- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Quyết định 6941/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 4Quyết định 459/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9858/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2013 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 6941/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của Bộ Công Thương năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề cương và dự toán của Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030";
Xét Báo cáo thẩm định số 09/BC-TCNL ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng thẩm định Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030";
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. Quan điểm phát triển
- Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối LPG phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, phù hợp Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
- Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối LPG trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp khí trên cơ sở sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước kết hợp với nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định, dài hạn, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp; theo hướng đồng bộ; an toàn, chất lượng, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh thị trường, góp phần vào việc bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, hướng tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
- Phát huy nội lực đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý trong chuỗi sản xuất và phân phối LPG, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.
- Kết hợp hài hòa giữa đầu tư mới và đầu tư cải tạo, mở rộng trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; ưu tiên nâng cấp, mở rộng công suất hệ thống phân phối phù hợp với khả năng phát triển hệ thống sản xuất, trước khi xem xét phương án đầu tư mới.
- Phát triển các dự án sản xuất và phân phối LPG ở các vùng có lợi thế về nguồn nguyên liệu, thị trường, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, có tính đến yếu tố phân bố lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quy mô toàn quốc. Quy mô sản xuất phải đủ lớn để đảm bảo tính kinh tế, có tính đến mở rộng sau này.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển hệ thống sản xuất LPG phù hợp với năng lực sản xuất của các nhà máy lọc dầu và nhà máy xử lý khí để chủ động nguồn cung khi thị trường thế giới biến động bất thường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khuyến khích phát triển thị trường tiêu thụ, đồng thời thúc đẩy hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác, nhập khẩu khí.
- Phát triển hệ thống phân phối LPG khoa học, hiệu quả với cơ sở hạ tầng phân phối LPG đồng bộ, đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ sản phẩm LPG trên phạm vi toàn quốc, chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường. Phân vùng sản xuất, cung ứng LPG theo hướng chia làm 5 khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu phát triển hệ thống sản xuất LPG
Đến năm 2020, duy trì sản lượng đáp ứng 50% nhu cầu LPG trong nước; từng bước nâng dần sản lượng để đáp ứng khoảng 60% nhu cầu LPG vào giai đoạn 2020-2030.
b) Mục tiêu phát triển hệ thống phân phối LPG
Phát triển hệ thống phân phối LPG để tăng khả đáp ứng nhu cầu sử dụng LPG trong nước bình quân từ 16 kg/người/năm hiện nay lên 30 kg/người/năm vào năm 2020 và khoảng 50 kg/người/năm vào năm 2030.
- Đối với kho đầu mối LPG
Quy hoạch các dự án kho đầu mối LPG có công suất tối thiểu 2.500 tấn; khuyến khích đầu tư công nghệ kho lạnh, quy mô lớn.
Tại mỗi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ hình thành hệ thống kho đầu mối lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường tại chỗ và hỗ trợ thị trường khu vực lân cận.
- Đối với kho trung chuyển LPG
Quy hoạch các dự án kho trung chuyển LPG có công suất tối thiểu 2.500 tấn.
Đảm bảo sức chứa của kho đầu mối LPG và kho trung chuyển LPG đáp ứng yêu cầu dự trữ thương mại 15 ngày và có xét đến dự trữ quốc gia.
- Đối với kho tuyến sau LPG
Quy hoạch các kho tuyến sau LPG có công suất dưới 2.500 tấn, theo hướng nằm trong quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh LPG của địa phương.
- Đối với các trạm chiết nạp LPG
Đáp ứng nhu cầu phát triển LPG của các vùng, địa phương phù hợp mục tiêu phát triển hệ thống phân phối LPG (30 kg/người/năm vào năm 2020 và khoảng 50 kg/người/năm vào năm 2030).
- Đối với hệ thống vận tải
Bảo đảm kết nối hệ thống sản xuất và nhập khẩu LPG với hệ thống phân phối LPG, đáp ứng nhu cầu phát triển LPG của các vùng, địa phương.
Tối ưu hóa cung đường vận chuyển LPG nhằm giảm chi phí vận chuyển và hao hụt.
III. Định hướng phát triển
1. Định hướng phát triển hệ thống sản xuất LPG
Kết hợp nguồn dầu khí khai thác trong nước với nguồn nhập khẩu để xây dựng mới, mở rộng các nhà máy lọc dầu theo Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 và các nhà máy xử lý khí theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt.
2. Định hướng phát triển hệ thống phân phối LPG
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống phân phối lớn của các thương nhân kinh doanh LPG để tiếp nhận sản phẩm LPG của các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu. Xây dựng các trung tâm phân phối đồng bộ về tổ chức (tổng công ty, công ty, chi nhánh, xí nghiệp...) và cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật (hệ thống kho đầu mối, kho trung chuyển, kho tuyến sau; cảng xuất, nhập; hệ thống vận tải…).
- Phát triển mạng lưới bán lẻ LPG trực tiếp của doanh nghiệp và hệ thống tổng đại lý, đại lý với hệ thống các kho tuyến sau LPG, cửa hàng bán lẻ tới từng địa phương, xã/phường.
- Phát triển cảng biển chuyên dụng mới cho các kho đầu mối LPG với các địa điểm tiềm năng tại Quảng Ninh (Lạch Huyện, Cái Lân), Hải Phòng (Đình Vũ), Quảng Bình (Hòn La), Bình Thuận (Kê Gà), Bình Định (Nhơn Hội), Khánh Hòa (Cam Ranh), Tiền Giang (Soài Rạp), Trà Vinh (Trà Cú). Tiếp tục phát triển hệ thống vận tải đường biển (viễn dương và ven biển), hệ thống vận tải nội địa bằng đường sông và hệ thống vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu phát triển và kết nối của hệ thống sản xuất, nhập khẩu và phân phối LPG.
IV. Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối LPG
1. Quy hoạch hệ thống sản xuất LPG
- Giai đoạn 2014-2020
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy lọc dầu dự kiến đi vào vận hành giai đoạn trước năm 2020 theo Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009, cụ thể như sau:
Hoàn thành nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu Vũng Rô để có thể cung cấp khoảng 850.000 tấn LPG/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước.
- Giai đoạn 2021-2030
Xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu hiện có (1-2 nhà máy), xây dựng Nhà máy xử lý khí Cà Mau để có thể cung cấp cho thị trường khoảng 1.500.000 tấn LPG/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước.
Danh mục các dự án sản xuất LPG đầu tư giai đoạn 2014-2020 và giai đoạn 2021-2030 được trình bày chi tiết tại Phụ lục 1.
2. Quy hoạch hệ thống phân phối LPG
a) Quy hoạch hệ thống kho đầu mối LPG
- Giai đoạn 2014-2020
Tiếp tục triển khai hệ thống kho đầu mối LPG theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 459/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011; có tính đến dự trữ thương mại 15 ngày, đồng thời có xét đến dự trữ quốc gia.
Xây dựng và hình thành các trung tâm đầu mối tiếp nhận LPG từ các nguồn trong nước và nhập khẩu tại các khu vực có điều kiện thuận lợi về hệ thống cảng biển nước sâu, có tầm ảnh hưởng lớn đến vùng phụ cận như: Hải Phòng (Bắc Bộ); Thanh Hóa, Hà Tĩnh (Bắc Trung Bộ); Đà Nẵng, Quảng Ngãi (Nam Trung Bộ); Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận (Đông Nam Bộ); Long An, Tiền Giang, Cần Thơ (Tây Nam Bộ).
Tổng sức chứa các kho đầu mối LPG trong phạm vi cả nước giai đoạn đến 2020 đạt tối thiểu 188.000 tấn, trong đó sức chứa bổ sung đạt tối thiểu 48.000 tấn, cụ thể cho khu vực như sau: Bắc Bộ khoảng 24.000 tấn, Trung Bộ (bao gồm Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ) khoảng 12.000 tấn và Nam Bộ (bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) khoảng 12.000 tấn.
Danh mục các dự án kho đầu mối LPG đầu tư giai đoạn 2014-2020 được trình bày chi tiết tại Phụ lục 2.
- Giai đoạn 2021-2030
Tổng sức chứa các kho đầu mối LPG trong phạm vi cả nước giai đoạn đến 2021-2030 từ 188.000 đến 288.000 tấn, trong đó sức chứa bổ sung đạt khoảng 180.000 tấn, cụ thể cho các khu vực như sau: Bắc Bộ khoảng 70.000 tấn, Trung Bộ (bao gồm Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ) khoảng 40.000 tấn và Nam Bộ (bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) khoảng 70.000 tấn.
Danh mục các dự án kho đầu mối LPG đầu tư giai đoạn 2021-2030 được trình bày chi tiết tại Phụ lục 3.
b) Quy hoạch hệ thống kho trung chuyển LPG
- Giai đoạn 2014-2020
Tối ưu hóa số vòng quay đối với lượng LPG qua các kho trung chuyển LPG hiện hữu nhằm đạt hiệu quả cao nhất về sức chứa; không đầu tư các kho trung chuyển LPG mới.
- Giai đoạn 2021-2030
Nâng cấp cơ sở hạ tầng sẵn có về cảng, tuyến vận tải... để bảo đảm kho trung chuyển LPG hiện hữu đủ năng lực tiếp nhận từ các kho đầu mối LPG và phân phối đến các kho tuyến sau LPG. Không đầu tư các kho trung chuyển LPG mới.
c) Quy hoạch hệ thống chiết nạp LPG
- Giai đoạn 2014-2020
Giữ nguyên tổng công suất của các trạm chiết nạp trong cả nước khoảng 1.600.000 tấn/năm; cải tạo, nâng cấp các trạm chiết nạp LPG hiện hữu, loại bỏ một số trạm chiết nạp không đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ và môi trường; chỉ đầu tư các trạm chiết nạp LPG mới để thay thế các trạm chiết nạp LPG bị loại bỏ.
- Giai đoạn 2021-2030
Sau năm 2025, xem xét bổ sung công suất trạm chiết nạp LPG khoảng 100.000 tấn/năm, định hướng cho một số khu vực xa các trung tâm tiêu thụ lớn nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh về dân cư, quy mô công nghiệp và nhu cầu sử dụng LPG như: khu vực Trung du và miền núi phía Bắc khoảng 30.000 tấn/năm; khu vực Trung Bộ khoảng 20.000 tấn/năm; khu vực Tây Nguyên khoảng 30.000 tấn/năm; khu vực Tây Nam Bộ khoảng 20.000 tấn/năm.
V. Nhu cầu vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất (bao gồm tổng vốn đầu tư cho các nhà máy lọc dầu) và phân phối LPG giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 khoảng 512.800 tỷ đồng, cụ thể:
- Nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất LPG giai đoạn 2014-2020 là 320.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là: 170.000 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn cho hệ thống phân phối LPG giai đoạn 2014-2020 là 4.800 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 18.000 tỷ đồng.
VI. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch
1. Giải pháp chung
- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định để khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hệ thống sản xuất và phân phối LPG; đa dạng hóa hình thức đầu tư, chú trọng hợp tác liên doanh với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính.
- Hoàn thiện hệ thống pháp lý về đầu tư xây dựng cơ bản, về quản lý và điều tiết thị trường LPG; đẩy nhanh thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
- Ưu tiên quỹ đất quy hoạch xây dựng kho, cảng LPG; bố trí kho LPG vào các quy hoạch khu công nghiệp để khai thác chung các công trình hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, luồng lạch...
2. Giải pháp cụ thể
a) Giải pháp về khuyến khích đầu tư
- Xây dựng chính sách ưu đãi về thuế phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ sản xuất trong nước, bảo đảm cạnh tranh với LPG nhập khẩu.
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ thu xếp vốn vay trong và ngoài nước, bảo lãnh vốn vay, cho vay ưu đãi... nhất là đối với các dự án có quy mô lớn.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tại các vùng quy hoạch.
b) Giải pháp về thị trường
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa việc nhập khẩu các sản phẩm LPG kém chất lượng, sang chiết LPG trái phép.
c) Các giải pháp về khoa học công nghệ
- Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với LPG, các thiết bị phụ trợ liên quan đến vận hành và sử dụng LPG lưu hành trên thị trường.
- Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước.
- Khuyến khích phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng chính sách gắn kết nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà khoa học trong việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất và phân phối LPG.
d) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo đội ngũ quản lý, vận hành giỏi, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ, vận hành hiệu quả các công trình, dự án sản xuất LPG.
- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động phân phối LPG, phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực; ưu tiên phát triển đào tạo tại vùng quy hoạch, nhằm cung cấp nhân lực tại chỗ; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm đến công tác tại công trình, dự án trọng điểm tại các vùng sâu, vùng xa, vùng chưa phát triển.
đ) Giải pháp về an toàn, môi trường
- Xây dựng hệ thống quản lý tích hợp an toàn - chất lượng - môi trường được đánh giá chứng nhận bởi tổ chức quốc tế có uy tín.
- Thường xuyên tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn tại các đơn vị sản xuất kinh doanh LPG.
- Tối ưu hóa chế độ điều độ, vận hành; thiết lập và quản lý tốt chương trình sản xuất sạch; giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, bảo dưỡng sửa chữa bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, vật tư; giảm tối đa lượng chất thải, các tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường.
1. Bộ Công Thương
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sản xuất và phân phối xăng dầu, công bố công khai Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối LPG giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch).
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thực hiện, giám sát và cập nhật Quy hoạch. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
- Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về sản xuất và phân phối LPG; đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển ổn định và bền vững lĩnh vực sản xuất và phân phối LPG.
- Trước mắt, tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các Dự án: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các nhà máy chế biến khí; tập trung chỉ đạo triển khai các dự án kho đầu mối LPG có trong Quy hoạch.
- Chủ trì thẩm định và phê duyệt bổ sung Quy hoạch đối với các dự án kho LPG có công suất từ 2.500 đến dưới 5.000 tấn.
- Chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đối với các dự án kho LPG có công suất từ 5.000 tấn trở lên.
- Nghiên cứu đề xuất việc triển khai xây dựng các kho dự trữ quốc gia về LPG.
2. Các Bộ liên quan
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Công an thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp nêu trong Quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và các khu kinh tế, khu công nghiệp có tính đến việc xây dựng các dự án thuộc Quy hoạch.
- Ưu tiên dành quỹ mặt đất, mặt nước để xây dựng, phát triển hệ thống sản xuất và phân phối LPG đã được quy hoạch.
- Tổ chức quản lý và tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư hệ thống sản xuất và phân phối LPG trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt; chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, xây dựng.
- Xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống phân phối LPG (của địa phương) phù hợp với quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối LPG của cả nước và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Các thương nhân sản xuất, thương nhân kinh doanh LPG đầu mối
- Nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh LPG.
- Tổ chức triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án sản xuất và phân phối LPG, đặc biệt là các dự án nhà máy lọc dầu, xử lý khí và kho đầu mối.
- Kiện toàn hệ thống phân phối, đặc biệt là các trạm chiết nạp phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh LPG.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT LPG ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2014-2020 VÀ GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 9858/QĐ-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương)
TT | Dự án | Địa điểm xây dựng | Công suất nhà máy | Sản lượng LPG (tấn/năm) | Hình thức (xây mới/ mở rộng) |
Giai đoạn 2014-2020 | |||||
1 | Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn | Thanh Hóa | 10 triệu tấn/năm | 40.000 | Xây mới |
2 | Nhà máy lọc dầu Vũng Rô | Phú Yên | 8 triệu tấn/năm | 180.000 | Xây mới |
3 | Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất | Quảng Ngãi | 8-10 triệu tấn/năm | 430.000 | Nâng cấp, mở rộng |
Giai đoạn 2021-2030 | |||||
1 | Nhà máy xử lý khí (GPP) Cà Mau | Cà Mau | 22,48 triệu m3 khí/ngày | 250.000 | Xây mới |
2 | Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong hoặc Nhà máy lọc dầu Long Sơn | Khánh Hòa hoặc Bà Rịa -Vũng Tàu | 10 triệu tấn/năm | 400.000 | Xây mới |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KHO ĐẦU MỐI LPG ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Kèm theo Quyết định số 9858/QĐ-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương)
Khu vực | Tỉnh/thành phố | Địa điểm | Công suất (tấn) | Hình thức (xây mới/ mở rộng) |
Bắc Bộ | Hải Phòng | Đình Vũ | 5.000 | Xây mới |
Lạch Huyện | 9.000 | Xây mới | ||
Thượng Lý | 5.000 | Xây mới | ||
Quảng Ninh | Bãi Cháy | 5.000 | Xây mới | |
Bắc Trung Bộ | Thanh Hóa | Nghi Sơn | 8.000 | Xây mới |
Nam Trung Bộ | Đà Nẵng | Thọ Quang | 3.000 | Xây mới |
Quảng Ngãi | Dung Quất | 3.000 | Mở rộng 1.000 tấn | |
Tây Nam Bộ | Long An | Long An | 10.000 | Xây mới |
Cần Thơ | Trà Nóc | 2.500 | Mở rộng 1.000 tấn | |
Tiền Giang | Soài Rạp | 1.000 | Xây mới |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KHO ĐẦU MỐI LPG ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 9858/QĐ-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương)
Khu vực | Tỉnh/thành phố | Địa điểm | Công suất (tấn) | Hình thức (xây mới/mở rộng) |
Bắc Bộ | Hải Phòng | Đình Vũ | 6.000 | Xây mới |
Lạch Huyện | 40.000 | Xây mới | ||
Thượng Lý | 5.000 | Xây mới | ||
Quảng Ninh | Bãi Cháy | 5.000 | Xây mới | |
Cái Lân | 4.000 | Xây mới | ||
Bắc Trung Bộ | Hà Tĩnh | Vũng Áng | 3.500 | Xây mới |
Nghi Hương | 4.000 | Xây mới | ||
Nam Trung Bộ | Đà Nẵng | Thọ Quang | 6.000 | Xây mới |
Liên Chiểu | 3.500 | Xây mới | ||
Quảng Ngãi | Dung Quất | 3.000 | Xây mới | |
Quy Nhơn | Nhơn Hội | 10.000 | Xây mới | |
Phú Yên | Vũng Rô | 10.000 | Xây mới | |
Đông Nam Bộ | Bà Rịa - Vũng Tàu | Cái Mép | 20.000 | Xây mới |
Thị Vải | 8.000 | Xây mới | ||
TPHCM và khu vực lân cận | Gò Dầu | 4.000 | Xây mới | |
Nhà Bè | 6.000 | Xây mới | ||
Tây Nam Bộ | Long An | Long An | 10.000 | Xây mới |
Cần Thơ | Trà Nóc | 2.000 | Xây mới | |
Tiền Giang | Soài Rạp | 10.000 | Xây mới | |
Cà Mau | Mũi Tràm | 10.000 | Xây mới |
- 1Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Kế hoạch Phát triển, khai thác dầu khí khu vực Đông Bắc mỏ Sư Tử Đen, Lô 15-1 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 4790/QĐ-BCT năm 2008 về việc thành lập Tổ thẩm định “Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Công văn số 8614/VPCP-KTN về việc quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu mỏ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4295/QĐ-BCT năm 2014 bổ sung Dự án đầu tư mở rộng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - giai đoạn 3 vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Kế hoạch Phát triển, khai thác dầu khí khu vực Đông Bắc mỏ Sư Tử Đen, Lô 15-1 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 4790/QĐ-BCT năm 2008 về việc thành lập Tổ thẩm định “Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5Công văn số 8614/VPCP-KTN về việc quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu mỏ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 6941/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 7Quyết định 459/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 9Quyết định 4295/QĐ-BCT năm 2014 bổ sung Dự án đầu tư mở rộng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - giai đoạn 3 vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Quyết định 9858/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 9858/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/12/2013
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực