Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 92/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC KIỂM TRA XE VẬN TẢI HÀNG HÓA CHỞ QUÁ TẢI TRỌNG CHO PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 27/2009/TT-BCA(C11) ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 08/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 121/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phạm vi áp dụng thí điểm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với một số vi phạm trong khu vực nội ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 7008/SGTVT-VTĐB ngày 15 tháng 11 năm 2010 và Công văn số 7827/SGTVT-VTĐB ngày 16 tháng 12 năm 2010; Ý kiến thẩm tra của Sở Tư pháp tại Công văn số 5912/STP-VB ngày 07 tháng 12 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp tổ chức kiểm tra xe vận tải hàng hóa chở quá tải trọng cho phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, các cảng sông, cảng cạn, cảng biển, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TỔ CHỨC KIỂM TRA XE VẬN TẢI HÀNG HÓA CHỞ QUÁ TẢI TRỌNG CHO PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 92/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bản Quy chế này quy định nội dung, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện kiểm tra xe vận tải hàng hóa chở quá tải trọng xe và quá tải trọng cầu đường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Thành phần phối hợp

Bao gồm các cơ quan chức năng sau đây:

1. Công an thành phố;

2. Sở Giao thông vận tải.

Điều 3. Đối tượng kiểm tra

Tất cả các xe vận tải hàng hóa hoạt động lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Chương II

TỔ CHỨC PHỐI HỢP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 4. Nội dung kiểm tra

1. Các giấy tờ phải mang theo xe khi tham gia giao thông theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

2. Giấy vận chuyển và các giấy tờ hợp pháp về hàng hóa;

3. Trọng lượng hàng hóa cùng trọng lượng của xe vận tải hàng hóa so với tải trọng cho phép trên giấy đăng ký xe;

4. Kiểm tra, kiểm soát số lượng người, xe; quy cách, kích thước hàng hóa chuyên chở (chiều dài, rộng, cao).

Điều 5. Phân công trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan phối hợp

1. Trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; lực lượng Cảnh sát giao thông-Trật tự - Phản ứng nhanh các quận, huyện:

a) Lập kế hoạch phối hợp kiểm tra gửi đến các đơn vị phối hợp để thống nhất, trình Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông thành phố phê duyệt;

b) Ra hiệu dừng xe;

c) Kiểm tra các giấy tờ phải mang theo xe khi tham gia giao thông theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

d) Kiểm tra, kiểm soát số lượng người, xe; quy cách, kích thước hàng hóa chuyên chở (chiều dài, rộng, cao).

2. Trách nhiệm, quyền hạn của Thanh tra Sở Giao thông vận tải

a) Thống kê số lượng trạm cân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

b) Ra hiệu dừng xe trong trường hợp cấp thiết được quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải;

c) Kiểm tra giấy vận chuyển và các giấy tờ hợp pháp của hàng hóa;

d) Kiểm tra trọng lượng hàng hóa cùng trọng lượng bản thân của xe vận tải hàng hóa so với tải trọng cho phép trên giấy đăng ký xe; tải trọng cho phép của cầu, đường;

đ) Tham gia các hoạt động phối hợp theo kế hoạch chuẩn bị của cơ quan chủ trì quy định tại Điều 8 Quy chế này;

e) Cử và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức của cơ quan mình khi tham gia công tác phối hợp.

Điều 6. Ra hiệu lệnh dừng xe

1. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ được ra hiệu dừng xe trong tất cả trường hợp;

2. Thanh tra Sở Giao thông vận tải được ra hiệu dừng xe trong các trường hợp cấp thiết được quy định tại Điều 4 Thông tư số 08/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải như sau:

a) Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;

b) Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;

c) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp xích trên đường làm hư hại đường bộ.

Điều 7. Xử lý các hành vi vi phạm

1. Khi phát hiện người điều khiển xe vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đoàn kiểm tra căn cứ vào chức năng, quyền hạn theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại thời điểm kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phân công việc lập biên bản vi phạm.

2. Buộc phải hạ tải phần quá tải, dỡ phần quá khổ đối với các trường hợp xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ cho phép của xe và cơ giới hạn tải trọng cho phép của cầu, đường (nếu có đủ điều kiện).

a) Trường hợp kiểm tra tại các cổng cảng biển, cảng cạn, cảng sông, kho hàng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (các đơn vị cảng biển, cảng cạn, cảng sông, kho hàng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao không bố trí địa điểm kiểm tra ngay bên trong đơn vị) khi phát hiện xe chở quá tải trọng cho phép thì yêu cầu xe vào bên trong để hạ tải;

b) Trường hợp kiểm tra trên đường khi phát hiện xe chở quá tải trọng cho phép thì áp tải xe đến trạm cân gần nhất để hạ tải;

c) Trường hợp, xe chở quá tải gây hư hại cầu, đường thì buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Điều 8. Tổ chức đoàn kiểm tra

1. Công an thành phố có trách nhiệm chủ trì việc thành lập đoàn kiểm tra.

2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cử lực lượng tham gia đoàn kiểm tra.

Điều 9. Kinh phí

1. Kinh phí trang bị cân tải trọng xe cơ giới phục vụ cho việc kiểm tra theo Quy chế này được sử dụng từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông để lại cho Ban An toàn giao thông thành phố. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lập dự án đầu tư cân tải trọng xe cơ giới trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

2. Kinh phí tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp theo kế hoạch quy định của Quy chế này được sử dụng từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông để lại cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải. Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi và lập thủ tục thanh toán chi phí cho các thành viên tham gia kế hoạch kiểm tra trên cơ sở số lượng tham dự thực tế, trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Giao Sở Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thực hiện Quy chế này; tổng hợp tình hình, đề xuất và báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc điều chỉnh nội dung bản Quy chế (nếu có) cho phù hợp.

Thủ trưởng các đơn vị là cảng biển, cảng cạn, cảng sông, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao xem xét bố trí địa điểm kiểm tra phù hợp cho đoàn kiểm tra khi cần thiết; đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện, bên giao hàng, chủ phương tiện và chủ hàng trong việc không chở hàng hóa quá tải trọng xe và quá tải trọng cầu, đường./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 92/2010/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp tổ chức kiểm tra xe vận tải hàng hóa chở quá tải trọng cho phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 92/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản