Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH KONTUM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản án số: 01/2019/LĐ-PT Ngày: 02- 4-2019

V/v: Tranh chấp lao động

về xử lý kỷ luật lao động

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

  • Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông Huỳnh Nguyên;

    Các thẩm phán: Ông Nguyễn Văn Long; Ông Vũ Văn Thuấn.

  • Thư ký phiên tòa: Ông Nguyễn Minh Nhật – Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

  • Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum tham gia phiên tòa: Bà Trần Thị Thu Thủy - Kiểm sát viên.

    Trong các ngày 01 và 02 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án lao động thụ lý số 02/2018/TLPT-LĐ ngày 03 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp lao động về.

    Do Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 của Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum bị kháng cáo.

    Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07 /2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 02 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 22/2019/QĐ-PTngày 01 tháng 3 năm 2019, giữa các bên đương sự:

  • Nguyên đơn: Ông Nguyễn Kế T.

    Địa chỉ cư trú: Số a đường H, thành phố K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

  • Bị đơn: Ngân hàng N. Địa chỉ trụ sở: Số b đường L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Ngọc K; Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng N;

Người đại diện theo ủy quyền:

  1. Ông Nguyễn Bá C; Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N chi nhánh tỉnh Kon

    Tum.

    Ông Nguyễn Bá C ủy quyền lại cho ông Phạm Đình P; chức vụ: Phó Giám đốc Ngân hàng chi nhánh huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

  2. Ông Nguyễn Văn Ph; Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N chi nhánh huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng:

  1. Ông Lâm Sơn Th; Địa chỉ cư trú: số c đường K, thành phố K, tỉnh Kon Tum (vắng mặt).

  2. Bà Hoàng Kim Th1 - Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Q, thuộc Đoàn Luật sư thành phố H (có mặt).

    Địa chỉ trụ sở: Số A, ngõ B, đường V, quận T, thành phố Hà Nội.

  3. Nguyễn Thế H - Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Q, thuộc Đoàn Luật sư thành phố H (có mặt).

Địa chỉ trụ sở: Số Số A, ngõ B, đường V, quận T, thành phố Hà Nội.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Hoàng A; Địa chỉ cư trú: Số d đường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Nguyên đơn - ông Nguyễn Kế T trình bày:

Ngày 20-11-2017 Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật Ngân hàng N (sau đây viết tắt là A) V - chi nhánh tỉnh Kon Tum (ông Nguyễn Hoàng A) ban hành Quyết định số 1631/QĐ-NHNo-TH về việc thi hành kỷ luật lao đối với ông Nguyễn Kế T; ngày 23-11-2017, Tổng giám đốc A (ông Tiết Văn Th2) ban hành Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL về việc cách chức Giám đốc A - Chi nhánh huyện K, tỉnh Kon Tum đối với ông Nguyễn Kế T.

Không đồng ý với các quyết định trên, ngày 24 -4- 2018 ông Nguyễn Kế T khởi kiện yêu cầu Tòa án Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum giải quyết:

  1. Hủy bỏ Quyết định số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 20-11-2017 của Chủ tịch Hội đồng kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon Tum và Quyết định số 3323/QĐ- NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 của Tổng giám đốc A.

  2. Yêu cầu A khôi phục lại chức vụ và các quyền lợi liên quan đối với ông Nguyễn Kế T.

  3. Yêu cầu A bồi thường vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật.

Ngày 14 -8- 2018, trong phiên hòa giải với đại diện A, ông Nguyễn Kế T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đưa ra nội dung yêu cầu bồi thường cụ thể: Yêu cầu A hủy bỏ các quyết định kỷ luật, khôi phục quyền lợi với các lý do: Trình tự tiến hành xử lý kỷ luật không đúng, thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết và một hành vi vi phạm mà cả hai cấp đều có quyết định kỷ luật;Yêu cầu bồi thường 13.500.000

đồng (Mười ba triệu ba trăm nghìn đồng) tiền tổn thất về tinh thần và yêu cẩu Tổng Giám đốc A V công khai xin lỗi theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T giữ nguyên các nội dung, lý do khởi kiện, đồng thời yêu cầu mức bồi thường về tổn thất tinh thần là 13.900.000 đồng (Mười tháng lương tối thiểu).

Ý Kiến của những người đại diện của bị đơn:

Việc ban hành các Quyết định xử lý kỷ luật là đúng pháp luật hiện hành, đúng theo trình tự, thủ tục, đúng với hành vi sai phạm của ông Nguyễn Kế T và đúng theo quy định nội bộ của A V. Đại diện A V không đồng ý với nội dung khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 03-8-2018, ông Nguyễn Bá C - Giám đốc A chi nhánh tỉnh Kon Tum có viết bản tự khai nộp cho Tòa án, nêu căn cứ và ý kiến đối với nội dung khởi kiện của nguyên đơn, như sau: Việc ban hành các Quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Kế T là đúng pháp luật, đúng quy trình, đúng thời hạn, Hội đồng xử lý kỷ luật đã thông qua cuộc họp lấy ý kiến của cán bộ cơ quan trong đơn vị. A không đồng ý với yêu cầu trong đơn khởi kiện của ông Nguyễn Kế T.

Ngày 30-5-2018, A V chi nhánh tỉnh Kon Tum gửi Văn bản số 730/NHNo- KTNB trình bày các quan điểm của mình về đơn khởi kiện của ông Nguyễn Kế T. A V chi nhánh tỉnh Kon Tum không đồng ý với các yêu cầu trong đơn khởi kiện của ông Nguyễn Kế T và đưa ra những luận điểm căn cứ của mình trong bản trình bày.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Hoàng A – Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật A V chi nhánh tỉnh Kon Tum có ý kiến, căn cứ vào các tài liệu sau:

+ Căn cứ Biên bản kiểm tra, xác minh làm việc với ông Nguyễn Kế T ngày 15-11-2016;

+ Căn cứ Biên bản đối thoại tại A V chi nhánh huyện K, tỉnh Kon Tum ngày 22-12-2016;

+ Căn cứ Báo cáo về việc xác minh vụ việc liên quan đến nghiệp vụ Kế toán-Ngân quỹ tại A V chi nhánh huyện K ngày 24-01-2017;

+ Căn cứ các Bản tường trình của các cán bộ A V chi nhánh huyện K;

+ Căn cứ Biên bản kiểm tra ngày 22-7-2017 của đoàn kiểm tra;

+ Căn cứ Quyết định số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19-8-2015;

+ Căn cứ Quyết định số 2059/VBHN-HĐTV-TCTL ngày 31-12-2016;

+ Căn cứ Quyết định số 806/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 15-8-2017;

+ Căn cứ Quyết định số 1555/HĐTV-TCTL ngày 13-9-2017.

Ông Nguyễn Hoàng A cho rằng nội dung yêu cầu của ông Nguyễn Kế T trong đơn khởi kiện là không hợp lý, việc ban hành các Quyết định xử lý kỷ luật

đối với ông T là đúng pháp luật, đúng quy trình thủ tục, đúng thẩm quyền và đúng thời hạn. Khi ông Nguyễn Kế T là người vi phạm các lỗi như: Thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ đối với chức danh, vị trí công tác theo Quy định của A; Để cán bộ dưới quyền trực tiếp chỉ đạo, điều hành của mình vi phạm cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ A; Lợi dụng danh nghĩa người lao động, uy tín của A dùng tiền cá nhân, mượn tiền của cán bộ tại chi nhánh và người thân cho khách hàng mượn trả nợ tại A; Để xảy ra mất đoàn kết nội bộ cơ quan; Gửi đơn tới nơi không đúng thẩm quyền, phản ánh nội dung không đúng sự thật; Không thành khẩn nhận lỗi, không thừa nhận hành vi sai trái của mình.

Tại Bản án Lao động sơ thẩm số: 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 của Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy đã căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Các Điều 123, 124 của Bộ luật lao động năm 2012;

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Kế T; Tuyên bố các quyết định Quyết định số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 20-11-2017 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Kế T của Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon Tum, Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 về công tác cán bộ của A trái pháp luật; Ngân hàng N phải hủy bỏ các quyết định trên (Ngân hàng N được quyền tiến hành xử lý kỷ luật lại với ông Nguyễn Kế T đối với những sai phạm đang còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật).

2/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Kế T về việc buộc Ngân hàng N phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần (số tiền 13.900.000 đồng).

Bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 24-10-2018, Bị đơn – A V kháng cáo yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm giữ nguyên các quyết định: Quyết định số 1631/QĐ- NHNo-TH ngày 20-11-2017 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Kế T của Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon Tum, Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23/11/2017 về công tác cán bộ của A. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn – ông Nguyễn Kế T không rút đơn khởi kiện, những người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - A V không rút đơn kháng cáo,

các bên đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

  1. Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

  2. Tính hợp pháp và có căn cứ của kháng cáo:

Ngày 24-10-2018, A V đã gửi đơn kháng cáo một phần bản án số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 đến Tòa án huyện Kon Rẫy, đơn kháng cáo còn thời hạn kháng cáo, nội dung đơn kháng cáo đảm bảo đúng các quy định tại Điều 271, 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. A V đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của bị đơn được Tòa án tỉnh Kon Tum thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là đúng quy định pháp luật.

Xét Bản án số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 của Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, Viện kiểm sát nhận thấy:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, xác định đúng quan hệ tranh chấp và tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng; thực hiện việc cấp tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ, mở phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và các thủ tục khác đều đúng quy định của Bộ luật tố tố tụng dân sự 2015. Đối với quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn A V cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các ông bà Châu Thị Thanh M, Hồ Huy S, Tiết Văn Th2 – Tổng giám đốc A V và Ban thường vụ huyện ủy K, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh xã hội tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Không thu thập hợp đồng lao động ký kết giữa A V và ông T là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Về yêu cầu này của A V là không phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tố tụng dân sự 2015 và tại phiên tòa A V cho rằng yêu cầu này là không cần thiết nên không xem xét; Đối với việc vi phạm trong thu thập chứng cứ, quá trình xét xử phúc thẩm bị đơn đã cung cấp hợp đồng lao động theo đúng trình tự tố tụng dân sự nên thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm đã được cấp phúc thẩm khắc phục.

Về việc giải quyết yêu cầu hủy 02 quyết định kỷ luật lao động bị khởi kiện:

- Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động:

Theo quy định tại điều 31 Văn bản hợp nhất quy chế quản lý lao động trong hệ thống A số 2059/VBHN-HĐTV-TCTL ngày 31-12-2016 của Hội đồng thành viên A V; điểm 3 khoản 2 Điều 1 của Quyết định sửa đổi bổ sung số 806/QĐ- HĐTV-TCTL ngày 15/8/2017 của Hội đồng thành viên A V; văn bản số 1555/HĐTV-TCTL ngày 13-9-2017 của A V về việc giao quyền xử lý kỷ luật cho Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp thì Hội đồng xử lý kỷ luật Chi nhánh loại một (là HĐXLKL A chi nhánh Kon Tum) có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với ông T với các hình thức kỷ luật khác nhau. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cả Chủ tịch hội

đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon tum và Tổng giám đốc A V cùng có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Kế T về cùng một sai phạm là không đúng với quy định của A V và quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, A V cho rằng quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 do Tổng giám đốc A V ký không phải là quyết định kỷ luật mà chỉ là quyết định mang tính thông báo nội bộ cho toàn thể chi nhánh trên toàn quốc của A biết để thi hành theo quy định của nội bộ. Viện kiểm sát thấy nội dung của quyết định này thể hiện Tổng giám đốc A V quyết định cách chức giám đốc A Chi nhánh huyện K đối với ông T và quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, vì vậy đây là quyết định kỷ luật đối với ông T.

- Về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với 02 quyết định kỷ luật lao động bị khởi

kiện:

Theo Biên bản phiên họp xử lý kỷ luật lao động ngày 13-11-2017 và Quyết

định thi hành kỷ kỷ luật số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 23-11-2017 của Hội đồng xử lý kỷ luật kỷ luật A Chi nhánh tỉnh Kon Tum thể hiện đại diện A Việt Nam đưa ra các 06 lỗi sai phạm của ông Nguyễn Kế T.

A Việt Nam cho rằng các sai phạm của ông T được xác định tại các tài liệu: Báo cáo xác minh vụ việc ngày 22-12-2016 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum; Báo cáo xác minh vụ việc liên quan đến nghiệp vụ kế Toán – ngân quỹ ngày 24-01-2017 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum; Biên bản đối thoại ngày 24-12-/2016: “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K”; Biên bản họp ngày 05-01-2017: “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K”; Biên bản Kiểm tra ngày 22-7-2017 về một số khoản nợ liên quan đến đơn thư tại A Chi nhánh huyện K; Biên bản kiểm tra toàn diện tại A Chi nhánh huyện K, ngày 09-9-2017.

Tại báo cáo xác minh vụ việc ngày 22-12-2016 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ A chi nhánh tỉnh Kon Tum và Báo cáo xác minh vụ việc liên quan đến nghiệp vụ kế Toán – ngân quỹ ngày 24-01-2017 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ A chi nhánh tỉnh Kon Tum đã xác định các vi phạm của ông T, và các vi phạm được đưa ra làm căn cứ xác định sai phạm của người lao động để hội đồng kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kỷ luật ông T và được xác định làm căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật ông T tính đến thời điểm họp hội đồng kỷ luật (ngày 13-11-2017) đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 124 Bộ luật lao động.

Đại diện A V xuất trình chứng cứ là 01 bản sao Quyết định giải quyết khiếu nại số 201/QĐ-VKS ngày 28-8-2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum và cho rằng thời gian này, A V đợi kết quả giải quyết của cơ quan điều tra, nên thời hiệu được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật lao động Tuy

nhiên, đây là quyết định giải quyết đối với nội dung khiếu nại, tố cáo của ông T với các ông Hồ Huy S và bà Châu Thị Thanh M, không phải nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công an đối với ông T theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 124 Bộ luật lao động. Hơn nữa, trong thời gian này A chi nhánh Kon Tum vẫn có văn bản thông báo đến Huyện ủy huyện K, đơn vị này đã xử lý kỷ luật Đảng đối với ông T.

Như vậy, có những sai phạm được xác định xảy ra từ những năm 2014, 2015, 2016; Tuy nhiên, đến 13-11-2017, Hội đồng kỷ luật lại gộp các sai phạm này để bỏ phiếu kỷ luật và đến ngày 20-11-2017 và 23-11-2017 có quyết định kỷ luật là hết thời hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật lao động.

- Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật:

Ngày 13-11-2017, A V chi nhánh tỉnh Kon Tum tiến hành họp công bố kết quả kiểm tra đối với A chi nhánh huyện K và A tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

Biên bản họp của Hội đồng xử lý kỷ luật và 02 quyết định xử lý kỷ luật đều không chỉ ra trong các sai phạm nêu trên, sai phạm nào phải chịu hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là cách chức theo quy định của nội quy lao động của A V. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của A V cho rằng với 02 sai phạm: để cán bộ dưới quyền trực tiếp chỉ đạo, điều hành của mình vi phạm cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ của A; lợi dụng danh nghĩa người lao động, uy tín của A dùng tiền cá nhân, mượn tiền của một số cán bộ tại Chi nhánh và người thân cho khách hàng mượn trả nợ vay tại A Chi nhánh huyện K làm sai lệch bản chất tín dụng tại chi nhánh là đủ điều kiện để ông T phải chịu hình thức kỷ luật cách chức theo nội quy lao động của A. Theo quy định tại Điều 18 và Điều 25 Nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A V một số lỗi vi phạm trên phải có yếu tố “Đe dọa hoặc gây thiệt hại đặc biệt nghiêmmới đủ yếu tố xử lý kỷ luật cách chức nhưng A V chưa chứng minh cụ thể các lỗi này là chưa đảm bảo đúng quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tai Điều 123 Bộ luật lao động.

Như vậy, Hội đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon Tum tiến hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Kế T là có cơ sở nhưng chưa đảm bảo đúng về thời hiệu và trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật nên cần hủy bỏ 02 quyết định này. Đối với những hành vi sai phạm của ông T (tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và tại Biên bản kiểm tra toàn diện tại A Chi nhánh huyện K, ngày 09-9-2017, ông T thừa nhận các vi phạm khác trong công tác chỉ đạo điều hành, nghiệp vụ cấp tín dụng và bảo đảm tiền vay, nghiệp vụ kế toán ngân quỹ) còn trong thời hiệu xử lý

kỷ luật A V được quyền tiến hành tổ chức xử lý kỷ luật lại theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Tòa án cấp sơ thẩm xử tuyên các quyết định: Quyết định số 1631/QĐ- NHNo-TH ngày 20-11-2017 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Kế T của chủ tịch hội đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon Tum, Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 về công tác cán bộ của A V trái pháp luật và A V phải hủy bỏ các quyết định trên là có căn cứ.

Với những phân tích nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các Điều 293, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bác đơn kháng cáo của A V, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 của Tòa án nhân dân huyện K.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum.

2017:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1]. Xét kháng cáo của A Việt Nam, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: [1.1] Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Đối với Quyết định thi hành kỷ luật số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 20-11-

Theo quy định tại điều 31 Văn bản hợp nhất quy chế quản lý lao động

trong hệ thống A số 2059/VBHN-HĐTV-TCTL ngày 31-12-2016 của Hội đồng thành viên A và Quyết định sửa đổi bổ sung số 806/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 15-8- 2017 của Hội đồng thành viên A thì thẩm quyền của Hội đồng xử lý kỷ luật Chi nhánh loại một có trách nhiệm xem xét quyết định các hình thức kỷ luật người lao động tại đơn vị.

Căn cứ Văn bản số 1555/HĐTV-TCTL ngày 13-9-2017 V/v ban hành, của Chủ tịch HĐTV A, thì Hội đồng thành viên giao quyền cho Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp chủ động xem xét kỷ luật bao gồm cả người lao động giữ chức danh chức vụ mà không phải trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Đồng thời, theo Văn bản số 549/TTr-CSLĐ ngày 27-7-2016, của Thanh tra Bộ lao động - Thương binh và Xã hội và theo quy định của pháp luật thì pháp luật không cấm Người sử dụng lao động ủy quyền xử lý kỷ luật lao động cho người khác, vì vậy việc Hội đồng xử lý kỷ luật A chi nhánh tỉnh Kon tum ban hành Quyết định thi hành kỷ luật số 1631/QĐ-NHNo-TH về việc thi hành kỷ luật lao đối với ông Nguyễn Kế T, là đúng thẩm quyền.

Xét nội dung Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 về công tác cán bộ của A, do Tổng giám đốc A - ông Tiết Văn Th2 ký ban hành trên cơ sở Quyết định thi hành kỷ luật số 1631/QĐ-NHNo-TH về việc thi hành kỷ luật lao đối với ông Nguyễn Kế T, có nội dung cách chức đối giám đốc A Chi nhánh huyện K, Kon Tum; đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động 2012, thì đây là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng Quyết định trên mang tính nội bộ của A là hoàn toàn không có cơ sở; Căn cứ Điều lệ về tổ chức hoạt động của A V ban hành kèm theo Quyết định số 600/QĐ-HĐTV ngày 23-4-2002 của Hội đồng thành viên và Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm cán bộ trong hệ thống A số 67/QĐ-HĐTV-UBNS ngày 09-02-2015, của Hội đồng thành viên A và Quyết định sửa đổi bổ sung số 806/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 15-8-2017 của Hội đồng thành viên A quy định thẩm quyền của hội đồng xử lý kỷ luật Chi nhánh loại một, thì Tổng giám đốc A cùng có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Kế T về cùng một sai phạm là không đúng với quy định của A và trái quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật lao động quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc A V phải hủy bỏ các quyết định trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

[1.2] Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Xét:

- Biên bản họp hội đồng xử lý kỷ luật ông Nguyễn Kế T ngày 13-11-2017 có nội dung thể hiện các sai phạm của ông Nguyễn Kế T được xác định tại các tài liệu:

+ Báo cáo xác minh vụ việc ngày 22-12-2016 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum.

+ Báo cáo xác minh vụ việc liên quan đến nghiệp vụ kế toán – ngân quỹ ngày 24-01-2017 của Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum.

+ Biên bản đối thoại ngày 24-12-2016: “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K.”

+ Biên bản họp ngày 05-01-2017: “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K.”

+ Biên bản kiểm tra ngày 22-7-2017 về một số khoản nợ liên quan đến đơn thư tại A Chi nhánh huyện K.

+ Biên bản kiểm tra toàn diện tại A Chi nhánh huyện K, ngày 09-09-2017. Như vậy, các tài liệu gồm: Báo cáo xác minh vụ việc ngày 22-12-2016 của

Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum, Báo cáo xác minh vụ việc liên quan đến nghiệp vụ kế toán – ngân quỹ ngày 24-01-2017 của Phòng

kiểm tra kiểm soát nội bộ chi nhánh tỉnh Kon Tum, Biên bản đối thoại ngày 24- 12-2016 “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K” và Biên bản họp ngày 05-01-2017 “V/v xem xét một số nội dung kiến nghị liên quan đến ông Nguyễn Kế T, Giám đốc A chi nhánh huyện K”, các tài liệu này đưa ra làm căn cứ xác định sai phạm của người lao động để Hội đồng xử lý kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kỷ luật ông Nguyễn Kế T và được xác định làm căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật ông Nguyễn Kế T tính đến thời điểm họp hội đồng kỷ luật - ngày 13-11-2017 là đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn cho rằng thời điểm để tính thời hiệu xử lý vi phạm của ông T là ngày 22-7-2017 và ngày 09-9-2017, là không có cơ sở. Vì, hành vi vi phạm của ông Nguyễn Kế T xảy ra từ năm 2014, 2015 và trước ngày A chi nhánh Kon Tum họp xét để ban hành Quyết định thi hành kỷ luật số 1631/QĐ- NHNo-TH ngày 20-11-2017 và Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23- 11-2017 về công tác cán bộ của A, đối với ông Nguyễn Kế T. Qúa trình giải quyết vụ án, ông T thừa nhận có vi phạm trong việc sử dụng tiền cá nhân để cho hai trường hợp đáo nợ tại A Chi nhánh K là bà Nguyễn Thị Kim L và ông Hữu Ph vào ngày 08-8-2016 theo Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngày 26-7-2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K, Thông báo này xác định hành vi vi phạm của ông T có liên quan đến hoạt động của A Chi nhánh K đều xảy ra trước năm 2016. Do vậy, hành vi vi phạm của ông Nguyễn Kế T mà A V và A V Chi nhánh Kon Tum đưa ra làm căn cứ xử lý kỷ luật ông T là đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 124 Bộ luật lao động 2012.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ tại Huyện ủy huyện K, thể hiện: Ngày 27-4-2017, Giám đốc A Chi nhánh tỉnh Kon Tum có công văn số 397/NHNo-TH gửi ban Thường trực huyện ủy huyện K, thông báo về các sai phạm của ông Nguyễn Kế T bí thư chi bộ, Giám đốc A Chi nhánh huyện K, liệt kê các sai phạm: “Theo kết luận tại cuộc họp ban lãnh đạo mở rộng A chi nhánh tỉnh Kon Tum ngày 07-3-2017, ông Nguyễn Kế T Bí thư chi bộ, Giám đốc A Chi nhánh huyện K tỉnh Kon Tum đã để sảy ra một số sai phạm:

  • Ông T là người đứng đầu A chi nhánh huyện K đã để xảy ra mất đoàn kết nội bộ trong chi nhánh.

  • Lợi dụng danh nghĩa viên chức, người lao động, uy tín, thương hiệu của A để tham gia đảo nợ và nhận lãi, hoa hồng từ khách hàng: Ông T đã dùng tiền của mình, tiền của một số cán bộ đang công tác tại A Chi nhánh huyện K – Kon Tum, cũng như người thân cho khách hàng mượn để trả nợ cũ và cho vay mới.”

    Ngày 23-5-2017, Huyện ủy huyện K ban hành Quyết định số 1015/QĐ-HU thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Kế T. Như vậy, những sai phạm được xác định tại các báo cáo, biên bản đối thoại, Biên bản làm việc... trước ngày 07-3-2017 đã được ban giám đốc A Chi nhánh tỉnh Kon Tum biết được trước khi có kết luận vào ngày 07-3-2017; Tuy nhiên, đến 13-11-2017 Hội đồng xử lý kỷ luật lại gộp các sai phạm này để bỏ phiếu kỷ luật và đến ngày 20-11-2017 và 23- 11-2017 có quyết định kỷ luật là hết thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 điều 124 Bộ luật lao động 2012. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định vấn đề này là hoàn toàn có căn cứ.

    Đối với Biên bản kiểm tra ngày 22-7-2017 về một số khoản nợ liên quan đến đơn thư tại A Chi nhánh huyện K:

    Tại phần kết luận của biên bản xác định các lỗi vi phạm của ông Nguyễn Kế T bao gồm:

    “- Dùng tiền của cá nhân, tiền của một số cán bộ Chi nhánh và người thân cho khách hàng mượn để trả nợ cho ngân hàng, lợi dụng chức vụ quyền hạn công việc được giao để trục lợi cá nhân vi phạm điểm b khoản 2 Điều 18 Nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19-8-2015;

  • Chỉ đạọ giao dịch viên thu nợ khi chưa có khách hàng; Chỉ đạo cán bộ cho vay sai quy định để chạy chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cuối năm; chuyển tiền lòng vòng sau đó chuyển về để tất toán khoản vay của khách hàng khác. Để cán bộ dưới quyền trực tiếp chỉ đạo, điều hành của mình vi phạm cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ của A (vi phạm điểm d khoản 2 Điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19-8-2015);

  • Là người đứng đầu Chi nhánh nhưng để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.”

    Như vậy, kết luận tại biên bản kiểm tra này có 2/3 nội dung (nội dung thứ nhất và thứ ba) xác định vi phạm của ông Nguyễn Kế T, đã được làm rõ tại kết luận và xử lý kỷ luật Đảng nêu trên, đối với nội dung còn lại là kết luận mới. Việc tổ chức kiểm tra này cũng nhằm giải quyết đơn thư của Ông Hồ Huy S và bà Châu Thị Thanh M từ tháng 10-2016, như vậy việc tiến hành giải quyết đơn thư khiếu nại của A đã vượt quá các thời hạn của quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo.

    Đối với Biên bản kiểm tra toàn diện tại A Chi nhánh huyện K, ngày 09-9- 2017: Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T không có ý kiến gì, và chấp nhận là có sai phạm.

    Như vậy, về các nội dung vi phạm được A đưa ra để xử lý kỷ luật có những nội dung đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Việc đưa cả các lỗi vi phạm đã hết thời hiệu xử lý để hội đồng xử lý kỷ luật xem xét, bỏ phiếu xử lý kỷ luật đối với người lao động là không đúng quy định của Bộ luật lao động, bất lợi cho người bị xử lý.

    [1.3] Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật.

    Căn cứ các các tài liệu có tại hồ sơ vụ án, thể hiện:

    Ngày 22-7-2017, A lập Biên bản kiểm tra các khoản nợ liên quan đến đơn thư tại A chi nhánh huyện K; ngày 09-9-2017, A có Biên bản kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh năm 2017 tại A Chi nhánh huyện K. Trong cả hai Biên bản này đều có nội dung kết luận những sai phạm xảy ra tại đơn vị, ngoài ra, không có bất cứ một tài liệu, chứng cứ nào khác thể hiện các kết luận của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền đối với những sai phạm này. Ngày 23-10-2017, A chi nhánh tỉnh Kon Tum có công văn yêu cầu những người có liên quan đến các nội dung sai phạm được kết luận của đoàn kiểm tra tại hai biên bản kiểm tra nêu trên (trong đó có ông Nguyễn Kế T). Ngày 06-11-2017, A có thông báo về việc họp xử lý kỷ luật lao động, thời gian vào lúc 08 giờ ngày 13-11-2017. Tuy nhiên, vào lúc 8 giờ 00 ngày 13-11-2017, A tiến hành họp công bố kết quả kiểm tra đối với A chi nhánh huyện K.Vào 13 giờ 45 phút cùng ngày, A tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

    Biên bản công bố kết quả kiểm tra đối với A chi nhánh huyện K không thể hiện các nội dung kết luận sai phạm, đương sự không xuất trình kết luận kèm theo. Như vậy, việc công bố kết luận kiểm tra sau khi yêu cầu người vi phạm kiểm điểm chưa phù hợp về trình tự, việc kết luận người vi phạm không thành khẩn nhận lỗi là chưa có cơ sở (người vi phạm đã kiểm điểm trước khi được nghe kết luận về các sai phạm mà mình đã mắc phải).

    Tại Biên bản phiên họp xử lý kỷ luật lao động và tại Quyết định thi hành kỷ kỷ luật số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 23-11-2017 của Hội đồng xử lý kỷ luật A Chi nhánh tỉnh Kon Tum thể hiện đại diện A đưa ra các lỗi sai phạm của ông Nguyễn Kế T bao gồm:

    “- Thực hiện không đầy đủ chức trách nhiệm vụ đối với chức danh, vị trí công tác theo quy định của A đã vi phạm tiết 6, điểm b khoản 2 điều điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A.

  • Để cán bộ dưới quyền trực tiếp chỉ đạo, điều hành của mình vi phạm cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ của A đã vi phạm tiết 7, điểm d khoản 2 điều điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A.

  • Lợi dụng danh nghĩa người lao động, uy tín của A dùng tiền cá nhân, mượn tiền của một số cán bộ tại Chi nhánh và người thân cho khách hàng mượn trả nợ vay tại A Chi nhánh huyện K làm sai lệch bản chất tín dụng tại chi nhánh đã vi phạm tiết 10, điểm b khoản 2 điều điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ- HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A.

  • Để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tập thể A đã vi phạm tiết 13, điểm b khoản 2 điều điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ- HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A.

  • Gửi đơn khiếu nại đến nơi không có thẩm quyền giải quyết, phản ánh một số thông tin chưa đúng tính chất của sự việc gây ảnh hưởng đến lợi ích, hoạt động kinh doanh của Chi nhánh tỉnh Kon Tum và thương hiệu của A đã vi phạm điểm b khoản 2 điều điều 18 nội quy lao động số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A.

  • Không thành khẩn nhận lỗi, không thừa nhận các hành vi vi phạm đã kết luận tại các đợt kiểm tra của A.”

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 22 Nội quy lao động trong hệ thống A, số 600/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 19-8-2015 của Hội đồng thành viên A, quy định về trình tự họp xử lý kỷ luật lao động, theo đó trong biên bản họp, kết luận nêu rõ hành vi của người lao động đã vi phạm những điều khoản nào và ứng với hình thức kỷ luật gì đã được quy định trong Nội quy lao động.

Tuy nhiên, cả Biên bản họp của Hội đồng xử lý kỷ luật và quyết định xử lý kỷ luật đều không chỉ ra trong các sai phạm nêu trên, sai phạm nào phải chịu hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là cách chức theo quy định của nội quy lao động của A.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và đại diện theo ủy quyền của bị đơn chỉ khẳng định với các sai phạm nêu trên ông T phải chịu hình thức kỷ luật cách chức là phù hợp với nội quy lao động của A mà cũng không chỉ rõ lỗi nào thuộc trường hợp phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Theo quy định tại Điều 18 và Điều 25 Nội quy lao động số 600/QĐ- HĐTV-TCTL ngày 19/8/2015 của Hội đồng thành viên A một số lỗi vi phạm trên phải có yếu tố “Đe dọa hoặc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợimới đủ yếu tố xử lý kỷ luật hay là yếu tố để xử lý kỷ luật cách chức nhưng A chưa chứng minh cụ thể các lỗi này là chưa đảm bảo đúng quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tai điều 123 Bộ luật lao động 2012.

Ngoài ra, không có kết luận nào qua các đợt kiểm tra về sai phạm: Gửi đơn khiếu nại đến nơi không có thẩm quyền giải quyết, phản ánh một số thông tin chưa đúng tính chất của sự việc gây ảnh hưởng đến lợi ích, hoạt động kinh doanh nhưng khi kỷ luật lại quy kết ông T mắc sai phạm này là không có cơ sở.

Với những nhận định, đánh giá về thẩm quyền, thời hiệu, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật nêu trên, thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố các quyết định kỷ luật của A đối với ông Nguyễn Kế T là trái pháp luật và buộc A phải hủy bỏ, là có căn cứ.

  1. Hai quyết định xử lý kỷ luật lao động trong vụ án mà nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thể hiện bằng hình thức cách chức giám đốc A chi nhánh huyện K đối với ông Nguyễn Kế T chứ không phải hình thức Sa thải, đồng thời nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại về tinh thần số tiền

    13.900.000 đồng. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải căn cứ khoản 5 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự, nhưng Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018, Tòa án huyện Kon Rẫy lại căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự là không chính xác. Tuy nhiên, sai sót này không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, hơn nữa nội dung này không bị kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm điều chỉnh lại cho chính xác và nêu ra để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

  2. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng: Cấp sơ thẩm không thu thập Hợp đồng lao động giữa A Chi nhánh Kon Tum với ông Nguyễn Kế T để làm căn cứ giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; Nội dung này, Hội đồng xét xử xét thấy: Trách nhiệm cung cấp chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quy định tại Điều 60, 70 và Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật tố tụng dân sự, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán khi lập hồ sơ vụ án phải có trách nhiệm yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ; cấp sơ thẩm chưa thực hiện hành vi yêu cầu này là có phần thiếu sót nhưng không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tại cấp phúc thẩm, bị đơn đã cung cấp Hợp đồng được các bên cùng thừa nhận làm căn cứ giải quyết vụ án nên đã khắc phục được sai sót này.

    Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn - A V và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

  3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

  4. Về án phí:

Do Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên người kháng cáo, bị đơn - A V phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào khoản 5 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 293, Điều 313, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các Điều 123, Điều 124, Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012; Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

  1. Không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn - Ngân hàng N. Giữ nguyên quyết định của Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 09-10-2018 về “Tranh chấp lao động và xử lý kỷ luật lao động” của Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

  2. Tuyên bố các quyết định: Quyết định số 1631/QĐ-NHNo-TH ngày 20- 11-2017 về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Kế T của Chủ tịch Hội đồng xử lý kỷ luật Ngân hàng N chi nhánh tỉnh Kon Tum và Quyết định số 3323/QĐ-NHNo-TCTL ngày 23-11-2017 về công tác cán bộ của Ngân hàng N là trái pháp luật; Ngân hàng N phải hủy bỏ các quyết định trên. (Ngân hàng N được quyền tiến hành xử lý kỷ luật lại với ông Nguyễn Kế T đối với những sai phạm đang còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật).

  3. Về án phí: Ngân hàng N phải chịu 300.000 đồng án phí lao động phúc

    thẩm.

    Ngân hàng N đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai

    thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số AA/2010/0009067 ngày 31-10-2018, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Kon Tum, nay được khấu trừ vào án phí lao động phúc thẩm, Ngân hàng N đã nộp đủ án phí lao động phúc thẩm.

    Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

  4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (02-4-2019).

Nơi nhận: T/M HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

  • VKSND tỉnh Kon Tum; THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

  • TAND huyện Kon Rẫy;

  • Chi cục THADS huyện K;

  • Những người tham gia tố tụng;

  • Lưu hồ sơ vụ án.

Huỳnh Nguyên

THÔNG TIN BẢN ÁN

Bản án số 01/2019/LĐ-PT của TAND tỉnh Kon Tum về tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

  • Số bản án: 01/2019/LĐ-PT
  • Quan hệ pháp luật: Tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
  • Cấp xét xử: Phúc thẩm
  • Ngày ban hành: 02/04/2019
  • Loại vụ/việc: Lao động
  • Tòa án xét xử: TAND tỉnh Kon Tum
  • Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
  • Đính chính: Đang cập nhật
  • Thông tin về vụ/việc: Tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật lao động giữa ông Nguyễn Kế T và Ngân hàng A V
Tải về bản án