty Nhật H phải trả lời trong thời hạn 5 ngày. Ngoài ra, các bên không cung cấp thêm các tài liệu khác như các tống đạt các thư mời họp để điều trần, thông báo về chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài, về thời hạn giải quyết tranh chấp của SHIAC.
[2.2]. Xét yêu cầu của W yêu cầu được công nhận và cho thi hành Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H), Hội đồng phiên họp phúc thẩm xét thấy:
Hợp đồng số CTT–SZ-Aloe-2018-001-SZ ngày 24/5/2018 được ký kết giữa W và Công ty Nhật H đều được các bên thừa nhận do đó hợp đồng này có hiệu lực pháp luật;
Thỏa thuận trọng tài giữa hai bên có giá trị pháp lý, được ghi rõ tại Mục 13 của Hợp đồng số CTT–SZ-Aloe-2018-001-SZ ngày 24/5/2018 được ký kết giữa W và Công ty Nhật H thể hiện tại điều khoản Trọng tài: Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được đệ trình lên Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Thượng H để phân xử;
[2.3]. Tại Phán quyết của Trọng tài nước ngoài về vụ kiện tranh chấp liên quan đến Hợp đồng số CTT–SZ-Aloe-2018-001-SZ ngày 24/5/2018 ký giữa W và Công ty Nhật H thể hiện:
Vào ngày 01/01/2019, Ban Thư ký của SHIAC đã gửi Thông báo chấp thuận và Thông báo Trọng tài tương ứng cho Nguyên đơn và Bị đơn cùng với các tài liệu kèm theo. Hồ sơ chuyển phát nhanh của DHL đã thể hiện giao thành công cho người phải thi hành là Công ty Nhật H.
Vào ngày 12/4/2019, Ủy ban Trọng tài đã mở phiên điều trần lần thứ nhất tại địa điểm của SHIAC, nhưng người phải thi hành không xuất hiện hoặc chỉ định người đại diện tham dự phiên điều trần. Theo quy định tại Điều 35.2 của Quy tắc Trọng tài, Ủy ban trọng tài quyết định mở phiên điều trần lần thứ hai vào ngày 21/4/2019 và chỉ thị cho Ban Thư ký của SHIAC gửi Thông báo về phiên điều trần lần thứ hai cho hai bên và thông báo cho người phải thi hành về việc triệu tập phiên đầu tiên. Ngày 18/4/2019, Ban thư ký của SHIAC đã nhận được các bằng chứng bổ sung của bên yêu cầu gửi và chuyển cho người phải thi hành và Ủy ban Trọng tài. Đến ngày 21/4/2019, Ủy ban Trọng tài đã mở phiên điều trần lần thứ hai tại địa điểm của SHIAC.
Hội đồng phiên họp phúc thẩm xét thấy: Sau khi Ban thư ký của SHIAC đã nhận được các bằng chứng bổ sung của bên yêu cầu gửi và chuyển cho người phải thi hành và Ủy ban Trọng tài vào ngày 18/4/2019, nhưng các tài liệu có trong hồ sơ không có thể hiện chứng cứ là Ban thư ký đã gửi và thời gian gửi các tài liệu nói trên cho Công ty Nhật H (Bút lục số 140). Mặt khác, các tài liệu có trong hồ sơ không thể hiện việc SHIAC đã phát lệnh bằng email cho Nguyên đơn là W thực hiện tống đạt hồ sơ khiếu nại và bản sao của lệnh Trọng tài tới địa chỉ bưu điện nêu tại hợp đồng, tại trụ sở đăng ký của Bị đơn là Công ty TNHH Nhật H. Cũng như không thể hiện việc W báo đã thực hiện tống đạt qua dịch vụ DHL hồ sơ khiếu nại và bản sao của lệnh Trọng tài đến địa chỉ kinh doanh của Nhật H và các bằng chứng bổ sung của bên yêu cầu gửi và chuyển cho người phải thi hành và Ủy ban Trọng tài ngày 18/4/2019.
Theo quy trình gửi và chuyển phát nhanh các bưu phẩm của DHL thì mất ít nhất 24 giờ (từ khi nhận bưu phẩm của Ban Thư ký của SHIAC), tức là ngày
19/4 hoặc 20/4/2019 DHL mới chuyển đến thành công cho người phải thi hành. Thời gian này không đủ cho Công ty Nhật H chuẩn bị tài liệu, thuê luật sư, phiên dịch và xin VISA nhập cảnh vào Trung Quốc và kịp đến tham dự phiên điều trần lần thứ hai tại địa điểm của SHIAC tổ chức vào ngày 21/4/2019 do Ủy ban Trọng tài mở.
Mặt khác, căn cứ vào tập tài liệu do phía Nhật H cung cấp, cho thấy Ban Thư ký của SHIAC gửi cho người phải thi hành vào ngày 24/4/2019 thông báo về phiên điều trần lần thứ hai và yêu cầu Công ty Nhật H phải trả lời trong thời hạn 5 ngày. Xét bìa của bưu phẩm cho thấy đến ngày 29/4/2019, Ban Thư ký của SHIAC mới gửi cho DHL và Hồ sơ chuyển phát nhanh của DHL đã thể hiện giao thành công cho người phải thi hành là Công ty Nhật H cũng vào ngày 29/4/2019. Việc chậm trễ trong việc gửi văn bản yêu cầu, thời hạn ấn định việc phải có mặt tại các phiên điều trần ngày 21/4/2019 hoặc phải gửi văn bản trình bày ý kiến là không phù hợp, bất hợp lý vì người phải thi hành không thể trả lời khi nhận được văn bản đã quá thời hạn trả lời trong khi đến ngày 29/4/2019 mới nhận, do vậy ý kiến trình bày của người phải thi hành tại phiên họp phúc thẩm xét đơn yêu cầu cho rằng chưa được tống đạt hợp lệ hồ sơ khiếu nại, bằng chứng của bên yêu cầu nộp cho SHIAC cũng như các văn bản của Ủy ban Trọng tài là có cơ sở.
[3]. Ngoài ra, tại phán quyết có nhận định “Theo Điều 57.2 của Quy tắc Trọng tài, Ủy ban đã yêu cầu gia hạn thời hạn để đưa ra phán quyết trọng tài và Tổng Thư ký của SHIAC đã cấp đơn xin gia hạn đó. Do đó thời hạn kết xuất phán quyết trọng tài cho trường hợp này được kéo dài đến ngày 14/8/2019” (Bút lục số 140), thế nhưng Ủy ban trọng tài đã không tống đạt văn bản gia hạn này cho phía Nhật H, đồng thời đưa ra Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 vào ngày 24/7/2019 mà không nêu lý do rút ngắn thời gian đưa ra phán quyết và Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H cũng không gửi văn bản nêu lý do rút ngắn thời gian đưa ra phán quyết cho Công ty Nhật H là đã vi phạm quyền được thông báo và do đó Công ty Nhật H cũng không biết để khiếu nại phán quyết này lên cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi cho mình.
[4]. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng thực tế người phải thi hành là Công ty Nhật H đã không cung cấp được chứng cứ nào để chứng minh Phán quyết của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H) thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Điều V Công ước New York. Từ đó không chấp nhận quan điểm của Công ty Nhật H
trình bày rằng không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình là có thiếu sót, không đánh giá đúng các tình tiết thể hiện trong phán quyết trọng tài tại các bút lục số 140 và 141 về thời gian tống đạt các văn bản của trọng tài, khiếu nại và các bằng chứng do W gửi cho Công ty Nhật H và Trọng tài, thời hạn cung cấp chứng cứ như đã nhận định ở trên.
Từ những phân tích trên, Hội đồng phúc thẩm có đủ cơ sở để cho rằng người phải thi hành đã chứng minh sự tồn tại của một trong các căn cứ để từ chối cho thi hành được qui định tại Điều V của Công ước New York, cũng như quy định tại khoản 2 Điều 16 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký kết ngày 10/9/1998 với nội dung: “Trong trường hợp đã được tuyên vắng mặt, thì phải có tài liệu lý giải việc người phải thi hành vắng mặt đã được triệu tập theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp người phải thi hành không được triệu tập theo đúng quy định pháp luật thì Tòa án có quyền từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài”.
Do đó, người phải thi hành là Công ty Nhật H không thể thực hiện quyền tố tụng của mình, là thuộc trường hợp không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài đối với Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H.
Vì vậy, ý kiến của bên yêu cầu và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát không phù hợp với nhận định của Hội đồng phiên họp nên không chấp nhận.
[5]. Do kháng cáo được chấp nhận nên người phải thi hành không phải chịu lệ phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 5 Điều 458, 459, 461 và điểm b khoản 2 Điều 462 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ các Điều III, IV, V Công ước công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài năm 1958 (New York); Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật
H. Sửa toàn bộ Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 1603/2020/QĐST-KDTM ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyên xử:
Không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24/7/2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H).
Về lệ phí xét đơn yêu cầu: Người yêu cầu được thi hành W phải chịu lệ phí 3.000.000 (Ba triệu) đồng. Bên yêu cầu đã nộp lệ phí 3.000.000 (Ba triệu) đồng theo Biên lai thu tiền phí, lệ phí số 0034645 ngày 11/5/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Về lệ phí phúc thẩm: Hoàn trả cho Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H 2.000.000 (Hai triệu) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0092825 ngày 16/10/2020 tại Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định./.
Nơi nhận: Tòa án nhân dân tối cao;
| TM. HỘI ĐỒNG XÉT ĐƠN YÊU CẦU THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN HỌP
Nguyễn Đắc Minh |
Quyết định số 39/2021/QĐ-PT ngày 27/05/2021 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh
- Số quyết định: 39/2021/QĐ-PT
- Quan hệ pháp luật: Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Ngày ban hành: 27/05/2021
- Loại vụ/việc: Kinh doanh thương mại
- Tòa án xét xử: TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh
- Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
- Đính chính: Đang cập nhật
- Thông tin về vụ/việc: Chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Nhật H. Sửa toàn bộ Quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 1603/2020/QĐST-KDTM ngày 25/9/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyên xử: 1. Không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số SG2019002, số tham chiếu SHIAC 2019-0606 ngày 24/7/2019 của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thượng H).