Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 92/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 06 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: "PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU DỨA PHỤC VỤ CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 - 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI;
Căn cứ Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 03/02/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XVI;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại tờ trình số 1212/TTr-SNN.KHĐT ngày 19/7/2007

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: "Phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ chế biến và xuất khẩu"

(Có Đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Công nghiệp, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên & Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện có quy hoạch trồng dứa nguyên liệu và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU DỨA PHỤC VỤ CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU
(Kèm theo Quyết định số 92/2007/QĐ-UBND ngày 06/08/2007 của UBND tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT từ năm 2001 đến nay Nghệ An đã tham gia chương trình phát triển cây dứa nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Trong giai đoạn phát triển vừa qua cho thấy dứa là cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao trên các vùng đất đồi núi ở Nghệ An và không những là cây xoá đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nông dân. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu dứa.

Phát triển vùng dứa nguyên liệu sẽ nâng hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất và góp phần phủ xanh đất hoang hoá, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân và tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa XVI đề ra, UBND tỉnh xây dựng Đề án: "Phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ chế biến và xuất khẩu", với các nội dung chủ yếu sau:

Những căn cứ xây dựng đề án:

- Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

- Căn cứ Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 03/02/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005.

- Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND.NN ngày 15 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng dứa nguyên liệu tỉnh Nghệ An thời kỳ 2001 - 2010.

- Cây dứa nguyên liệu đã được trồng ở Nghệ An từ năm 2001 và đã khẳng định được hiệu quả kinh tế trên vùng đất đồi.

Phạm vi xây dựng đề án: Đề án xây dựng trong phạm vi các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ.

Phần 1:

KẾT QUẢ TRỒNG DỨA NGUYÊN LIỆU GIAI ĐOẠN 2001-2006

I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 2001 - 2006:

1. Diện tích, năng suất, sản lượng giai đoạn 2001-2006:

TT

Năm

Diện tích trồng

mới (ha)

Diện tích Cayen cho thu hoạch (ha)

Năng suất dứa Cayen (tạ/ha)

Sản lượng

dứa Cayen (tấn)

Cayen

Queen

1

2001

421,0

575

0

0

0

2

2002

801,1

265,4

87,5

200

1.750

3

2003

727,3

47

800

200

16.000

4

2004

1.345,45

48

993,44

250

24.836

5

2005

755,0

0

660

270

17.845

6

2006

281

20

885

231

20.440,5

 

Tổng cộng

4.330,85

975,4

3.425,94

1.151

80.871,5

2. Kết quả trồng mới dứa Cayen hàng năm so với kế hoạch:

TT

Huyện

2002

2003

2004

2005

2006

KH

TH

KH

TH

KH

TH

KH

TH

KH

TH

1

Yên Thành

400

212,5

900

296,2

600

253,05

400

175

300

49

2

Quỳnh Lưu

510

312

650

309,4

1.000

889,9

600

 370

700

197

3

Nghĩa Đàn

300

276,6

100

121,7

200

149,5

200

180

250

35

4

Tân Kỳ

0

0

0

0

200

53

300

30

250

0

 

Tổng

1.210

801,1

1.650

727,3

2.000

1.345,5

1.500

755

1.500

281

3. Tình hình thu mua, chế biến của Nhà máy:

- Năm 2003: Tháng 7 năm 2003 Nhà máy chính thức đi vào hoạt động và trong năm 2003 Nhà máy đã thu mua được 3.805,63 tấn nguyên liệu/Tổng sản lượng cho thu hoạch theo báo cáo của các huyện là 16.000 tấn (đạt 23,9%).

- Năm 2004: Nhà máy đã thu mua được 11.331,3 tấn nguyên liệu/Tổng sản lượng cho thu hoạch theo báo cáo của các huyện là 24.836 tấn (đạt 45,6%). Năng suất bình quân đạt khoảng 25 tấn/ha.

- Năm 2005: Nhà máy đã thu mua được 14.137 tấn/Tổng sản lượng cho thu hoạch theo báo cáo của các huyện là 17.845 tấn (đạt 79,22%). Năng suất bình quân đạt khoảng 27,0 tấn/ha.

- Năm 2006: Nhà máy đã thu mua được 11.150 tấn/Tổng sản lượng cho thu hoạch theo báo cáo của các huyện là 20.440,5 tấn (đạt 54,55%). Năng suất bình quân đạt khoảng 23,1 tấn/ha.

* Nhận xét: Kết quả thực hiện dự án phát triển vùng dứa nguyên liệu giai đoạn 2001 đến 2006 không đạt kế hoạch đề ra về cả 3 mặt diện tích, năng suất và sản lượng. Cụ thể:

- Về diện tích: Theo kế hoạch đến năm 2005:

+ Diện tích dứa đứng toàn tỉnh phải có 3.960 ha, nhưng đến cuối năm 2005 chỉ đạt 2.500 ha (đạt 61,13%KH);

+ Diện tích cho thu hoạch hàng năm 2.640 ha, nhưng đến năm 2005 chỉ đạt 660 ha (đạt 25%KH);

- Năng suất: Theo kế hoạch dự án đến năm 2005 năng suất dứa Cayen phải đạt 50 tấn/ha, nhưng thực tế chỉ đạt 27 tấn/ha (đạt 54% KH).

- Sản lượng: Theo kế hoạch dự án đến năm 2005 phải đạt 110.000 tấn, nhưng thực tế chỉ đạt 17.845 tấn (đạt trên 16,22% KH).

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU DỨA THỜI GIAN QUA:

1. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật:

Nhìn chung những năm qua việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất dứa chưa tốt, chưa thực hiện đúng quy trình và các định mức kinh tế kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, cụ thể:

- Đầu tư thâm canh: Dứa là cây trồng yêu cầu đầu tư lượng phân bón khá cao (6.000 kg phân NPK/ha), nhưng những vùng trồng dứa cơ bản nông dân còn khó khăn, mặt khác các đơn vị cung ứng phân bón lại cho vay với lượng ít nên việc đầu tư phân bón còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% theo yêu cầu định mức của quy trình. Việc tưới nước cho dứa hầu như chưa thực hiện được.

- Kỹ thuật trồng: Mật độ trồng nhìn chung còn thấp, có nơi rất thấp (chỉ đạt 30.000 đến 35.000 chồi/ha), khi trồng không phân loại chồi nên độ đồng đều của vườn dứa đạt thấp.

- Kỹ thuật xử lý ra hoa: Việc xử lý ra hoa chưa thực hiện tốt, kỹ thuật xử lý chưa đảm bảo, vào thời điểm cần xử lý thời tiết bất thuận nên tỷ lệ ra hoa đạt thấp. Chính những điều đó đã phần nào làm cho năng suất dứa những năm qua đạt thấp và dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ dứa xảy ra vào các tháng 6,7.

- Công tác phòng trừ sâu bệnh chưa thật sự được quan tâm, chưa có biện pháp tích cực, mặt khác nông dân còn thiếu kinh nghiệm và chủ quan nên hiệu quả phòng trừ chưa cao.

2. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất:

- Đầu tư xây dựng các hệ thống đường giao thông: Đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra và chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nguyên liệu. Có nhiều vùng nguyên liệu việc vận chuyển còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng xã Tân Thắng huyện Quỳnh Lưu và vùng Tổng đội TNXP 6 - XDKT, huyện Yên Thành.

- Tiến độ xây dựng nhà máy: Việc xây dựng nhà máy chậm so với tiến độ đề ra nên trong năm 2003 đã có một số nguyên liệu phải bán ra ngoài vùng.

3. Thu mua, chế biến, thị trường:

- Về giá thu mua: Nhà máy đã thực hiện thu mua với giá linh hoạt. Tuy nhiên với mức giá như thời gian qua có thể nói vẫn còn thấp và chưa thực sự động viên người trồng dứa.

- Nhà máy đã có nhiều cố gắng trong thu mua, thanh toán, chế biến nhưng vẫn còn một số tồn tại nhất định đó là: Trong 2 năm 2004, 2005 tình trạng dư thừa dứa nguyên liệu đã xảy ra vào các tháng chính vụ (tháng 6 và tháng 7); năm 2006 nhà máy trả tiền mua nguyên liệu cho dân quá chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và đã tạo nên tâm lý thiếu yên tâm phấn khởi trong sản xuất.

- Thị trường xuất khẩu: Trong những năm qua giá cả thị trường có nhiều biến động theo chiều hướng giảm nên đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất. Cụ thể giá xuất khẩu của một số năm như sau: Năm 2003 là 1.200 USD/tấn sản phẩm; năm 2004 là 1.100 USD/tấn sản phẩm; năm 2005 là 800 USD/tấn sản phẩm và năm 2006 là 750 USD/tấn sản phẩm.

4. Thực hiện các cơ chế, chính sách: UBND tỉnh và các địa phương, đơn vị đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dứa. Cụ thể:

a) Chính sách của tỉnh:

Để phát triển vùng nguyên liệu dứa, những năm UBND tỉnh đã ban hành các chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển cây dứa như: Trợ giá giống; Cho vay vốn mua chồi giống (trừ phần đã được trợ giá); Cho vay ứng phân bón trồng mới; Hỗ trợ 400.000 đồng/ha đối với đất khai hoang để trồng mới dứa Cayen, hỗ trợ tiền hoá chất để xử lý ra hoa; Hỗ trợ giá giống để nhập khẩu giống mới về khảo nghiệm; hỗ trợ 40% giá trị công trình được quyết toán do cấp có thẩm quyền phê duyệt (thiết bị và vật tư) tưới nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động, ống tưới PVC hoặc bằng cao su. Tổng số kinh phí đã hỗ trợ như sau:

ĐVT: Triệu đồng

TT

Địa phương

Kinh phí Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ

(kinh phí thực chi trả)

Tổng

 cộng

2001

2002

2003

2004

2005

1

Nghĩa Đàn

0

223,907

72,32

138,322

0

434,549

2

Quỳnh Lưu

0

944,518

950

2.966,324

10

4.870,842

3

Yên Thành

0

1.230,631

1.533,897

597,334

0

3.361,862

4

Cty Cây ăn quả

1.515,442

1.229,763

897,238

258,75

0

3.901,193

5

Tân Kỳ

0

0

0

120,789

84,628

205,417

6

Cty CP thực phẩm

0

0

0

0

496,666

496,666

 

Tổng cộng

1.515,442

3.629,819

3.453,455

4.081,519

591,294

13.270,53

Ngoài các chính sách ở trên UBND tỉnh đã đầu tư khoảng 80 tỷ đồng để làm đường giao thông trong vùng nguyên liệu và cầu Bến Nghè.

b) Chính sách của các huyện:

* Huyện Quỳnh Lưu: Năm 2004 UBND huyện đã hỗ trợ cho dân vay 678 tấn phân NPK với tổng số tiền lãi suất đã cấp bù là 357 triệu đồng.

* Huyện Yên Thành: Đã có chính sách hỗ trợ khai hoang, từng năm như sau:

- Năm 2002: 250.000 đồng/ha.

- Năm 2003: 200.000 đồng/ha.

- Năm 2004: 150.000 đồng/ha.

c) Chính sách của Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An: Công ty đã ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời một số chính sách cho người trồng dứa như: Cho nông dân vay phân bón không tính lãi suất trong thời gian 18 tháng, với số phân đã cho vay là 3.188 tấn; Hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật; Hỗ trợ 30% đất đèn để xử lý ra hoa trong năm 2004, 2005; Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng; Hỗ trợ cho Ban chỉ đạo trồng dứa.

d) Chính sách của Công ty Cây ăn quả: Cho vay toàn bộ giống, vật tư, chi phí cày đất.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được:

- Sau 5 năm thực hiện dự án đã khẳng định dứa là cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao trên các vùng đất của Nghệ An, đặc biệt ở những vùng đất đồi. Góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu đạt tổng thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm, cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

- Hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

- Việc phát triển vùng nguyên liệu dứa đã tận dụng được nhiều vùng đất hoang hoá lâu năm, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

- Tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, thu hút được nhiều lao động, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ nông dân.

- Góp phần vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế:

- Công tác chỉ đạo ở các địa phương, đơn vị có lúc còn thiếu kiên quyết, chưa cụ thể. Sự phối hợp giữa Nhà máy - Chính quyền các cấp và người trồng dứa còn thiếu chặt chẽ và nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của cả Doanh nghiệp và người trồng dứa. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho kết quả trồng dứa hàng năm chỉ đạt từ 44,1% đến 67,3% kế hoạch.

- Đầu tư thâm canh chưa đáp ứng nhu cầu cây dứa; kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, trồng rải vụ và phòng trừ sâu bệnh chưa tốt.

- Năng suất dứa đạt được còn thấp, sản phẩm dứa có lúc còn ứ đọng.

- Đội ngũ cán bộ nông vụ của Nhà máy những năm đầu thiếu về số lượng và yếu về kỹ thuật nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Lượng dứa nhà máy thu mua được đạt thấp so với sản lượng cho thu  hoạch.

- Nguồn điện cung cấp cho Nhà máy và công nghệ chế biến của Nhà máy chưa ổn định nên phần nào đã làm dư thừa dứa vào các tháng 6,7.

3. Nguyên nhân:

a) Nguyên nhân đạt được:

- Đã xác định được vị trí của cây dứa nên đã tổ chức đầu tư phát triển đúng hướng để khai thác lợi thế của cây dứa và hiệu quả sử dụng các vùng đất đồi, đất hoang hoá.

- Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, Ngành, các địa phương đã phối hợp tốt trong việc triển khai nhiệm vụ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dứa, nỗ lực khắc phục khó khăn để giải quyết vốn cho sản xuất. UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị đã ban hành kịp thời các chính sách để hỗ trợ, động viên người trồng dứa.

- Dứa là cây trồng có hiệu quả kinh tế khá, đặc biệt đối với những vùng đồi núi, việc trồng dứa đã tận dụng được nhiều đất đai hoang hoá. Và dứa là mặt hàng sản xuất để chế biến, xuất khẩu, có Nhà máy đứng ra thu mua nên đã động viên được người nông dân trồng dứa.

b) Nguyên nhân tồn tại:

- Trồng dứa Cayen làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là một việc làm khá mới mẻ đối với cán bộ cũng như người nông dân Nghệ An nên việc tổ chức chỉ đạo thực hiện quy trình kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, cũng như thu hoạch, chế biến còn nhiều tồn tại.

- Dứa là cây trồng yêu cầu đầu tư thâm canh cao nhưng nông dân những vùng tham gia dự án đa số các hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn nên thiếu đầu tư dẫn đến năng suất dứa những năm đầu còn thấp.

- Việc xử lý ra hoa trái vụ đạt kết quả thấp do nhiều nguyên nhân như thời tiết bất thuận, thời điểm xử lý ra hoa trùng vào thời kỳ mưa nhiều (tháng 8 đến tháng 10), kỹ thuật xử lý ra hoa chưa tốt. Kết hợp với việc trồng rải vụ đạt kết quả thấp do thời tiết nắng hạn, chồi giống thiếu,... Nên đã dẫn đến tình trạng ứ đọng dứa vào các tháng chính vụ (tháng 6,7), điều này phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân, làm cho họ lo lắng và ngại trồng dứa.

- Nhà máy chưa thực sự trở thành vai trò trung tâm trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; sự đầu tư của nhà máy cho vùng nguyên liệu còn hạn chế, sự chi trả tiền dứa quả của nhà máy cho người dân và doanh nghiệp có lúc còn chậm; chưa tạo được sự gắn bó giữa nhà máy và người nông dân nên sản lượng dứa mà nhà máy thu mua được còn thấp so với sản lượng thu hoạch được.

- Tỉnh ta là tỉnh phát triển vùng nguyên liệu dứa sớm của cả nước nên những năm đầu chồi giống khan hiếm và phải mua từ Trung Quốc với giá giống cao nên dân trồng với mật độ thưa. Mặt khác chất lượng không đảm bảo nên năng suất đạt được còn thấp.

Phần 2:

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN VÙNG DỨA NGUYÊN LIỆU GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

I. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN:

1. Thuận lợi:

- Dứa là cây trồng sản xuất để chế biến theo kiểu công nghiệp, có thị trường tiêu thụ nên có thể sản xuất với quy mô lớn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mạnh vùng dứa nguyên liệu.

- Quỹ đất trồng dứa đã được quy hoạch đủ để xây dựng kế hoạch trồng mới hàng năm theo nhiệm vụ đề ra.

- Trên địa bàn tỉnh ta đã có đủ nguồn chồi giống với chất lượng đảm bảo, phục vụ cho việc trồng mới hàng năm.

- Cán bộ chỉ đạo cũng như nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong trồng dứa nguyên liệu.

- Nhà máy nước dứa Cô đặc Quỳnh Châu đã đi vào hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ nông vụ của nhà máy đã được tăng cường cơ bản đủ về số lượng và có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời nhà máy đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới và có bạn hàng lớn.

- Giá dứa xuất khẩu trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu tăng trở lại, năm 2007 đạt 850 USD/tấn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

2. Khó khăn:

- Khó khăn lớn nhất đối với trồng dứa nguyên liệu hiện nay là rải vụ thu hoạch. Bởi vì nó bị động vào nhiều yếu tố như thời tiết, kỹ thuật xử lý, trình độ đầu tư thâm canh,…

- Chu kỳ sinh trưởng của cây dứa khá dài (18 đến 24 tháng) nên việc thu hồi vốn lâu.

- Dứa là cây yêu cầu đầu tư phân bón và kỹ thuật cao hơn trồng sắn, mía, trong khi đó nông dân ở các vùng trồng dứa vẫn còn khó khăn về kinh tế và nhận thức thấp nên cây dứa sẽ bị cạnh tranh gay gắt về quỹ đất.

- Việc trồng dứa nguyên liệu bị động rất lớn vào thị trường xuất khẩu và tình hình sản xuất dứa của các nước trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan.

- Chính sách đầu tư của UBND tỉnh giảm so với những năm trước đây cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho việc phát triển vùng nguyên liệu trong thời gian tới.

- Khả năng tài chính của Công ty CP thực phẩm Nghệ An (chủ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến dứa Quỳnh Châu) còn nhiều hạn chế.

II. PHƯƠNG HƯỚNG: Đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng vùng gò đồi để phát triển dứa nguyên liệu theo hướng tăng diện tích, năng suất, sản lượng, qua đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đồng thời tạo ra một mặt hàng xuất khẩu ổn định, góp phần tăng thu ngân sách và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân.

III. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát: Theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI từ năm 2010 trở đi Nghệ An có vùng nguyên liệu dứa tập trung, với sản lượng cho thu hoạch 100.000 tấn dứa quả/năm để phục vụ cho 2 nhà máy chế biến với công suất 50.000 tấn dứa quả/năm (thời gian thu hoạch 10 tháng/năm). Nhưng qua thực tế sản xuất mấy năm qua và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học thì thời gian thu hoạch của cây dứa ở Nghệ An chỉ tập trung khoảng 7 tháng là tối đa vì vậy mục tiêu đặt ra là 70.000 tấn dứa quả/năm (35.000 tấn/nhà máy). 

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phương án 1: Không xây dựng thêm nhà máy nữa mà chỉ giữ nguyên một nhà máy với công suất thực tế 35.000 tấn dứa quả/năm (5.000 tấn/tháng x 7 tháng) như hiện nay, thì mục tiêu là:

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

1

Diện tích trồng mới

ha

700

700

700

700

2

Diện tích dứa đứng

ha

1.500

1.400

1.400

1.400

3

Diện tích thu hoạch

ha

800

700

700

700

4

Năng suất

Tạ/ha

320

400

500

500

5

Sản l­ượng

tấn

25.600

28.000

35.000

35.000

b) Phương án 2: Xây dựng thêm một Nhà máy nữa với công suất chế biến 35.000 tấn dứa quả/năm. Đưa tổng công suất 2 nhà máy lên 70.000 tấn dứa quả/năm, thì mục tiêu là:

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

1

Diện tích trồng mới

ha

700

1.400

1.400

1.400

2

Diện tích dứa đứng

ha

1.500

2.100

2.800

2.800

3

Diện tích thu hoạch

ha

800

700

700

1.400

4

Năng suất

Tạ/ha

320

400

500

500

5

Sản l­ượng

tấn

25.600

28.000

35.000

70.000

IV. GIẢI PHÁP:

1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa đến năm 2010:

Theo quyết định số 2163/QĐ-UB-NN ngày 15 tháng 6 năm 2004 của UBND tỉnh thì đến năm 2010 diện tích quy hoạch trồng dứa nguyên liệu là 10.000 ha. Nhưng khi thực hiện theo từng phương án sẽ điều chỉnh quy hoạch như sau:

Phương án 1: Đất quy hoạch cho trồng dứa là 2.000 ha và diện tích dứa đứng hàng năm từ năm 2008 trở đi ổn định 1.400 ha. Diện tích quy hoạch bố trí cho từng huyện như sau:

- Huyện Quỳnh Lưu: 1.500 ha.

- Huyện Yên Thành: 350 ha.

- Huyện Nghĩa Đàn: 150 ha.

Phương án 2: Đất quy hoạch cho trồng dứa là 4.000 ha và diện tích dứa đứng hàng năm từ năm 2009 trở đi ổn định 2.800 ha. Diện tích quy hoạch bố trí cho từng nhà máy như sau:

* Nhà máy Quỳnh Châu - Quỳnh Lưu: 2.000 ha, bao gồm:

- Huyện Quỳnh Lưu: 1.500 ha.

- Huyện Yên Thành: 350 ha.

- Huyện Nghĩa Đàn : 150 ha.

* Nhà máy ở Tân Kỳ: 2.000 ha, bao gồm:

- Huyện Yên Thành: 600 ha.

- Huyện Tân Kỳ : 1.000 ha.

- Huyện Nghĩa Đàn: 400 ha.

Lưu ý: Quy hoạch phải liền vùng, chọn những nơi chủ hộ có điều kiện về lao động, tài chính để đầu tư sản xuất. Quy hoạch chủ yếu ở Doanh nghiệp, Tổng đội TNXP-XDKT, chủ trang trại.

2. Thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học: Để đạt mục tiêu năng suất đề ra cần thực hiện tốt một số giải pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

* Áp dụng quy trình thâm canh dứa do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, trong đó chú trọng một số vấn đề sau:

- Chọn giống: Đồng đều, sạch bệnh ở những vườn có quả dạng hình trụ, năng suất cao.

- Phân bón: Bón đầy đủ, cân đối; với tỷ lệ N:P205:K20 là 2:1:3 hoặc 2:1:4.

- Mật độ: Tăng từ 42.000 - 45.000 cây/ha lên 60.000 - 65.000 cây/ha.

- Tăng cường đầu tư các công trình thuỷ lợi để tưới cho dứa.

- Bố trí luân canh: Trồng một vụ hoại và áp dụng công thức luân canh 2 chu kỳ dứa (tương đương với 2 vụ dứa) + 1 năm luân canh cải tạo đất. Cây trồng luân canh ưu tiên cây họ đậu.

- Khi trồng cần phân cụ thể từng loại chồi và trồng riêng biệt.

- Thực hiện nghiêm ngặt kế hoạch trồng rải vụ và xử lý ra hoa.

- Xử lý ra hoa 2 lần cách nhau 5 -7 ngày, xử lý bằng đất đèn với nồng độ 2-3% và xử lý sau 17 giờ.

* Tiếp tục chăm sóc, theo dõi để đánh giá tiềm năng năng suất của giống MD2 đã nhập về và trồng khảo nghiệm tại nhà máy chế biến nước dứa cô đặc Quỳnh Châu. Đồng thời tìm kiếm, du nhập các giống mới có tiềm năng năng suất cao để khảo nghiệm, theo dõi.

* Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp như trồng rải vụ, xử lý ra hoa, dùng chế phẩm làm chín nhanh, chín chậm để rải vụ thu hoạch dứa.

3. Về chế biến và tiêu thụ:

* Để đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng dứa hàng năm theo dự kiến cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Phương án 1: Ổn định công suất chế biến thực tế của Nhà máy nước dứa cô đặc tại xã Quỳnh Châu - huyện Quỳnh Lưu như hiện nay là 35.000 tấn dứa quả/năm.

- Phương án 2: Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng thêm một Nhà máy chế biến nước dứa cô đặc đặt tại huyện Tân Kỳ, với công suất chế biến thực tế là 35.000 tấn dứa quả/năm và phải đi vào hoạt động từ đầu năm 2010.

* Để đảm bảo sử dụng hết công suất thiết kế của nhà máy thì các nhà máy phải đa dạng hoá sản phẩm (chế biến thêm các sản phẩm như cà chua, vải urê, chanh leo,..), bởi vì trong điều kiện khí hậu ở Nghệ An thì cây dứa chỉ có thể cho thu hoạch tối đa 7 tháng/năm (tương đương 35.000 tấn dứa quả/năm).

* Nhà máy phải ký hợp đồng triệt để với từng hộ nông dân theo tinh thần quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có chính sách đầu tư thoả đáng để ràng buộc họ phải bán sản phẩm cho nhà máy.

4. Về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu dứa: Theo các quy định hiện hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

* Đề nghị UBND các huyện vùng nguyên liệu dứa: Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, hàng năm UBND các huyện trích ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư phân bón.

* Đề nghị Công ty, nhà máy chế biến dứa:

- Có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân vay phân bón, cuối vụ thu tiền thông qua sản phẩm, với định mức tối thiếu 1.500 kg phân bón NPK/ha và hỗ trợ tiền mua đất đèn để nông dân xử lý ra hoa.

- Có chính sách giá cả hợp lý để động viên nông dân tích cực trồng dứa nguyên liệu, trên nguyên tắc phải đảm bảo giá thu mua cao hơn hoặc bằng giá thu mua của các nhà máy khác trong vùng. Trong đó cần lưu ý đến giá thu mua dứa lúc trái vụ để khuyến khích và đảm bảo lợi ích cho người trồng dứa.

- Xây dựng chính sách khen thưởng để động viên kịp thời người sản xuất.

Ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, UBND tỉnh cho lập các dự án đầu tư xây dựng một số hồ, đập và hệ thống đường giao thông trong vùng nguyên liệu.

Phần 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển vùng dứa nguyên liệu giai đoạn 2007 - 2010, có nhiệm vụ:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, các ngành liên quan và các Nhà máy hướng dẫn các huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch .

- Chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu kịp thời các chính sách để phát triển vùng nguyên liệu dứa, trình UBND tỉnh quyết định. Và quản lý việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các địa phương, đơn vị.

- Chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để xây dựng quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật trồng dứa trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời phải thường xuyên nghiên cứu, tìm kiếm các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử tại Nghệ An để từ đó nhân rộng ra sản xuất. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất.

- Trên cơ sở xem xét kế hoạch trồng mới theo phương án trồng rải vụ, xử lý ra hoa hàng năm do các huyện và các nhà máy đề xuất để tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mới hàng năm. 

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc như Trung tâm Khuyến nông-khuyến lâm, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục thuỷ lợi,…thực hiện tốt việc tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh,…

2. Sở Giao thông vận tải: Căn cứ vào quy hoạch vùng nguyên liệu và tiến độ trồng mới, thu hoạch để khảo sát, đề xuất xây dựng các dự án nâng cấp, sửa chữa, làm mới các công trình giao thông như cầu, cống, đường để đảm bảo vận chuyển thuận tiện khi thu hoạch dứa.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tham mưu kịp thời các chính sách và cấp phát kịp thời các nguồn tài chính theo chính sách hàng năm của UBND tỉnh. Hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và hiệu quả vốn ngân sách đã đầu tư. Đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư sử dụng nguồn ngân sách đầu tư đúng quy định của Nhà nước.

4. Sở Kế hoạch và đầu tư:

- Chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa.

- Phối hợp với các ngành, các cấp để hướng dẫn lập, thẩm định các dự án đầu tư liên quan đến vùng nguyên liệu dứa. Cân đối bố trí đủ vốn cho các dự án trình UBND tỉnh quyết định.

5. Các nhà máy chế biến: Chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo phát triển, quản lý vùng nguyên liệu dứa.

- Hàng năm, phối hợp với UBND các huyện, các xã trong vùng nguyên liệu xây dựng kế hoạch trồng mới, xử lý ra hoa, trên cơ sở đó để tổ chức vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc trồng dứa theo kế hoạch, có hiệu quả. 

- Đầu tư cho nông dân vay vốn, vật tư phân bón, tổ chức sản xuất và cung ứng giống, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật,… Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo đúng tinh thần Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cở sở đó để quản lý tốt vùng nguyên liệu. Xây dựng giá mua dứa hợp lý cho từng thời điểm và đảm bảo bằng hoặc cao hơn giá của các nhà máy khác trong vùng.

- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để tìm kiếm các giống mới đưa về khảo nghiệm và nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

6. Ngân hàng: Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được vay đủ vốn đầu tư cho trồng dứa.

7. Điện lực: ưu tiên cấp điện cho các nhà máy chế biến hoạt động thường xuyên, đặc biệt là vào thời gian thu hoạch chính vụ (tháng 6,7 hàng năm).

8. UBND các huyện vùng nguyên liệu dứa:

- Thành lập Ban chỉ đạo phát triển nguyên liệu dứa từ cấp huyện đến xã, phối hợp với các nhà máy và các ngành để chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu dứa ở địa phương mình đạt kết quả tốt.

- Hàng năm cần có kế hoạch trích ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,….

- Phối hợp chặt chẽ với các nhà máy chế biến để chỉ đạo nông dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng mới, chăm sóc, xử lý ra hoa trái vụ đạt kế hoạch và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 92/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: "Phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ chế biến và xuất khẩu" do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 92/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đình Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản