Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 932 QĐ/UB

Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 07 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở HÀ TĨNH"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 30 tháng 6/1989;

- Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ban hành ngày 10/1/94.

- Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 8 về việc bảo vệ môi trường;

- Xét đề nghị của các ông: Giám đốc Sở Khoa học CN và Môi trường và Sở Tư pháp

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành "Quy định tạm thời về Bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh".

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Các ông: Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (Để thực hiện)
- Văn phòng Chính phủ
- Ủy ban KHCN Quốc hội
- Bộ Khoa học CN và MT
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh
- Văn xã
- Lưu: VP/UB

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ký

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành theo quyết định số 932 QĐ/UB Ngày 15 tháng 7 năm 1994 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Chương 1.

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ … (gọi tắt là hoạt động) của nhân dân, của các cơ quan, đơn vị kinh tế quốc doanh tập thể và tư nhân (gọi tắt là đối tượng) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường tại khu vực hoạt động và khu vực dân cư xung quanh.

Điều 2. Mọi hoạt động của các đối tượng trên địa bàn tỉnh có thải ra chất độc hại dưới dạng khói, bụi, khí, tiếng ồn, nước thải chứa các chất độc hại hoặc các vi sinh vật, vi trùng gây bệnh và các yếu tố độc hại đều phải thực hiện đầy đủ chế độ thanh tra định kỳ và kiểm tra đột xuất về môi trường.

Điều 3. Các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, các công trình công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kho tàng, bãi chứa, các cơ sở dịch vụ, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm sản xuất…) của các cơ quan và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh nhất thiết phải được thẩm định về khả năng gây ô nhiễm môi trường của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh hoặc 1 cơ quan Khoa học - Công nghệ Môi trường đủ tư cách pháp nhân mới được thực hiện.

Điều 4. Những hoạt động của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh vi phạm quy định về Bảo vệ môi trường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các điều khoản nêu trong bản quy định này.

Chương 2.

TIÊU CHUẨN VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Điều 5. Mọi hoạt động của các đối tượng trên địa bàn tỉnh phải áp dụng các biện pháp an toàn lao động và kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường lao động sau đây:

a) Tại khu vực hoạt động nếu có phát sinh ra bụi, khí độc hại thì nồng độ các chất không vượt quá quy định cho phép của Nhà nước (bảng 1 và 2).

b) Phải giảm bớt mức độ tiếng ồn ở khu vực hoạt động theo quy định (bảng 3A và 3B).

c) Những hoạt động có nước thải còn chứa hóa chất, chất độc, các chất không hòa tan, các chất độc, các chất không hòa tan, các chất phóng xạ, các chất hôi thối có chứa vi trùng, ký sinh trùng hoặc có nhiệt độ cao hơn 50oC thì ở khu vục hoạt động phải có hệ thống xử lý tốt, đảm bảo nước thải ra ngoài đúng theo tiêu chuẩn cho phép (bảng 4).

Tuyệt đối không được đổ vào hệ thống thoát nước các chất thải không hòa tan.

d) Những hoạt động khai thác - chế biến, sử dụng quặng có nguồn gốc phóng xạ phải được thực hiện nghiêm chỉnh các quy định an toàn hiện hành của Nhà nước về sử dụng, bảo quản vận chuyển các hóa chất có phóng xạ.

e) Phải hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng, bảo quản thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ theo quy định của Nhà nước. Các cơ quan chức năng phải kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất vệ sinh môi trường đồng ruộng. (Các bảng 1, 2, 3A, 3B, 4 và 20 kèm theo bản quy định này).

Điều 6. Các đối tượng hoạt động có liên quan đến môi trường cần thực hiện các quy định cụ thể:

a) Phải thường xuyên quét dọn, thu gom phế thải, rác vào nơi quy định ở khu vực làm việc của mình, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực hoạt động.

b) Việc chôn cất, bốc mộ và di chuyển hài cốt, người chết phải thực hiện đúng những quy định và hướng dẫn của ngành Y tế và các cơ quan liên quan khác.

c) Nghiêm cấm việc chặt phá, đốt rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; cấm dùng chất nổ, chất độc để đánh bắt thủy sản.

d) Sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích và các chất hóa học khác phải đúng các quy định hướng dẫn.

Điều 7. Mọi hoạt động của các đối tượng trên địa bàn tỉnh phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước về trật tự vệ sinh công cộng, quy tắc xây dựng và giao thông, về bảo vệ và phát triển cây xanh…nhằm đảm bảo tốt môi trường sinh hoạt của nhân dân.

Chương 3.

PHÒNG CHỐNG SUY THOÁI Ô NHIỄM VÀ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 8. Hàng năm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất dịch vụ và các hoạt động khác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và biện pháp phòng chống suy thái, ô nhiễm và sự cố môi trường trong khu vực hoạt động của mình và khu vực lân cận gửi đến Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường để thẩm định, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

Điều 9. Mọi hoạt động của các đối tượng trên địa bàn tỉnh có thải ra các chất độc hại dưới dạng: phóng xạ, khói, bụi, nước thải chứa các chất độc hại hoặc các vi sinh vật, vi trùng gây bệnh v.v… và tiếng ồn cần phải tự xử lý và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, thanh tra định kỳ và kiểm tra đột xuất về môi trường.

Điều 10. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ… hoạt động trước khi có quy định này, có tác động xấu đến môi trường, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của cơ sở mình gửi cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường để xem xét và thẩm định.

Điều 11. Ủy ban Nhân dân tỉnh khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, sử dụng phế thải, tiết kiệm nguyên liệu, chế phẩm sinh học trong sản xuất; Nghiên cứu các giải pháp nhằm chống xói mòn ruộng đất, đất đồi núi, chống cháy rừng, chống khai thác và chặt phá rừng, chống khai thác mỏ, hải sản không hợp lý ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Điều 12. Khi có sự cố môi trường các tổ chức, cá nhân phải lập tức có biện pháp khắc phục sự cố và báo cáo ngay cho các cấp chính quyền nơi xảy ra sự cố và Sở Khoa học - CN và MT để giúp đỡ xử lý, đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh để có biện pháp giải quyết.

Chương 4.

THANH TRA - KIỂM TRA MÔI TRƯỜNG

Điều 13. Tất cả các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học (gọi tắt là đối tượng) thuộc khu vực Nhà nước, tập thể, tư nhân, liên doanh nước ngoài đều phải đăng ký bảo vệ môi trường và phải được thanh tra định kỳ về môi trường ít nhất một năm một lần. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, quy trình công nghệ (nguyên vật liệu, hóa chất sử dụng; quy mô; sản lượng hoạt động…) Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định chế độ thanh tra định kỳ với từng đối tượng cụ thể.

Điều 14. Các đối tượng hoạt động gây ô nhiễm môi trường mà Ban Thanh tra phát hiện được hoặc bị các cơ quan đơn vị hoặc nhân dân ở nơi đó khiếu nại đều phải chịu sự kiểm tra đột xuất về môi trường. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi tiếp nhận đơn khiếu nại, Ban thanh tra môi trường phải có kết quả thanh tra báo cho bên Khiếu nại và chính quyền nơi xảy ra ô nhiễm biết, đồng thời kiến nghị đối tượng có biện pháp xử lý.

Trường hợp bên khiếu nại không nhất trí với kết luận của Ban Thanh tra môi trường và vẫn yêu cầu kiểm tra lại thì việc kiểm tra được thực hiện theo quy trình sau:

1/ Ban Thanh tra môi trường phải lập quy trình kiểm tra gồm:

a) Yêu cầu đối tượng bị khiếu nại vận hành máy móc, thiết bị để tiến hành đo đạc kiểm tra.

b) Quy định những điểm đo, các yếu tố, thông số đo đạc, lấy mẫu để phân tích đánh giá chất lượng môi trường ở khu vực kiểm tra.

c) Xác định phương pháp đo, đơn vị đo theo quy định tiêu chuẩn Việt Nam và được các thành viên trong Ban kiểm tra nhất trí.

2/ Trước khi tiến hành kiểm tra, ban Thanh tra môi trường phải mời đại diện bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, đại diện của chính quyền sở tại tùy theo mức độ và tính chất gây hại để mời UBND huyện, thị, phường hoặc xã có liên quan làm chức năng giám sát, kiểm tra thông qua quy trình, thể thức, kinh phí kiểm tra (có biên bản cuộc họp).

3/ Khi tiếp nhận được đơn khiếu nại, Ban Thanh tra môi trường phải tổ chức kiểm tra và thanh tra môi trường chậm nhất không quá 30 ngày.

4/ Căn cứ kết quả kiểm tra, đối chiếu kết quả với các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường mà Ban Thanh tra quyết định mức xử lý đối tượng bị khiếu nại và thông báo kết quả kiểm tra, mức độ xử lý cho 2 bên và chính quyền cao cấp. Trường hợp đối tượng vi phạm các tiêu chuẩn cho phép về Bảo vệ môi trường, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường ra quyết định yêu cầu đối tượng thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Tiền phạt và kinh phí kiểm tra đối tượng vi phạm phải nộp cho Ban Thanh tra chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày ra quyết định. Nếu bên bị xử phạt không thực hiện các điều khoản ghi trong quyết định của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thì tùy theo mức độ vi phạm đối tượng sẽ bị xử lý theo các điều 17, 18, 19 của quy định này.

Điều 15. Kinh phí đo kiểm, phân tích mẫu định kỳ và đột xuất do các đối tượng nộp trước 50% trước ngày thanh tra, số còn lại thanh toán chậm nhất là 7 ngày kể từ khi có kết quả thanh tra.

Sở Tài chính - vật giá cùng với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường căn cứ vào quy định hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để quy định bảng giá cụ thể về mức thu và quyết toán kinh phí thực tế cho các hoạt động thanh tra, lệ phí thanh tra, đo kiểm cũng như việc sử dụng, quản lý kinh phí đúng với chế độ tài chính hiện hành.

Chương 5.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16: Các hành vi vi phạm và mức độ xử phạt:

1/ Đối tượng vi phạm quy định bảo vệ môi trường tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt theo pháp lệnh xử phạt hành chính, đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh những yêu cầu của Ban Thanh tra môi trường ghi trong biên bản kiểm tra.

Trường hợp các hoạt động của đối tượng bị kiểm tra có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng về bảo vệ môi trường, Ban Thanh tra quyết định tạm đình chỉ hoạt động và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định xử lý.

2/ Kiểm tra lần kế tiếp tổ chức, cá nhân bị xử phạt vẫn cố tình không thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trong biên bản Thanh tra lần trước, sẽ bị lập biên bản xử lý tiền phạt tăng gấp đôi và bị xử lý theo luật định.

Điều 17. Các tổ chức, cá nhân cố tình gây cản trở công tác thanh tra, kiểm tra môi trường, Ban Thanh tra lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của đối tượng, đồng thời báo cáo cho Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định giải pháp xử lý. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 18. Thẩm quyền xử phạt:

1/ Thanh tra viên môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh đang thi hành công vụ được phạt mức tối đa 100.000 đồng và được áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác theo luật Bảo vệ môi trường và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, nếu Thanh tra viên lợi dụng quyền hạn cố ý làm trái và vụ lợi sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

2/ Trưởng đoàn Thanh tra môi trường được áp dụng các hình thức phạt và biện pháp hành chính khác quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, được phạt tiền đến mức tối đa là 500.000 đồng.

3/ Tiền phạt phải nộp vào ngân sách của tỉnh. Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn thu chi theo chế độ hiện hành.

Chương 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Căn cứ vào Luật bảo vệ môi trường và quy định này, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, đồng thời tổng hợp tình hình công tác bảo vệ môi trường trong tỉnh, báo cáo định kỳ tháng, quý, 6 tháng, năm cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường quốc hội.

Điều 20. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị; Ủy ban Nhân dân các xã, phường; thị trấn, có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích cho nhân dân Luật Bảo vệ môi trường và các quy định dưới luật về bảo vệ môi trường, đồng thời giám sát việc thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường đối với các đối tượng hoạt động trên địa bàn mình quản lý, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và các quy định dưới luật đã ban hành.

Điều 21. Những hoạt động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nếu vi phạm trực tiếp hay gián tiếp Luật Bảo vệ môi trường thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các điều khoản nêu trong quy định này.

Điều 22. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong các hoạt động bảo vệ môi trường, phát hiện và báo cáo kịp thời các dấu hiệu sự cố môi trường, khắc phục sự suy thoái ô nhiễm và sự cố môi trường, ngăn chặn các hành vi phá hoại môi trường thì sẽ được khen thưởng theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 932/QĐ-UB năm 1994 về Quy định tạm thời bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 932/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/1994
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Nguyễn Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản