Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 980/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão;

Căn cứ Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 17/3/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định chi tiết một số nội dung về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1310/TTr-SNNPTNT ngày 08/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;
- Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải;
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên;
- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
- Các Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: PCVP(NL), các Phòng n/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN(tnh293).

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 980/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Phần I:

ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH CHUNG

I. Căn cứ pháp lý

Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão;

Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai;

Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam.

II. Điều kiện tự nhiên

Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung. Toàn tỉnh có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 01 thành phố, 06 huyện đồng bằng, 06 huyện miền núi và 01 huyện đảo; với tổng số 184 xã, phường, thị trấn. Trong đó:

- Có 04 huyện, thành phố đồng bằng tiếp giáp với biển, với tổng chiều dài bờ biển khoảng 130 km, vừa có một tiềm năng to lớn về kinh tế biển nhưng lại vừa tiềm ẩn mối nguy cơ do sóng dữ, xâm thực gây nên tình trạng sạt lở ở ven bờ.

- Diện tích 06 huyện miền núi của tỉnh chiếm trên 62% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có địa hình tương đối phức tạp, dân cư thưa thớt ít tập trung. Trên một số vùng do biến động địa chất đã xảy ra sạt lở và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

- Đặc biệt, tỉnh có huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý về hướng Đông Bắc. Đây là địa điểm hết sức nhạy cảm với thiên tai trên biển như: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, hạn hán và nguy cơ rủi ro cao về sóng thần. Vì vậy, Lý Sơn là địa bàn thường xuyên bị cô lập khi có thiên tai xảy ra nên thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa, bão.

Mạng lưới sông suối phân bố tương đối dày và khá đồng đều trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 04 con sông lớn, có tác động nhiều đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội, gồm các sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu. Tuy nhiên, các sông này có độ dốc tương đối lớn, thời gian tập trung nước nhanh, dòng chảy mạnh nên lũ, lụt, sạt lở thường xuyên xảy ra trong mùa mưa, bão hàng năm. Phần lớn dân cư sinh sống tập trung dọc theo các sông, suối nên nguy cơ rủi ro lũ, lụt rất cao.

III. Tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng

1. Dân cư: (Chi tiết có Biểu số 1 kèm theo)

- Tổng dân số (đến tháng 9/2016): 1.298.220 người.

- Thành phần dân tộc: Kinh, H’re, Cadong, Cor.

- Số người ở độ tuổi lao động: 779.391 người.

2. Tình hình dân sinh: (Chi tiết có Biểu số 2 kèm theo)

- Tổng số hộ trên địa bàn tỉnh: 354.552 hộ.

- Tổng số hộ nghèo: 47.036 hộ (chiếm tỷ lệ 13,27 %).

- Tổng số hộ cận nghèo: 31.028 hộ (chiếm tỷ lệ 8,75 %).

3. Nhà ở: (Chi tiết có Biểu số 2 kèm theo)

- Nhà kiên cố: 123.921 cái.

- Nhà bán kiên cố: 157.627 cái.

- Nhà thiếu kiên cố: 33.044 cái.

- Nhà đơn sơ: 6.095 cái.

Phần II:

NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020

I. Đánh giá thiên tai

1. Lịch sử thiên tai (05 năm 2010 - 2015)

Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của 23 đợt lũ, 47 cơn bão, 22 đợt áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và nhiều đợt lốc, sét làm cho 84 người chết, 240 người bị thương, hơn 3.000 ngôi nhà bị hư hỏng, sập đổ, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế gần 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nắng nóng xảy ra gay gắt cùng với các đợt không khí lạnh mạnh diễn ra trong các năm qua làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bảng 1: Tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trong 05 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

TT

Thiệt hại

Đơn vị

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng

1

Người chết, mất tích

người

32

13

6

25

1

7

84

2

Người bị thương

người

45

7

3

167

7

11

240

3

Nhà sập, cuốn trôi

cái

66

15

9

1.014

20

7

1.131

4

Nhà bị hư hỏng

cái

148

59

196

1.175

734

623

2.312

5

Phòng học bị thiệt hại

phòng

9

9

12

558

9

8

605

7

Trạm y tế bị thiệt hại

phòng

 

 

1

10

1

 

12

9

Nông - Lâm nghiệp

tỷ đồng

29,35

51,2

1,2

578,8

3,9

74,0

738,45

10

Thủy lợi

tỷ đồng

75,00

128,00

4,50

207,70

 

18,00

415,20

11

Giao thông

tỷ đồng

312,27

248,00

19,00

725,90

 

65,00

1.305,17

12

Thủy sản

tỷ đồng

24,50

9,00

1,00

39,60

 

3,10

77,20

 

- Tàu thuyền bị chìm

cái

22

12

5

14

11

5

69

 

- Tàu thuyền bị hư hỏng

cái

2

1

 

43

1

1

48

13

Thông tin liên lạc

tỷ đồng

 

0,03

0,40

4,10

 

 

4,53

14

Công nghiệp

tỷ đồng

1,00

0,15

0,02

52,10

 

0,25

53,52

15

Nước sạch, vệ sinh môi trường

tỷ đồng

7,00

3,50

 

83,50

 

0,10

94,10

16

Về Công trình

tỷ đồng

2,11

1,50

0,25

 

0,18

0,32

4,36

17

Thiệt hại khác

tỷ đồng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng giá trị thiệt hại

tỷ đồng

474,03

453,38

32,30

1.829,80

15,83

171,39

2.976,73

2. Xác định loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương

a) Các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra:

a1) Bão và áp thấp nhiệt đới:

- Tần suất xuất hiện trung bình: 0,28 cơn/năm.

- Thời gian xuất hiện phổ biến: Từ tháng 5 đến tháng 12.

- Cường độ bão xuất hiện nhiều (khi đổ bộ): Từ cấp 9 đến cấp 12.

a2) Lũ, ngập lụt:

- Tần suất xuất hiện trung bình: Từ 5 - 7 đợt lũ/năm.

- Thời gian xuất hiện:

+ Lũ tiểu mãn: Thường xuất hiện vào tháng 5 hoặc tháng 6.

+ Lũ sớm: Thường xuất hiện vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.

+ Lũ chính vụ: Thường xuất hiện vào tháng 10 đầu tháng 11.

+ Lũ muộn: Thường xuất hiện vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm sau.

- Đỉnh lũ xuất hiện nhiều: Từ mức BĐ3 đến BĐ3+1m.

a3) Lũ quét:

Các huyện miền núi của tỉnh gồm: Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ là những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét cao. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng rất khốc liệt và gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Lũ quét là loại hình thiên tai hiện nay chưa dự báo được, công tác phòng tránh là hết sức khó khăn.

a4) Sạt lở bờ sông, bờ biển:

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn ra khá phức tạp, xảy ra hầu hết trên tất cả các con sông, suối, bờ biển. Tốc độ sạt lở bình quân từ 5 - 10m/năm, có những vùng lên đến hơn 30m/năm (phần lớn là các huyện ven biển và trên 4 hệ thống sông lớn của tỉnh là các sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và Sông Vệ).

a5) Sạt lở núi:

Sạt lở núi xảy ra hầu hết trên tất cả các huyện miền núi, hiện nay có 75 điểm có nguy cơ sạt lở núi, trong đó có 18 điểm có nguy cơ cao, phân bố ở các huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long, Sơn Hà và Sơn Tây.

a6) Gió mùa Đông Bắc (Không khí lạnh):

Gió mùa Đông Bắc thường ảnh hưởng đến thời tiết Quảng Ngãi từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trung bình hàng năm có 14 đến 15 đợt gió mùa Đông Bắc gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh; những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về thường kết hợp với nhiễu động nhiệt đới ở phía Nam Biển Đông như bão, áp thấp nhiệt đới, dãy hội tụ nhiệt đới,..., gây ra mưa to kéo dài nhiều ngày hình thành những trận lũ lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng. Gió mùa Đông Bắc thường ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh.

a7) Dông, lốc, sét:

Ở Quảng Ngãi, bình quân hàng năm có 85 - 110 ngày có dông, ở vùng núi là nơi xảy ra dông nhiều nhất, ngược lại vùng hải đảo chỉ có khoảng 35 ngày. Năm 2008, có 10 trận dông, lốc lớn, xuất hiện cả gió xoáy mạnh xảy ra vào các tháng 3, 5, 6, 7, 10 và 11. Dông, lốc, sét xảy ra khá thường xuyên hàng năm trên địa bàn các khu vực thuộc tỉnh.

Ngoài ra, cũng có một số loại hình thiên tai khác xuất hiện trên địa bàn tỉnh như: Hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, mưa đá, sương mù, sương muối, gió Tây Nam, rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển,... và tiềm ẩn nguy cơ động đất, sóng thần.

b) Đánh giá cấp rủi ro thiên tai cho các khu vực:

b1) Đối với bão:

Các cấp độ rủi ro được quy định tại Điều 3, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các khu vực bị ảnh hưởng đối với các cấp độ rủi ro thiên tai đối với bão, áp thấp nhiệt đới như sau:

Cấp độ rủi ro thiên tai

Vị trí hoạt động của bão

Khu vực ảnh hưởng

3

Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên biển Đông, vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận (Quảng Nam, Bình Định).

- Các huyện bị ảnh hưởng trực tiếp: Bình Sơn, Mộ Đức, Đức phổ, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi;

- Các huyện bị ảnh hưởng gián tiếp: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng;

- Tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển Đông.

4

- Bão mạnh cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận (Quảng Nam, Bình Định);

- Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên biển Đông.

- Toàn tỉnh;

- Tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển Đông.

5

Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận (Quảng Nam, Bình Định).

- Toàn tỉnh;

- Tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển Đông.

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào khu vực bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp mà các huyện, thành phố bị ảnh hưởng nhiều hay ít, khi đó sẽ xác định cụ thể để phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão.

b2) Đối với lốc, sét, mưa đá:

Cấp độ 1, 2.

Khu vực có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá là bất kỳ khu vực nào trên địa bàn tỉnh, thời gian xảy ra nhiều nhất tập trung từ tháng 4 - 7 hàng năm.

b3) Đối với lũ, ngập lụt:

Sông

Trà Khúc

Vệ

Trà Bồng

Trà Câu

Cấp độ 1

BĐ2 - BĐ3

BĐ2 - BĐ3

BĐ3 - BĐ3+1m

BĐ3 - BĐ3+1m

Cấp độ 2

BĐ3 - BĐ3+1m

BĐ3 - BĐ3+1m

BĐ3+1m - Lũ lịch sử

BĐ3+1m - Lũ lịch sử

Cấp độ 3

BĐ3+1m - Lũ lịch sử

BĐ3+1m - Lũ lịch sử

Trên lũ lịch sử

Trên lũ lịch sử

Cấp độ 4

Trên lũ lịch sử

Trên lũ lịch sử

 

 

- Cấp độ 1:

Mực nước lũ cao từ báo động 2 đến báo động 3 trên các sông: Trà Khúc, Vệ (tại các Trạm thủy văn: Tại Cầu Sông Vệ trên sông Vệ và Cầu Trà Khúc trên sông Trà Khúc).

Mực nước lũ cao từ báo động 3 đến trên báo động 3 khoảng 01m trên sông: Trà Bồng, Trà Câu (tại các Trạm thủy văn: Cầu Châu Ổ trên sông Trà Bồng và Cầu Trà Câu trên sông Trà Câu).

Khu vực bị ảnh hưởng là các xã vùng hạ du ven các sông Trà Khúc, sông Vệ thuộc địa bàn các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và các xã, phường ngoài khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi; các xã vùng hạ du các sông: Trà Bồng, Trà Câu thuộc các huyện: Bình Sơn, Đức Phổ.

- Cấp độ 2:

Mực nước lũ cao từ báo động 3 đến trên báo động 3 khoảng 01m trên các sông: Trà Khúc, Vệ (tại các Trạm thủy văn: Tại Cầu Sông Vệ trên sông Vệ và Cầu Trà Khúc trên sông Trà Khúc).

Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử trên các sông: Trà Bồng, Trà Câu (tại các Trạm thủy văn: Cầu Châu Ổ trên sông Trà Bồng và Cầu Trà Câu trên sông Trà Câu).

Khu vực bị ảnh hưởng là các xã vùng hạ du các sông nêu trên thuộc các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, các xã, phường ngoài khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi và các xã, thị trấn vùng thượng du ven các sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ thuộc các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

- Cấp độ 3:

Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01m đến mức lũ lịch sử trên các sông: Trà Khúc, Vệ (tại các Trạm thủy văn: Tại Cầu Sông Vệ trên sông Vệ và Cầu Trà Khúc trên sông Trà Khúc).

Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử tại các sông Trà Bồng, Trà Câu (tại các Trạm thủy văn: Cầu Châu Ổ trên sông Trà Bồng và Cầu Trà Câu trên sông Trà Câu).

Khu vực bị ảnh hưởng là các xã vùng hạ du các sông nêu trên thuộc các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi và các xã, thị trấn ở vùng thượng du ven các sông trên thuộc các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

- Cấp độ 4:

Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử tại các sông: Trà Khúc, Vệ.

Khu vực bị ảnh hưởng là các xã vùng hạ du các sông trên thuộc các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi và các xã, thị trấn ven lưu vực các sông Trà Khúc, Vệ thuộc các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

Ngoài ra, mức rủi ro do lũ, lụt sẽ được tăng cấp khi có tác động tổ hợp các thiên tai khác (theo Khoản 6, Điều 10, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

b4) Đối với lũ quét:

Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét bao gồm các huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng, bao gồm: Đức Phú (Mộ Đức); Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Nhơn, Phổ Hòa, Phổ Châu (Đức Phổ); Bình An, Bình Khương (Bình Sơn); Nghĩa Thọ, Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa).

b5) Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do dòng chảy hoặc mưa lớn:

Khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng được xác định là tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, cấp độ rủi ro từ 1 đến 2, tùy theo diễn biến mưa tại các khu vực.

b6) Đối với gió mạnh trên biển:

- Cấp độ 1: Ảnh hưởng chủ yếu các tàu, thuyền hoạt động trên biển.

- Cấp độ 2: Ngoài các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, các khu vực dân cư ven biển, đảo Lý Sơn và các phương tiện, tàu, thuyền neo đậu tại các cảng neo trú được xác định có nguy cơ cao gặp nguy hiểm.

- Cấp độ 3: Ngoài các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, các khu vực dân cư ven biển, đảo Lý Sơn, Khu kinh tế Dung Quất và các phương tiện, tàu, thuyền neo đậu tại các khu neo trú được xác định có nguy cơ cao gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, đối với các loại hình thiên tai khác: Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất, sóng thần,... đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai. Các khu vực bị ảnh hưởng tùy thuộc vào quy mô, diễn biến của các loại hình thiên tai này.

II. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương

1. Về tàu, thuyền

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 5.500 tàu cá, trong đó có 900 tàu thường xuyên hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực; khoảng 1.500 tàu hoạt động ở vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Kiên Giang. Vì vậy, khi bão, ATNĐ xảy ra bất cứ khu vực nào trên biển Đông đều ảnh hưởng đến tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi có 06 cửa lạch chính là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh, trong đó chỉ có cửa Sa Kỳ có độ sâu ổn định, kín gió, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào trong mùa mưa bão, còn lại các cửa lạch khác có luồng ra vào chật hẹp và thường xuyên bồi lấp; có 02 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là Tịnh Hòa và Lý Sơn được đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn cho việc tàu thuyền trú bão, nhưng mỗi khu neo đậu chỉ có sức chứa không quá 300 tàu, còn lại các khu neo đậu khác đều dựa vào địa hình tự nhiên, không đảm bảo an toàn và thường xuyên quá tải khi có bão lũ xảy ra, trong khi đó số lượng tàu thuyền ngày càng tăng nhanh.

2. Về nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng

a) Về nhà ở:

So với những năm trước đây, hiện nay nhà ở của dân và các công trình cơ sở hạ tầng đã được kiên cố hơn nhiều, tuy nhiên do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đa số người dân vùng nông thôn, khu vực miền núi chưa đảm bảo điều kiện kinh tế để có thể xây dựng nhà an toàn phòng, tránh thiên tai tốt hơn. Theo thống kê, hiện nay số lượng nhà ở tại các địa phương chưa đảm bảo an toàn phòng, tránh thiên tai như sau:

- Nhà bán kiên cố: 157.627 cái;

- Nhà thiếu kiên cố: 33.044 cái;

- Nhà đơn sơ: 6.095 cái.

b) Về các công trình cơ sở hạ tầng:

- Công trình giao thông: Hiện nay, hầu hết các tuyến đường giao thông: đường tỉnh, đường huyện, đường xã đã cơ bản được kiên cố hóa, riêng đường giao thông nông thôn còn nhiều tuyến chưa được bê tông hóa, bên cạnh đó tình hình mưa, lũ diễn ra phức tạp nên các tuyến đường thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng gây khó khăn trong việc giao thông, đi lại của nhân dân, nhất là các tuyến giao thông tại các huyện miền núi.

- Công trình thủy lợi: Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác sử dụng 708 công trình thủy lợi phục vụ tưới (bao gồm: 121 hồ chứa nước; 454 đập dâng, 05 đập ngăn mặn và 128 trạm bơm). Trong đó 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước, do đầu tư không đồng bộ và thi công chủ yếu bằng phương tiện thủ công nên nhiều công trình hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 36 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư khắc phục để duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình còn nhiều hạn chế, không đảm bảo; công tác quản lý, khai thác và bảo vệ còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục; diễn biến mưa lũ xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng cao làm cho nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, không duy trì được năng lực thiết kế, nhất là những hồ chứa nước vừa và nhỏ do các huyện, thành phố quản lý.

- Hệ thống đê điều: Toàn tỉnh có 104.777m đê sông, đê biển và đê cửa sông; 40.703,8m kè lát mái và 4.853,5m mỏ hàn. Hệ thống đê, kè hiện có của Quảng Ngãi chủ yếu mang tính chất tạm thời (trừ hệ thống đê, kè được đầu tư bởi Ngân sách nhà nước, các dự án ODA và nguồn vốn tu bổ đê điều hàng năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý).

- Công trình thủy điện: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các công trình thủy điện: Đakđrinh, Hà Nang, Cà Đú, Huy Măng, Sông Riềng, Nước Trong. Trong các công trình trên, 02 công trình thủy điện: Đakđrinh và Hà Nang là công trình có khả năng ảnh hưởng đến dân cư khi công trình gặp sự cố hoặc xả lũ hồ chứa.

3. Về cơ cấu bộ máy tổ chức PCTT và TKCN

Hàng năm, các địa phương, đơn vị đều tổ chức thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN. Tuy nhiên trong công tác chỉ huy, chỉ đạo PCTT và TKCN các cấp vẫn bộc lộ những hạn chế sau:

- Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chủ yếu thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, cấp huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác. Ngoài ra, nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ được điều chuyển công tác khác nên vai trò tham mưu trong chỉ huy, chỉ đạo PCTT và TKCN gặp nhiều khó khăn.

- Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương (nhất là cấp xã) chưa được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về PCTT và TKCN. Đội xung kích cứu hộ, cứu nạn thiếu kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

4. Về nhận thức của người dân

- Đa số ngư dân đã có ý thức cao trong việc phòng, tránh thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngư dân thiếu hợp tác với chính quyền trong triển khai phòng tránh thiên tai; còn có trường hợp ngư dân lén lút vượt trạm kiểm soát, không liên lạc, chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định kiểm tra, kiểm soát an toàn tàu, thuyền.

- Đối với người dân vùng đồng bằng: cơ bản nhận thức trong việc phòng, chống bão đã tốt hơn trước nhiều. Tuy nhiên, trong việc phòng, tránh lũ thì vẫn còn nhiều người dân chủ quan, trông chờ, ỷ lại vào các cấp chính quyền nên khi có lũ lớn không có các biện pháp phòng, tránh phù hợp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

III. Đánh giá về năng lực phòng, chống thiên tai

1. Về chỉ huy, chỉ đạo

- Hằng năm, các địa phương, đơn vị đều tổ chức tổng kết công tác PCTT và TKCN và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của địa phương, đơn vị mình; xây dựng Phương án Ứng phó thiên tai hàng năm và Kế hoạch phòng chống thiên tai 05 năm (điều chỉnh nếu có) để làm cơ sở triển khai, thực hiện.

- Các văn bản quy định liên quan về công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành ban hành, cụ thể:

+ Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 17/3/2016 của UBND tỉnh Quy định chi tiết một số nội dung về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

+ Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 về ban hành một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và 101/QĐ-UBND ngày 12/4/2013 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Quy định một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

+ Các chỉ thị, văn bản về tăng cường công tác PCTT và TKCN được ban hành hằng năm.

+ Tổng kết, đánh giá hàng năm về tình hình thiên tai, công tác phòng, chống thiên tai và kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, tình hình hoạt động của chính quyền các cấp đến ý thức, hành động của người dân; xác định những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; xác định những vùng trọng điểm,... để xây dựng Kế hoạch Phòng chống thiên tai trung hạn và hàng năm.

2. Các công trình có thể sơ tán dân đến (Chi tiết có Biểu số 3 kèm theo)

Các công trình như: Trụ sở UBND, Trạm Y tế, các Khách sạn, Trường học kiên cố,... là nơi có thể giúp nhân dân đến tránh trú thiên tai an toàn. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.206 điểm sơ tán, sức chứa 394.762 người.

3. Các vị trí neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão hiện có

Hiện trên địa bàn tỉnh có 06 cảng neo trú dành cho các tàu, thuyền tránh trú bão. Tuy nhiên, các khu neo trú này chỉ đảm bảo tàu, thuyền có công suất dưới 600CV. Riêng các tàu, thuyền có công suất trên 600 CV, được hướng dẫn di chuyển đến các cảng neo trú tại các tỉnh bạn để đảm bảo an toàn. Cụ thể:

TT

Tên cảng/ khu neo đậu

Sức chứa của khu vực neo đậu

1

Mỹ Á

Sức chứa 400 tàu có công suất đến 500 CV/chiếc

2

Sa Huỳnh

Sức chứa 500 tàu có công suất đến 600 CV/chiếc

3

Sa Kỳ - Cổ Lũy

Sức chứa 700 tàu có công suất đến 600 CV/chiếc

4

Sa Cần

Sức chứa 250 tàu có công suất đến 400 CV/chiếc

5

Lý Sơn

Sức chứa 400 tàu có công suất đến 400 CV/chiếc

6

Tịnh Hòa

Sức chứa 300 tàu có công suất đến 400 CV/chiếc

Tổng số lượng tàu thuyền có thể neo đậu tại các vị trí trên: 2.550 chiếc

4. Về phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn

a) Phương tiện, thiết bị (Chi tiết có Biểu số 4 kèm theo).

b) Vật tư, vật liệu (Chi tiết có Biểu số 4 kèm theo).

IV. Đánh giá về các rủi ro do thiên tai có thể gây ra

Với đặc điểm khí hậu, thủy văn và địa hình, nếu lũ xảy ra với tần suất 10% thì có 89 xã/ 184 xã thuộc các huyện, thành phố bị ngập lũ. Trong khi đó, các công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tránh trú thiên tai, nhất là khi có lũ lớn hoặc bão ảnh hưởng trực tiếp. Qua những đợt bão, lũ (2009, 2013, 2016) cho thấy nguy cơ về người dân bị chết, bị thương do lũ là rất lớn.

- Đối với các công trình giao thông: Nguy cơ về sạt lở trên các tuyến giao thông nhất là các tuyến giao thông tại khu vực miền núi.

- Đối với công trình thủy lợi: Các tuyến kênh mương có thể bị sạt lở, công trình hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa nước bị xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, hư hỏng, gây nguy hiểm đến khu vực dân cư vùng hạ du công trình.

- Đối với các tàu, thuyền và ngư dân: Do đặc điểm hoạt động của tàu, thuyền tỉnh Quảng Ngãi trên khắp các vùng biển cả nước. Trong đó có những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, ATNĐ lớn như: khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; ngoài ra tàu, thuyền của ngư dân chủ yếu là các tàu gỗ, công suất thấp nên nguy cơ về mất an toàn đối với tàu thuyền và ngư dân là rất lớn.

- Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp: Các diện tích sản xuất nông nghiệp của nhân dân hầu hết nằm tại vùng trũng, thấp, do đó các diện tích nông nghiệp có thể bị ngập úng, hư hỏng, mất mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân.

Ngoài ra, các hạng mục cơ sở hạ tầng của ngành y tế, giáo dục, xây dựng, công trình nước sạch vệ sinh môi trường,... đều có nguy cơ bị thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

V. Phương án ứng phó ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai

1. Đối với bão, ATNĐ

a) Cấp độ rủi ro 3 và 4:

a1) Khi bão hoạt động trên biển Đông:

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:

+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh các Công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức phòng, tránh, ứng phó với bão.

+ Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo thống kê các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, báo cáo Trung ương, tỉnh để chỉ đạo.

+ Phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao can thiệp trong các trường hợp tàu, thuyền của tỉnh cần vào các đảo hoặc lãnh thổ nước bạn để tránh, trú bão.

+ Yêu cầu các địa phương hướng dẫn, kiểm tra nhân dân chằng chống nhà cửa, phát dọn cây cối, thu hoạch mùa màng, thu dọn lồng bè,...

+ Chủ động phương án phòng, chống lũ do mưa, bão có thể gây ra.

+ Sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân.

+ Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

+ Chỉ đạo các Đài canh TKCN trực thuộc phối hợp cùng các gia đình chủ tàu thống kê, rà soát, kiểm đếm kỹ số lượng phương tiện, tàu, thuyền của tỉnh. Cần chú ý, các phương tiện, tàu, thuyền ở khu vực ảnh hưởng của bão, ATNĐ hoặc gió mạnh, hướng dẫn, yêu cầu phải quay vào bờ hoặc di chuyển tránh trú bão.

+ Thống kê danh sách các tàu, thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm, báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

- BCH PCTT và TKCN các huyện: ven biển, Lý Sơn, TP Quảng Ngãi:

+ Phối hợp với các Đài canh TKCN của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, gia đình các chủ tàu, rà soát, thống kê cụ thể các tàu, thuyền của địa phương đang hoạt động trên biển. Theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến bão, ATNĐ. Sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc hiện có thông báo cho các chủ phương tiện, tàu, thuyền biết về diễn biến của bão, ATNĐ để chủ động phòng, tránh.

+ Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra nhân dân chằng chống nhà cửa, phát dọn cây cối, thu hoạch nông sản,...

+ Các huyện ven biển phải chủ động đề phòng lũ xảy ra, sẵn sàng phương án phòng, chống lũ do mưa, bão có thể gây ra.

+ Phân công kiểm tra, đôn đốc cấp xã tại hiện trường (ở từng xã).

+ Triển khai sơ tán nhân dân ở những vùng xung yếu, những hộ dân có nhà ở yếu, tạm bợ,... đến nơi an toàn.

+ Thu dọn lồng bè nuôi trồng thủy sản.

a2) Khi bão có khả năng hoạt động trên vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh: Quảng Nam, Bình Định

Thực hiện các nội dung phòng ngừa, ứng phó với như ở tình huống trên và triển khai thêm các nhiệm vụ sau:

- Cấm tất cả các tàu, thuyền ra biển nếu bão hoạt động trên vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận.

- Yêu cầu tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, tàu, thuyền tại các bến neo đậu.

- Tổ chức sơ tán nhân dân đến các công trình kiên cố (trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế,...) trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

- Đảm bảo hậu cần từ nguồn dự trữ của chính quyền và nhân dân tại nơi sơ tán.

- Chằng, chống, bảo vệ các công trình trên cảng biển, các khu công nghiệp, các trụ ăng ten,...

- Triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn nhà xưởng, trụ sở làm việc, đặc biệt là ở các khu công nghiệp.

- Kiểm soát chặt chẽ an toàn hồ chứa nước, công trình xây dựng đang thi công, các tuyến đê sông, đê biển,...

- Tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng triển khai cứu trợ, cứu hộ - cứu nạn, sơ cứu - cấp cứu,...

- Theo dõi, báo cáo kịp thời các tình huống phức tạp cần sự trợ giúp từ cấp trên để xử lý, ứng phó.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị liên quan như sau:

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:

+ Tiếp nhận, tham mưu triển khai chỉ đạo của Trung ương.

+ Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại địa bàn có nguy cơ bão đổ bộ.

+ Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Công điện, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

+ Tham mưu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Chủ các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện triển khai phương án PCTT đảm bảo an toàn đập và an toàn cho nhân dân vùng hạ du công trình; chú trọng đến các hồ chứa, công trình đê điều xung yếu.

+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV), thông tấn, báo chí thường xuyên cung cấp thông tin về diễn biến của bão đến các địa phương và nhân dân để chủ động phòng tránh.

+ Phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê cụ thể số lượng người cần di dời, sơ tán, báo cáo Trung ương, tỉnh để chỉ đạo.

+ Phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ chính quyền các địa phương và nhân dân tổ chức phòng, tránh bão.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

+ Triển khai các biện pháp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền khẩn trương di chuyển tránh, trú bão; đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền tại nơi neo đậu.

+ Sẵn sàng phương tiện, lực lượng để hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân trong việc phòng, tránh bão khi có yêu cầu của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

+ Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền và ngư dân đang di chuyển tránh bão.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

+ Sẵn sàng phương tiện, lực lượng để hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân trong việc phòng, tránh bão khi có yêu cầu của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

+ Chủ trì, phối hợp cùng các địa phương, đơn vị liên quan trong việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn nhân dân vùng thiên tai.

+ Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các đơn vị liên quan ứng phó sự cố công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đê điều.

- Công an tỉnh:

+ Bố trí các lực lượng, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tổ chức chốt chặn và hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực ngầm, tràn. Chủ động cấm người, phương tiện qua lại tại các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, cấm các phương tiện thuyền, đò lưu thông trên sông khi có bão, lũ.

+ Sẵn sàng phương tiện, lực lượng để hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân trong việc phòng, tránh bão khi có yêu cầu của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

+ Tham gia ứng cứu sự cố các công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều khi có yêu cầu từ Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh:

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

- UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố:

Tổ chức PCTT và TKCN theo phương án đã được lập. Trong đó, lưu ý các nội dung quan trọng như sau:

+ Tổ chức sơ tán tất cả các hộ dân có nhà ở yếu, tạm bợ; các hộ dân ở những khu vực vùng trũng, thấp, vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng nguy cơ sạt lở đất, núi, bờ sông, bờ biển đến các công trình kiên cố, an toàn hơn.

+ Thông báo thường xuyên tình hình diễn biến thiên tai đến từng cộng đồng dân cư (kể cả truyền thanh lưu động). Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải đảm bảo nhân dân nhận được thông tin về diễn biến thiên tai.

+ Sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men cần thiết để cứu trợ nhân dân trong vùng.

+ Chuẩn bị lực lượng, phương tiện của địa phương và hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai trong việc di dời, sơ tán phòng, tránh thiên tai.

+ Chỉ đạo các cơ quan, trường học, trạm y tế tại địa phương tạo điều kiện cho nhân dân đến trú, tránh thiên tai.

+ Phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ, đập thủy lợi, thủy điện; đặc biệt là các công trình xuống cấp, xung yếu, các công trình đang thi công dở dang.

+ Tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

+ Tổng hợp tình hình thiệt hại tại địa phương, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Các Sở, ngành, Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức phòng, chống bão cho cơ quan, đơn vị mình. Huy động lực lượng, hỗ trợ các địa phương, đơn vị phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Cấp độ rủi ro 5 (Siêu bão từ cấp 16 trở lên có thể hoạt động trên vùng biển ven bờ, trên đất liền tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh Quảng Nam, Bình Định)

b1) Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:

- Phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV tỉnh theo dõi diễn biến bão.

- Tiếp nhận, tham mưu triển khai chỉ đạo của Trung ương.

- Xác định khu vực nguy cơ bão đổ bộ, mực nước dâng do bão làm cơ sở trong việc di dời, sơ tán dân.

- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại địa phương có nguy cơ bão đổ bộ để điều hành trực tiếp công tác phòng, chống bão.

- Tham mưu cho UBND tỉnh huy động tối đa nguồn lực hiện có hoặc đề xuất Trung ương hỗ trợ tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống siêu bão.

- Thực hiện các nội dung nêu tại mục 1.

b2) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh:

Triển khai thực hiện các nội dung như ở mục 1. Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức bổ sung các nội dung sau:

- Tạo điều kiện cho nhân dân vào trú ẩn tại các hầm công sự (huyện Lý Sơn).

- Đề nghị các lực lượng quân sự của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân phòng, chống siêu bão.

b3) UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo, tổ chức sơ tán toàn bộ nhân dân đến các vị trí an toàn. Các vị trí an toàn được xác định là: Nhà kiên cố, trụ sở, cơ quan, trạm y tế, trường học,... có kết cấu BTCT, hầm tránh bão,...

- Các khu vực phải tổ chức di dời bao gồm: Các xã ven biển, nhà dân không kiên cố, các khu vực dân cư nằm vùng trũng, thấp, ven sông, suối, vùng hạ du các hồ chứa.

- Thường xuyên cập nhật tình hình di dời, sơ tán dân tại địa phương, báo cáo tỉnh để biết, hỗ trợ trong các tình huống cấp bách.

b4) Các sở, ban, ngành tỉnh:

- Tổ chức chằng, chống, gia cố trụ sở, nhà xưởng, nhà kho,... triển khai phương án PCTT tại cơ sở.

- Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sơ tán, bố trí trụ sở làm việc, nhà xưởng, nhà kho,... đảm bảo an toàn giúp nhân dân tránh trú bão.

- Sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện của đơn vị tham gia hỗ trợ các địa phương tổ chức và khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu từ UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

2. Đối với lũ, ngập lụt

a) Cấp độ 1:

- Các địa phương thuộc lưu vực các sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ, Trà Câu: Rà soát các khu vực dân cư vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, núi, bờ sông. Tổ chức di dời, sơ tán dân tương ứng cấp độ lũ, lụt.

- Các huyện miền núi: Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở núi. Tổ chức di dời, sơ tán dân; các vị trí an toàn được xác định chủ yếu là trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế hoặc nhà dân nơi cao ráo, không bị ảnh hưởng của lũ, sạt lở đất.

- UBND các huyện, thành phố:

+ Tổ chức di dời, sơ tán dân tại các khu vực bị ngập lụt.

+ Hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung vào công tác phòng, chống lũ.

+ Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn nhân dân qua lại tại các khu vực bị ngập lụt. Chủ động cấm người, phương tiện lưu thông tại nơi có nước chảy xiết, ngập sâu trước, trong và sau lũ.

+ Huy động tối đa nguồn lực tại địa phương hoặc đề nghị tỉnh hỗ trợ lực lượng, phương tiện giúp nhân dân di dời, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn.

+ Cấm tất cả các phương tiện thủy nội địa lưu thông trên sông, suối trừ các phương tiện làm nhiệm vụ PCTT và TKCN.

+ Tổ chức khắc phục thiệt hại tại địa phương.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:

+ Ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức phòng, tránh lũ.

+ Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn lực hỗ trợ các huyện, thành phố phòng, chống lũ.

+ Tham mưu cho Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Hồ thủy điện Đăkđrinh, hồ chứa nước Nước Trong thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Theo dõi, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình, chế độ vận hành công trình và kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó sự cố có thể xảy ra.

+ Tổng hợp thông tin, báo cáo của chủ các công trình thủy lợi để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo phòng, chống lũ cho công trình và vùng hạ du.

- Sở Công Thương:

+ Theo dõi, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình, chế độ vận hành công trình và kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó sự cố có thể xảy ra.

+ Tổng hợp thông tin, báo cáo của chủ các công trình thủy điện để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo phòng, chống lũ cho công trình và vùng hạ du.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo dõi, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc theo quy định tại Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 29/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 17/3/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Quy định chi tiết một số nội dung về PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Công an tỉnh: Chỉ đạo cơ quan Công an tại các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập. Chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại tại nơi có nước chảy xiết, ngập sâu hoặc có nguy cơ cao bị sạt lở núi.

- Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tham gia, phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh tổ chức kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, cắm biển báo nguy hiểm tại những nơi ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ sạt lở núi trên các tuyến đường do Sở quản lý. Sau thiên tai, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến đường do Sở quản lý.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ động tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân và chính quyền địa phương phòng, chống lũ; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ ứng cứu các công trình khi có nguy cơ về sự cố.

b) Cấp độ 2, 3, 4:

Từ mức rủi ro thiên tai cấp độ 2, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Trong đó, phải chú ý mức ngập lụt tại các xã, phường, thị trấn vào trận lũ lịch sử tháng 11/2013 trên các sông: Trà Khúc, Vệ, Trà Câu đối với các huyện: Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi, Sơn Hà và trận lũ lịch sử tháng 9/2009 trên sông Trà Bồng đối với các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng để làm căn cứ sơ tán dân.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:

+ Tham mưu cho UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành Công điện chỉ đạo phòng, tránh lũ. Trong đó cần chú ý đến các nội dung: Sơ tán dân, an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, giao thông trước, trong và sau lũ.

+ Cập nhật thường xuyên tình hình sơ tán dân tại các địa phương, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, UBQG TKCN, UBND tỉnh để hỗ trợ trong các tình huống cấp bách.

+ Theo dõi tình hình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ đối với hồ chứa nước Nước Trong và Công trình thủy điện Đăkđrinh.

+ Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Đoàn công tác chỉ đạo phòng, chống và khắc phục lũ tại các địa phương.

+ Phối hợp cùng các Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh trong việc cung cấp tình hình thiệt hại do lũ gây ra làm cơ sở cho công tác kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Theo dõi, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình, chế độ vận hành công trình và kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó sự cố có thể xảy ra.

+ Tổng hợp thông tin, báo cáo của chủ các công trình thủy lợi để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo phòng, chống lũ cho công trình, vùng hạ du công trình và các tình huống sự cố khẩn cấp.

- Sở Công Thương:

+ Theo dõi, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình, chế độ vận hành công trình và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó sự cố có thể xảy ra.

+ Tổng hợp thông tin, báo cáo của chủ các công trình thủy điện để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo phòng, chống lũ cho công trình, vùng hạ du công trình và các tình huống sự cố khẩn cấp.

+ Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng, chống lũ ở các nhà máy, xí nghiệp,... trên địa bàn tỉnh.

- Sở Giao thông vận tải:

+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra công tác phòng, chống lũ của các dự án giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh.

+ Phối hợp Công an tỉnh, các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường do Sở quản lý, thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất,...

+ Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại trên các tuyến đường do Sở quản lý cho Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo xử lý, khắc phục.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo dõi, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc, xử lý các tình huống khẩn cấp theo quy định tại Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 29/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 17/3/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Quy định chi tiết một số nội dung về PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh: Huy động tối đa lực lượng, phương tiện của đơn vị hỗ trợ chính quyền các địa phương và nhân dân phòng, chống lũ. Cụ thể:

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tham gia hỗ trợ tại các huyện Bình Sơn, Thành Phố Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ.

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tham gia hỗ trợ tại các huyện: Ba Tơ, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng. Tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị các lực lượng quân sự của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các địa phương và nhân dân trong việc phòng, tránh và khắc phục hậu quả lũ, lụt. Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ ứng cứu các công trình khi có yêu cầu (nhất là các công trình hồ, đập xung yếu).

+ Công an tỉnh: Tham gia hỗ trợ tại các địa phương: Nghĩa Hành, Minh Long, Tư Nghĩa.

+ Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh: Tham gia hỗ trợ tại các địa phương: Sơn Tịnh, Sơn Hà.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cập nhật thông tin, diễn biến mưa, lũ cung cấp thường xuyên cho nhân dân được biết, chủ động phòng, tránh.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Đảm bảo thông tin liên lạc, nhất là thông tin chỉ đạo ứng phó mưa, lũ. Tuyệt đối không để mất liên lạc trong bất cứ tình huống nào.

- Các Sở, ngành, Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh: Huy động lực lượng, phương tiện của đơn vị tham gia cùng chính quyền và nhân dân các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt.

- UBND các huyện, thành phố:

+ Tổ chức di dời, sơ tán hết nhân dân tại nơi ngập sâu (kể cả nhân dân vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện), khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở núi.

+ Kiểm tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường trong và sau lũ.

+ Cứu trợ nhân dân vùng thiên tai.

+ Thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai và thiệt hại ban đầu tại địa phương, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

+ Chỉ đạo các Đài Truyền thanh (Phát thanh và phát lại truyền hình) tiếp nhận các thông tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hoặc cập nhật thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN địa phương, thường xuyên thông báo cho nhân dân được biết. Tuyệt đối không để nhân dân không tiếp cận được thông tin diễn biến lũ, lụt.

+ Huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các chủ công trình, hồ đập ứng cứu sự cố công trình khi có đề nghị.

+ Tổ chức khắc phục thiệt hại sau lũ tại các khu vực bị thiệt hại. Báo cáo đề xuất hỗ trợ trong các tình huống vượt khả năng của địa phương.

3. Đối với các loại thiên tai khác: Lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét

Lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét là các loại hình thiên tai có diễn biến hình thành, hoạt động và kết thúc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (vài đến hàng chục phút), do đó rất khó dự báo trước, đây là vấn đề chung đối với các cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng ta đã có những kinh nghiệm chuyên môn và dân gian để nhận biết, phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc sét để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Một số nhiệm vụ cụ thể cần lưu ý như sau:

a) Phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất:

a1) Phương châm phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất là “chủ động phòng, tránh”, tránh trú kịp thời, an toàn.

a2) Đối với UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn:

- Chỉ đạo công tác điều tra, thống kê các địa bàn dân cư, những bản làng, hộ sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất (khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi có tầng đất mặt mỏng dễ bị sạt lở...). Trên cơ sở đó xây dựng phương án phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất cụ thể cho các xã, xóm, thôn bản, hộ gia đình và tổ chức diễn tập để nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh của đồng bào; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao, thực hiện việc thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động đối phó. Đối với những hộ sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất thì phải có kế hoạch tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

- Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Chương trình phòng, tránh lũ quét cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu như Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình ổn định dân cư và các chương trình khác trên địa bàn, bảo đảm có hiệu quả.

- Rà soát, điều chỉnh việc xây dựng công trình thuộc các Chương trình: 135, 30a, kiên cố hoá trường học, nông thôn mới,... để vừa tránh được lũ quét, sạt lở đất vừa là nơi an toàn để đồng bào có thể sơ tán khi cần thiết.

- Cung cấp dụng cụ đo mưa đơn giản và hướng dẫn các xã nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cách sử dụng các dụng cụ đo mưa này để kịp thời báo động (bằng trống, kẻng...) và cảnh báo cho nhân dân.

- Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy và thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin, báo cáo về diễn biến lũ quét, sạt lở đất kịp thời, đúng quy định; chỉ đạo các xã, thôn, bản xây dựng các phương án đối phó với lũ quét, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

- Về giải pháp lâu dài: Các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí lại dân cư, sản xuất, cơ cấu cây trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng đối với vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở xây dựng chương trình phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và các dự án cụ thể để triển khai có hiệu quả.

a3) Đối với các cộng đồng dân cư:

- Thường xuyên chú ý, theo dõi dự báo thời tiết, nhất là về mưa; tuân thủ sự chỉ huy của cấp thẩm quyền địa phương để chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

- Tích lũy kinh nghiệm dân gian, dựa vào đặc điểm tự nhiên ở địa phương để thường xuyên chủ động trong phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất.

b) Phòng tránh dông, lốc, sét:

Dông, lốc, sét thường xuất hiện trong giai đoạn đầu hình thành các trận mưa dông, mưa lớn; thời gian chỉ diễn biến trong khoảng vài phút đến vài chục phút. Do đó, phương châm phòng, tránh là “nhanh chóng trú ẩn an toàn”.

Một số kinh nghiệm về phòng, tránh dông, lốc, sét như sau:

b1) Nhận biết: Khi trời có mây đen vần vũ trước cơn mưa, lốc xoáy thường xuất hiện trong giai đoạn này khi có những khoảng không gian lớn ửng hồng, đỏ khác thường, có những đám mây có biểu hiện xoáy, cuộn, có tiếng sấm rền, tia chớp xa,...

- Tìm nơi tránh, trú an toàn: Hầm, hào, tầng thấp của nhà xây kiên cố, các vị trí trũng, thấp trên cánh đồng, di chuyển tránh xa vùng có nguy cơ,...

b2) Phòng, tránh dông, lốc đối với các khu vực cụ thể:

* Trên biển:

- Buộc chủ tàu thuyền khi ra biển phải có phao cứu sinh và toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao vào khi đang ở trên biển;

- Khi thấy biển động thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;

- Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền để hỗ trợ nhau khi gặp nạn.

* Trên đất liền:

- Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy, gió giật. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy, gió giật.

- Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây gần nhà ở, lưới điện...

- Khi trời mưa lớn kèm theo dông, lốc cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Khi xảy ra lốc xoáy, gió giật mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn. Tuyên truyền, vận động đến các hộ dân có nhà kiên cố tiếp nhận những người dân trú ẩn khi xảy ra lốc xoáy, gió giật với tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau.

b3) Phòng, tránh sét:

Việc phòng, tránh sét đánh là rất cần thiết, đặc biệt là trong những ngày mưa dông, mưa lớn vì sét là một trong những loại hình thiên tai gây chết người, gây thương tích nhiều nhất trong số các loại hình thiên tai nguy hiểm.

Một số biện pháp phòng, tránh sét cụ thể:

* Tránh trú sét trong nhà:

- Trú ẩn trong các toà nhà hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét.

- Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra.

- Tránh xa các dây điện, điện thoại, an ten và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m để tránh sét lan truyền.

* Khi tránh sét đánh ngoài trời:

- Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp.

- Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

- Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm.

- Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

- Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ô tô,... không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc. Đối với các phương tiện ô tô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.

- Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

VI. Phương án tìm kiếm cứu nạn

1. Khu vực đất liền

a) Lực lượng:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Các đại đội: Công binh, Thiết giáp, Trinh sát, Thông tin).

- Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện.

- Lực lượng xung kích của xã, phường, thị trấn hoặc lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã (nếu đã được thành lập).

- Các lực lượng khác trong nhân dân.

b) Phương tiện

- Ca nô, xuồng máy, xe thiết giáp,...

- Các phương tiện, thiết bị khác: Thông tin, chiếu sáng, lưới, dây,...

2. Khu vực biển, biên giới biển và vùng nước cảng biển

a) Lực lượng:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách khu vực biển và biên giới biển.

- Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi phụ trách khu vực vùng nước cảng biển theo quy định.

- Trung tâm Phối hợp TKCN khu vực II.

- Các Vùng Hải quân.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã.

- Ngư dân địa phương.

- Các lực lượng khác: Kiểm ngư, Cảnh sát biển,...

b) Phương tiện:

- Tàu Cứu hộ cứu nạn, tàu tuần tra, ca nô, xuồng máy,...

- Các phương tiện, thiết bị khác: Thông tin, chiếu sáng, neo, cáp, trang thiết bị cứu sinh,...

- Phương tiện của nhân dân địa phương.

3. Nguyên tắc và tổ chức cứu hộ, cứu nạn

- Nguyên tắc trong việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia, cứu hộ, cứu nạn; tổ chức khẩn trương, kịp thời.

- Khi có thông tin về tai nạn trong thiên tai, lực lượng làm nhiệm vụ TKCN ở cơ sở (dân quân, xung kích,...) tổ chức thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, sơ cứu,...; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất hỗ trợ từ cấp trên.

- Nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ, người chỉ huy điều động lực lượng, phương tiện TKCN cấp huyện, tỉnh xuống ngay địa bàn để hỗ trợ kịp thời các lực lượng tại chỗ. Trong trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra khi thiên tai đang diễn biến mạnh, phức tạp thì việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn phải dựa trên đặc điểm tình hình thực tiễn và năng lực cứu hộ, cứu nạn hiện có để triển khai nhiệm vụ trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc về an toàn.

VII. Các biện pháp phòng, chống thiên tai đến năm 2020

Các giải pháp phòng, chống thiên tai ở tỉnh Quảng Ngãi được xác định dựa trên phương châm cơ bản là "Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển", đồng thời đảm bảo các giải pháp được triển khai đồng bộ theo các giai đoạn: Trước thiên tai, trong thiên tai và sau thiên tai. Trong đó, các giải pháp được chia thành 02 nhóm cơ bản: Nhóm giải pháp phi công trình và nhóm giải pháp công trình nhằm đạt được mục tiêu chung là kiểm soát được thiên tai và giảm thiểu được các thiệt hại về con người, tài sản do thiên tai gây ra. Cụ thể như sau:

1. Biện pháp phi công trình

Biện pháp phi công trình được coi là nguồn lực quan trọng cho sự thành công của kế hoạch và được lồng ghép trong kế hoạch ngành, địa phương huy động sự tham gia của cộng đồng, của từng người dân.

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách:

- Rà soát các chính sách hỗ trợ phục hồi sau thiên tai: Điều chỉnh, bổ sung quy định về cơ chế khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát chính sách hỗ trợ vùng thường xuyên bị thiên tai.

- Thành lập Quỹ phòng chống thiên tai.

- Xây dựng và ban hành quy chế lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch của các cấp, các ngành.

b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (thực hiện thường xuyên hàng năm).

- Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Hỗ trợ bổ sung trang thiết bị cho Văn phòng BCH PCTT và TKCN các cấp đáp ứng yêu cầu.

c) Lập và rà soát quy hoạch (tùy theo từng địa phương):

- Rà soát, bổ sung bản đồ phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ.

- Rà soát, bổ sung bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

- Lập bản đồ phân vùng, đánh giá rủi ro hạn hán.

- Quy hoạch phòng chống lũ cho vùng đồng bằng ngập lũ các sông trong tỉnh.

- Quy hoạch xây dựng hệ thống đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển, ven biển.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch giao thông ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo:

Phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thực hiện:

- Cải thiện hiệu quả và đưa ra các cảnh báo sớm.

- Củng cố trang bị cho Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi đảm bảo truyền thông đa phương tiện, máy tính cấu hình cao, máy chủ mạng và hệ thống viễn thông dựa vào vệ tinh.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo

đ) Nâng cao nhận thức cộng đồng:

đ1) Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng: Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) - Thành lập các Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật cấp xã triển khai thực hiện Đề án tại các xã ưu tiên thực hiện Đề án bao gồm các hoạt động chính:

- Thiết lập bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng, do cộng đồng tự xây dựng trên hướng dẫn của nhóm thực hiện quản lý thiên tai cộng đồng (QLTTCĐ); xây dựng panô, bản đồ và bảng hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi với từng giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng theo văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của từng cộng đồng hoặc nhóm cộng đồng.

- Xây dựng sổ tay hướng dẫn triển khai các hoạt động cơ bản của cộng đồng về chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả ứng với từng giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng (theo truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của từng cộng đồng hoặc nhóm cộng đồng).

- Hàng năm, thành viên cộng đồng thu thập, cập nhật thông tin cho bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương: Hoạt động này được thực hiện thông qua hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (RRTT DVCĐ) hàng năm.

- Hàng năm, cộng đồng xây dựng kế hoạch về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai có xét đến tác động của biến đổi khí hậu.

- Các thành viên cộng đồng xây dựng kế hoạch phát triển của cộng đồng có lồng ghép với kế hoạch về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng và tổ chức diễn tập.

- Thiết lập hệ thống về cảnh báo, truyền tin sớm về thiên tai trong cộng đồng.

- Thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng.

- Các hoạt động về QLTTCĐ thường xuyên được truyền thông qua Internet, tivi, đài, báo và các pano áp phích, tờ rơi và các hình thức, phương tiện thông tin khác.

- Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo cho cộng đồng về từng hoạt động riêng biệt trong công tác quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng (các hoạt động đào tạo, tập huấn này được tổ chức riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,...).

- Tổ chức các buổi biểu diễn, kịch có nội dung về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng nhân các ngày lễ hội.

- Xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng (nhà cộng đồng tránh thiên tai, đường tránh lũ, trường học, trạm y tế, nước sạch,...).

đ2) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thiên tai thông qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh.

e) Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ:

- Trồng rừng ngập mặn với tổng diện tích 84 ha các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ.

- Trồng mới rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại huyện Đức Phổ với tổng diện tích 120 ha.

- Trồng 500 ha rừng phòng hộ tại huyện Nghĩa Hành.

Ngoài ra, thực hiện chương trình trồng rừng của Chính phủ, các địa phương chủ động triển khai các nội dung trồng rừng theo chương trình đã được phê duyệt góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu.

g) Tăng cường năng lực quản lý thiên tai:

- Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã.

- Tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

h) Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế:

- Tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương trong nước, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là kinh nghiệm phòng, tránh bão, lũ và công tác quản lý rủi ro do bão, lũ gây ra.

- Việc hợp tác trong lĩnh vực quản lý, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cần phải tập trung vào một số nội dung, kinh nghiệm chính như: Mô hình tổ chức bộ máy quản lý, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai từ cấp tỉnh đến cơ sở, lực lượng và năng lực của nhân sự trong bộ máy thực hiện; việc ứng dụng khoa học, công nghệ; kinh nghiệm trong chỉ huy, chỉ đạo phòng tránh thiên tai; phương pháp tập huấn, giáo dục, nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó của cộng đồng trong các tình huống cần thiết; biện pháp quản lý cộng đồng khi thiên tai xảy ra; kinh nghiệm trong phối hợp, hợp tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn giữa các địa phương có liên quan trong tình huống khẩn cấp; tăng cường phát triển công nghệ thông tin; ngoài ra, còn một số bài học kinh nghiệm và biện pháp khả thi nhằm khắc phục các tồn tại để áp dụng phù hợp với địa phương mình.

- Duy trì, phát triển các hoạt động hợp tác với các Chính phủ, Tổ chức Phi chính phủ như: Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế Ôxtrâylia (AuSAID); Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức Plan, Tổ chức Save The Children, Tổ chức Malterser International...

- Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị, đồng thời tăng cường năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi theo mục tiêu ngày càng hoàn thiện và hiện đại hơn.

i) Thực hiện lồng ghép nội dung Kế hoạch phòng chống thiên tai:

Lồng ghép nội dung kế hoạch phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương; phân bổ các nguồn lực hợp lý, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương có tính đến việc đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; phù hợp với chiến lược phát triển của các ngành, vùng, tỉnh, Trung ương, đặc điểm thiên tai của từng vùng, bảo đảm phát triển an toàn bền vững.

2. Giải pháp công trình

Các biện pháp công trình quản lý rủi ro thiên tai về cơ bản đã được hình thành và cân đối trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh, kế hoạch ngành hoặc được lồng ghép trong các dự án liên quan và tiếp tục được xác định trong quá trình chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Các biện pháp công trình quản lý rủi ro thiên tai chủ yếu được sắp xếp theo loại hình thiên tai như sau:

a) Đối với bão và áp thấp nhiệt đới:

- Xây dựng các khu neo đậu, tránh, trú bão cho tàu thuyền.

- Xây dựng trung tâm thông tin liên lạc, hệ thống thông tin liên lạc và quản lý tàu cá, các điểm bắn pháo hiệu, cột hải đăng.

- Gia cố, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các kè biển, kè cửa sông, đê biển, đê cửa sông, các công trình ven cửa sông, ven biển,...

- Xây dựng các đê, đập ngăn mặn chống triều cường, nước dâng do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

- Đầu tư nạo vét luồng lạch cửa sông để tàu thuyền lưu thông, tránh, trú bão an toàn và thuận lợi khi cứu hộ, cứu nạn.

- Nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng, nhà máy, cơ sở chế biến,... hiện có.

- Xây dựng các khu tái định cư nội xã, nội huyện, nội tỉnh.

- Tầng hóa, kiên cố hóa các công trình công cộng làm nơi tránh bão tập trung.

- Kiên cố hóa nhà ở của nhân dân an toàn trong bão.

- Trang bị các tàu cứu hộ, cứu nạn hiện đại có khả năng hoạt động trong gió bão cấp 12, 13.

b) Đối với lũ, lụt:

- Kiên cố hóa các nhà tạm bợ; xây dựng các khu tái định cư ở vùng cao nội xã, nội huyện, nội tỉnh.

- Xây dựng các công trình đê chống lũ, cống thoát nước.

- Kiên cố và cao tầng hóa các công trình công cộng làm nơi tránh lũ, lụt cho nhân dân.

- Xây dựng bổ sung các mốc, tháp cảnh báo lũ.

- Nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng hiện có, đặc biệt là các hồ chứa nước đã bị xuống cấp.

- Xây dựng các tuyến đường vượt lũ, tiếp tục đầu tư chương trình mở rộng khẩu độ cầu, cống trên hệ thống đường bộ, đường sắt đảm bảo thoát lũ.

- Xây dựng mới các hồ chứa nước ở thượng nguồn, xây dựng các quy trình vận hành hồ chứa để khai thác có hiệu quả nguồn nước và tham gia cắt, giãn lũ.

- Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.

- Xây dựng ao, hồ nuôi thủy sản theo quy hoạch và đảm bảo cao trình vượt lũ.

- Nạo vét luồng lạch.

- Xây dựng kè chắn sóng, đập, mỏ hàn ở vùng cửa sông, cửa biển.

- Nâng cấp đê ngăn mặn, kè sông, kè biển hiện có.

- Xây dựng hệ thống công trình ngăn mặn, giữ ngọt.

- Nâng cấp, đầu tư xây dựng mới hệ thống các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; tăng cường các điểm đo mưa tự động, các trạm thủy văn ở miền núi và thượng nguồn các sông.

- Xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo bền vững và hoạt động tốt trong điều kiện mưa, lũ. Giảm giếng đào và tăng cường giếng khoan ở các thôn, bản.

c) Đối với sạt lở đất:

c1) Sạt lở bờ sông, bờ biển:

- Di dời, xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng có nguy cơ bị sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Gia cố, nâng cấp và xây dựng mới các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển như: Kè lát mái bảo vệ tuyến bờ hiện tại, kè tường đứng, mỏ hàn,...

- Trồng cỏ, cây thích hợp bảo vệ bờ sông, bờ biển.

c2) Sạt lở núi:

- Xây dựng các khu tái định cư. Khu tái định cư này phải có những mẫu nhà phù hợp với bản sắc văn hóa, đời sống và tập quán canh tác của người dân bản địa.

- Quy hoạch, xây dựng khu dân cư phù hợp (không bố trí khu dân cư ở những nơi có khả năng mất ổn định).

- Không cắt xén sườn đồi, nếu bắt buộc phải làm đường qua, cần phải có biện pháp xử lý.

- Xây dựng các tường chắn chống trượt.

- Khoan phụt xi măng hoặc ép cọc.

- Giảm bớt tải trọng trên khối trượt.

- Phủ lên bề mặt khối trượt bằng các chất khó thấm nước.

d) Đối với gió mùa Đông Bắc (thường gây mưa lớn):

- Nạo vét các cửa sông để tăng lưu lượng thoát lũ.

- Xây dựng các hệ thống bờ vùng, các trạm bơm tiêu thoát nước, hệ thống kênh tiêu nội đồng.

- Xây dựng chuồng, trại đảm bảo chống rét cho vật nuôi.

đ) Đối với dông, lốc, sét:

- Kiên cố hóa các công trình cơ sở hạ tầng hiện có, nhà ở tạm bợ của nhân dân.

- Xây dựng hệ thống chống sét.

e) Đối với lũ quét:

- Xây dựng các khu tái định cư.

- Tăng khả năng thoát nước của lòng dẫn (phá, loại bỏ các chướng ngại vật tự nhiên; loại bỏ các chướng ngại nhân tạo; điều chỉnh đường đáy, bờ sông).

- Phân dòng lũ quét (phân lũ vào hồ chứa hoặc vùng trũng; phân lũ kênh dẫn ra sông chính).

- Tách vật rắn ra khỏi dòng nước.

- Mở rộng khẩu độ cầu cống.

g) Đối với các thiên tai khác:

- Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê biển, đê sông, kè biển và nâng cấp các công trình hiện có theo kịch bản biến đổi khí hậu.

- Xây dựng, nâng cấp các công trình ngăn mặn.

- Nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, hệ thống tưới tiết kiệm nước.

- Xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng có cơ bị ảnh hưởng do triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

- Kiên cố hóa các hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

3. Biện pháp công trình cụ thể đến năm 2020

a) Hỗ trợ hộ nghèo ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ xây dựng nhà có gian kiên cố phòng tránh thiên tai: Hỗ trợ cho 3.323 hộ nghèo có nhà ở kiên cố, phòng chống thiên tai.

b) Xây dựng Khu dân cư tập trung phòng tránh thiên tai: Các khu dân cư có đầy đủ công trình hạ tầng: San nền, đường giao thông nội bộ, trường học, nhà trẻ, trạm xá, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số thiết chế khác theo nội dung tiêu chí nông thôn mới được xây dựng

c) Xây dựng công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn gồm:

- Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham.

- Sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 36 hồ chứa nước bị hư hỏng, chống cấp, trong đó có 20 hồ chứa nước được (WB8) tài trợ. Riêng các công trình hồ chứa nước nhỏ tại các huyện, thành phố, các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo năng lực nguồn vốn của địa phương.

- Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi.

- Xây dựng hệ thống kênh tiêu Đức Thắng - Đức Phong - Đức Minh.

- Xây dựng các tuyến đê, kè chống sạt lở gồm: Đê kè Tịnh Kỳ, Đê kè Nghĩa Hiệp, Đê Phổ Thạnh, Kè chống sạt lở bờ biển thôn An Cường, Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện, Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức. Riêng các công trình đê, kè khác, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động triển khai phù hợp nhằm góp phần vào công tác PCTT hiệu quả.

- Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: Đảm bảo 95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% số hộ có hố xí hợp vệ sinh; 100% số trạm xá, trường học có nước sạch...

- Dự án Cải tạo nâng cấp hệ thống thu trữ nước tưới tiết kiệm cho nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho huyện đảo Lý Sơn.

d) Giao thông: Xây dựng các tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện khu vực phía Tây Quảng Ngãi; Xây dựng mới Cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn; Nâng cấp, sửa chữa bến cập tàu tại đảo Bé, huyện Lý Sơn; Cầu Cửa Đại; đường Tịnh Phong - Cảng Dung Quất II,... Ngoài ra, các tuyến đường huyện, đường xã do UBND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, trong đó, các nội dung này lồng ghép chủ yếu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

đ) Xây dựng cảng neo trú tàu thuyền tránh trú bão gồm: Cảng Sa Cần (Giai đoạn II), Cảng Sa Huỳnh, Cảng cá kết hợp neo trú tàu thuyền Cổ Lũy, Hoàn thiện hệ thống công trình cụm Cảng cá sông Trà Bồng.

4. Kế hoạch đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư:

Trên cơ sở các giải pháp đã nêu trên để tiến hành lựa chọn các biện pháp khẩn cấp, ưu tiên, có tính chiến lược dài hạn và thiết thực nhất phù hợp với nguồn lực, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho công tác quản lý, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là: 11.374.252 triệu đồng, trong đó:

- Biện pháp phi công trình: 921.390 triệu đồng.

- Biện pháp công trình: 10.452.862 triệu đồng.

b) Nguồn vốn thực hiện:

- Ngân sách Trung ương đầu tư các dự án phòng, chống thiên tai;

- Ngân sách tỉnh;

- Lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án khác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai;

- Vốn ODA;

- Quỹ Phòng, chống thiên tai;

- Vốn tài trợ, viện trợ, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ cho dự án phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác.

(Chi tiết có Phụ lục kèm theo)

VIII. Lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kế hoạch phát triển của các ngành

Để đạt được mục tiêu cơ bản của kế hoạch, việc triển khai kế hoạch cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các Sở, ngành chuyên môn, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong tỉnh và cộng đồng dân cư thực hiện lồng ghép hài hòa nội dung kế hoạch vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, kế hoạch phát triển của từng địa phương, đơn vị trong tỉnh nói riêng nhằm đảm bảo được công tác quản lý rủi ro thiên tai, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Phòng, chống thiên tai. Do đó, nhiệm vụ lồng ghép Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2020 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và của từng ngành là hết sức cần thiết và phải đặc biệt lưu ý, suy xét đến tác động của các loại hình thiên tai đối với từng vùng, khu vực cụ thể và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một số nội dung cơ bản cần tổ chức lồng ghép như sau:

1. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực bao gồm:

- Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của tỉnh.

- Kế hoạch chăn nuôi, giống vật nuôi phù hợp, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

- Quy hoạch thủy lợi, đê điều, phòng chống lũ.

- Kế hoạch khai thác thủy hải sản.

- Kế hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt đối với rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn.

- Củng cố, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê sông, đê biển, công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình phòng chống lụt, bão đảm bảo nhu cầu sử dụng và năng lực thích ứng với thiên tai giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

2. Về xây dựng: Sở Xây dựng lồng ghép nội dung kế hoạch đối với mọi hoạt động phát triển hạ tầng cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm:

- Quy hoạch dân cư, sắp xếp dân cư phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội của từng khu vực đảm bảo an toàn, chung sống với bão, lũ và phát triển bền vững.

- Quy hoạch xây dựng và hướng dẫn xây dựng tầng hóa các công trình công cộng an toàn với bão, lũ và kết hợp làm nơi sơ tán tập trung ở những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập sâu do lũ,...

- Lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

3. Về giao thông vận tải: Sở Giao thông vận tải lồng ghép các nội dung cơ bản sau:

- Quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn với thiên tai.

- Quy hoạch xây dựng các tuyến đường cứu nạn, sơ tán an toàn khi có bão, lũ xảy ra.

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cầu, cống đảm bảo năng lực tiêu thoát lũ.

- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng các tuyến đường giao thông đảm bảo an toàn với thiên tai, không cản trở dòng chảy lũ, không làm gia tăng hiện tượng sạt lở đất ở vùng núi.

4. Về tài nguyên, môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lồng ghép nội dung kế hoạch vào kế hoạch hoạt động của ngành, cụ thể:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần, giữ gìn và bảo vệ môi trường,...

- Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.

- Quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác.

5. Về giáo dục và đào tạo: Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức lồng ghép nội dung kế hoạch vào các hoạt động của ngành, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về thiên tai và các giải pháp. Đưa nội dung giáo dục kiến thức về thiên tai, biến đổi khí hậu và ý thức phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy ở các bậc đào tạo.

6. Về kế hoạch và đầu tư:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tổng hợp kế hoạch thực hiện của các địa phương, đơn vị, xây dựng kế hoạch đầu tư, quản lý tài chính hàng năm, 5 năm đối với công tác phòng chống thiên tai. Cân đối và đề xuất bố trí nguồn vốn để thực hiện nội dung kế hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Trình UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh;

b) Tham gia xây dựng hoặc kiến nghị điều chỉnh tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo an toàn trước thiên tai đối với công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý;

c) Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo phát triển bền vững;

d) Quản lý việc đầu tư xây dựng, tu bổ, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai theo sự phân công, phân cấp của UBND tỉnh, bao gồm công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai;

đ) Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai;

e) Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan thực hiện chính sách, chương trình di dời dân vùng có nguy cơ về thiên tai;

g) Phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh và tham mưu cho UBND tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh theo quy định của pháp luật;

h) Phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu giúp UBND tỉnh trong hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh;

i) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, trình Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính).

k) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện phòng, chống thiên tai, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo khả năng cân đối của ngân sách tình.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Trình Chủ tịch UBND tỉnh quy hoạch, kế hoạch, phương án của tỉnh về phòng, tránh và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần, phòng tránh tác hại do nước gây ra;

b) Tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý theo quy định;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi thông tin về quản lý vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc để tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, ra quyết định vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc được Thủ tướng chính phủ phê duyệt;

d) Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép gây sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng về biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó động đất, sóng thần, tác hại do nước gây ra và xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Lập quy hoạch, kế hoạch, phương án và chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn, thông suốt mạng thông tin chung; bảo đảm an toàn của hệ thống cột ăng-ten thu phát tại các trạm thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh;

b) Chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai;

c) Tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý theo quy định;

d) Xây dựng kế hoạch đưa nội dung về thông tin diễn biến bão, lũ đến nhân dân thông qua tin nhắn SMS trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

đ) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, tránh, thiên tai.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Lập quy hoạch, kế hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo thực hiện về phát triển giao thông vận tải phù hợp với kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

5. Sở Công Thương

a) Lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, an toàn cho dân cư vùng hạ lưu các công trình thủy điện, bảo đảm an toàn các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, hệ thống điện và các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các tình huống thiên tai xảy ra;

b) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, chú trọng các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai (đặc biệt lưu ý các địa bàn miền núi, hải đảo); phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ;

c) Trong thời gian xảy ra thiên tai và giai đoạn khắc phục hậu quả phải có biện pháp quản lý lưu thông hàng hóa, điều hòa thị trường đặc biệt là lương thực, nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng,..., ngăn ngừa đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

6. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của công trình xây dựng phù hợp với đặc điểm thiên tai trên địa bàn tỉnh;

b) Tham mưu, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi, thẩm quyền, đảm bảo sự phù hợp đặc điểm thiên tai của tỉnh, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai;

c) Tham mưu, đề xuất xây dựng nhà ở an toàn, công trình phòng tránh thiên tai cho nhân dân vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao;

7. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc điều chỉnh văn bản quy định về cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh;

b) Tổng hợp và bố trí dự toán ngân sách của tỉnh để chi cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phòng, chống thiên tai và theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quyết định: việc sử dụng ngân sách tỉnh, ngân sách và hàng hóa do Trung ương hỗ trợ để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đúng quy định; phân bổ hàng dự trữ quốc gia được cấp phát; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ nguồn ngân sách tỉnh.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; tham mưu, giúp UBND tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc bố trí vốn đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tổ chức thực hiện việc lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học thuộc phạm vi quản lý theo chỉ đạo, hướng dẫn của bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phù hợp với điều kiện thiên tai của địa phương;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương lập và trình UBND tỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng khu vực trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn cho người và công trình;

c) Xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm của ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai;

d) Tổ chức và chuẩn bị lực lượng dự phòng tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý để ứng phó thiên tai.

10. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương lập và trình UBND tỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng các cơ sở y tế kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng khu vực trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn cho người và công trình;

b) Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của ngành; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế xây dựng phương án phòng, chống thiên tai hàng năm, chủ động nhiệm vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân trong mùa mưa; bố trí bác sĩ thường trực sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn;

c) Dự trữ thuốc, phương tiện y tế, hướng dẫn cho cán bộ y tế và cộng đồng về kỹ thuật cấp cứu thông thường, biện pháp vệ sinh môi trường;

d) Chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân, phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống thiên tai;

đ) Tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo quản, xác định danh tính nạn nhân để bàn giao cho thân nhân nạn nhân theo quy định; phối hợp, hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện việc mai táng các nạn nhân chưa xác định được danh tính bị thiệt mạng do thiên tai gây ra;

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác cứu trợ xã hội trong việc khắc phục hậu quả thiên tai;

b) Tổng hợp tình hình thiệt hại về dân sinh do thiên tai, trên cơ sở tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, đề xuất chính sách, biện pháp hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai, trình UBND tỉnh quyết định;

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách cứu trợ xã hội (đột xuất) đối với các đối tượng gặp khó khăn do thiên tai theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

d) Hướng dẫn việc lồng ghép giới trong các hoạt động phòng, chống thiên tai.

12. Sở Ngoại vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý; đề xuất các biện pháp đối ngoại trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.

13. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh

a) Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quy định về truyền tin thiên tai và có trách nhiệm truyền, phát kịp thời nội dung các công điện chỉ đạo phòng, chống thiên tai của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và UBND tỉnh, các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của Trung ương và tỉnh;

b) Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai cho nhân dân, kinh nghiệm điển hình trong công tác phòng, chống thiên tai.

14. Các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; báo cáo kết quả thực hiện về cấp trên trực tiếp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

15. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội Chữ Thập đỏ tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh chỉ đạo các Hội thành viên thực hiện quy định của pháp luật về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật về hoạt động của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ.

16. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi

a) Lập chương trình, kế hoạch, xử lý thông tin chuyên ngành, đảm bảo chất lượng, thời gian dự báo, cảnh báo để phục vụ tốt công tác điều hành, chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của tỉnh;

b) Cung cấp kịp thời tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, địa phương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai; tham gia tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về dự báo, khí tượng thủy văn cho cán bộ, chuyên viên làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Quảng Ngãi; kiến nghị điều chỉnh cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương (nếu có).

Yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh triển khai thực hiện; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội đoàn thể tỉnh phối hợp thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có những nội dung thay đổi, chưa phù hợp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, điều chỉnh./.

 

Biểu 01: Dân cư tỉnh Quảng Ngãi (tính đến tháng 9/2016)

TT

Huyện, thành phố

Dân tộc (người)

Lao động (người)

Già yếu (người)

Trẻ em (người)

Phụ nữ (người)

Neo đơn (người)

Khuyết tật (người)

Kinh

DT khác

1

Bình Sơn

197.237

651

110.387

16.884

34.859

74.224

1.006

1.972

2

Sơn Tịnh

96.672

12

60.874

14.369

24.273

48.932

572

2.189

3

Tư Nghĩa

147.009

 

78.842

17.494

34.576

55.030

660

1.568

4

Nghĩa Hành

91.069

1.155

50.741

8.515

11.054

39.900

791

1.658

5

Mộ Đức

128.151

43

92.836

4.551

21.117

65.374

145

3.648

6

Đức Phổ

148.143

29

81.734

66.409

75.360

 

 

7

Trà Bồng

18.790

15.702

17.803

1.795

8.014

11.216

233

502

8

Tây Trà

550

18.739

11.323

216

7.134

10.681

120

496

9

Sơn Hà

13.550

59.375

41.329

7.245

22.535

20.851

818

650

10

Sơn Tây

1.919

17.705

10.084

78

2.780

9.394

18

101

11

Minh Long

1.201

3.650

9.042

228

937

8.596

42

183

12

Ba Tơ

13.662

48.988

39.709

4.607

12.335

21.374

237

379

13

Lý Sơn

21.705

10

12.266

2.988

5.327

11.051

142

418

14

Thành phố Quảng Ngãi

251.814

689

162.421

30.409

56.856

104.880

570

4.236

 

Tổng số:

1.131.472

166.748

779.391

175.788

241.797

556.863

5.354

18.000

 

Biểu 02: Dân sinh và nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - Năm 2016

TT

Huyện

Dân sinh

Nhà ở

Tổng số hộ trên địa bàn

Số hộ nghèo

Số hộ cận nghèo

Nhà kiên cố (nhà)

Nhà bán kiên cố (nhà)

Nhà thiếu kiên cố (nhà)

Nhà đơn sơ (nhà)

1

Bình Sơn

55.164

4.544

4.795

8.487

33.717

6.963

209

2

Sơn Tịnh

24.208

1.536

1.233

9.429

11.038

1.691

126

3

Tư Nghĩa

33.463

2.157

2.885

16.290

16.385

1.872

240

4

Nghĩa Hành

37.062

1.581

3.438

11.992

10.548

1.214

109

5

Mộ Đức

30.192

4.071

3.701

9.855

20.709

7.478

150

6

Đức Phổ

37.712

3.758

2.526

26.649

10.122

225

155

7

Trà Bồng

8.611

4.005

1.872

538

5.517

1.668

366

8

Tây Trà

4.508

3.596

389

 

 

 

1.040

9

Sơn Hà

18.386

7.403

2.508

5.716

8.380

1.631

2.622

10

Sơn Tây

5.191

3.117

412

3.833

1.004

223

45

11

Minh Long

4.851

2.298

433

205

1.615

2.817

214

12

Ba Tơ

16.542

5.667

2.892

5.545

5.347

1.823

490

13

Lý Sơn

5.571

942

562

2.200

1.910

575

95

14

Thành phố Quảng Ngãi

65.091

2.361

3.382

23.182

31.335

4.864

234

 

Tổng số:

354.552

47.036

31.028

123.921

157.627

33.044

6.095

 

Biểu 03: Công trình có thể sơ tán dân đến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - Năm 2016

TT

Huyện/ thành phố

Số điểm công trình sơ tán tập trung (điểm)

Sức chứa (người)

Ghi chú

1

Bình Sơn

167

84.461

Trụ sở cơ quan, nhà máy, trạm y tế, trường học, khách sạn, nhà dân kiên cố

2

Sơn Tịnh

89

28.694

Trụ sở UBND xã, HTX, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trường học và nhà dân kiên cố

3

Tư Nghĩa

149

48.399

Trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà dân kiên cố

4

Nghĩa Hành

72

28.580

Trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trường học.

5

Mộ Đức

57

43.949

Trụ sở UBND các xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nhà tránh lũ, BVĐK Mộ Đức, TTYT Dự phòng huyện

6

Đức Phổ

48

Chưa có số liệu

Trụ sở UBND các xã, và thị trấn, trường học, Trụ sở UBND huyện, Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mỹ Á

7

Trà Bồng

87

13.880

Trụ sở các cơ quan, trường học, trường Mẫu giáo thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà văn hóa xã và nhà dân kiên cố

8

Tây Trà

30

770

Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn và nhà dân kiên cố

9

Sơn Hà

220

19.920

Trụ sở UBND các xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn.

10

Sơn Tây

17

2.000

Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn và nhà dân kiên cố

11

Minh Long

27

770

Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn và nhà dân kiên cố

12

Ba Tơ

176

45.135

Trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trường học và nhà dân kiên cố

13

Lý Sơn

36

16.904

Trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, khách sạn và nhà dân kiên cố

14

Thành phố Quảng Ngãi

31

61.300

Trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố

 

Tổng số:

1.206

394.762

 

 

Biểu 04: Phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại chỗ PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi - Tổng hợp toàn tỉnh năm 2016

TT

Phương tiện, trang thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Chất lượng

Ghi chú

1

2

3

4

5

1

Xe cứu hộ các loại

chiếc

8

1

4

2

1

 

 

2

Xe chữa cháy

chiếc

24

 

11

13

 

 

 

3

Xe bọt chữa cháy di động

chiếc

3

 

3

 

 

 

 

4

Xe bồn tưới nước 12 m3

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

5

Xe ô tô các loại

chiếc

23

1

12

10

 

 

 

6

Xe cứu thương

chiếc

5

1

3

1

 

 

 

7

Xe tải các loại

chiếc

7

 

2

5

 

 

 

8

Xe cẩu

chiếc

2

 

 

2

 

 

 

9

Xe mô tô CSGT

chiếc

8

 

 

8

 

 

 

10

Xe thang nâng

chiếc

4

 

2

2

 

 

 

11

Xe xúc lật

chiếc

2

 

2

 

 

 

 

12

Xe hút nước, chất thải

chiếc

3

 

 

3

 

 

 

13

Xe cấp nhiên liệu khẩn cấp

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

14

Xe chuyên dùng các loại

chiếc

10

 

 

10

 

 

 

15

Xe lăn

chiếc

5

 

 

5

 

 

 

16

Ca nô 15 CV

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

17

Ca nô 40 CV

chiếc

11

4

5

2

 

 

 

18

Ca nô 50 CV

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

19

Ca nô 85 CV

chiếc

14

1

11

2

 

 

 

20

Ca nô 90 CV

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

21

Ca nô 200 CV

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

22

Ca nô VSN 1500 (40 CV)

chiếc

7

 

7

 

 

 

 

23

Ca nô UNI LPAST

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

24

Ca nô các loại khác

chiếc

23

 

8

14

 

1

 

25

Rơ móc kéo ca nô

chiếc

9

 

 

9

 

 

 

26

Tàu TKCN loại 85 CV

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

27

Tàu TKCN loại 30 CV

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

28

Tàu tuần tra 1300HP

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

29

Tàu cứu nạn -09

chiếc

1

 

 

1

 

 

 

30

Tàu vận tải biển

chiếc

2

 

1

 

1

 

 

31

Xuồng cao tốc ST 750

chiếc

2

 

1

 

1

 

 

32

Xuồng cao tốc ST 660

chiếc

8

 

4

2

2

 

 

33

Xuồng cao tốc ST 450

chiếc

7

 

7

 

 

 

 

34

Xuồng VT 22 (40 CV)

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

35

Xuồng cao tốc ST 1200

chiếc

3

2

 

 

1

 

 

36

Xuồng cao tốc ST 450 (không máy)

chiếc

2

 

 

2

 

 

 

37

Xuồng cao su 220t (không máy)

chiếc

2

 

2

 

 

 

 

38

Xuồng cao su 420t (không máy)

chiếc

2

 

2

 

 

 

 

39

Xuồng VSN 1500 (không máy)

chiếc

20

 

20

 

 

 

 

40

Xuồng cứu nạn -01

chiếc

2

 

 

2

 

 

 

41

Xuồng Krum

chiếc

3

 

 

 

2

1

 

42

Xuồng hơi

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

43

Máy đẩy yamaha 40 CV

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

44

Vỏ xuồng VSN 1500

cái

29

 

29

 

 

 

 

45

Xuồng máy

chiếc

71

1

62

8

 

 

 

46

Xuồng các loại khác

chiếc

29

5

4

7

7

3

 

47

Ghe chèo tay

chiếc

171

10

111

20

15

15

 

48

Phương tiện vượt sông nhẹ

chiếc

40

 

40

 

 

 

 

49

Súng bắn pháo hiệu

cái

38

23

 

15

 

 

 

50

Súng bắn dây mồi

khẩu

3

 

 

3

 

 

 

51

Đạn phóng dây mồi

viên

5

 

 

5

 

 

 

52

Đạn tín hiệu trắng

viên

88

 

 

82

 

6

 

53

Đạn tín hiệu xanh

viên

1.150

650

 

500

 

 

 

54

Đạn tín hiệu đỏ

viên

1.635

1.087

 

 

513

35

 

55

Nhà bạt 16,5 m2

bộ

157

37

37

37

39

7

 

56

Nhà bạt 24,75 m2

bộ

105

21

26

24

29

5

 

57

Nhà bạt 60 m2

bộ

72

17

18

27

8

2

 

58

Nhà bạt các loại khác

bộ

93

15

25

14

39

 

 

59

Tấm bạt nhựa

tấm

116

2

114

 

 

 

 

60

Phao áo

cái

10.956

2.079

5.149

1.392

1.906

430

 

61

Phao tự thổi

cái

5

 

 

3

 

2

 

62

Phao tròn

cái

8.878

2.201

4.101

2.530

33

13

 

63

Phao bè

cái

489

38

178

20

253

 

 

64

Quần áo chữa cháy

bộ

8

 

8

 

 

 

 

65

Mặt nạ khí thở chống độc

bộ

5

 

5

 

 

 

 

66

Dây thừng

mét

2.120

900

1.220

 

 

 

 

67

 

cuộn

6

 

6

 

 

 

 

68

 

180

 

 

180

 

 

 

69

Dây neo

10

 

 

10

 

 

 

70

Dây ni lông

330

 

 

330

 

 

 

71

túi

93

2

91

 

 

 

 

72

Tời cứu hộ

cái

2

 

2

 

 

 

 

73

Ròng rọc cứu hộ

cái

4

1

2

 

 

 

 

74

Loa cầm tay

cái

250

36

195

4

1

14

 

75

Loa phóng thanh

cái

351

45

306

 

 

 

 

76

Thiết bị đèn chiếu sáng

bộ

2

2

 

 

 

 

 

77

Máy cưa cầm tay

cái

67

19

34

12

2

 

 

78

Cưa sắt

cái

5

4

 

 

1

 

 

79

Kéo cắt đệm

cái

1

 

 

1

 

 

 

80

Bồ đồ cứu thương tiêu chuẩn

bộ

2

 

2

 

 

 

 

81

Rựa

cái

32

 

12

20

 

 

 

82

Lưới B40

mét

5

5

 

 

 

 

 

83

Máy ảnh

cái

3

1

2

 

 

 

 

84

Ống nhòm

cái

4

 

 

4

 

 

 

85

Bình khí thở oxi các loại

bình

9

 

9

 

 

 

 

86

Thiết bị hỗ trợ hô hấp

bộ

90

20

70

 

 

 

 

87

Thiết bị trợ thở khẩn cấp

bộ

40

20

20

 

 

 

 

88

Thiết bị cấp cứu

cái

1

 

 

 

1

 

 

89

Quả cầu ném

quả

1

 

 

1

 

 

 

90

Quả cầu đen

quả

1

 

 

1

 

 

 

91

Ra đa

cái

1

 

 

1

 

 

 

92

Thiết bị phản xạ ra đa

cái

1

 

 

1

 

 

 

93

Đèn cứu hộ khẩn cấp

cái

41

10

31

 

 

 

 

94

Đèn pin

cái

135

3

69

5

50

8

 

95

Đèn 3 tấc xạc điện

cái

433

22

26

383

 

2

 

96

Cự mã (chữ A)

cái

42

 

 

42

 

 

 

97

Máy phát điện các loại

cái

186

18

92

50

24

2

 

98

Tấm hút dầu/hóa chất

tấm

350

150

200

 

 

 

 

99

kiện

50

50

 

 

 

 

 

100

Chất thấm dầu/hóa chất

bao

55

 

55

 

 

 

 

101

Phao quay trên biển

mét

250

 

250

 

 

 

 

102

Phao quay dầu ven bờ

mét

500

 

500

 

 

 

 

103

Phao quay dầu/hóa chất

tấm

4

4

 

 

 

 

 

104

Tời chứa phao

cái

2

 

2

 

 

 

 

105

Thiết bị thu gom dầu trên biển

cái

3

 

3

 

 

 

 

106

Bơm chuyển dầu

cái

3

 

3

 

 

 

 

107

Thiết bị chứa dầu trên biển

cái

8

 

8

 

 

 

 

108

Thiết bị phun chất phân tán

cái

4

 

4

 

 

 

 

109

Thiết bị chứa dụng cụ

cái

1

 

1

 

 

 

 

110

Giấy thấm dầu tràn

thùng

50

 

50

 

 

 

 

111

Phao thấm dầu tràn

chiếc

50

 

50

 

 

 

 

112

Phao vô tuyến chỉ báo vị trí sự cố

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

113

Bộ ứng cứu nhanh xăng dầu

bộ

40

 

40

 

 

 

 

114

Máy phát thủy lực

cái

8

2

6

 

 

 

 

115

Máy fax

cái

4

 

2

1

1

 

 

116

Máy in

cái

1

 

1

 

 

 

 

117

Máy Icom các loại

cái

98

69

20

9

 

 

 

118

Máy Co Dan HF

bộ

4

 

 

4

 

 

 

119

Máy 25 HP - Yamaha

cái

1

 

 

1

 

 

 

120

Máy thu phát sóng ngắn

cái

1

 

1

 

 

 

 

121

Máy thu bản đồ thời tiết

cái

1

 

1

 

 

 

 

122

Máy định vị vệ tinh

cái

1

 

1

 

 

 

 

123

Hệ thống nhận dạng

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

124

Máy thu Navterirs

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

125

Đầu thu FM

cái

16

16

 

 

 

 

 

126

Đầu tăng âm

cái

13

13

 

 

 

 

 

127

Micro

cái

13

13

 

 

 

 

 

128

La bàn

chiếc

1

 

1

 

 

 

 

129

Máy chính CAT

cái

2

 

 

2

 

 

 

130

Pháo hiệu

cái

100

100

 

 

 

 

 

131

Máy bơm nước

máy

40

2

33

1

2

2

 

132

Mô tơ bơm nước các loại

cái

9

 

6

3

 

 

 

133

Ống nhựa

mét

50

 

50

 

 

 

 

134

Máy khoan cắt bê tông

máy

9

 

9

 

 

 

 

135

Máy bộ đàm các loại

bộ

79

 

79

 

 

 

 

136

Dcom 3G

cái

1

 

1

 

 

 

 

137

Đài radio

cái

134

56

78

 

 

 

 

138

Ti vi

cái

1

 

1

 

 

 

 

139

Bình cứu hỏa

bình

129

8

54

 

67

 

 

140

Bình bơm nhớt

bình

1

 

1

 

 

 

 

141

Vĩ dập lửa

cái

30

 

30

 

 

 

 

142

Máy bơm cứu hỏa

máy

13

 

7

4

 

2

 

143

Rựa

cái

164

 

162

2

 

 

 

144

Cuốc

cái

152

37

102

13

 

 

 

145

Xẻng

cái

234

39

110

80

5

 

 

146

Búa tạ

cái

6

6

 

 

 

 

 

147

Bao cát

cái

2.000

2.000

 

 

 

 

 

148

Xà beng

cái

39

27

12

 

 

 

 

149

Bao tải

cái

200

 

 

200

 

 

 

150

Thang nhôm

cái

1

 

1

 

 

 

 

151

Thang dây

cái

1

 

1

 

 

 

 

152

Mũ bảo hộ lao động

cái

598

49

549

 

 

 

 

153

Dây đeo an toàn toàn thân

chiếc

12

 

12

 

 

 

 

154

Bồ cào

chiếc

2

 

2

 

 

 

 

155

Câu liêm

chiếc

2

 

2

 

 

 

 

156

Khẩu trang lọc độc

chiếc

10

 

10

 

 

 

 

157

Bộ phá dỡ (búa tạ, kềm cộng lực,..)

bộ

1

 

1

 

 

 

 

158

Cáng cứu thương

cái

35

2

33

 

 

 

 

159

Ủng chữa cháy

bộ

2

 

2

 

 

 

 

160

Mũ chữa cháy

cái

2

 

2

 

 

 

 

161

Găng tay chữa cháy

bộ

2

 

2

 

 

 

 

162

Ủng đi mưa

đôi

220

24

196

 

 

 

 

163

Áo mưa bộ

bộ

686

24

607

55

 

 

 

164

Túi sơ cấp cứu

túi

71

4

67

 

 

 

 

165

Giường xếp

cái

8

 

2

 

 

3

 

166

Võng dù

cái

6

 

6

 

 

 

 

167

Trạm cứu hộ

cái

4

 

 

4

 

 

 

 

PHỤ LỤC:

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Dự án/Hoạt động/ Địa phương

Mục tiêu

Tóm tắt sơ lược

Các đầu ra mong đợi

Tổng kinh phí

Cơ quan chủ trì

quan phối hợp

 

TỔNG CỘNG:

 

 

11.374.252

 

 

A

Biện pháp phi công trình

 

 

921.390

 

 

I

Chương trình hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, thi hành pháp luật, cơ chế, chính sách

1

Rà soát các chính sách hỗ trợ phục hồi sau thiên tai

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sau thiên tai cho nhân dân.

Quy định chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp công trình hạ tầng thiệt hại do thiên tai gây ra về người, nhà ở, tài sản, công trình hạ tầng.

Văn bản được UBND tỉnh ban hành.

 

Sở Tài chính

Các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

2

Rà soát chính sách hỗ trợ vùng thường xuyên bị thiên tai.

Hỗ trợ nhân dân các vùng, địa phương thường xuyên bị thiên tai.

Hỗ trợ về xây dựng khu dân cư, nhà ở, cơ sở hạ tầng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ trang bị nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân trong mùa mưa, bão.

Văn bản được UBND tỉnh ban hành.

 

Sở Tài chính

Các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

3

Thành lập Quỹ phòng chống thiên tai.

Đảm bảo chủ động trong phòng chống, cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

Thành lập Quỹ về phòng chống thiên tai gắn liền với trách nhiệm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.

Thành lập bộ máy quản lý Quỹ; tiến hành thu Quỹ

 

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nội vụ, Tài chính, UBND các cấp

4

Xây dựng và ban hành quy chế lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch của các cấp, các ngành.

Đảm bảo công tác quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu được lồng ghép vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và các cấp, các ngành nói riêng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và trình UBND tỉnh ra quyết định ban hành quy chế quy định cụ thể công tác lồng ghép thiên tai.

Văn bản được UBND tỉnh ban hành.

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở ngành liên quan

II

Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

17.800

 

 

1

Kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Củng cố bộ máy chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo năng lực hoạt động có hiệu quả.

Quyết định kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; Quyết định phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ huy.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp

 

UBND các cấp

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

2

Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% cán bộ huyện, 40% cán bộ xã trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý thiên tai cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Có đội ngũ cán bộ chuyên trách

15.000

 

 

3

Hỗ trợ bổ sung trang thiết bị cho Văn phòng BCH PCTT và TKCN các cấp đáp ứng yêu cầu

Đảm bảo điều kiện về trang thiết bị cho BCH PCTT và TKCN huyện

Mua sắm, bổ sung các trang thiết bị: máy tính, photocoppy, máy phát điện, máy chiếu,... Cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện

14 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị đảm bảo yêu cầu công việc

2.800

UBND các huyện, thành phố

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

III

Lập và rà soát quy hoạch (tùy theo từng địa phương)

29.000

 

 

1

Rà soát, bổ sung bản đồ phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ.

Quản lý và giảm thiểu thiệt hại do lũ, lụt gây ra.

Điều chỉnh, bổ sung bản đồ ngập lũ các sông Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ, Trà Câu theo các tần suất thiết kế. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung kế hoạch quản lý hiểm hoạ lũ.

Các bản đồ phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ.

4.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

2

Rà soát, bổ sung bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

Hoàn thiện quản lý và giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, lũ ống gây ra.

Bổ sung đề xuất biện pháp phòng tránh; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về hiện trạng lũ quét và lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét trên địa bàn tỉnh do Viện Địa chất thực hiện.

Các bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

1.500

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện miền núi

3

Lập bản đồ phân vùng, đánh giá rủi ro hạn hán

Khắc phục và giảm thiểu thiệt hại hạn hán.

Lập bản đồ phân vùng và đánh giá nguy cơ hạn hán trên địa bàn tỉnh. Đề xuất giải pháp khắc phục và phòng chống.

Các bản đồ phân vùng, đánh giá rủi ro hạn hán

3.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

4

Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ

Quản lý nguy cơ lũ, lụt; chung sống an toàn với lũ.

Quy hoạch phòng chống lũ cho vùng đồng bằng ngập lũ các sông trong tỉnh. Đề xuất các biện pháp công trình và phi công trình áp dụng trong vùng ngập lũ.

Quy hoạch phòng chống lũ

8.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

5

Quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển.

Đảm bảo an toàn bờ sông, bờ biển, phòng tránh lũ, nước biển dâng.

Quy hoạch xây dựng hệ thống đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển.

3.500

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

6

Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển, ven biển.

Đảm bảo phát triển bền vững rừng phòng hộ góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai bão, lũ, hạn chế sạt lở bờ biển.

Rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển, ven biển

Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển, ven biển.

2.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện ven biển

7

Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Quản lý chặt chẽ về sử dụng đất trên địa bàn tỉnh góp phần giảm nhẹ thiên tai.

Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai

3.000

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các huyện, thành phố

8

Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Quản lý việc phát triển hạ tầng cơ sở trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là với bão, lũ, sạt lở đất, nước biển dâng.

Quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

2.000

Sở Xây dựng

UBND các huyện, thành phố

9

Rà soát, bổ sung quy hoạch giao thông ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Quản lý việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Rà soát, bổ sung quy hoạch hạ tầng giao thông ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là với bão, lũ, sạt lở đất, nước biển dâng.

Quy hoạch giao thông ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

2.000

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thành phố

IV

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cấp tỉnh.

270.000

 

 

1

Cải thiện hiệu quả và đưa ra các cảnh báo sớm

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo

Hiện đại hóa và củng cố mạng lưới quan trắc về khí tượng - thủy văn; cải thiện hệ thống dự báo quan trắc; phát triển cơ sở dữ liệu quan tắc và tra cứu hiệu quả.

Các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, chính xác

200.000

Đài KTTV Khu vực Trung Trung Bộ

Đài KTTV Quảng Ngãi và UBND các huyện, thành phố

2

Cải thiện việc đưa ra cảnh báo và thông tin liên lạc của cảnh báo

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo

Củng cố trang bị cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi đảm bảo truyền thông đa phương tiện, máy tính cấu hình cao, máy chủ mạng và hệ thống viễn thông dựa vào vệ tinh

Các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, chính xác

50.000

Đài KTTV Khu vực Trung Trung Bộ

Đài KTTV Quảng Ngãi

3

Nâng cao năng lực kỹ thuật cho nguồn nhân lực

Hỗ trợ việc đưa ra, hiểu và liên lạc các thông tin cảnh báo

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo

Đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu, có năng lực tốt

20.000

Đài KTTV Khu vực Trung Trung bộ

Đài KTTV Quảng Ngãi và UBND các huyện, thành phố

V

Nâng cao nhận thức cộng đồng

133.090

 

 

1

Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thích ứng với BĐKH

Phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Nâng cao năng lực PCTT cho các cấp chính quyền và nhân dân.

-Thành lập Nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã và tiến hành đánh giá, xây dựng kế hoạch PCTT cho xã;

- Đưa nội dung PCTT lồng ghép vào chương trình của các cấp học

- Xây dựng 02 Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai kết hợp làm Sở chỉ huy tiền phương tại 02 huyện Bình Sơn, Ba Tơ

- Cán bộ phụ trách công tác PCTT và TKCN các cấp được nâng cao năng lực;

- 50% người dân trong vùng thiên tai được tập huấn, hướng dẫn;

- 02 Trung tâm PCTT được xây dựng

128.090

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, các Sở, ngành liên quan

2

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thiên tai thông qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Tuyên truyền ý thức phòng tránh và chủ động đối phó với thiên tai.

2 buổi/tuần qua Đài PT-TH tỉnh và loa phát thanh phường, xã (mùa mưa lũ phát hàng ngày)

5.000

Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Đài KTTV tỉnh

VI

Chương trình trồng và bảo vệ rừng

62.000

 

 

 

Trồng rừng ngập mặn

Bảo vệ dân cư, chắn gió, giảm áp lực bão đối với đất liền

Trồng rừng ngập mặn với tổng diện tích 84 ha các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ

84 ha rừng ngập mặn

25.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ

 

Trồng rừng phòng hộ ven biển

Phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại huyện Đức Phổ

Trồng mới rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại huyện Đức Phổ với tổng diện tích 120 ha

120 ha rừng phòng hộ ven biển

23.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đức Phổ

 

Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn

Phòng hộ đầu nguồn

Trồng 500 ha rừng phòng hộ tại huyện Nghĩa Hành

500 ha rừng phòng hộ đầu nguồn

14.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Nghĩa Hành

VII

Tăng cường năng lực quản lý thiên tai

409.500

 

 

1

Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã.

Nâng cao năng lực quản lý thiên tai cho các cấp

Tập trung đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã.

Nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác QLTT cho các cấp tỉnh đến 14 huyện, TP và 285 xã

9.500

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

2

Tăng cường năng lực 2 cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh.

Hoàn thiện tổ chức hệ thống tìm kiếm, cứu nạn các cấp.

Tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh.

Lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn chuyên trách

250.000

Bộ chỉ huy Quân sự

Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC

4

Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Hỗ trợ nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo và quản lý thiên tai.

Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai từ tỉnh đến cấp huyện

Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, đảm bảo năng lực hoạt động

150.000

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố

6

Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Củng cố, xây dựng lực lượng tham gia công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Có đội ngũ tình nguyện viên làm công tác phòng, chống và GNTT đến cấp thôn, bản

 

Tỉnh Đoàn

Các Hội đoàn thể và UBND các huyện, thành phố

B

Biện pháp công trình

10.452.862

 

 

I

Hỗ trợ hộ nghèo ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ xây dựng nhà có gian kiên cố phòng tránh thiên tai

Hỗ trợ 3.323 hộ dân nghèo có nơi trú tránh bão, lũ an toàn tại nhà; giảm thiểu nguy cơ rủi ro

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà có gian kiên cố phòng tránh thiên tai.

3.323 hộ dân được hỗ trợ xây dựng gian nhà kiên cố có sàn bê tông cốt thép đảm bảo tránh lũ, lụt với diện tích khoảng 15 - 20 m2

160.049

Sở Xây dựng

UBND các huyện, thành phố

II

Xây dựng Khu dân cư tập trung phòng tránh thiên tai

Xây dựng các khu dân cư tập trung, đảm bảo tính bền vững, sống chung với bão, lũ nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu

Xây dựng các Khu dân cư ở vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Các khu dân cư có đầy đủ công trình hạ tầng: San nền, đường giao thông nội bộ, trường học, nhà trẻ, trạm xá, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số thiết chế khác theo nội dung tiêu chí nông thôn mới được xây dựng

477.157

 

 

1

Huyện Bình Sơn

(như trên)

Xây dựng 06 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, hỗ trợ cho 742 hộ dân

 

59.152

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Bình Sơn

2

Huyện Sơn Tịnh

(như trên)

Xây dựng 09 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, hỗ trợ cho 554 hộ dân

 

71.325

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Sơn Tịnh

3

Huyện Tư Nghĩa

(như trên)

Xây dựng 02 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, hỗ trợ cho 89 hộ dân

 

11.617

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Tư Nghĩa

4

Huyện Đức Phổ

(như trên)

Xây dựng 05 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, hỗ trợ cho 247 hộ dân

 

21.632

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Đức Phổ

5

Huyện Ba Tơ

(như trên)

Xây dựng 07 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 220 hộ dân

 

62.217

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Ba Tơ

6

Huyện Minh Long

(như trên)

Xây dựng 02 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 85 hộ dân

 

16.668

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Minh Long

7

Huyện Sơn Hà

(như trên)

Xây dựng 10 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 357 hộ dân

 

75.109

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Sơn Hà

8

Huyện Sơn Tây

(như trên)

Xây dựng 01 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 30 hộ dân

 

4.388

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Sơn Tây

9

Huyện Trà Bồng

(như trên)

Xây dựng 09 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 287 hộ dân tái định cư an toàn

 

53.103

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Trà Bồng

10

Huyện Nghĩa Hành

(như trên)

Xây dựng 08 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, hỗ trợ cho 475 hộ dân tái định cư an toàn

 

61.751

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Nghĩa Hành

11

TP Quảng Ngãi

(như trên)

Xây dựng 07 khu tái định cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, hỗ trợ cho 371 hộ dân tái định cư an toàn

 

40.195

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND thành phố Quảng Ngãi

III

Xây dựng công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn

5.815.656

 

 

1

Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham

Nâng cao năng lực tưới, cung cấp nước cho hệ thống, phục vụ phòng, chống hạn

Sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham hóa hệ thống kênh

Nâng cấp hệ thống, đảm bảo tưới 37.700 ha, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho Khu kinh tế Dung Quất và các huyện đồng bằng, cấp nước nuôi trồng thủy sản 2.980ha

1.533.800

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND tỉnh

2

Sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 36 hồ chứa nước, trong đó có 20 hồ chứa nước được (WB8) tài trợ

An toàn hồ chứa nước và nâng cao hiệu quả khai thác

 

36 hồ chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng được nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn

790.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các huyện, thành phố

3

Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn (2016-2020)

Tiết kiệm nước, góp phần thực hiện Kế hoạch xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi

 

Kiên cố hóa 346,139 km kênh loại III trên địa bàn 41 xã

418.016

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

4

Chỉnh trị các cửa sông thuộc lưu vực cửa Đại, sông Trà Khúc (giai đoạn I)

Chỉnh trị, tiêu thoát lũ

 

Chống bồi lấp, xói lở các cửa sông thuộc khu vực cửa Đại

220.140

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND thành phố Quảng Ngãi

5

Kênh tiêu Đức Thắng - Đúc Phong - Đức Minh

Tiêu úng, thoát lũ

 

Tiêu úng khu dân cư và 1.653ha đất canh tác

40.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Mộ Đức

6

Đê kè Đức Lợi

Chống sạt lở bờ sông, bờ biển

 

Quy mô: Chiều dài đê, kè L = 6.000m; 16 công trình qua đê, kè

510.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Mộ Đức

7

Kè chống sạt lở bờ biển khu du lịch Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ

Chống sạt lở bờ biển

 

Chiều dài đê, kè L= 2.271m

172.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Đức Phổ

8

Đê, kè chống sạt lở, bồi lấp khu vực cửa Đại sông Trà Khúc

Chống sạt lở bờ biển, chống bồi lấp cửa sông

 

Đê ngăn cát giảm sóng L=725m; kè bảo vệ bờ L=500m; nạo vét thông luồng sông Kinh L=700m

220.140

Sở Nông nghiệp và PTNT

Thành phố Quảng Ngãi

9

Đê Phổ Minh

Chống sạt lở bờ biển

 

Xây dựng 4.500m đê, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất

80.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Đức Phổ

10

Đập ngăn mặn sông Trà Bồng

Ngăn mặn, giữ ngọt

 

Đập Bình Dương và đập Bình Phước có L = 281,6m. Ngăn mặn 650 ha

250.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Bình Sơn

11

Đê kè Tịnh Kỳ

Chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

 

Xây dựng 3.500m đê, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất

189.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Thành phố Quảng Ngãi

12

Đê kè Nghĩa Hiệp

Chống sạt lở bờ sông

 

Xây dựng 3.500m đê, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất

177.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Tư Nghĩa

13

Đê Phổ Thạnh

Chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất

 

Xây dựng 2.500m đê, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất

126.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Đức Phổ

14

Kè chống sạt lở bờ biển thôn An Cường

Chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

 

Xây dựng 840m kè, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

77.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Bình Sơn

15

Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện

Chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

 

Xây dựng 2.500m kè, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

344.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Bình Sơn

16

Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức

Chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

 

Xây dựng 2.500m kè, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư, đất sản xuất

428.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Đức Phổ

17

Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn

Đảm bảo nước sạch cung cấp cho nhân dân, các giải pháp về vệ sinh môi trường đảm bảo góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch bệnh sau thiên tai

 

95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% số hộ có hố xí hợp vệ sinh; 100% số trạm xá, trường học có nước sạch…

97.960

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các huyện, thành phố

18

Cải tạo nâng cấp hệ thống thu trữ nước tưới tiết kiệm cho nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho huyện đảo Lý Sơn

Cải tạo nâng cấp hệ thống thu trữ nước tưới tiết kiệm cho nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt

Cấp nước sinh hoạt cho 3000 người; tưới tiết kiệm 133 ha

Nước sạch sinh hoạt và nước tưới được cung cấp cho người dân và sản xuất

142.600

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Lý Sơn

IV

Xây dựng các tuyến giao thông vượt lũ kết hợp phục vụ cứu hộ, cứu nạn trong mưa, lũ

 

3.300.000

 

 

1

Đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện khu vực phía Tây Quảng Ngãi

Đảm bảo nhu cầu giao thông, đảm bảo yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng Tây Quảng Ngãi

Nâng cấp tuyến Ba Tơ - Minh Long - Sơn Kỳ (giai đoạn 2), Tây Trà - Di Lăng…

49km đường giao thông thường xuyên bị lầy lội, khó khăn được nhựa hóa, cứng hóa

300.000

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Tây Trà,...

2

Xây dựng mới Cảng Bến Đình (Lý Sơn)

Đảm bảo an toàn giao thông thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn và kết hợp neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão an toàn

Xây dựng mới Cảng đường thủy đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai

01 Cảng mới, an toàn

200.000

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện Lý Sơn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi

3

Sửa chữa, nâng cấp bến tàu đảo Bé (Lý Sơn)

Đảm bảo an toàn giao thông thủy nội địa đảo Bé - đảo Lớn (Lý Sơn) và kết hợp neo đậu tàu, thuyền an toàn

Sửa chữa, nâng cấp bến tàu đảm bảo an toàn cập bến, neo đậu

01 bến tàu an toàn

100.000

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện Lý Sơn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi

4

Cầu Cửa Đại

Kết hợp phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho các xã khu vực phía Đông thành phố Quảng Ngãi

Xây dựng mới cầu kết nối hai bờ sông Trà Khúc khu vực phía Đông thành phố Quảng Ngãi

01 cầu mới, an toàn cho cứu hộ, cứu nạn

2.300.000

Sở Giao thông vận tải

UBND thành phố Quảng Ngãi

5

Đường Tịnh Phong - Dung Quất

Kết hợp phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho các xã khu vực phía Đông huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi

Tuyến đường vượt lũ, an toàn

Đường mới, vượt lũ

400.000

Sở Giao thông vận tải

UBND huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi

V

Xây dựng cảng neo trú tàu thuyền tránh trú bão

 

700.000

 

 

1

Cảng Sa Cần (Giai đoạn II)

Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai trên biển

Xây dựng cảng neo trú tàu thuyền Sa Cần tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn

Cảng kiên cố, bảo đảm có nơi neo đậu an toàn cho 800 tàu thuyền với tổng công suất 4000 CV

150.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Bình Sơn

2

Cảng Sa Huỳnh

Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai trên biển

Xây dựng cảng neo trú tàu thuyền Sa Huỳnh tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ

Cảng kiên cố, bảo đảm có nơi neo đậu an toàn cho 500 tàu thuyền với tổng công suất 4000 CV

150.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Đức Phổ

3

Cảng cá kết hợp neo trú tàu thuyền Cổ Lũy

Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai trên biển

Xây dựng cảng cá kết hợp làm nơi neo trú tàu thuyền Cổ Lũy tại xã Nghĩa Phú và xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi

Cảng kiên cố, bảo đảm có nơi neo đậu an toàn cho 100 tàu thuyền với tổng công suất 5000 CV; 12.000 tấn cá/năm

200.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND thành phố Quảng Ngãi

4

Hoàn thiện hệ thống công trình cụm Cảng cá sông Trà Bồng

Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai trên biển

Xây dựng tuyến neo đậu tàu thuyền, kè chắn cát cảng cá sông Trà Bồng

Bến kiên cố, bảo đảm có nơi neo đậu an toàn cho 50 tàu thuyền với tổng công suất 2000 CV

200.000

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện Bình Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 980/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 980/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản