Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1660/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 846/QĐ-BKHCN ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thành lập Viện Khoa học sở hữu trí tuệ;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng, Giám đốc Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu VP, Vụ TCCB

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Văn Phong

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG VIỆN KHOA HỌC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-BKHCN ngày 13 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí pháp lý

1. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là “Viện”) là Tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập.

Viện có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Vietnam Intellectual Property Research Institute, viết tắt là VIPRI.

2. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản nội tệ và ngoại tệ tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng.

3. Viện có trụ sở tại Hà Nội và có thể có chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ

1. Viện có các chức năng chính sau đây:

a) Nghiên cứu khoa học: Tiến hành các hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận khoa học về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ nhằm cung cấp các luận cứ làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách và thực thi chiến lược, chính sách phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam, củng cố và hoàn thiện cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

b) Tham mưu, tư vấn: Tiến hành các hoạt động tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách về sở hữu trí tuệ, góp ý cho các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ; tư vấn pháp luật và chuyên môn cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước; thực hiện việc giám định sở hữu trí tuệ;

c) Đào tạo, huấn luyện: Xây dựng các chương trình và tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ; cung cấp và chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

2. Viện có các nhiệm vụ chính sau đây:

a) Nghiên cứu cơ sở lý luận khoa học về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm:

- Các vấn đề về quản trị, định giá, khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ;

- Các chính sách quản lý, phát triển tài sản trí tuệ;

- Các vấn đề về cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuynh hướng phát triển, chính sách bảo hộ thích hợp;

- Thực tiễn quốc tế và hành động phù hợp của Việt Nam;

b) Đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ, bao gồm:

- Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ;

- Xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, tài liệu phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ theo quy định về việc đào tạo;

- Biên soạn, biên dịch, ấn hành các tài liệu hướng dẫn, tham khảo, giới thiệu kết quả nghiên cứu về sở hữu trí tuệ;

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ;

c) Tham mưu, tư vấn về sở hữu trí tuệ, bao gồm:

- Trợ giúp pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;

- Trợ giúp thông tin sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;

- Tư vấn việc giải quyết các vụ việc xung đột, tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ;

- Phản biện các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, các quy định hành chính về sở hữu trí tuệ;

d) Giám định về sở hữu trí tuệ, bao gồm:

- Xây dựng các công cụ (thông tin, tra cứu, chương trình) phục vụ giám định sở hữu trí tuệ;

- Tiếp nhận và thực hiện việc giám định sở hữu trí tuệ theo yêu cầu, trưng cầu;

e) Các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho.

Điều 3. Quyền hạn

Viện có quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tài chính và biên chế theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp khoa học bao gồm:

1. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đào tạo về sở hữu trí tuệ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện;

2. Ký kết các hợp đồng nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và các hợp đồng khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện;

3. Đăng ký tham gia hoặc dự đấu thầu tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu của Nhà nước liên quan đến sở hữu trí tuệ;

4. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn - giám định sở hữu trí tuệ;

5. Tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ dành cho Viện.

6. Xây dựng kế hoạch biên chế, tuyển dụng và đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ viên chức và người lao động

Chương 2:

TỔ CHỨC, NHÂN LỰC

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Viện

Lãnh đạo Viện gồm Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về toàn bộ hoạt động của Viện.

Các Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm, có nhiệm vụ giúp Viện trưởng trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Viện và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về các mặt công tác được phân công phụ trách.

2. Hội đồng khoa học (viết tắt là Hội đồng Viện)

Hội đồng Viện gồm từ 3 đến 5 thành viên là những người có kinh nghiệm, uy tín về chuyên môn do Viện trưởng quyết định thành lập có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Viện trưởng về chiến lược phát triển của Viện và các nhiệm vụ cụ thể.

3. Các đơn vị trực thuộc Viện

- Phòng Hành chính - Quản trị - Hợp tác quốc tế;

- Phòng Thông tin - Kỹ thuật;

- Phòng Tư vấn - Giám định;

- Phòng Nghiên cứu khoa học;

- Phòng Đào tạo.

Viện trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các đơn vị trực thuộc Viện; bổ nhiệm, miễn nhiệm người phụ trách các đơn vị đó.

Điều 5. Nhân lực

Nhân lực của Viện bao gồm:

1. Viên chức, các cán bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

2. Cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động;

3. Cộng tác viên, chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Chương 3:

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Điều 6. Cơ chế quản lý tài chính

Viện được áp dụng cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu, từng bước thực hiện cơ chế tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên.

1. Tài chính của Viện được hình thành từ các nguồn sau:

a. Nguồn từ ngân sách nhà nước cấp theo nhiệm vụ được giao;

b. Nguồn thu sự nghiệp của Viện;

c. Nguồn thu từ các hoạt động liên doanh, liên kết;

d. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản chi của Viện bao gồm:

a. Chi hoạt động thường xuyên;

b. Chi hoạt động cung ứng dịch vụ;

c. Chi thuê lao động;

d. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Viện có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán và quản lý tài chính theo quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Viện được trích lập các Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ thi đua khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy định.

4. Viện thực hiện quản lý lao động và trả tiền lương, tiền công, thù lao, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo các quy định của Nhà nước. Đối với cán bộ kiêm nhiệm và cộng tác viên, Viện chi trả tiền công trên cơ sở thỏa thuận hợp đồng.

Điều 7. Nghĩa vụ thuế

Viện có trách nhiệm thực hiện việc khai báo và nộp thuế phát sinh từ các hoạt động có thu theo đúng các quy định của pháp luật thuế.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

Giám đốc Viện và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện Điều lệ này.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Giám đốc Viện phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.