Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 968/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Thanh tra) là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của Bộ trưởng, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

3. Thanh tra có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Ministry Inspectorate, viết tắt là MI.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

2. Chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ; hướng dẫn xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ trình Bộ trưởng ban hành.

3. Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ.

4. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ:

a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động; việc làm; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (trừ nội dung thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và đối tượng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế;

b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

c) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về trẻ em trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;

d) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội;

đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội;

e) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bình đẳng giới trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;

g) Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội khi được Bộ trưởng giao.

5. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; thanh tra công vụ; thanh tra việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

6. Thanh tra về nội dung có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

7. Thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc khác và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, của Bộ, ngành liên quan khi được Bộ trưởng giao.

8. Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết theo quy định của pháp luật.

9. Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra Sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

10. Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

11. Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

12. Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

13. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

14. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và công chức làm công tác thanh tra thuộc Bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

15. Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

16. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Chánh Thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng.

17. Thực hiện nghiên cứu khoa học; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo phân công của Bộ.

18. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định; tổng kết kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

19. Thực hiện hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế theo sự phân công của Bộ.

20. Quản lý công chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

21. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Thanh tra có Chánh Thanh tra, không quá 03 Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

2. Các phòng chức năng:

a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;

b) Phòng Thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

c) Phòng Tiếp dân và xử lý đơn, thư;

d) Phòng Thanh tra Chính sách người có công;

đ) Phòng Thanh tra Chính sách về trẻ em và xã hội;

e) Phòng Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra;

g) Phòng Thanh tra lao động và bảo hiểm xã hội.

Điều 4. Chánh Thanh tra có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và quan hệ công tác của Thanh tra; quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức và người lao động thuộc quyền quản lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Thanh tra có con dấu, tài khoản riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 898/QĐ-LĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra.

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Thanh tra và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu: VT, VTCCB(5).

BỘ TRƯỞNG





Đào Ngọc Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 968/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

  • Số hiệu: 968/QĐ-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/07/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Ngọc Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản