Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2191/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 25 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát hiển ngành thương mại;

Căn cứ Quyết định số 1665/QĐ-BCT ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đến năm 2020, có xét đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1618/TTr-SCT ngày 14 tháng 11 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (có Quy hoạch kèm theo), với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu, định hướng quy hoạch

1. Mục tiêu

- Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu đảm bảo thống nhất và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện, thành phố, các quy hoạch ngành liên quan; phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông và tiêu chuẩn quy định của pháp luật hiện hành.

- Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có một hệ thống cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu khang trang, hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của địa phương; ngoài ra còn phải đảm bảo nhiệm vụ an toàn năng lượng, an ninh quốc phòng.

- Xây dựng cửa hàng xăng dầu theo quy mô thống nhất, công nghệ hiện đại, trang thiết bị tiên tiến. Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ thuận lợi, an toàn và nâng cao hiệu quả trong kinh doanh xăng dầu.

- Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế có cơ hội tham gia kinh doanh xăng dầu và bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ tại các điểm kinh doanh xăng dầu; 100% lao động được đào tạo nghiệp vụ; 100% điểm kinh doanh đạt tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh xăng dầu;

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

2. Định hướng

- Thiết lập một hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Hiện đại hóa và nâng cao tiện ích của dịch vụ trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy định có liên quan có thể đề nghị điều chỉnh về số lượng, quy mô, vị trí cấp cửa hàng xăng dầu cho hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển tại thời điểm phân kỳ Quy hoạch.

- Đến năm 2015, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh đạt tối thiểu cửa hàng cấp 3; các cửa hàng không thực hiện việc mở rộng, nâng cấp theo yêu cầu, sẽ không xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

3. Yêu cầu về quy mô, diện tích

TT

Cấp cửa hàng xăng dầu

Tổng dung tích (m3)

Diện tích tối thiểu (m2)

Số lượng cột bơm tối thiểu (cột)

Chiều rộng mặt tiền tối thiểu (m)

1

Cấp 1

Từ 151 đến 210

3.000(1.000)

6

60(35)

2

Cấp 2

Từ 101 đến 150

2.000(500)

4

40(20)

3

Cấp 3

Nhỏ hơn hoặc bằng 100

900(300) [600]

2

30(10)[25]

- Trị số ngoài dấu ngoặc ( ): 3.000; 2.000 và 900 m2 được áp dụng đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát triển mới.

- Trị số trong dấu ngoặc ( ): 1.000; 500; 300 m2 được áp dụng cho các cửa hàng xăng dầu trong nội thị và cửa hàng xăng dầu dọc theo cửa sông, biển, phục vụ trực tiếp cho tàu thuyền của ngư dân đánh bắt thủy sản (chủ yếu là dầu diezel).

- Trị số trong dấu ngoặc [ ], được áp dụng cho các cửa hàng xăng dầu hiện trạng có diện tích từ 600 đến nhỏ hơn 900 m2. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu này được phép mở rộng, nâng cấp, xây dựng lại trên khuôn viên hiện trạng.

- Các cửa hàng xăng dầu dọc theo tuyến Quốc lộ 1A phải có diện tích tối thiểu 900m2.

4. Quy định về khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu

a) Khoảng cách kỹ thuật

- Cách tâm các giao lộ ít nhất là 50m tính từ tâm công trình đầu tư cửa hàng xăng dầu (nếu giao lộ là đường quốc lộ cắt với đường tỉnh lộ thì lấy tâm đường quốc lộ làm chuẩn, nếu giao lộ là đường tỉnh lộ cắt với đường nội ô, dân sinh thì lấy tâm đường tỉnh lộ làm chuẩn); khoảng cách cửa hàng xăng dầu tại các giao lộ so với cửa hàng xăng dầu khác không nằm cùng tuyến đường được tính theo bán kính 1.000m.

- Cách ngoài phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50m tính từ tâm công trình đầu tư cửa hàng xăng dầu.

- Cách điểm có tầm nhìn bị cản trả (do cơ quan chức năng quy định) ít nhất 50m tính từ tâm công trình đầu tư cửa hàng xăng dầu.

- Cách công trình công cộng nơi tụ họp đông người (trường học, công trình thể thao, nhà hát, chợ và các công trình công cộng tương tự), di tích lịch sử, văn hóa tối thiểu là 100m, đến chân các công trình công cộng khác tối thiểu là 50m. Trong một số trường hợp đặc biệt, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định điều chỉnh quy hoạch.

b) Khoảng cách không gian

- Địa bàn thành phố Quảng Ngãi: Khoảng cách giữa các cửa hàng phải trên 1.000m, nếu có dải phân cách hoặc khác tuyến đường phải trên 500m;

- Địa bàn thị trấn, thị xã: Khoảng cách giữa các cửa hàng phải trên 1.500m, nếu có dải phân cách hoặc khác tuyến đường có khoảng cách trên 1.000m;

- Quốc lộ 1A: Khoảng cách giữa các cửa hàng phải trên 1.500m, nếu có dải phân cách hoặc có cửa hàng xăng dầu thuộc tuyến đường khác cắt ngang khoảng cách phải trên 1.000m;

- Quốc lộ 24, 24B, đường tỉnh lộ: Khoảng cách giữa các cửa hàng phải trên 2.000m, nếu có dải phân cách hoặc khác tuyến đường phải trên 1.500m;

- Các khu vực còn lại: Khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu phải trên 3.000m, nếu khác tuyến đường phải trên 1.500m.

5. Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu

a) Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đất liền

Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (trừ Khu kinh tế Dung Quất) có 244 cửa hàng xăng dầu trên đất liền; trong đó: có 10 cửa hàng xăng dầu cấp 1, 21 cửa hàng xăng dầu cấp 2 và 213 cửa hàng xăng dầu cấp 3; tổng diện tích đất sử dụng 295.855m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 368.300 triệu đồng. Trong 244 điểm quy hoạch, có 194 điểm quy hoạch được giữ nguyên vị trí; bổ sung mới 50 điểm quy hoạch, trong đó: 14 điểm bổ sung mới để dịch chuyển các điểm đã quy hoạch; 36 điểm quy hoạch mới hoàn toàn.

Trong giai đoạn thực hiện quy hoạch: mở rộng, nâng cấp 44 cửa hàng xăng dầu hiện có; dịch chuyển 15 vị trí đã quy hoạch; giải tỏa, xóa bỏ 32 vị trí quy hoạch, trong đó, 03 vị trí đã có cửa hàng xăng dầu, 1 vị trí đang đầu tư cửa hàng và 28 vị trí chưa có cửa hàng.

b) Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên sông, biển

Đến năm 2020, có 10 tàu, ponton kinh doanh xăng dầu trên sông, biển; trong đó có 6 tàu đang hoạt động kinh doanh và 04 tàu, ponton mới tại các khu vực: huyện Lý Sơn; cửa Mỹ Á, huyện Đức Phổ; cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ; cửa biển Sa Kỳ, huyện Sơn Tịnh và cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn. Các tàu, ponton phát triển mới phải làm bằng vật liệu thép, sức chứa tối thiểu 100 m3 và suất đầu tư trên 2,5 tỷ đồng; ưu tiên cho tàu dầu phục vụ trực tiếp cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên các ngư trường.

c) Quy hoạch phát triển hệ thống kho

Đến năm 2020, có 04 kho chứa xăng dầu, trong đó, 02 kho đang hoạt động tại xã Bình Thuận và và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; bổ sung mới 02 kho tại xã An Bình và xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

II. Một số giải pháp để thực hiện quy hoạch

1. Giải pháp về vốn và đầu tư

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đầu tư, huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển, hiện đại hóa trang thiết bị, mở rộng quy mô xây dựng cửa hàng xăng dầu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật và văn minh thương mại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, về an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp về phòng chống cháy, nổ; vệ sinh môi trường và an toàn giao thông

a) Giải pháp phòng, chống cháy, nổ

Các dự án đầu tư xây dựng kho, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều phải có các hạng mục công trình bảo đảm phòng chống cháy, nổ theo đúng quy định hiện hành. Công tác thiết kế; kiểm tra, lựa chọn thiết bị; lắp đặt và phương án phòng cháy, chữa cháy phải được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cán bộ quản lý, nhân viên bán hàng, thủ kho phải được học tập kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

b) Giải pháp bảo vệ môi trường

Khi đầu tư xây dựng dự án cửa hàng kinh dbanh xăng dầu, kho xăng dầu phải có đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cấp, thoát nước đúng quy định và các giải pháp xử lý phù hợp theo quy định. Cán bộ quản lý, nhân viên bán hàng, thủ kho tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho xăng dầu phải học lớp nghiệp vụ bảo vệ môi trường.

c) Giải pháp an toàn giao thông

Phải được cấp có thẩm quyền cho phép đấu nối giao thông trước khi khởi công xây dựng dự án cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho xăng dầu. Khi thiết kế đầu tư phải chấp hành đúng quy định hành lang an toàn giao thông; hệ thống đường giao thông nội bộ, khu vực đỗ xe.

4. Các giải pháp quản lý nhà nước

a) Giải pháp về công tác quản lý quy hoạch

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các cấp, ngành chức năng quản lý quy hoạch hướng dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và quy hoạch này. Kiểm tra, giám sát quy hoạch, thực hiện hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp, xóa bỏ cửa hàng xăng dầu trước năm 2015.

- Không quy hoạch các trạm điện hạ thế, trạm cung cấp nước, trường học, chợ và các công trình công cộng khác nằm cạnh địa điểm đã quy hoạch cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho xăng dầu.

b) Giải pháp đổi mới, hiện đại hóa trang bị, nâng cao chất lượng và phương thức phục vụ

- Khuyến khích các thương nhân chủ động nâng cấp đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm bảo đảm phục phụ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh năng lượng và theo hướng văn minh thương mại.

- Khuyến khích đầu tư các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cấp 1, 2, với quy mô, trang thiết bị hiện đại, áp dụng phương thức bán hàng tự động, bán tự động nhằm từng bước hiện đại hóa cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

c) Giải pháp về công tác kiểm tra, kiểm soát

- Tổ chức phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh xăng dầu để giữ gìn trật tự kỷ cương thị trường, cấm kinh doanh trái phép, gian lận thương mại, vi phạm đo lường chất lượng, nhằm bảo vệ sản xuất kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.

- Các ngành và địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải mở rộng, nâng cấp, dịch chuyển, xóa bỏ, đầu tư mới theo yêu cầu của quy hoạch.

5. Giải pháp đối với các tàu dầu, xà lan, ponton kinh doanh xăng dầu trên sông, biển

Các tàu dầu, xà lan, ponton kinh doanh xăng dầu trên sông, biển, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật còn phải đảm bảo các điều kiện về cầu cảng để neo đậu, bơm rót xăng dầu; phương tiện chống tràn dầu ra sông, biển và chỉ được hoạt động trong vùng nước được chuyển tải, sang mạn theo quy định.

Điều 2. Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc đầu tư xây dựng và thực hiện các điều kiện trong quá trình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 129/2005/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2005 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PVP, TH, CN, CB;
- Lưu: VT, ĐNMN (Ts470)

CHỦ TỊCH




Cao Khoa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định số 2191/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 2191/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Cao Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản