Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 927/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 4 năm 2022 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 724/TTr-SGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp tiểu học (sau đây được gọi tắt là Khung chương trình) (Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp tiểu học theo từng bậc học của Khung chương trình được phê duyệt tại Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa và Thể thao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ - CẤP TIỂU HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
1. Mục tiêu tổng quát
Tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp tiểu học và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về đặc điểm lịch sử văn hóa thiên nhiên và con người Thừa Thiên Huế, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
Trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường, con người của Thừa Thiên Huế. Thông qua đó bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Huế, góp phần xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển giàu mạnh.
Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây được gọi tắt là Chương trình) cùng với các môn học khác trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực tổ chức các hoạt động; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương. Hỗ trợ những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, cách thức đánh giá những kiến thức về địa phương.
Triển khai thực hiện nội dung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tiến độ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
II. CÁC YÊU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG
Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Quán triệt quan điểm định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) năm 2013.
Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục địa phương; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục.
Căn cứ chương trình phổ thông 201 8 cả về mạch kiến thức và phương pháp tiếp cận, gắn với thực tiễn địa phương và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.
a) Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tài liệu giáo dục địa phương được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, xác định các mức độ khác nhau của mỗi năng lực tương thích với từng cấp học và từng môn học.
b) Cùng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, tài liệu giáo dục địa phương góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần. Học sinh được giáo dục toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; được rèn luyện, phát triển các phẩm chất. Đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, Địa lí địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.
a) Đảm bảo kế thừa những tài liệu giáo dục địa phương hiện hành.
b) Nội dung giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nội dung giáo dục được lựa chọn là những tri thức cơ bản, đảm bảo vừa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông vừa gắn với thực tiễn địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
c) Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán theo các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, theo từng cấp bậc học và đảm bảo theo đúng thời lượng đã quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 3536/BGDĐT - GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021, Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học, Công văn số 5576/BGDĐT-GDTH ngày 02/12/2021 về việc hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục "Địa phương em" trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 cấp tiểu học; các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 15/02/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 15/02/2019 về việc biên soạn và Tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông, Công văn số 12707/UBND-GD ngày 25/12/2021 về việc điều chỉnh Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - Lớp 6 và Khung chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lớp 1 có 4 chủ đề và một bài tổng kết; lớp 2 có 5 chủ đề và một bài tổng kết; từ lớp 3 đến lớp 5: mỗi lớp có 6 chủ đề và một bài tổng kết.
Biên soạn theo từng cấp bậc học (từ lớp 1 đến lớp 5), mỗi khối lớp có 01 cuốn tài liệu (nội dung bao hàm các lĩnh vực về văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương; các vấn đề về Địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường của địa phương gồm các mạch kiến thức về Văn học - Nghệ thuật, Lịch sử - Văn hóa, Địa lí- Kinh tế, Chính trị - Xã hội, Môi trường, Hướng nghiệp.
a) Chương trình được thiết kế thành các chủ đề với mục tiêu nhằm nâng cao kinh nghiệm sống và những hiểu biết của các em trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lí, kinh tế, môi trường địa phương... giúp các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hàng ngày mà các em gặp ở địa phương. Chương trình được thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm khuếch tán. Học sinh sẽ được trải nghiệm với những vấn đề đang tồn tại, nảy sinh xung quanh các em và ngày càng mở rộng, phức tạp hơn thể hiện trong mối quan hệ con người với con người, con người với tự nhiên, con người với văn hóa xã hội địa phương. Học sinh được trải nghiệm các chủ đề mang tính trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Theo đó, học sinh sẽ có cơ hội sử dụng tối đa các giác quan trong việc tiếp nhận, chuyển hóa thông tin và biểu đạt chúng dưới các dạng thức khác nhau qua đó nhằm giáo dục phẩm chất, năng lực cho người học.
b) Mạch nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học:
Lịch sử - Văn hóa
- Trò chơi dân gian địa phương
- Dân ca địa phương
- Di tích lịch sử địa phương (xã/huyện/tỉnh)
- Lễ hội địa phương (xã/huyện/tỉnh)
- Danh nhân địa phương (xã/huyện/tỉnh)
- Truyền thống giáo dục ở địa phương
- Truyền thống bảo vệ đất nước địa phương
- Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương
- Phong tục, tập quán địa phương
- Trang phục truyền thống; ẩm thực truyền thống ở địa phương
Địa lí - Kinh tế - Môi trường - Hướng nghiệp
- Trải nghiệm không gian địa phương (thôn/làng; xã; huyện; tỉnh)
- Danh lam thắng cảnh (xã/huyện/tỉnh)
- Làng nghề địa phương, nghề truyền thống (xã/huyện/tỉnh)
- Tộc người (xã/huyện/tỉnh)
- Địa lí, dân cư
- Cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên
Chính trị - Xã hội
- Các mối quan hệ về dòng họ, truyền thống gia đình
- Trải nghiệm thăm cơ quan công quyền địa phương (UBND xã)
- Chính sách an sinh xã hội
- Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống
- Xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật
LỚP 1
STT | Nội dung | Yêu cầu cần đạt |
1 | Quê hương em | - Biết được nơi mình đang sinh sống thuộc vùng nào ở quê hương Thừa Thiên Huế (ở thành thị hay nông thôn, vùng đồng bằng hay vùng núi...). - Biết cách giới thiệu địa chỉ nhà của mình và biết giới thiệu một vài nét về cảnh vật gần nơi mình đang sinh sống. - Biết giới thiệu sơ lược về những người hàng xóm, láng giềng của mình. - Biết cách giao tiếp phù hợp với hàng xóm, láng giềng và những người xung quanh. |
2 | Một số trò chơi dân gian thiếu nhi Thừa Thiên Huế | - Nêu được một số trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi ở địa phương. - Biết cách chơi một vài trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi ở địa phương. - Bày tỏ được tình cảm, thái độ của bản thân về một trò chơi dân gian mà mình thích. - Biết cách chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ để chơi một trò chơi dân gian đơn giản. - Có kĩ năng tham gia các trò chơi để phát triển thể lực, trí tuệ. |
3 | Vài món ngon đặc biệt của Thừa Thiên Huế | - Nêu được một số món ăn ngon đặc biệt của địa phương. - Nhận diện được những món ăn ngon của địa phương - Biết cách chế biến một món ăn ngon đơn giản ở địa phương. - Biết bày tỏ tình cảm, thái độ với những món ăn ngon của địa phương. |
4 | Cảnh đẹp nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế | - Nêu được vài cảnh đẹp nổi tiếng ở địa phương. - Mô tả được cảnh đẹp ở địa phương mà mình thích. - Bày tỏ cảm xúc về một cảnh đẹp ở địa phương. - Nêu những việc làm phù hợp để bảo vệ giữ gìn cảnh đẹp quê em. |
5 | Tổng kết | - Nắm được những nội dung chủ đề đã được học. - Thực hành một hoạt động có ý nghĩa bày tỏ thái độ, linh cảm của bản thân đối với những nội dung, chủ đề đã được học về địa phương. |
LỚP 2
STT | Nội dung | Yêu cầu cần đạt |
1 | Người dân quê em | - Kể tên các dòng họ quê em. - Kể tên những nghề phổ biến của người dân quê em. - Biết được những đức tính tốt đẹp của người dân quê em. - Biết cách giao tiếp phù hợp với mọi người. |
2 | Thiên nhiên quê em | - Nêu được một số loại cây trồng phổ biến nơi em sống. - Kể tên con sông, con kênh, suối, hồ, đồi, núi, cánh đồng... quê em. - Bày tỏ được tình cảm, suy nghĩ tích cực về thiên nhiên và môi trường quê em. - Đề xuất và thực hiện một số việc làm phù hợp để giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên quê em. |
3 | Thời tiết quê em | - Biết được các đặc trưng thời tiết theo mùa (nhiệt độ, hiện tượng nắng, mưa) của địa phương (yếu tố thời tiết cực đoan của miền Trung). - Nêu được dấu hiệu các mùa quê em (qua trang phục người dân mặc, qua các hiện tượng thời tiết). - Biết cách lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết. - Có kỹ năng cơ bản để thích ứng với các kiểu thời tiết. |
4 | Nghề truyền thống quê hương em | - Kể được tên một số nghề truyền thống ở địa phương. - Mô tả được một nghề truyền thống ở địa phương. - Nhận biết được một số sản phẩm nghề truyền thống ở địa phương. - Giới thiệu được về một người làm nghề truyền thống mà học sinh quen biết. |
5 | Giao thông ở địa phương em | - Kể tên được các loại hình và phương tiện giao thông mà em thấy ở địa phương. - Nhận biết được một số biển báo giao thông quen thuộc hàng ngày học sinh được tiếp xúc. - Biết được các quy định an toàn cần thực hiện khi tham gia giao thông. - Biết ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. |
6 | Tổng kết | - Nắm được một số vấn đề ở địa phương thuộc các nội dung, chủ đề đã được học. - Thực hành được một hoạt động nhằm bày tỏ thái độ, tình cảm của bản thân đối với địa phương (quê hương) qua các chủ đề đã được học. |
LỚP 3
STT | Nội dung | Yêu cầu cần đạt |
1 | Dòng họ của em | - Nêu được tên họ nội và tên họ ngoại - Biết cách gọi tên và danh xưng thành viên thuộc dòng họ nội, họ ngoại (trong phạm vi 3 đời). - Biết vẽ cây gia phả 3 đời. - Kể tên một số hoạt động liên quan đến dòng họ mà em được tham gia (đám giỗ, đám cưới, mừng thọ...) - Bày tỏ được tình cảm và tự hào về dòng họ và cách thành viên trong họ tộc. |
2 | Các bài dân ca quê em | - Kể tên được một số bài dân ca tiêu biểu ở địa phương. - Thực hành và tập hát được một số bài hát dân ca tiêu biểu ở địa phương mà em biết. - Nhận biết được các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Thừa Thiên Huế (ca Huế, hò Huế,...). - Giới thiệu sơ lược về một trong số loại hình nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế.
|
3 | Ngày Tết cổ truyền trên quê hương em | - Biết được thời gian, tên gọi của ngày Tết cổ truyền ở quê em. - Kể tên được một số công việc gia đình em thường chuẩn bị trong dịp Tết Nguyên đán. - Mô tả được đặc trưng của tết trên quê hương (không khí Tết, quang cảnh xung quanh nơi sống, các mặt hàng và vật dụng đặc trưng của Tết...). - Kể tên được các phong tục ngày Tết ở quê em mà em biết. - Diễn tả được cảm xúc về Tết cổ truyền. |
4 | Kể chuyện danh nhân quê hương em | - Kể tên được các danh nhân tiêu biểu trên quê hương em thời xưa. - Nêu được công trạng, thành tích/đóng góp nổi bật của các danh nhân ở địa phương. - Kể lại được một câu chuyện hoàn chỉnh về một danh nhân ở địa phương mà em biết. |
5 | Các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên quê hương em | - Kể được tên một số danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên quê hương em. - Biết được vị trí, địa điểm của các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên quê hương em. - Mô tả được một cách đơn giản vẻ đẹp, nét đặc trưng của một danh lam, thắng cảnh tiêu biểu mà em biết. - Nêu được một số việc làm phù hợp để giữ gìn và bảo vệ các danh lam, thắng cảnh trên quê hương em. - Có ứng xử phù hợp khi đến tham quan các danh lam, thắng cảnh. |
6 | Các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trên quê hương em | - Kể được tên các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trên quê hương em. - Biết được vị trí của di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trên quê hương em. - Mô tả được một cách đơn giản về một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu mà em biết. - Nêu và thực hiện được một số việc làm phù hợp để giữ gìn và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trên quê hương em. - Có ứng xử phù hợp khi đến tham quan di tích lịch sử văn hóa. |
7 | Tổng kết | - Nắm được những nội dung chủ đề đã được học; - Có kỹ năng thực hành một hoạt động nhằm bày tỏ thái độ, tình cảm của bản thân đối với địa phương (quê hương). |
LỚP 4
STT | Nội dung | Yêu cầu cần đạt |
1 | Lễ hội truyền thống trên quê hương em | - Kể tên các lễ hội truyền thống tiêu biểu trên quê hương em. - Mô tả tiến trình và những nghi thức cơ bản của một lễ hội. - Kể lại một trò chơi, hoạt động tiêu biểu trong lễ hội. - Nêu được những hiện tượng không đúng/thiếu văn minh trong lễ hội. - Nêu được những việc nên/không nên làm để tham gia lễ hội văn minh, lịch sự hơn. |
2 | Kể chuyện những tấm gương thành đạt trên quê hương em (thời hiện đại) | - Kể tên một số tấm gương thành đạt trên quê hương em thời hiện đại. - Trình bày đơn giản về thành tích, đóng góp nổi bật của các tấm gương tiêu biểu. - Kể một câu chuyện về một tấm gương tiêu biểu mà em biết. - Rút ra được bài học từ những tấm gương thành đạt trên quê hương mà em được học. |
3 | Tìm hiểu phong tục, tập quán và một số nét văn hóa đặc sắc ở quê hương em (Ghi chú: Chủ đề phục vụ nội dung giáo dục “Địa phương em trong môn Lịch sử và Địa lí) | - Kể tên một số phong tục, tập quán tiêu biểu ở địa phương (cưới hỏi, tang lễ, thói quen kiêng kỵ...). - Mô tả được nét chính về một phong tục, tập quán tiêu biểu. - Biết được một số nét đặc sắc về trang phục, kiến trúc nhà cửa, ẩm thực truyền thống ở địa phương. - Biết cách phỏng vấn/hỏi người lớn trong gia đình và hàng xóm về phong tục, tập quán của địa phương. - Rút ra bài học và kĩ năng cần lưu ý để thực hành phong tục đúng đắn, văn minh (thuần phong mỹ tục). |
4 | Cuộc sống lao động sản xuất trên quê hương em (Ghi chú: Chủ đề phục vụ nội dung giáo dục "Địa phương em” trong môn lịch sử và Địa lí) | - Kể những công việc sản xuất của người dân trên quê hương em (làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, làm nghề thủ công, kinh doanh buôn bán...) - Giới thiệu cuộc sống lao động sản xuất một ngày thường nhật trên quê hương em. - Mô tả một công việc cụ thể của người nông dân mà em quan sát được. - Nhận biết được các hoạt động sản xuất và ngành nghề phổ biến, trên quê hương em qua tìm hiểu từ những người xung quanh. - Biết trân trọng công sức lao động của người dân trong 7 việc tạo ra hàng hóa, của cải phục vụ đời sống. |
5 | Ứng phó với biến đổi thời tiết, thiên tai trên quê hương em | - Kể tên những hiện tượng thời tiết xấu ở quê hương em. - Mô tả mức độ nguy hiểm, thiệt hại từ những hiện tượng thời tiết đó. - Biết được những việc cần thực hiện để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra ở địa phương. - Thực hành diễn tập tốt các hoạt động phòng tránh thiên tai để rèn kỹ năng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. |
6 | Chào mừng bạn đến với Thừa Thiên Huế (Ghi chú: Chủ đề phục vụ nội dung giáo dục “Địa phương em” trong môn Lịch sử và Địa lí) | - Trình bày tên gọi, vị trí địa lí, diện tích của tỉnh Thừa Thiên Huế. - Mô tả nét chính về khí hậu, tài nguyên, dân cư của tỉnh của mình. - Kể tên các huyện/thị xã/thành phố, trung tâm hành chính trong tỉnh của mình. - Trình bày được những nét chính về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. - Giới thiệu được những nét chính về các địa danh tiêu biểu, danh nhân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. - Giới thiệu những lễ hội, trò chơi dân gian, phong tục tập quán tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. - Giới thiệu những hình ảnh sinh hoạt hay phong cảnh đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế bằng các sản phẩm. - Có kỹ năng sử dụng bản đồ, lược đồ; viết được đoạn văn ngắn giới thiệu về tỉnh mình cho các bạn ở tỉnh khác. |
7 | Tổng kết | - Nắm được những nội dung, chủ đề đã học: - Có được những kỹ năng cơ bản khi tìm hiểu đặc điểm về lịch sử, Địa lí, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương (thông qua việc khai thác, tìm hiểu các chủ đề đã học). - Thực hành một vài hoạt động nhằm bày tỏ tình cảm, thái độ của bản thân đối với quê hương. |
LỚP 5
STT | Nội dung | Yêu cầu cần đạt |
1 | Tìm hiểu về truyền thống đánh giặc giữ nước quê hương em | - Kể tên được các trận đánh/sự kiện diễn ra tiêu biểu cho truyền thống đánh giặc giữ nước trên quê hương em. - Kể được một số tấm gương các vị anh hùng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho truyền thống đánh giặc giữ nước trên quê hương em. - Trình bày vắn tắt được chiến công một số tấm gương các vị anh hùng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho truyền thống đánh giặc, giữ nước trên quê hương em. - Rút ra được một số bài học từ việc tìm hiểu truyền thống đánh giặc giữ nước ở quê hương em. |
2 | Tìm hiểu về truyền thống hiếu học của quê hương em | - Kể tên một số di tích minh chứng cho truyền thống hiếu học của quê hương. - Kể được một số tấm gương hiếu học, có thành tích học tập tiêu biểu trên quê hương em. - Liên hệ truyền thống hiếu học của quê hương em ngày xưa với tình hình hiện nay qua phong trào khuyến học, các thành tích về giáo dục của địa phương hiện nay. - Rút ra bài học từ việc tìm hiểu truyền thống hiếu học ở quê hương em. |
3 | Tìm hiểu về tổ chức làng xã và cơ quan nhà nước ở địa phương | - Mô tả vị trí, tên gọi, chức năng của nhà văn hóa cộng đồng nơi em sống: chỉ được vị trí, tên gọi và thời gian làm việc của UBND phường/xã ở địa phương. - Nêu được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cô, bác, anh, chị làm nhiệm vụ chung của làng xã (Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ/Phụ trách đội Thiếu niên tiền phong của xã...) - Tập phỏng vấn về công việc của những người phụ trách các việc chung của xóm, tổ dân phố, phỏng vấn các nhân vật có trọng trách ở trụ sở UBND phường/xã của em ... |
4 | Tìm hiểu về nghệ thuật ca múa cung đình Huế | - Kể tên được một số loại hình nghệ thuật cung đình Huế. - Mô tả được một số đặc điểm chính của nghệ thuật cung đình Huế. - Biết trang phục truyền thống thường được sử dụng trong những dịp nào hiện nay. - Hiểu được giá trị của trang phục truyền thống. |
5 | Tìm hiểu về ẩm thực cung đình Huế | - Kể tên những món ăn ngon, nổi tiếng của ẩm thực cung đình Huế. - Chỉ ra những nét đặc sắc, độc đáo trong các món ăn ngon, thứ quà đặc trưng đó. - Giới thiệu một cách ngắn gọn cách làm/chế biến một món ăn, thức quà tiêu biểu của ẩm thực cung đình Huế - Biết trân trọng, tự hào về những đặc sản nổi tiếng của ẩm thực cung đình Huế. |
6 | Môi trường và bảo vệ môi trường trên quê hương em | - Kể được những yếu tố thuộc về môi trường xung quanh em. - Nhận biết được tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của môi trường đối với cuộc sống của mình và mọi người. - Chỉ ra được những hiện tượng làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh em (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải...) - Nhận biết được những tác động xấu của môi trường ở địa phương em đến cuộc sống của mình và mọi người. - Chỉ ra được những việc làm nhằm hạn chế và giảm thiểu những tác động xấu của môi trường ở địa phương em đến cuộc sống. - Rút ra một số bài học cho bản thân trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. |
7 | Tổng kết | - Nắm được những nội dung, chủ đề đã học. - Có được những kỹ năng cơ bản khi tìm hiểu đặc điểm về lịch sử, Địa lí, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương (thông qua việc khai thác, tìm hiểu các chủ đề đã học). - Thực hành một vài hoạt động nhằm bày tỏ tình cảm, thái độ của bản thân đối với quê hương. |
IV. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành đảm bảo phù hợp thực hiện 3 nội dung: lý thuyết (giảng dạy tại lớp học có ứng dụng công nghệ thông tin, hình ảnh minh họa, tạo sự sinh động và yêu thích của học sinh), thực địa (tổ chức tham quan, đi thực tế, hoạt động cộng đồng) và viết thu hoạch (viết bài thu hoạch cảm nhận về nội dung được thực địa, tổ chức thi đố vui để học, thi hùng biện về văn hóa, di sản... của tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tùy theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế./.
- 1Quyết định 2001/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt khung Chương trình giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 5 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2Quyết định 596/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Khung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên
- 3Quyết định 1576/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt khung Chương trình giáo dục địa phương cấp trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Quyết định 580/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Khung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT
- 5Quyết định 928/QĐ-UBND năm 2022 về điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở
- 6Quyết định 1100/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học phổ thông
- 7Quyết định 1633/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình Giáo dục địa phương bậc trung học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong chương trình giáo dục phổ thông
- 8Quyết định 778/QĐ-UBND năm 2024 điều chỉnh Khung chương trình Giáo dục địa phương lớp 11 cấp trung học phổ thông tỉnh Lào Cai
- 1Hiến pháp 2013
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Công văn 3536/BGDĐT-GDTH năm 2019 về biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Quyết định 596/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Khung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên
- 7Công văn 3036/BGDĐT-GDTH năm 2021 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục của địa phương cấp Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Quyết định 1576/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt khung Chương trình giáo dục địa phương cấp trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế
- 9Quyết định 580/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Khung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT
- 10Công văn 5576/BGDĐT-GDTH năm 2021 hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục Địa phương em trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 cấp tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11Quyết định 928/QĐ-UBND năm 2022 về điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở
- 12Quyết định 1100/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học phổ thông
- 13Quyết định 1633/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình Giáo dục địa phương bậc trung học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong chương trình giáo dục phổ thông
- 14Quyết định 778/QĐ-UBND năm 2024 điều chỉnh Khung chương trình Giáo dục địa phương lớp 11 cấp trung học phổ thông tỉnh Lào Cai
Quyết định 927/QĐ-UBND năm 2022 về điều chỉnh Khung chương trình Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp tiểu học
- Số hiệu: 927/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/04/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Thanh Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/04/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra