Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/BXD-GĐ

Ngày 17 tháng 4 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HÀNH NGHỀ KHẢO SÁT XÂY DỰNG, THIẾT KẾ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

- Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ được Quốc hội thông qua ngày 30/9/1992;

- Căn cứ Nghị định số 59/HĐBT ngày 14/4/1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

- Căn cứ Nghị định số 385 HĐBT ngày 7/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ quản lý XDCB;

- Thực hiện Chỉ thị số 171 TTg ngày 16/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng việc cấp giấy phép hành nghề, xác định quy mô và phạm vi hành nghề của các doanh nghiệp phù hợp với năng lực về kỹ thuật, trang thiết bị và tiền vốn trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, xây lắp;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy chế hành nghề khảo sát xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình xây dựng".

Điều 2

Bản Quy chế này thay thế cho "Quy chế đăng ký hành nghề thiết kế xây dựng" đã được ban hành kèm theo Quyết định số 250-BXD ngày 14/10/1989; và được thi hành thống nhất trong cả nước bắt đầu từ ngày 1/7/1993. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều được bãi bỏ.

Điều 3

Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ và các ông Giám đốc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các ngành các cấp thực hiện bản quy chế này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG




Ngô Xuân Lộc

 

QUY CHẾ

HÀNH NGHỀ KHẢO SÁT XÂY DỰNG, THIẾT KẾ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 92 BXD/GĐ ngày 17/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

I. Quy định chung

Điều 1

Quy chế này quy định điều kiện nội dung được phép hành nghề khảo sát xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình xây dựng cho một tổ chức (sau đây gọi chung là tổ chức khảo sát - thiết kế) có tư cách pháp nhân ghi tại Điều 16.1 của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản số 385 HĐBT ngày 7/1/1990 và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng, Chủ nhiệm công trình khảo sát ghi tại Điều 16 của Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế số 237 HĐBT ngày 19/9/1985.

Giấy phép hành nghề của tổ chức khảo sát - thiết kế, quyết định Chủ nhiệm đồ án thiết kế, Chủ nhiệm công trình khảo sát là văn bản công nhận trình độ năng lực, điều kiện, đối tượng phạm vi cho phép hoạt động của tổ chức và cá nhân đó, không có sự hạn chế về ranh giới lãnh thổ; nhằm thực hiện sự quản lý thống nhất của Nhà nước đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng tài liệu khảo sát - thiết kế.

Điều 2

Các tổ chức khảo sát - thiết kế xây dựng của Nhà nước, của tập thể và tư nhân chỉ được hành nghề khi có giấy phép hành nghề do Bộ Xây dựng cấp theo quy chế này.

Tổ chức khảo sát - thiết kế xây dựng của nước ngoài muốn hành nghề khảo sát, thiết kế xây dựng tại Việt Nam phải có chứng chỉ hành nghề được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và phải được bộ Xây dựng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp giấy phép.

Giấy phép hành nghề khảo sát, thiết kế xây dựng của một tổ chức là căn cứ để đăng ký phạm vi kinh doanh, ký kết hợp đồng và là cơ sở cho các mặt quản lý khác.

Điều 3

Lĩnh vực khảo sát, thiết kế xây dựng thuộc Quy chế này gồm:

3.1. Về khảo sát xây dựng:

a. Khảo sát kỹ thuật để lập các đồ án thiết kế quy hoạch đô thị nông thôn, khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của từng ngành kinh tế quốc dân;

b. Khảo sát kỹ thuật để thiết kế xây dựng công trình.

Công việc điều tra - khảo sát thuộc lĩnh vực điều tra cơ bản (như lập bản đồ địa hình và tài nguyên từ tỷ lệ 1: 10.000 trở xuống...) không thuộc nội dung của quy chế này.

3.2. Về thiết kế quy hoạch xây dựng:

a. Thiết kế quy hoạch xây dựng lãnh thổ tỉnh, thành phố hay vùng, liên tỉnh;

b. Thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn:

- Quy hoạch tổng thể định hướng phát triển đô thị thời gian dài; - Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng của đô thị, trục đường, điểm dân cư.

3.3. Thiết kế công trình xây dựng từ lập lập chứng kinh tế kỹ thuật báo cáo kinh tế kỹ thuật đến thiết kế bản vẽ thi công hoặc thiết kế kỹ thuật thi công

Điều 4

Tổ chức khảo sát - thiết kế được cấp giấy phép hành nghề thuộc một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực ghi ở Điều 3, theo ký hiệu và mã số của Nhà nước quy định.

II. Điều kiện hành nghề khảo sát xây dựng

Điều 5

Tiêu chuẩn chung của Chủ nhiệm khảo sát xây dựng:

a. Có quyền công dân;

b. Có văn bằng kỹ sư;

c. Có ít nhất 5 năm liên tục trực tiếp hành nghề khảo sát;

d. Có khả năng lập đề cương báo cáo kỹ thuật kết quả khảo sát, tổ chức và điều hành công tác khảo sát, đã có 5 báo cáo kỹ thuật kết quả khảo sát tin cậy được nghiệm thu.

e. Được Hội đồng khoa học chuyên ngành của tổ chức khảo sát xây dựng công nhận, thủ trưởng tổ chức đó ra quyết định và đăng ký với Bộ Xây dựng.

Điều 6

Điều kiện chung để cấp hành nghề của tổ chức khảo sát xây dựng gồm:

6.1. Có quyết định lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có chức năng khảo sát xây dựng.

6.2. Có số lượng chủ nhiệm công trình khảo sát thích hợp với quy mô hành nghề của tổ chức.

6.3. Có ít nhất 2/3 số cán bộ kỹ thuật thuộc biên chế của tổ chức khảo sát xây dựng, trực tiếp làm việc theo chỉ đạo của chủ nhiệm công trình khảo sát.

6.4. Có phương tiện và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khảo sát xây dựng.

6.5. Riêng khảo sát kỹ thuật phục vụ thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn, quy hoạch xây dựng ngành do tổ chức khảo sát xây dựng của Nhà nước đảm nhiệm.

III. Điều kiện hành nghề của tổ chức thiết kế xây dựng

Điều 7

Chủ nhiệm đồ án thiết kế:

7.1. Tiêu chuẩn Chủ nhiệm đồ án thiết kế (quy hoạch, công trình).

a. Có quyền công dân

b. Tốt nghiệp đại học với văn bằng kiến trúc sư, kỹ sư (đối với công trình) hoặc kiến trúc sư (đối với quy hoạch).

c. Có năng lực thiết kế, năng lực tổ chức và điều hành thiết kế phù hợp với quy mô và tính chất phức tạp của công trình thiết kế.

Đối với công trình dân dụng, quy hoạch xây dựng đô thị; chủ nhiệm đồ án thiết kế chủ trì kiến trúc các công trình phải là kiến trúc sư có năng lực thiết kế chính phần kiến trúc (theo Quy chế hành nghề kiến trúc sư).

d. Có ít nhất 5 năm trực tiếp thiết kế, đã có ba đồ án thiết kế công trình được xây dựng mà không có sai phạm kỹ thuật.

đ. Được Hội đồng khoa học chuyên ngành của tổ chức, thiết kế đó công nhận, Thủ trưởng tổ chức đó ra quyết định và đăng ký với Bộ Xây dựng.

7.2. Mọi công dân Việt Nam có văn bằng tốt nghiệp của trường Đại học Kỹ thuật trong hoặc ngoài nước phù hợp với nghiệp vụ quy hoạch, thiết kế xây dựng đều được hành nghề trong tổ chức khảo sát - thiết kế có tư cách pháp nhân.

Thiết kế viên và người chủ trì thiết kế từng hạng mục công trình hay từng bộ môn kỹ thuật hay tác giả kiến trúc của công trình do Giám đốc tổ chức khảo sát thiết kế và chủ nhiệm đồ án thiết kế chỉ định.

Điều 8

Điều kiện chung để cấp hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng:

8.1. Có quyết định thành lập tổ chức thiết kế do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có chức năng thiết kế quy hoạch xây dựng.

8.2. Có số lượng chủ nhiệm đồ án thiết kế quy hoạch xây dựng thích hợp với quy mô hành nghề của tổ chức.

8.3. ít nhất có 2/3 số lượng các chủ trì thiết kế chuyên ngành (cấp nước, thoát nước, cấp điện, chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng, giao thông. ..) thuộc biên chế của tổ chức.

8.4. Có trang bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thiết kế quy hoạch xây dựng. Các thiết kế quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ xét duyệt hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt sau khi có sự thẩm tra thỏa thuận của Bộ Xây dựng do Bộ Xây dựng phân công cho các tổ chức thiết kế quy hoạch xây dựng của Nhà nước (Trung ương hoặc địa phương) thực hiện.

Điều 9

Điều kiện chung để cấp giấy phép hành nghề thiết kế công trình xây dựng:

9.1. Có quyết định thành lập tổ chức thiết kế do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có chức năng thiết kế cho loại công trình cụ thể.

9.2. Có số lượng chủ nhiệm đồ án thiết kế thích hợp với quy mô hành nghề của tổ chức.

9.3. Có vốn điều lệ phù hợp với mức vốn pháp định do Nhà nước quy định và mua bảo hiểm thiết kế.

IV. Đăng ký hành nghề của tổ chức khảo sát thiết kế xây dựng, chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng; chủ nhiệm công trình khảo sát

Điều 10

Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng; Chủ nhiệm công trình khảo sát xây dựng; Các kiến trúc sư, kỹ sư, muốn đăng ký chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế, Chủ nhiệm công trình khảo sát, thì người đó phải làm đơn; lập hồ sơ đăng ký theo mẫu đơn và hồ sơ như phụ lục 1, 2 và 3, kèm theo bản sao quyết định của Thủ trưởng tổ chức khảo sát thiết kế đó.

Nếu là kiến trúc sư để được xét cấp chứng chỉ chủ nhiệm đồ án thiết kế phải thực hiện theo Quy chế đăng ký hành nghề kiến trúc sư của Bộ Xây dựng ban hành.

Điều 11

Hồ sơ đăng ký hành nghề của tổ chức khảo sát - thiết kế gồm:

1. Đơn xin cấp giấy phép hành nghề khảo sát - thiết kế (theo phụ lục 4 và 5 của Bản Quy chế này).

2. Quyết định thành lập tổ chức khảo sát - thiết kế do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Bản kê khai về năng lực của tổ chức khảo sát - thiết kế: số lượng và trình độ chủ nhiệm công trình; trình độ và ngành nghề đào tạo của các chủ trì thiết kế chuyên ngành; trang thiết bị phục vụ khảo sát thiết kế (tổ chức thiết kế ghi theo nội dung phụ lục 3, tổ chức khảo sát theo phụ lục 3 và 6 của quy chế này).

4. Văn bằng đào tạo và lý lịch hành nghề của người đứng đầu tổ chức khảo sát - thiết kế (phụ lục số 2).

Khi tổ chức khảo sát - thiết kế muốn điều chỉnh nội dung hành nghề người đứng đầu tổ chức phải lập lại đủ thành phần hồ sơ nêu trên, giải thích lý do xin điều hành.

Điều 12

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề được phân công và phân cấp như sau:

1. Bộ Xây dựng thống nhất việc xét cấp giấy hành nghề cho các tổ chức khảo sát thiết kế xây dựng của tất cả các ngành kinh tế quốc dân từ Trung ương đến địa phương.

2. Các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật thụ lý hồ sơ xin đăng ký hành nghề của các tổ chức khảo sát - thiết kế thuộc Bộ quản lý, thẩm tra và có văn bản về nội dung đã thẩm tra gửi Bộ Xây dựng để xét cấp.

3. Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thụ lý hồ sơ đăng ký hành nghề của các tổ chức khảo sát - thiết kế trực thuộc địa phương quản lý, thẩm tra và có văn bản về nội dung đã thẩm tra gửi Bộ Xây dựng để xét cấp.

Việc cấp đăng ký hành nghề cho tổ chức khảo sát - thiết kế phải được một Hội đồng chuyên môn của Bộ Xây dựng thành lập để xem xét.

Thời hạn xem xét cấp đăng ký hành nghề của tổ chức khảo sát thiết kế trong phạm vi 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

Điều 13

Giấy phép hành nghề của tổ chức khảo sát - thiết kế do Bộ Xây dựng cấp được lập theo mẫu quy định. Giấy phép hành nghề gốc được lập bản, trong đó 2 bản giao cho đương sự, 1 bản lưu tại cơ quan cấp phép, 1 bản giao cho cơ quan quản lý xây dựng địa phương.

Trong quá trình hoạt động tổ chức khảo sát - thiết kế có quyền xin thay đổi (tăng hoặc giảm mức độ) hoặc bổ sung nội dung hành nghề đến Bộ Xây dựng để được xét cấp lại.

Khi đăng ký xét cấp giấy phép hành nghề tổ chức khảo sát - thiết kế phải nộp một khoản lệ phí phục vụ cho việc cấp giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ xây dựng.

V. Quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm

Điều 14

Quản lý, thanh tra và kiểm tra

1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý Nhà nước việc cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra hành nghề khảo sát - thiết kế trong cả nước.

Hàng năm Bộ Xây dựng tổng kết tình hình cấp giấy phép hành nghề và hiệu quả hoạt động theo giấy phép hành nghề khảo sát, thiết kế của tổ chức khảo sát - thiết kế và chủ nhiệm, thiết kế trong cả nước để báo cáo Chính phủ.

2. Các Bộ quản lý các ngành kinh tế kỹ thuật và các Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi và kiểm tra hoạt động của các tổ chức khảo sát xây dựng trực thuộc, tổng kết tình hình hàng quý gửi về Bộ Xã hội.

Điều 15

Xử lý vi phạm.

Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng, Chủ nhiệm công trình khảo sát xây dựng, tổ chức khảo sát - thiết kế xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, căn cứ mức độ vi phạm trong các điều sau đây sẽ bị phạt các mức: cảnh cáo, phạt tiền, bị thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép, truy cứu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật, cụ thể:

- Thực hiện khảo sát, thiết kế không đúng với nội dung cho phép ghi trong giấy phép hành nghề: cảnh cáo, phạt tiền.

- Chất lượng công trình khảo sát, thiết kế không đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn Nhà nước, để công trình có sự cố kỹ thuật do nguyên nhân khảo sát, thiết kế gây ra: truy cứu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật: bồi thường thiệt hại theo quy định Nhà nước; thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép.

- Cho thuê, tẩy xoá, sửa chữa hoặc có hành vi gian dối khác về chứng chỉ hành nghề: phạt tiền, thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép.

- Các vi phạm khác xử lý theo pháp luật hiện hành.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khảo sát, thiết kế xây dựng có quyền thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép đó, thông báo cho các cơ quan có liên quan của Nhà nước và đương sự thực hiện.

2. Trường hợp tổ chức và cá nhân hành nghề khảo sát, thiết kế xây dựng không có giấy phép hành nghề được cơ quan có thẩm quyền cấp coi như cá nhân và tổ chức đó vi phạm pháp luật. Sản phẩm do các cá nhân và tổ chức đó làm ra không có giá trị pháp lý, cơ quan quản lý xây dựng địa phương không cho phép thực hiện và có biện pháp xử lý theo pháp luật hiện hành.

VI. Điều khoản thi hành

Điều 16

Quy chế này thay thế "Quy chế về đăng ký hành nghề thiết kế xây dựng" ban hành kèm theo Quyết định của Bộ Trưởng Bộ xây dựng số 250/BXD ngày 14/10/1989 và có hiệu lực từ 1/7/1993.

Mọi quy định khác trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Các tổ chức khảo sát - thiết kế xây dựng đã có giấy phép đăng ký hành nghề theo Quyết định số 250/BXD đều phải làm lại thủ tục theo quy chế này.

Điều 17

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ bản quy chế này và các phụ lục kèm theo để hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đăng ký hành nghề ở Bộ và địa phương.

 

PHỤ LỤC SỐ 1

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Ngày.... tháng ... năm ...

 

ĐƠN XIN ĐĂNG KÝ CHỦ NHIỆM ĐỒ ÁN THIẾT KẾ, CHỦ NHIỆM CÔNG TRÌNH KHẢO SÁT

1) Họ và tên:

2) Ngày tháng năm sinh:

3) Địa chỉ thường trú:

4) Văn bằng đại học:

(kèm theo bản sao)

5) Quyết định Chủ nhiệm đồ án thiết kế số .... (bản sao kèm theo)

6) Tóm tắt quá trình hành nghề thiết kế (khảo sát) số công trình đã thiết kế (khảo sát) và đã được xây dựng, thời điểm thiết kế (khảo sát) và xây dựng các công trình đó.

7) Sở trường chuyên môn

8) Lời cam kết: (thực hiện đúng luật lệ hiện hành và phạm vi đăng ký hành nghề).

 

 

Người làm đơn ký:




------------

Xác nhận: Năng lực chuyên môn, sở trường, số lượng và chất lượng công trình đã thiết kế (khảo sát) của Thủ trưởng đơn vị đang công tác (nếu đang đương nhiệm trong một tổ chức thiết kế (khảo sát) có tư cách pháp nhân.

 

PHỤ LỤC SỐ 2

Mẫu số 5

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Ngày .... tháng .... năm ....

 

SƠ YẾU LÝ LỊCH KHOA HỌC

(Dùng cho kỹ sư, kiến trúc sư đứng đầu Văn phòng thiết kế, Chủ nhiệm công trình khảo sát, thiết kế, Chủ nhiệm đồ án thiết kế)

1) Họ và tên:

2) Địa chỉ thường trú:

3) Địa điểm làm việc:

Điện thoại: Fax:

4) Tên trường, khoa, ngành tốt nghiệp đại học:

5) Năm tốt nghiệp đại học, số văn bằng:

6) Học vị khoa học cao nhất:

7) Quá trình tham gia thiết kế hoặc các công trình kỹ thuật XDCB (ghi theo năm)

8) Các công trình đã tham gia thiết kế trong và ngoài nước, công trình đã xây dựng.

(Chủ nhiệm đồ án, chủ trì bộ môn)

-

-

-

Cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật

 

(Xác nhận của Giám đốc Sở Xây dựng nếu thuộc địa phương)

 

Xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nếu thuộc TW)

 

Ký tên

 

PHỤ LỤC 3

BẢN KÊ KHAI LỰC LƯỢNG CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CHÍNH
(Chỉ khai các chủ trì chuyên môn, Chủ nhiệm đồ án)

STT

Họ và tên

Năm, nơi đào tạo, trình độ

Chức danh nghề nghiệp

Ghi chú

năm

Nơi đào tạo

Trình độ

 

1

2

3

4

5

6

7

 

 

Thủ trưởng cơ quan chủ quản xác nhận
(ký tên và đóng dấu)

 

Ngày... tháng ... năm ...
Người đứng đầu tổ chức KSTK
(Ký tên và đóng dấu)

Ghi chú:

Đối với các tổ chức TK tư nhân phải do Giám đốc Sở Xây dựng xác nhận (ký tên và đóng dấu)

5. Trình độ - Trung cấp, kỹ sư, sau đại học, PTS, GS1, GS2

6. Chứng chỉ

- Chủ nhiệm đồ án TK

- Chủ nhiệm công trình KS

 

PHỤ LỤC 4

PHIẾU ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG
(dùng cho các tổ chức KTQHXD và TKCTXD)

1) Số đăng ký:

2) Tên tổ chức:

3) Địa chỉ:

4) Điện thoại:

5) Thành lập theo QĐ số ngày (có bản sao kèm)

6) Văn bản thỏa thuận của:

7) Cấp trên trực tiếp:

8) Đối tượng thiết kế:

9) Lực lượng chuyên môn kỹ thuật: (trong danh sách không kể kiểm nghiệm, cộng tác viên).

9.1. Tổng số:

9.2. Đại học và trên đại học:

9.3. Kỹ sư công nghệ:

9.4. Kiến trúc sư:

9.5. Kỹ sư (XD, GT, TL...)

9.6. Kỹ sư khác:

9.7. Trung cấp, nhân viên kỹ thuật:

9.8. Cán bộ quản lý:

10) Tài sản:

10.1. Vốn pháp định đồng Việt Nam (có bản xác nhận)

10.2. Thiết bị phục vụ công tác TK:

(tên, số lượng các thiết bị chính)

11) Năng lực thiết kế (theo năm trung bình)

11.1. Số lượng công trình Trên hạn ngạch tổng số (năm

11.2. Tổng số vốn đầu tư công trình được TK

11.3. Doanh thu tổng đ/năm

Thiết kế:

Khảo sát:

Nghiên cứu, thực nghiệm:

12) Số tài khoản (ghi đủ các tên và ngân hàng quản lý)

 

 

Ngày ... tháng ... năm ...
Thủ trưởng cơ quan đăng ký
(Ký tên và đóng dấu)

 

Bộ Xây dựng
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ........

 

 

GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ KHẢO SÁT THIẾT KẾ XÂY DỰNG

- Cấp cho tổ chức:

- Trụ sở đặt tại:

- Điện thoại:

- Quyết định hoặc giấy phép thành lập số:

Ngày ... tháng ... năm 199... do ............................................ cấp

- Được phép hành nghề

 

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Số đăng ký
0203 T.U-00

Ghi chú: - Giấy phép in bằng 19 x 27 cm