Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 982/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY ĐỊNH TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên được hợp nhất tại văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 605/TTr- SGDĐT ngày 27 tháng 3 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy định tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

QUY ĐỊNH

TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kể từ năm học 2015 - 2016.

2. Quy định này áp dụng đối với người học thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Quảng Bình; các trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học; các trường THCS, THPT chuyên biệt; các trung tâm giáo dục - dạy nghề (GDDN); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc tuyển sinh, tuổi tuyển sinh

1. Hàng năm, tổ chức một lần tuyển sinh vào THCS, THPT; việc tuyển sinh vào THCS, THPT bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

2. Tuổi của học sinh trường THCS, trường THPT thực hiện theo Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

3. Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) không giới hạn độ tuổi.

Chương II

TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

Điều 3. Đối tượng, phương thức, địa bàn tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người học có đủ các điều kiện sau:

a) Có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Quảng Bình.

b) Đã hoàn thành chương trình tiểu học.

c) Có độ tuổi theo quy định tại Điều 2 Quy định này.

Các trường hợp khác, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) xem xét, quyết định.

2. Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển.

3. Địa bàn tuyển sinh do Phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện quy định.

Điều 4. Hồ sơ tuyển sinh

1. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

2. Học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ. Trường hợp học sinh bị mất học bạ, Trưởng phòng GD&ĐT xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

3. Đơn xin dự tuyển sinh vào THCS (theo mẫu do Phòng GD&ĐT quy định).

Điều 5. Thời gian tuyển sinh

Thời gian tuyển sinh do Trưởng phòng GD&ĐT tham mưu với UBND cấp huyện quy định, hoàn thành trước ngày 15 tháng 8 hàng năm.

Điều 6. Tổ chức tuyển sinh

1. Mỗi học sinh được đăng ký xét tuyển vào 01 trường THCS thuộc địa bàn tuyển sinh.

2. Trưởng phòng GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh của mỗi trường THCS hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp THCS.

a) Thành phần:

- Chủ tịch là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng.

- Phó Chủ tịch là phó hiệu trưởng.

- Thư ký và một số ủy viên.

b) Nhiệm vụ và quyền hạn:

- Thu và kiểm tra hồ sơ tuyển sinh.

- Xét tuyển theo chỉ tiêu được giao và lập biên bản xét tuyển, danh sách người học trúng tuyển trình Trưởng phòng GD&ĐT phê duyệt.

- Kịp thời trả hồ sơ tuyển sinh cho học sinh không trúng tuyển vào trường để học sinh dự tuyển sinh vào các trường khác theo quy định.

- Đề nghị khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích; đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm quy định tuyển sinh và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Được sử dụng con dấu của nhà trường vào các văn bản của Hội đồng.

Chương III

TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Mục 1. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG THỨC, ĐỊA BÀN, HỒ SƠ, TUYỂN THẲNG, CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN, KHUYẾN KHÍCH, HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH

Điều 7. Đối tượng, phương thức, địa bàn tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người học có đủ các điều kiện sau:

a) Có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Quảng Bình.

b) Đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình GDTX.

c) Có độ tuổi theo quy định tại Điều 2 Quy định này.

d) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.

2. Phương thức tuyển sinh do Giám đốc Sở GD&ĐT lựa chọn và công bố cùng với hướng dẫn tuyển sinh hàng năm. Tuyển sinh THPT được tổ chức theo các phương thức sau:

a) Xét tuyển: Dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của các năm học ở cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

b) Thi tuyển.

c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

3. Địa bàn tuyển sinh: Việc tuyển sinh được thực hiện theo nguyên tắc phân vùng vào các trường THPT trên cùng địa bàn tuyển sinh thuộc huyện, thị xã, thành phố và hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Sở GD&ĐT.

Điều 8. Hồ sơ tuyển sinh

1. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

2. Bằng tốt nghiệp THCS hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THCS.

3. Học bạ cấp THCS (bản chính).

4. Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).

5. Giấy xác nhận do UBND xã, phường, thị trấn cấp (đối với người học đã tốt nghiệp THCS từ những năm học trước) không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật.

6. Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú có xác nhận của công an địa phương hoặc quyết định điều động cha (mẹ) chuyển về công tác tại tỉnh Quảng Bình (đối với người học ngoại tỉnh chuyển về).

7. Hai ảnh cỡ 3 cm x 4 cm.

8. Đơn xin dự tuyển sinh vào THPT (theo mẫu do Sở GD&ĐT quy định).

Điều 9. Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích

1. Tuyển thẳng vào THPT các đối tượng sau đây:

a) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

b) Học sinh là người dân tộc rất ít người.

c) Học sinh khuyết tật.

d) Học sinh đạt giải cấp Quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

2. Chế độ ưu tiên

a) Cộng 2,0 điểm cho một trong các đối tượng:

- Con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

b) Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng:

- Con của Anh hùng Lực lượng vũ trang, con của Anh hùng Lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

- Con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%.

c) Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng:

- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.

- Người dân tộc thiểu số.

- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

d) Người học có nhiều tiêu chuẩn được cộng thêm điểm ưu tiên chỉ được hưởng một mức cộng điểm theo tiêu chuẩn cao nhất.

3. Chế độ khuyến khích.

a) Đạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các bộ môn văn hóa lớp 9:

- Giải nhất: Cộng 1,5 điểm.

- Giải nhì: Cộng 1,0 điểm.

- Giải ba: Cộng 0,5 điểm.

b) Đạt giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành GD&ĐT phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THCS trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn; thi giải toán và Olympic Tiếng Anh qua internet; thi tài năng Tiếng Anh.

- Giải cá nhân:

Đạt giải nhất hoặc huy chương vàng: Cộng 1,5 điểm.

Đạt giải nhì hoặc huy chương bạc: Cộng 1,0 điểm.

Đạt giải ba hoặc huy chương đồng: Cộng 0,5 điểm.

- Giải đồng đội (hội thao giáo dục quốc phòng, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca...):

Chỉ cộng điểm đối với giải Quốc gia.

Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của ban tổ chức từng giải.

Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân.

- Những học sinh đoạt nhiều giải khác nhau trong các cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.

c) Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD&ĐT tổ chức ở cấp THCS:

Loại giỏi: Cộng 1,5 điểm.

Loại khá: Cộng 1,0 điểm.

Loại trung bình: Cộng 0,5 điểm.

4. Điểm cộng thêm tối đa cho các đối tượng ưu tiên, khuyến khích áp dụng cho từng phương thức tuyển sinh được quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 17 Quy định này.

5. Các giấy chứng nhận để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích nếu nộp sau khi công bố kết quả tuyển sinh sẽ không có giá trị.

Điều 10. Hội đồng tuyển sinh

1. Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh của mỗi trường THPT, THCS và THPT, gồm:

a) Chủ tịch là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng.

b) Phó chủ tịch là phó hiệu trưởng.

c) Thư ký và một số ủy viên.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Thu và kiểm tra hồ sơ tuyển sinh.

b) Lập danh sách học sinh đăng ký dự tuyển sinh (theo phần mềm của Sở GD&ĐT).

c) Căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, điểm thi tuyển, lấy từ điểm cao xuống cho đến đủ chỉ tiêu.

d) Lập hồ sơ duyệt tuyển sinh gồm: Tờ trình xin duyệt tuyển sinh của hiệu trưởng, biên bản của Hội đồng tuyển sinh (có đủ chữ ký, họ tên, chức danh của các thành viên của Hội đồng), danh sách học sinh trúng tuyển (mỗi loại 02 bản), bảng ghi tên ghi điểm học sinh đăng ký dự tuyển sinh, dữ liệu in danh sách học sinh trúng tuyển và bảng ghi tên ghi điểm.

e) Công bố kết quả tuyển sinh sau khi đã được Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt.

g) Kịp thời trả hồ sơ tuyển sinh cho học sinh không trúng tuyển vào trường để học sinh dự tuyển sinh vào các trường khác theo quy định.

h) Đề nghị khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích; đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm quy định tuyển sinh và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

i) Được sử dụng con dấu của nhà trường vào các văn bản của Hội đồng.

Mục 2. XÉT TUYỂN

Điều 11. Điểm xét tuyển

1. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh THCS được tính như sau:

a) Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 10 điểm.

b) Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 9 điểm.

c) Hạnh kiểm khá, học lực khá: 8 điểm.

d) Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 7 điểm.

e) Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 6 điểm.

g) Các trường hợp còn lại: 5 điểm.

2. Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 4 điểm.

3. Điểm xét tuyển là tổng số điểm của:

a) Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của các năm học ở cấp THCS.

b) Điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích.

4. Nếu nhiều người học có điểm bằng nhau thì lấy tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của tất cả các môn có tính điểm trung bình để xếp từ cao xuống thấp; nếu vẫn có trường hợp bằng điểm nhau thì phân biệt bằng tổng điểm trung bình cả năm của môn Toán và môn Ngữ văn của năm học lớp 9.

Mục 3. THI TUYỂN

Điều 12. Môn thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm thi tuyển

1. Môn thi

a) Thi ba môn: Toán, Ngữ văn và môn thứ 3.

b) Môn thứ 3 được chọn trong số những môn học còn lại, phù hợp cho các đối tượng tuyển sinh quy định tại Điều 7 Quy định này. Giám đốc Sở GD&ĐT chọn và công bố môn thi thứ 3 cùng với hướng dẫn tuyển sinh hằng năm.

2. Thời gian làm bài thi:

a) Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút/môn.

b) Môn thi thứ 3: 60 phút.

3. Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:

a) Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.

b) Hệ số điểm bài thi:

- Hệ số 2: Môn Toán, môn Ngữ văn.

- Hệ số 1: Môn thứ 3.

4. Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 5 điểm.

5. Điểm thi tuyển là tổng điểm ba bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải không có bài thi nào bị điểm 0.

Điều 13. Đề thi

1. Nội dung, hình thức và cấu trúc đề thi: Thực hiện theo hướng dẫn tuyển sinh hằng năm của Sở GD&ĐT.

2. Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.

3. Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố là bí mật nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 14. Hội đồng ra đề thi, sao in đề thi, gửi đề thi

1. Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập một Hội đồng ra đề thi và in sao đề thi.

2. Tổ chức, nhiệm vụ của Hội đồng ra đề thi, công tác ra đề thi, sao in, gửi đề thi vận dụng theo các quy định tương ứng của quy chế thi hiện hành.

Điều 15. Hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo

1. Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo.

2. Việc thành lập Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo và công tác tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo vận dụng theo các quy định tương ứng của quy chế thi hiện hành.

Mục 4. KẾT HỢP THI TUYỂN VỚI XÉT TUYỂN

Điều 16. Môn thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi

1. Môn thi, thời gian làm bài thi:

a) Thi hai môn: Toán và Ngữ văn.

b) Thời gian làm bài thi: 120 phút/môn.

2. Điểm bài thi:

Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.

Điều 17. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập, điểm cộng thêm

1. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh THCS được tính như sau:

a) Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 5 điểm.

b) Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 4,5 điểm. c) Hạnh kiểm khá, học lực khá: 4 điểm.

d) Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 3,5 điểm.

e) Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3 điểm.

g) Các trường hợp còn lại: 2,5 điểm.

2. Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 6 điểm.

Điều 18. Đề thi, coi thi, chấm thi và điểm xét tuyển

1. Đề thi, công tác ra đề thi, sao in đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quy định này.

2. Điểm xét tuyển là tổng điểm của:

a) Tổng số điểm của hai bài thi đã nhân đôi (thí sinh trúng tuyển phải không có bài thi nào bị điểm 0).

b) Điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập của các năm học ở cấp THCS.

c) Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích.

Chương IV

TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

Điều 19. Đối tượng, địa bàn tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người học có đủ các điều kiện sau:

a) Người học có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy định này.

b) Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên.

c) Xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên.

2. Địa bàn tuyển sinh trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 20. Hồ sơ tuyển sinh

Hồ sơ tuyển sinh thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quy định này.

Điều 21. Tổ chức tuyển sinh

1. Vòng 1: Sơ tuyển.

a) Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại Điều 19 Quy định này.

b) Việc sơ tuyển căn cứ vào điểm số các tiêu chí:

- Các tiêu chí quy định tại Điểm a, b Khoản 3 Điều 9 Quy định này.

- Kết quả học lực các năm học ở cấp THCS:

Mỗi năm đạt loại giỏi: 1,0 điểm.

Mỗi năm đạt loại khá: 0,5 điểm.

- Kết quả tốt nghiệp THCS:

Loại giỏi: 2,0 điểm.

Loại khá: 1,0 điểm.

c) Điểm sơ tuyển là tổng điểm của các tiêu chí tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

d) Hội đồng sơ tuyển: Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển.

- Thành phần:

Chủ tịch là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng.

Phó Chủ tịch là phó hiệu trưởng.

Thư ký và một số ủy viên.

- Nhiệm vụ và quyền hạn:

Thu và kiểm tra hồ sơ dự tuyển.

Lập danh sách học sinh đăng ký dự tuyển sinh (theo phần mềm của Sở GD&ĐT).

Căn cứ điểm sơ tuyển và mức điểm sơ tuyển cần đạt được quy định trong hướng dẫn tuyển sinh hằng năm của Sở GD&ĐT, Hội đồng sơ tuyển lập danh sách học sinh đã qua sơ tuyển vòng 1.

Được sử dụng con dấu của nhà trường vào các văn bản của Hội đồng.

2. Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.

a) Môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn chuyên. Nếu môn chuyên là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thì mỗi môn này phải thi 2 bài: Một bài thi không chuyên và một bài thi chuyên với mức độ yêu cầu cao hơn.

b) Thời gian làm bài thi:

- Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút.

- Môn Tiếng Anh: 60 phút.

- Các bài thi chuyên: 150 phút.

c) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:

- Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25 (riêng bài thi môn chuyên Tiếng Anh điểm lẻ đến 0,1).

- Hệ số điểm bài thi: Điểm các bài thi không chuyên tính hệ số 1, điểm các bài thi môn chuyên tính hệ số 2.

d) Điểm xét tuyển:

- Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng số điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số).

- Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng số điểm các bài thi môn không chuyên và môn chuyên (điểm các bài thi đều tính hệ số 1). Trường hợp thi nhiều môn chuyên thì môn chuyên lấy điểm thi là môn chuyên có điểm cao nhất.

e) Nguyên tắc xét tuyển: Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên đạt từ 4 điểm trở lên (trường hợp không đủ chỉ tiêu, Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định hạ thấp điểm môn chuyên, nhưng không dưới 3 điểm).

g) Cách xét tuyển:

- Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.

- Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên tham gia tính điểm xét tuyển vào lớp không chuyên cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.

h) Hội đồng tuyển sinh: Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quy định này

3. Đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo: Đề thi, công tác ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quy định này.

Chương V

TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH

Điều 22. Tổ chức tuyển sinh

1. Đối tượng, điều kiện, phương thức, hồ sơ, chế độ ưu tiên, khuyến khích, Hội đồng tuyển sinh: Thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú và các quy định tương ứng tại Chương III Quy định này.

2. Địa bàn tuyển sinh trên phạm vi toàn tỉnh.

Chương VI

TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Điều 23. Đối tượng, phương thức, hồ sơ, chế độ ưu tiên, khuyến khích, Hội đồng tuyển sinh

1. Đối tượng tuyển sinh là người học có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy định này.

2. Tuyển sinh vào lớp 10 GDTX theo phương thức xét tuyển.

3. Hồ sơ, chế độ ưu tiên, khuyến khích, Hội đồng tuyển sinh thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Quy định này.

Điều 24. Điểm xét tuyển

1. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh THCS được tính như sau:

a) Đối với người học được đánh giá, xếp loại hạnh kiểm: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy định này.

b) Đối với người học không thuộc đối tượng đánh giá, xếp loại hạnh kiểm:

- Học lực giỏi: 10 điểm.

- Học lực khá: 9 điểm.

- Học lực trung bình: 8 điểm.

2. Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 4 điểm.

3. Điểm xét tuyển là tổng số điểm của:

a) Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của các năm học ở cấp THCS.

b) Điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích.

4. Nếu nhiều người học có điểm bằng nhau thì lấy tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của tất cả các môn có tính điểm trung bình để xếp từ cao xuống thấp; nếu vẫn có trường hợp bằng điểm nhau thì phân biệt bằng tổng điểm trung bình cả năm của môn Toán và môn Ngữ văn của năm học lớp 9.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT, ban hành văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh hàng năm. Hướng dẫn, chỉ đạo các phòng GDĐT, các trung tâm GDDN cấp huyện, các trường phổ thông trực thuộc Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, ôn tập, kiểm tra đánh giá.

2. Trình UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyển sinh THPT; tham mưu cho Ban Chỉ đạo đánh giá tổng kết kết quả công tác tổ chức tuyển sinh.

3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức tốt công tác tuyển sinh THPT.

4. Ban hành quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, các bộ phận phục vụ công tác tuyển sinh THPT. Tiếp nhận hồ sơ của các Hội đồng tuyển sinh, coi thi, chấm thi. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tham gia làm công tác tuyển sinh vào THPT.

5. Ban hành quyết định thành lập các đoàn thanh tra. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ dạy học; đánh giá xếp loại; hồ sơ học sinh; tuyển sinh THCS, THPT.

6. Phê duyệt kết quả tuyển sinh THPT. Thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm, đột xuất về công tác tuyển sinh với UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch tuyển sinh, nhất là đối với các đơn vị có đối tượng là học sinh dân tộc, đảm bảo tất cả học sinh nắm bắt được thông tin tuyển sinh, các chế độ ưu tiên, khuyến khích… thực hiện đăng ký tuyển sinh đúng hướng dẫn.

8. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh

Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Điện lực, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình, các sở, ban ngành có liên quan có trách nhiệm hàng năm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Sở GD&ĐT tổ chức tốt công tác tuyển sinh THPT.

Điều 27. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

1. Chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh THCS; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh.

2. Ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh THCS.

3. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ dạy học; đánh giá xếp loại; hồ sơ học sinh; tuyển sinh THCS. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban có liên quan phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức tốt công tác tuyển sinh THCS.

4. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Sở GD&ĐT tổ chức tốt công tác tuyển sinh THPT.

Điều 28. Trách nhiệm của Phòng GD&ĐT

1. Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Lập kế hoạch tuyển sinh THCS trình UBND cấp huyện phê duyệt, bao gồm các nội dung chính sau: Địa bàn, thời gian, tổ chức công tác tuyển sinh.

2. Hướng dẫn, kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ dạy học, đánh giá xếp loại học sinh, hồ sơ học sinh, tuyển sinh THCS.

3. Trình UBND cấp huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh THCS; tham mưu cho Ban Chỉ đạo đánh giá tổng kết kết quả công tác tổ chức tuyển sinh.

4. Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban cấp huyện tổ chức tốt công tác tuyển sinh THCS.

5. Ban hành quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh, các bộ phận phục vụ công tác tuyển sinh THCS.

6. Phê duyệt kết quả tuyển sinh THCS. Thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm, đột xuất về công tác tuyển sinh với UBND cấp huyện và Sở GD&ĐT.

7. Chỉ đạo các trường phổ thông trực thuộc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho người học đã được công nhận tốt nghiệp THCS đúng thời gian quy định; hướng dẫn các đơn vị tổ chức cho học sinh làm đơn đăng ký dự tuyển sinh vào THPT theo hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Sở GD&ĐT. Chỉ đạo, tạo điều kiện cho tất cả học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đều được dự tuyển sinh vào THPT.

8. Tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch tuyển sinh, nhất là đối với các đơn vị có đối tượng là học sinh dân tộc, đảm bảo tất cả học sinh nắm bắt được thông tin tuyển sinh, các chế độ ưu tiên, khuyến khích… thực hiện đăng ký tuyển sinh đúng hướng dẫn.

9. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Trách nhiệm của trường phổ thông, trung tâm giáo dục - dạy nghề

1. Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về công tác tuyển sinh; trình ký danh sách Hội đồng tuyển sinh THCS, THPT.

2. Tuyển học sinh khuyết tật có nhu cầu vào học.

3. Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên địa bàn được phân công.

4. Tuyên truyền về công tác tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh (theo hướng dẫn tuyển sinh hàng năm) trên Website, bảng tin hoặc trên các phương tiện thông tin khác.

5. Hướng dẫn học sinh làm đơn đăng ký dự tuyển sinh theo hướng dẫn tuyển sinh hàng năm.

6. Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho người học đã được công nhận tốt nghiệp đúng thời gian quy định.

7. Tiếp nhận khiếu nại, giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

8. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp và các nhiệm vụ khác được quy định trong văn bản này.

9. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 982/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy định tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 982/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/04/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản