Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 954/QĐ-UBND | Kiên Giang, ngày 17 tháng 4 năm 2020 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;
Căn cứ Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;
Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 147/TTr-SNNPTNT ngày 07/4/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; các chủ tàu cá, thuyền trưởng và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
XỬ LÝ TÀU CÁ VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN VÀ CÁC HÀNH VI VI PHẠM KHÁC PHÁT HIỆN QUA HỆ THỐNG GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy trình này quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài và các hành vi vi phạm khác phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình; trách nhiệm điều tra, xác minh, xử lý và việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
2. Đối tượng áp dụng
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang).
- Chi cục Thủy sản.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
- Công an tỉnh.
- UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam (trong đó có các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU thuộc các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm chính trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện).
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung cấp lắp đặt, sử dụng, dữ liệu, dịch vụ giám sát tàu cá.
- Các chủ tàu, người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản và tàu hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tổ chức đưa tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
1. Nguồn tiếp nhận thông tin
a) Qua phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) chính thông; phản ánh của người dân, chính quyền địa phương (khi có căn cứ).
b) Qua các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương gồm: Sở Ngoại vụ, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biên, Kiêm ngư Trung ương, Tổng cục Thủy sản...
c) Qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá/Chi cục Thủy sản.
2. Các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm:
a) Vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản: Là hành vi “Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn" (điểm b, khoản 3, Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ);
b) Mất tín hiệu (tắt) kết nối thiết bị giám sát hành trình: Là hành vi không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển (điểm d, khoản 2, Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ);
c) Không thực hiện việc cảnh báo: Là việc không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng đưa tàu cá trở về vùng biển Việt Nam khi phát hiện tàu cá đã vượt ranh giới biển, đưa tàu khỏi khu vực cấm khai thác, vùng khai thác phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình và không mở kết nối thiết bị giám sát hành trình.
3. Khai thác thủy sản: Là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (khoản 18, Điều 3, Luật Thủy sản năm 2017).
4. Hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là hoạt động thăm dò, tìm kiếm dẫn dụ, vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên (khoản 19, Điều 3, Luật Thủy sản năm 2017).
5. Tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu: Là việc tiếp nhận và cung cấp thông tin lại cho các bộ phận, đơn vị có liên quan.
6. Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm: Là việc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo quy định của pháp luật tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Dấu hiệu vi phạm: Là việc phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá đang hoạt động trong khu vực cấm khai thác, vùng khai thác do vận tốc hành trình và thời gian hoạt động không phù hợp.
8. Danh sách “đen”: Là danh sách chủ tàu có tàu cá đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản hoặc tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài trái phép để khai thác thủy sản.
9. Tàu cá có nguy cơ vi phạm: Là tàu cá của chủ tàu đã có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và những tàu đã có cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền.
10. Giám sát đặc biệt: Là việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra các thủ tục hành chính, kiểm tra hoạt động của tất cả tàu cá thuộc quyền sở hữu của chủ tàu năm trong danh sách "đen" qua hệ thống giám sát hành trình và việc kiểm soát của các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng.
Điều 3: Quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện
1. Bước 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin
a). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp nhận thông tin ban đầu từ các nguồn quy định tại điểm a, b, khoản 1, Điều 2 thì tiến hành xử lý trên hệ thống Văn phòng điện tử hoặc bằng văn bản chuyển đến Chi cục Thủy sản để bổ sung thêm thông tin chi tiết và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh (Tổ giúp việc) để theo dõi.
b). Chi cục Thủy sản: Tiếp nhận thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bổ sung thêm thông tin liên quan đến tàu cá vi phạm nhu: Tên chủ tàu, địa chỉ, điện thoại, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản truy xuất vị trí tọa độ hành trình trên hệ thống giám sát tàu cá từ khi bắt đầu chuyến biển đến khi mất kết nối. Ban hành thông báo (chấp nhận qua hộp thư điện tử/ Zalo, cung cấp bản chính sau) đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tổ chức điều tra, xác minh, xử lý và Tổ giúp việc biết để theo dõi việc thực hiện (thời gian thực hiện là 01 ngày).
- Đối với thông tin nhận từ nguồn quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 2 do đơn vị mình phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành vào sổ trực ban để làm cơ sở bàn giao giữa các ca trực, điện thoại đến chủ tàu nhắc nhở hành vi vi phạm, yêu cầu liên lạc với tàu cá thực hiện khắc phục các nội dung nhắc nhở (tàu cá đã vượt ranh giới biển, vi phạm khu vực cấm khai thác, vùng khai thác, tắt kết nối thiết bị giám sát hành trình); đồng thời ban hành văn bản yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị kiểm tra, xác minh cụ thể lý do mất kết nối của thiết bị được lắp trên tàu cá đó. Nếu sau 04 giờ tàu cá chưa thực hiện việc nhắc nhở thì Trực ban báo cáo cho lãnh đạo đơn vị biết (Trung tâm Đăng kiểm); nếu sau 06 giờ tàu cá vẫn chưa thực hiện việc nhắc nhở thì ban hành văn bản cảnh báo yêu cầu chủ tàu thực hiện các nội dung đã nhắc nhở; đồng thời, đưa vào danh sách “đen” để theo dõi, giám sát đặc biệt.
- Trường hợp xác định mất kết nối do hỏng máy thì yêu cầu chủ tàu thông báo với thuyền trưởng định kỳ báo vị trí tàu cá 06 giờ/lần bằng các thiết bị thông tin liên lạc khác về Trực ban của Trung tâm Đăng kiểm/Chi cục Thủy sản để theo dõi và cập nhật thông tin từ các đơn vị liên quan cho đến khi tàu cá về bờ để xử lý theo quy định. Trường hợp tàu cá không chấp hành cảnh báo và không liên lạc được sau 10 ngày kể từ khi phát hiện tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển, Trực ban tham mưu lãnh đạo đơn vị thông báo cho Ban Quản lý Cảng cá và lực lượng Bộ đội Biên phòng biết, để khi tàu về bờ tiến hành xử lý theo quy định và thông báo cho các lực lượng quản lý vùng khơi biết để kiểm tra, kiểm soát trên biển.
c). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tiếp nhận thông tin từ Chi cục Thủy sản, ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và đồn, trạm biết. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu người có thẩm quyền xử lý theo quy định.
d). Công an tỉnh: Tiếp nhận thông tin từ Chi cục Thủy sản, ban hành văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố phối hợp thực hiện việc điều tra, xác minh.
đ). UBND các huyện, thành phố: Khi tiếp nhận thông tin từ Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ban hành văn bản chỉ đạo cho các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan phối hợp thực hiện việc điêu tra, xác minh, xử lý khi có yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục theo dõi việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính và quản lý đối tượng đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
2. Bước 2: Điều tra, xác minh và xử lý vi phạm
a). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh và xử lý vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 nhận từ nguồn thông tin quy định tại điểm a, b, khoản 1, Điều 2 đã được Chi cục Thủy sản bổ sung chi tiết.
- Thành phần gồm: Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương cấp huyện, xã (khi cần thiết);
- Phương pháp: Xác định nội dung cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; lực lượng Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức điều tra, xác minh, các thành viên khác có trách nhiệm phối hợp, chấp hành sự phân công của người được giao nhiệm vụ điều tra, xác minh.
- Thời gian: Chậm nhất 30 ngày làm việc. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài thêm nhưng không quá 60 ngày làm việc.
* Một số trường hợp cụ thể:
- Chủ tàu/người điều khiển tàu đã thừa nhận hành vi vi phạm thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Chủ tàu/người điều khiển tàu đã thừa nhận hành vi vi phạm, nhưng xác định tàu cá đã bị tịch thu, phá hủy không đưa tàu về được thì lập biên bản vi phạm hành chính, tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với chủ tàu, buộc đưa thuyền viên về nước và thực hiện xóa đăng ký tàu cá theo quy định.
- Chủ tàu/người điều khiển tàu không thừa nhận tàu cá vi phạm do có đủ chứng cứ ngoại phạm thì báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh đưa ra khỏi danh sách tàu cá vi phạm; trường hợp chứng cứ chưa đủ để kết luận hành vi vi phạm thì báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và tiếp tục thu thập thêm chứng cứ xử lý theo quy định pháp luật.
b). Chi cục Thủy sản: Chủ trì xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh đối với hành vi quy định tại điểm b, c, khoản 2, Điều 2 nhận từ nguồn thông tin quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 2.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình xác định nguyên nhân thiết bị không hoạt động nhằm củng cố chứng cứ, truy xuất về thời gian, vận tốc, vị trí tọa độ hành trình trên hệ thống giám sát tàu cá từ khi bắt đầu chuyến biển đến khi có dấu hiệu vượt ranh giới biển, khai thác khu vực cấm, khai thác sai vùng, mất kết nối. Tiến hành mời chủ tàu đến làm việc xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định.
- Thành phần gồm: Chi cục Thủy sản, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương (khi cần thiết).
- Phương pháp: Chi cục Thủy sản chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của chủ tàu, quy định của pháp luật sẽ áp dụng để xử lý. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức họp với các thành viên thảo luận đi đến thống nhất, quyết định việc xử phạt.
- Thời gian hoàn thành một vụ việc: Thực hiện theo quy định của pháp luật.
* Một số trường hợp cụ thể:
- Trường hợp mất kết nối thiết bị giám sát hành trình sau 10 giờ mà không liên lạc được thì phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị xác định nguyên nhân, tiến hành xác minh thêm một số chứng cứ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 1,2, Điều 20 và điểm b, khoản 2, Điều 35 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trường hợp tàu cá vượt biên giới biển trên 05 hải lý và sau 06 giờ cảnh báo mà không thực hiện đưa tàu về vùng biển Việt Nam thì mời chủ tàu đến làm việc xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20 và điểm b, khoản 2, Điều 35 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trường hợp tàu cá có dấu hiệu vi phạm khu vực cấm, vùng cấm khai thác nếu thời gian, vận tốc hành trình, vị trí tọa độ không phù hợp và sau 06 giờ không thực hiện việc cảnh báo thì mời chủ tàu làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định tại Điêu 7, Điều 21, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trường hợp mất kết nối thiết bị giám sát hành trình mà xác định nguyên nhân do thiết bị không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định thì xử phạt vi phạm hành chính với đơn vị cung cấp thiết bị theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
c). Công an tỉnh: Trong quá trình tham gia điều tra, xác minh theo dõi các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đưa vào danh sách những trường hợp có đủ yếu tố để khởi tố hình sự.
d). UBND các huyện, thành phố: Trong quá trình tham gia điều tra, xác minh lập danh sách các trường hợp vi phạm tại địa phương mình để theo dõi giám sát. Trong trường hợp được người có thẩm quyền giao thì tiến hành điều tra, xác minh xử lý những trường hợp tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý.
đ. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam: Khi phát hiện các hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.
3. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện
a). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Báo cáo cho Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh thông qua Tổ giúp việc, Chi cục Thủy sản các nội dung sau:
- Kết quả điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp thuộc hành vi quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 bao gồm số vụ do lực lượng Bộ đội Biên phòng xử lý và số vụ do lực lượng Bộ đội Biên phòng tham mưu, số vụ đang còn điều tra, xác minh; số vụ đã xử lý theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
- Các trường hợp đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đủ điều kiện đề nghị Chi cục Thủy sản lập danh sách gửi Tổng cục Thủy sản đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách IUU.
b). Chi cục Thủy sản: Báo cáo kết quả xử lý do cơ quan mình thực hiện (thống kê theo hành vi); danh sách “đen” do đơn vị lập; đồng thời, tổng hợp các báo cáo do các đơn vị, địa phương chuyển đến và lập danh sách tàu cá Kiên Giang đề nghị Tổng cục Thủy sản đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách IUU gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Tổ giúp việc).
c). Công an tỉnh báo cáo đến: Thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh nội dung tình hình tàu cá có khả năng bị khởi tố hình sự và kết quả điều tra tàu cá đang tiến hành khởi tố hình sự.
d). UBND các huyện báo cáo đến: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Tổ giúp việc, Chi cục Thủy sản) nội dung tình hình tàu cá của địa phương có khả năng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài và kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản do địa phương thực hiện
đ). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan biết.
* Mốc thời gian báo cáo: Các đơn vị thực hiện báo cáo vào ngày 25 hàng tháng và báo cáo đột xuất theo yêu cầu; đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo vào ngày 30 hàng tháng.
4. Bước 4: Kiểm tra, giám sát
Thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh có trách nhiệm tham mưu Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc điều tra, xác minh và xử lý của các lực lượng chức năng, địa phương.
Điều 4: Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc (Chi cục Thủy sản, Tổ giúp việc) thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy trình này và chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 để giám sát chung tình hình tàu cá Kiên Giang hoạt động trên biển.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tổ chức trực ban 24/24 để giám sát chung tình hình tàu cá Kiên Giang hoạt động trên biển và chỉ đạo các phòng, ban, đồn, trạm kiểm soát trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy trình này.
3. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân của tỉnh Kiên Giang đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá để buôn lậu, vượt biên trái phép.
4. UBND cấp huyện, xã: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản đến chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân sống trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi có yêu cầu.
5. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công và thông tin từ Chi cục Thủy sản, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, vùng khơi nhằm ngăn chặn kịp thời tàu cá vi phạm biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Thông báo đầy đủ, kịp thời thông tin, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý và kết quả xử lý của mình trong quá trình tuần tra, kiểm soát.
6. Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chủ tàu cá để kiểm tra xác định nguyên nhân thiết bị giám sát tàu cá không hoạt động và thực hiện đầy đủ các cam kết với chủ tàu cá về bảo hành, sửa chữa hoặc thay mới thiết bị.
7. Chủ tàu cá, thuyền trưởng: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan xác định nguyên nhân thiết bị giám sát tàu cá không hoạt động; tàu cá hoạt động tại khu vực cấm khai thác, hoạt động sai tuyến; tàu cá vượt ranh giới trên biển...
Điều 5: Các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xem xét khen thưởng; nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện không đúng Quy trình, để xảy ra sai phạm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2018 về tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Ninh Thuận khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài
- 2Quyết định 07/2020/QĐ-UBND năm 2020 quy định về phối hợp khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau
- 3Quyết định 960/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá tỉnh Bình Thuận
- 4Quyết định 2563/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế quản lý lắp đặt, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình; khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá; xử lý tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Thủy sản 2017
- 3Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
- 4Chỉ thị 45/CT-TTg năm 2017 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2018 về tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Ninh Thuận khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài
- 6Quyết định 07/2020/QĐ-UBND năm 2020 quy định về phối hợp khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau
- 7Quyết định 960/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá tỉnh Bình Thuận
Quyết định 954/QĐ-UBND năm 2020 về Quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- Số hiệu: 954/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/04/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Phạm Vũ Hồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/04/2020
- Ngày hết hiệu lực: 13/10/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra