Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 30 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO CON LIỆT SỸ, CON THƯƠNG BINH NẶNG, BỆNH BINH NẶNG Ở TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng;

Căn cứ Nghị quyết số 192/2007/NQ-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2007 của HĐND tỉnh Nghệ An về việc thông qua một số chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng ở Nghệ An đến năm 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1205/LĐTBXH -NCC ngày 22 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành một số chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng ở Nghệ An đến năm 2010, như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

a) Con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng (có tỷ lệ mất sức 81% trở lên) có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chưa được đào tạo nghề nghiệp; chưa có việc làm ổn định.

b) Các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh trực tiếp đào tạo nghề cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên (trong văn bản này gọi tắt là các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh).

c) Các cơ quan trong hệ thống chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp nhận lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên (trong văn bản này gọi tắt là cơ quan, đơn vị tuyển dụng lao động).

2. Một số cơ chế chính sách:

a) Về đào tạo nghề:

- Đối với người học nghề là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về giáo dục và đào tạo theo quy định của Nhà nước hiện hành; đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh như sau:

+ Được ưu tiên thi tuyển, xét tuyển vào học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh;

+ Không thu học phí trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thời gian tối đa không quá 12 tháng (kể cả giáo dục định hướng và học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động);

+ Được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh (tại Ngân hàng Chính sách xã hội) để chi phí trong thời gian học nghề; mức vay vốn tối đa không quá 05 triệu đồng /người.

- Đối với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh:

+ Có trách nhiệm ưu tiên tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên trong chỉ tiêu kế hoạch chung về đào tạo nghề của đơn vị hàng năm được tỉnh giao;

+ Được tỉnh cấp bù học phí phần không thu học phí của đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên.

b) Về giải quyết việc làm:

- Đối với người lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên:

+ Được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm hoặc đi xuất khẩu lao động; mức vay tối đa 20 triệu đồng /người;

+ Được ưu tiên tiếp nhận, bố trí việc làm đúng ngành nghề đào tạo trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh;

+ Được ưu tiên tuyển dụng, bố trí việc làm đúng trình độ, ngành nghề đã đào tạo trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

- Đối với các cơ quan, đơn vị tuyển dụng lao động:

+ Doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 chưa được đào tạo nghề ngắn hạn hoặc dài hạn vào làm việc lâu dài tại doanh nghiệp thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/người, tối đa không quá 6 tháng;

+ Doanh nghiệp sử dụng lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 nói trên có số lượng từ 20% trở lên trên tổng số lao động của doanh nghiệp đang sử dụng thì được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh (tại Ngân hành Chính sách xã hội) theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt, tối đa không quá 300.000.000 đồng/dự án (ba trăm triệu đồng).

Điều 2. Cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí:

2.1. Đối với kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề (kể cả giáo dục định hướng và học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động):

- Căn cứ vào kế hoạch, dự toán hàng năm về đào tạo nghề (trong đó có chính sách hỗ trợ cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1) đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính chuyển nguồn về Sở Lao động TB &XH để phân bổ cho các đơn vị thực hiện theo chính sách;

- Sở Lao động TB &XH chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu đào tạo nghề đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 cho các cơ sở dạy nghề của tỉnh; kiểm tra kết quả đào tạo nghề cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 tại các doanh nghiệp; thẩm tra việc thực hiện và cấp phát kinh phí, thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

2.2. Đối với kinh phí hỗ trợ giải quyết việc làm:

- Căn cứ vào khả năng ngân sách, hàng năm tỉnh bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 theo kế hoạch do Sở Lao động TB &XH trình UBND tỉnh quyết định, Sở Tài chính chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý cho vay ưu đãi theo quy định;

- Lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 và cơ quan, đơn vị tuyển dụng lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 làm hồ sơ thủ tục có xác nhận của cơ sở, huyện và thẩm định của Sở Lao động TB &XH để chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi theo quy định.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Lao động - TB&XH:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 trình UBND tỉnh phê duyệt; giao chỉ tiêu và chỉ đạo kiểm tra các cơ sở đào tạo nghề thực hiện;

- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo quy định;

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp về tuyển dụng lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan giúp UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Nội vụ:

- Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò về ưu tiên xét tuyển, bố trí lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 theo chính sách của Đảng, Nhà nước và Quyết định này;

- Phối hợp với Sở Lao động TB &XH thẩm định và phê duyệt tuyển dụng lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 vào các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh theo thẩm quyền.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì và phối hợp với Sở Lao động TB &XH xây dựng dự toán cấp phát và thanh kiểm tra kinh phí hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm theo quy định.

4. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh:

Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và Sở Lao động TB &XH thẩm định để người lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 được vay vốn chi phí học nghề và giải quyết việc làm (kể cả đi xuất khẩu lao động).

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các xã, phường, thị trấn:

- Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 đến tận các cơ sở và người lao động.

- Xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 trong địa phương mình và báo cáo về Sở Lao động TB &XH biết để tổng hợp làm căn cứ lập kế hoạch chung toàn tỉnh;

- Ưu tiên tuyển chọn và bố trí cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 vào làm việc tại các đơn vị trong hệ thống chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp từ huyện đến cơ sở.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 về địa điểm và vay vốn để tự tạo việc làm.

6. Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh:

Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và Sở Lao động TB &XH để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 vào đào tạo nghề tại cơ sở mình; thực hiện đầy đủ chỉ tiêu đào tạo nghề cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 mà Sở Lao động TB &XH giao hàng năm.

7. Các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh:

Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và Sở Lao động TB &XH để ưu tiên tiếp nhận, bố trí lao động là đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 vào làm việc tại cơ sở mình; xây dựng dự án giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 trình Sở Lao động TB &XH thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm theo quy định.

8. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Sở Lao động TB &XH để tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc điểm a, khoản 1, Điều 1 theo quy định của Nhà nước và Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động -TB&XH, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh; Các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ky

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 98/2007/QĐ-UBND về một số chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, bệnh binh nặng ở tỉnh Nghệ An đến năm 2010

  • Số hiệu: 98/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hoàng Ky
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 13/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản