Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 930/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NGÀY TÔN VINH TIẾNG VIỆT TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2023 - 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao; Nghị định số 29/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận s12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tổ chức xây dựng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở thành du mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng. Thông qua việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước; thúc đẩy việc công nhận cộng đồng người Việt là một dân tộc thiểu số chính thức tại những địa bàn có đông người Việt sinh sống.

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng.

b) Động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.

c) Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt. Thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi.

d) Thu hút thêm các nguồn lực trong nước hỗ trợ các hoạt động dạy, học, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia, giáo viên, thế hệ trẻ, thân nhân kiều bào.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thời gian, đối tượng, hình thức triển khai

a) Thời gian: Đề án được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.

b) Đối tượng:

- Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới, nhất là thế hệ trẻ; chú trọng triển khai Đề án tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống và các địa bàn mà tiếng Việt và văn hóa Việt có nguy cơ bị mai một.

- Các chuyên gia giáo dục, giáo viên dạy tiếng Việt, sinh viên, thế hệ trẻ trong nước quan tâm đến hoạt động văn hóa, xã hội, giảng dạy, giao lưu ngôn ngữ, các thân nhân của kiều bào.

- Người nước ngoài trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có thiện cảm, đang sử dụng và có nhu cầu sử dụng tiếng Việt.

c) Hình thức triển khai:

- Thông qua các kênh: các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp với các hoạt động tổ chức trong nước, lồng ghép vào các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; lồng ghép với các hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài; đảm bảo tiết kiệm, tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời phát triển các nền tảng số, mạng xã hội tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài dễ tìm kiếm và theo dõi.

- Kết hợp với các cơ sở giáo dục giảng dạy và đào tạo tiếng Việt, văn hóa Việt trong nước, các hoạt động của thanh niên trong việc hỗ trợ, kết nghĩa các bạn trẻ trong giao lưu văn hóa, giao lưu ngôn ngữ, các hoạt động của các hội đoàn liên quan đến thân nhân kiều bào, khuyến học (Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội khuyến học, Hội đồng hương, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam...).

- Huy động sự tham gia của các địa phương, tổ chức các hoạt động tôn vinh tiếng Việt luân phiên tại các địa phương; tạo điều kiện để các địa phương đưa các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của địa phương gắn với sử dụng và làm phong phú tiếng Việt nhằm giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Lồng ghép các nội dung về tôn vinh tiếng Việt, khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong việc ban hành, triển khai các hoạt động của các địa phương nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; các hoạt động ngoại giao văn hóa, thể thao; các hoạt động hợp tác, thu hút về khoa học, công nghệ... trong nước và tại các nước trên thế giới.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam:

- Tổ chức Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm, hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với các điểm cầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức giáo dục trong nước, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội khuyến học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam...

- Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài” thông qua các hoạt động vì cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận, có sức ảnh hưởng như: tổ chức hệ thống giáo trình dạy tiếng Việt có uy tín, được nhiều kiều bào tin dùng; có sáng kiến xây dựng tủ sách/hệ thống tư liệu học tiếng Việt cho các em thiếu nhi người Việt Nam ở nước ngoài; có dự án - mô hình lớp học tiếng Việt hỗ trợ miễn phí cho thanh thiếu niên kiều bào; từng đạt giải thưởng về tiếng Việt ở cấp độ quốc gia thông qua các kỳ thi liên quan đến tài năng tiếng Việt; các cuộc thi liên quan đến tiếng Việt (sáng tác thơ, bài hát, hùng biện, kể chuyện...). Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài có nhiệm vụ lên kế hoạch bài bản, hệ thống thực hiện quảng bá tiếng Việt thông qua các hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật... hướng đến cộng đồng.

- Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương” tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và tại các nước có đông cộng đồng người Việt Nam; kết hợp cùng các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện những sản phẩm nghệ thuật quảng bá tiếng Việt trong cộng đồng.

- Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức các hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn.

- Tổ chức các buổi tọa đàm tìm kiếm các mô hình dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (đặc biệt là các mô hình giảng dạy, giao lưu trực tuyến với sự tham gia của các giáo viên, sinh viên, thanh niên và thân nhân kiều bào trong nước cũng như các hoạt động ngoại khóa tiếng Việt, trại hè cho con em kiều bào).

b) Nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam ...), các địa phương tổ chức chương trình “Tri ân” ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng. Đồng thời tri ân và ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, giáo viên, thanh niên và thân nhân kiều bào trong nước có sáng kiến, đóng góp cho hoạt động phát triển, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

c) Chính thức ra mắt Cổng thông tin phục vụ Kênh đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và điều phối.

d) Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá trong và ngoài nước hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Đề án gồm: Ngân sách nhà nước; tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước, ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác. Hàng năm Bộ Ngoại giao tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai Đề án và xây dựng dự toán ngân sách, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Ngoại giao:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức triển khai Đề án.

b) Căn cứ vào nguồn ngân sách nhà nước được giao hằng năm để thực hiện Đề án, Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Việc sử dụng kinh phí để thực hiện Đề án bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

c) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Chính phủ. Chủ trì đánh giá sơ kết định kỳ, tổng kết công tác triển khai Đề án để điều chỉnh Đề án phù hợp với thực tiễn từng thời điểm và khu vực, địa bàn.

2. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở sở tại triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án; nghiên cứu, tham mưu cho các cơ quan trong nước về việc tổ chức các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

3. Bộ Công an: đảm bảo công tác an ninh, chính trị cho các hoạt động trong khuôn khổ Đề án.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì, phối hợp tổ chức các cuộc thi biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

b) Phối hợp tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

5. Bộ Tài chính: căn cứ kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án theo quy định.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Hỗ trợ, đặt hàng các cơ quan báo đài xây dựng các chuyên mục, tin bài để thông tin, quảng bá trong và ngoài nước về các hoạt động, ý nghĩa của Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần đưa Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở thành hoạt động thường niên quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng, được cả nước quan tâm, hưởng ứng.

b) Tăng cường các tin bài, chương trình phóng sự, truyền hình có nội dung tôn vinh tiếng Việt, đặc biệt thông qua các dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài.

7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Phối hợp tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp xét duyệt nội dung các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; lồng ghép các nội dung về Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

b) Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động có nội dung tôn vinh văn hóa và ngôn ngữ dân tộc nhằm hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích, hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa của kiều bào, nhất là tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.

8. Đại học Quốc gia Hà Nội:

a) Tham mưu, đóng góp ý kiến, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

b) Tổ chức triển khai Kênh đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí, các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài:

a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan tham gia công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Đề án.

b) Xây dựng các sản phẩm truyền thông mang đặc trưng, dấu ấn của Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố:

a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Đề án.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố tại các địa phương có đông cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, tổ chức các hoạt động của địa phương có nội dung tôn vinh văn hóa và ngôn ngữ dân tộc nhằm hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích, hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa của kiều bào.

c) Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm văn hóa, thơ ca, văn học nghệ thuật đặc trưng của địa phương, góp phần lan toả giá trị nhân văn và sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KGVX, TH;
- Lưu: VT, QHQT (2). HM

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Bình Minh