Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 945/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;
Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017;
Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Phát triển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường) thành trường đại học đào tạo, nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực đạt trình độ và chất lượng chuẩn quốc gia, một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại Trường.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức và nhân sự của Trường theo mô hình trường đại học tiên tiến, định hướng ứng dụng; thực hiện quản trị đại học theo các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện; bảo đảm năng lực quản trị, lãnh đạo và quản lý hiệu quả, phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh của Trường;
b) Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực và trình độ giảng dạy, nghiên cứu đạt chuẩn quốc gia, một số đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nước ngoài.
c) Phát triển các ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo ở các trình độ trên cơ sở chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam; thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định và hướng tới được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận;
d) Phát triển quy mô đào tạo hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội; mở rộng chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài và đào tạo theo đặt hàng;
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo môi trường quốc tế trong hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của Trường; đẩy mạnh trao đổi sinh viên và giảng viên với các cơ sở đào tạo ở các nước trong khu vực và trên thế giới; thu hút và lựa chọn sinh viên, giảng viên người nước ngoài đến học tập và giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường;
e) Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đất đai và cơ sở vật chất; kinh phí của Nhà nước cấp, nguồn tài chính của Trường; huy động tối đa các nguồn lực xã hội; xây dựng cơ chế quản lý tài chính tiên tiến, minh bạch, bảo đảm năng lực tài chính vững mạnh để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển Trường một cách toàn diện;
g) Thực hiện trách nhiệm xã hội của trường đại học công lập, thông qua các chính sách cấp học bổng, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên là đối tượng chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường.
II. NỘI DUNG ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG
Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung sau đây:
1. Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học:
a) Quyết định quy mô đào tạo, quyết định mở ngành, dừng mở ngành trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV hiện hành (gọi tắt là Danh mục đào tạo) và thí điểm mở ngành ngoài Danh mục đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển Trường;
b) Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định; tổ chức tuyển sinh theo đề án của Trường, phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định;
c) Quyết định chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, ngôn ngữ giảng dạy, hình thức đào tạo, cách thức kiểm tra đánh giá, tổ chức và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật; bảo đảm chuẩn đầu ra đã cam kết và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;
d) Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; từng bước thực hiện kiểm định quốc tế; cam kết chuẩn chất lượng đầu ra quy định đối với từng chương trình đào tạo;
đ) Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước; quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới theo quy định của pháp luật; công khai các chương trình đào tạo liên kết, cơ sở liên kết, địa điểm liên kết và các điều kiện bảo đảm chất lượng;
e) Quyết định hoạt động khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ;
g) Thực hiện cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.
2. Về tổ chức bộ máy, nhân sự:
a) Thành lập Hội đồng trường theo quy định; ban hành quy chế làm việc của Hội đồng trường, trong đó phân định rõ chức năng của Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu, Đảng ủy bảo đảm phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng trường; Hội đồng trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương phê chuẩn;
b) Quyết định thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy; xây dựng đề án thành lập Trường Cao đẳng Việt Nhật trực thuộc Trường, đào tạo các ngành nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;
c) Quyết định tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng Trường thông qua; quyết định việc ký kết, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;
d) Quyết định việc giao kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước; bổ nhiệm, tuyển dụng ứng viên trong và trên độ tuổi lao động để thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo, quản lý của Trường (theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường), đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
3. Về Tài chính
a) Học phí:
- Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy trong thời gian thí điểm như sau:
Đơn vị: Triệu đồng/sinh viên/năm học
Nội dung | Năm học | ||
2017-2018 | 2018-2019 | 2019-2020 | |
Mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) | 14,00 | 16,00 | 17,50 |
- Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của các chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo quy định tại Quyết định này;
- Trường quyết định mức trần học phí đối với: trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng 0,8 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo;
- Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần, học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ; mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
b) Thu sự nghiệp:
Trường thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí. Khoản thu từ các hoạt động này được công khai theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
c) Thành lập Quỹ hiến tặng:
Trường được thành lập quỹ hiến tặng theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện và quyết định việc sử dụng các quỹ này cho mục đích giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.
d) Tiền lương, thu nhập
- Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, Trường quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định, theo Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công việc được thực hiện;
- Trường quyết định mức lương và thu nhập khi ký kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.
đ) Sử dụng nguồn thu:
- Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của Trường để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;
- Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại của Trường được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch thu chi), Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ khoa học - công nghệ và các quỹ hỗ trợ sinh viên theo quy định của pháp luật;
- Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp được gửi tại ngân hàng thương mại; toàn bộ tiền lãi tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.
4. Chính sách học bổng, học phí đối với người học:
a) Trường xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc và sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
b) Trường hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với mức học phí dùng để tính tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí của Nhà nước cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo quy định của pháp luật kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
5. Về đầu tư, mua sắm:
a) Chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác, trong đó có nguồn vốn tín dụng của Nhà nước và các tổ chức tín dụng để quyết định và chịu trách nhiệm về chủ trương, kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa nhằm phát triển tổng thể cơ sở vật chất của Trường theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế;
b) Quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của Trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ (cho thuê tài sản để sử dụng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và hỗ trợ sinh viên) phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và theo quy định của pháp luật;
c) Được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước; được tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình đào tạo trọng điểm, chương trình khoa học công nghệ;
d) Được nhà nước xem xét hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng và được ưu tiên vay từ các nguồn vốn ưu đãi khác để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển Trường theo quy định.
6. Về cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình:
a) Trường có trách nhiệm xây dựng và công khai phương án tổ chức thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trong toàn Trường;
b) Trường sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế bảo đảm công khai minh bạch; kiện toàn Hội đồng trường là cấp có thực quyền trong hoạt động quản trị Trường, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ, theo đúng quy định tại Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan. Hội đồng trường quyết định về chiến lược và phương hướng hoạt động của Trường; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động và việc triển khai thực hiện Quyết định này;
c) Trường xây dựng và công khai Quy chế tổ chức hoạt động, Quy chế tài chính (Quy chế chi tiêu nội bộ), Quy chế sử dụng tài sản, Quy chế dân chủ cơ sở và các văn bản về quy trình, quy định quản lý nội bộ trong các lĩnh vực về hoạt động tự chủ về đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự của nhà trường. Các quy định, quy chế được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Trường khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung và được thông qua tại Hội nghị Đại biểu công chức, viên chức của Trường;
d) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các nội dung thực hiện tự chủ;
đ) Thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo định kỳ, báo cáo quyết toán hàng năm của Trường; chịu trách nhiệm thuyết minh, giải trình trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ của Trường;
e) Thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Trường về các nội dung: sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu giáo dục và các giá trị cốt lõi, định hướng phát triển nhà trường; cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo; các điều kiện bảo đảm/chất lượng; các kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp hàng năm; quy chế tài chính nội bộ; mức học phí và các khoản thu khác của sinh viên cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ chính sách học bổng, học phí và miễn, giảm học phí; các nội dung khác liên quan đến thực hiện tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của nhà trường;
g) Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính của đơn vị; tổ chức, thực hiện quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật; cam kết và chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
7. Trường thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản khác có liên quan..
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, ngành, địa phương có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ Trường trong quá trình triển khai Quyết định này.
2. Các cơ quan nhà nước có liên quan tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Trường để hoàn thành dự án đầu tư xây dựng và phát triển Trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 1924/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 455/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 486/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2020 quy định về cơ chế đặc thù của Trường Đại học Việt Nhật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 288/TB-BGTVT kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai 3 tháng cuối năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 3Luật giáo dục đại học 2012
- 4Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 do Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 70/2014/QĐ-TTg về Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 7Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 8Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021
- 9Quyết định 1924/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 455/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 486/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2020 quy định về cơ chế đặc thù của Trường Đại học Việt Nhật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Thông báo 288/TB-BGTVT kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai 3 tháng cuối năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Quyết định 945/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 945/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/07/2017
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra