Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 920/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN KHU DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÔN SƠN - KIẾP BẠC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH, THỊ XÃ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (tờ trình số 09/TTr-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2009),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

2. Mục tiêu:

a) Xác định cơ sở và căn cứ pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc theo Luật Di sản văn hóa.

b) Lập kế hoạch cho việc thực hiện các công trình trùng tu tôn tạo di tích, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu hệ thống văn hóa phi vật thể, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Phát huy, khai thác các giá trị văn hóa một cách hợp lý, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

c) Bảo tồn, nghiên cứu làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của quần thể di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam. Tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới.

d) Làm nổi bật sự liên kết của quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc trong chuỗi lịch sử Kinh đô Việt và với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

đ) Quy hoạch định hướng từng bước phát triển Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch cấp Quốc gia, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác phát huy các giá trị di sản văn hóa và các nguồn lực tiềm năng khác vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của Vùng.

e) Làm cơ sở cho việc lập các dự án, chương trình đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và các khu dân cư trên địa bàn phía Bắc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

3. Phạm vi quy hoạch và phân vùng:

a) Phạm vi quy hoạch:

- Địa điểm quy hoạch trên địa bàn 08 xã: Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn An, Bắc An, Chí Minh, Hoàng Tân, Cổ Thành và 2 thị trấn: Sao Đỏ, Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

- Diện tích quy hoạch là 8.340 ha, được phân thành 2 vùng như sau:

b) Phân vùng quy hoạch:

- Vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt (vùng I) có diện tích 3.568 ha, thuộc địa phận các xã Cộng Hòa, Lê Lợi, Hưng Đạo và Văn An, được quy hoạch thành 2 phân vùng như sau:

+ Phân vùng bảo tồn đặc biệt, diện tích 477,9 ha, gồm 3 khu vực:

. Khu vực Côn Sơn (khu A): diện tích 413,2 ha.

. Khu vực Kiếp Bạc (khu B): diện tích 27,8 ha.

. Khu vực Phượng Hoàng (khu C): diện tích 36,9 ha.

+ Phân vùng khai thác đặc biệt, diện tích 3.090,1 ha; gồm 9 khu chức năng:

. Khu dịch vụ chuyên đề Hồ Côn Sơn (khu A-I): diện tích 250,7 ha.

. Khu dịch vụ tổng hợp trung tâm (khu A-II): diện tích 328 ha.

. Khu dân cư xã Lê Lợi (khu A-III): diện tích 166,7 ha.

. Khu phát triển du lịch (nghỉ dưỡng và sinh thái - khu A-IV): diện tích 304,1 ha.

. Khu công viên văn hóa lịch sử Côn Sơn (khu A-V): diện tích 191,1 ha.

. Khu công viên Vạn Trì Kiếp Bạc (khu B-VI): diện tích 213,7 ha.

. Khu núi Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu (khu B-VII): diện tích 161,8 ha.

. Khu di tích khảo cổ Núi Bắc Đẩu (khu B-VIII): diện tích 159 ha.

. Khu Núi Phượng Hoàng (khu C-IX): diện tích 1.315 ha.

- Vùng đệm (vùng II): diện tích 4.772 ha, là khu vực bao quanh vùng I, thuộc thị trấn Sao Đỏ và các xã Lê Lợi, Bắc An, Hoàng Tân, Cộng Hòa, Chí Minh, Văn An, Cổ Thành và Hưng Đạo.

4. Nội dung quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích:

a) Công tác trùng tu, tôn tạo và khôi phục hệ thống di tích phải tuân thủ tính nguyên gốc, bảo vệ cảnh quan môi trường. Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp cải tạo không gian bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

b) Các di tích có tiềm năng khảo cổ cần được nghiên cứu, xác định ranh giới khu vực bảo vệ, lập hồ sơ bảo vệ di tích, lập dự án nghiên cứu khai quật và phương án trưng bày các di vật khảo cổ.  

c) Di sản văn hóa phi vật thể cần được tổng điều tra nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá làm rõ và làm phong phú thêm; trên cơ sở đó lập hồ sơ khoa học, phân loại văn hóa phi vật thể để bảo vệ và phát huy.

d) Các di tích phục hồi và công trình xây mới cần được nghiên cứu phù hợp với hệ thống di tích hiện có và cảnh quan chung của toàn khu di tích.

5. Các nhóm dự án, gồm:

a) Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích trong vùng nghiên cứu quy hoạch ở 3 khu vực trọng tâm là: Côn Sơn, Kiếp Bạc và Phượng Hoàng.

b) Nhóm xây dựng một số các di tích mới như: Biểu tượng Thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh núi Côn Sơn, tháp chuông trên đỉnh Ngũ Nhạc, tượng đài chiến thắng trên đỉnh núi Trán Rồng và Nhà truyền thống giáo dục tại núi Phượng Hoàng.

c) Nhóm dự án xây dựng các công trình có liên quan đến việc bảo vệ khu di tích, phục vụ lễ hội và phát triển du lịch, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định này.

d) Nhóm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường giao thông, bãi xe, bến tầu thuyền, nạo vét sông, hồ; xây dựng hệ thống điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trong khu di tích.

6. Vốn đầu tư: ước tính là 1.600 tỷ đồng

7. Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo kế hoạch hàng năm.

- Vốn từ ngân sách địa phương.

- Vốn thu từ khai thác các hoạt động du lịch.

- Vốn huy động từ sự đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, nguồn vốn đóng góp của nhân dân.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

8. Phân kỳ đầu tư:

a) Giai đoạn I: 2009 - 2015.

b) Giai đoạn II: 2015 - 2020.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ:

1. Tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khai quật khảo cổ để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học phục vụ cho quy hoạch chi tiết và các dự án thành phần; đồng thời làm sáng tỏ hơn việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ các di tích, đánh giá đúng giá trị của di tích và các công trình khác có liên quan.

2. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được duyệt, triển khai lập và phê duyệt các quy hoạch chi tiết, các dự án thành phần theo từng giai đoạn thực hiện. Trước mắt đầu tư, xây dựng dự án cơ sở hạ tầng và một số công trình tôn tạo di tích trọng tâm ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành xác định nguồn vốn hợp lý, trong đó ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư cho các dự án bảo tồn di tích, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại vùng bảo tồn đặc biệt (vùng I), vùng đệm (vùng II) và các di tích có liên quan trực tiếp đến khu Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng. Xây dựng phương án khai thác các hoạt động du lịch; huy động các nguồn lực trong và ngoài nước và sự đóng góp của nhân dân trong việc triển khai đầu tư thực hiện quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích.

4. Ban hành Quy chế quản lý hệ thống di tích, đất đai, cảnh quan môi trường, quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội trên toàn địa bàn khu di tích và trong từng vùng cụ thể. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm tới các di tích đã được xếp hạng và cảnh quan thiên nhiên thuộc vùng bảo tồn.

Điều 3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đã đề ra. Chịu trách nhiệm thẩm định về chuyên môn đối với các dự án thành phần có liên quan, các hạng mục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án văn hóa - du lịch trong chuỗi lịch sử kinh đô Việt và với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét cân đối phần vốn thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư được phê duyệt trong phạm vi Quy hoạch này.

3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để việc triển khai thực hiện quy hoạch này được thuận lợi, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành thuộc phạm vi địa bàn thị xã Chí Linh và khu vực.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.  

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND tỉnh Hải Dương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN ĐP, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 920/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 920/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản