Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 917/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGÀNH PHÁT THANH – TRUYỀN HÌNH TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 19/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKH ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 2003/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề cương và dự toán Dự án Quy hoạch “Ngành phát thanh, truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 1155/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt điều chỉnh tên đề cương và dự toán Quy hoạch ngành phát thanh - truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến 2030;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 423/BCTD-HĐTĐ ngày 29/9/2017 của Hội đồng thẩm định về kết quả thẩm định Quy hoạch ngành phát thanh - truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1235/TTr- STTTT ngày 28/11/2017 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1889/SKHĐT ngày 29/11/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch ngành phát thanh – truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Quan điểm Quy hoạch

Phát triển hệ thống phát thanh, truyền hình phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng Duyên hải Miền Trung; đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước.

Xây dựng hệ thống phát thanh, truyền hình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, vừa hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.

2. Mục tiêu Quy hoạch

a) Mục tiêu tổng quát

Phát thanh, truyền hình phát triển đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng thông tin giữa khu vực thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đưa tỷ lệ hưởng thụ thông tin giữa hai khu vực từ 75%/25% hiện nay lên mức 60%/40%.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020

Tỷ lệ hộ dân thu được sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh là 100%.

Chuyển đổi 100% các Đài Truyền thanh vô tuyến cấp xã nằm trong băng tần (87-108)Mhz về băng tần (54-68)Mhz.

Đảm bảo phạm vi vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất lớn hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất hiện nay. Đảm bảo khu vực có vùng lõm sóng tại các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Đức Phổ và Tây Trà thu được truyền hình số qua nhiều phương thức khác nhau.

Tỷ lệ hộ xem truyền hình trả tiền đạt trên 50%. Doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền đạt trên 35 tỷ đồng/năm.

Đến năm 2025

Số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh.

Đảm bảo 100% số Đài Truyền thanh cấp xã hoạt động tốt đáp ứng được các nhiệm vụ tuyên truyền trên địa bàn.

Tỷ lệ hộ xem truyền hình trả tiền đạt trên 60%. Doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Định hướng đến năm 2030

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống các đơn vị phát thanh, truyền hình có tiềm lực tài chính vững mạnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cung cấp đa dạng các loại hình thông tin, phạm vi hoạt động phủ khắp cả nước, vươn ra phạm vi khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của tỉnh công nghiệp, có vị thế quan trọng trong khu vực và cả nước.

Các đơn vị phát thanh, truyền hình tham gia vào nhiều lĩnh vực khác có liên quan đến thông tin, báo chí như các hoạt động truyền thông sự kiện, sản xuất phim truyện, giải trí, trò chơi, kinh doanh trực tuyến, kinh doanh hạ tầng… phù hợp với pháp luật Việt Nam; các ngành nghề kinh doanh có vai trò hỗ trợ nhau phát triển.

II. QUY HOẠCH NGÀNH PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2030

1) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Đến năm 2020

Hoàn thành chuyển đổi công nghệ phát sóng truyền hình tương tự sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.

Thời lượng phát sóng truyền hình chương trình thời sự, chính trị, an ninh quốc phòng đạt khoảng 4 giờ/ngày, tổng thời lượng phát sóng đạt khoảng 20 - 22 giờ/ngày.

Phối hợp với doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng số mặt đất đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo khu vực lõm sóng tại các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Đức Phổ và Tây Trà thu được truyền hình số qua nhiều phương thức khác nhau (số mặt đất, vệ tinh, truyền hình qua Internet).

Đến năm 2025

Số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh.

Thời lượng phát sóng truyền hình chương trình thời sự, chính trị, an ninh, quốc phòng đạt khoảng 5 giờ, tổng thời lượng phát sóng đạt khoảng 22-24 giờ/ngày.

Tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sắp xếp theo Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh quảng ngãi giai đoạn 2017 - 2025.

2) Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện

Đến năm 2020: Nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Tăng số lượng, thời lượng, chất lượng, cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng trang truyền hình địa phương. Đảm bảo các Đài Truyền thanh

- Truyền hình cấp huyện phát sóng 3 buổi/ngày. Trên 75% lao động có trình độ đại học. Cơ cấu lao động bao gồm 60% phóng viên, biên tập viên, 30% cán bộ kỹ thuật và 10% lao động khác.

Đến năm 2025: Đẩy mạnh số lượng, thời lượng, chất lượng các chương trình của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Trên 85% lao động có trình độ đại học. Cơ cấu lao động bao gồm 60% phóng viên, biên tập viên, 30% cán bộ kỹ thuật và 10% lao động khác.

3) Đài Truyền thanh cấp xã

Đến năm 2020: Sửa chữa, nâng cấp các Đài Truyền thanh cấp xã hỏng, không đảm bảo hoạt động thường xuyên trong quá trình sử dụng. Chuyển đổi 100% các Đài Truyền thanh vô tuyến cấp xã nằm trong băng tần (87-108)Mhz về băng tần (54-68)Mhz theo quy hoạch của Chính phủ. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh cấp xã đạt 100%.

Đến năm 2025: Đảm bảo 100% Đài Truyền thanh cấp xã hoạt động tốt đáp ứng được các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trên địa bàn. 100% Cán bộ Đài truyền thanh cấp xã được đào tạo nghiệp vụ thông tin và truyền thông.

4) Truyền hình trả tiền

Đến năm 2020: Phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm truyền hình cáp, truyền hình qua mạng Internet đến trung tâm huyện trên toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ xem truyền hình trả tiền đạt trên 50%. Doanh thu truyền hình trả tiền đạt trên 35 tỷ đồng/năm.

Đến năm 2025: Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm truyền hình cáp, truyền hình qua mạng Internet, truyền hình số mặt đất cung cấp đến trung tâm xã trên toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ xem truyền hình trả tiền đạt trên 60%. Doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

5. Định hướng đến năm 2030

a) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Chương trình truyền hình phát bằng các chuẩn chất lượng cao như chuẩn UHD hay 4k (3.840x2.160 có độ nét gấp 4 lần chuẩn HD) hoặc truyền hình nổi (3DTV); âm thanh đa kênh (5.1;7.1) và các công nghệ tiếp theo. Cung cấp nội dung truyền hình trên các thiết bị khác nhau (Tivi, màn hình máy tính, điện thoại di động, thiết bị thông minh, các thiết bị kết nối vạn vật, Chat Bots (ví dụ như thiết bị giao tiếp thông minh trong gia đình có ứng dụng trí tuệ nhân tạo). Thực hiện truyền hình 3 màn nhằm đảm bảo cho người xem có thể thu được nội dung bằng bất cứ thiết bị nào, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Quá trình sản xuất chương trình ứng dụng các công nghệ hiện đại để sản xuất các chương trình có chất lượng rất cao: UHD, 4K, 3D.

b) Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện: Sử dụng công nghệ truyền thanh mới theo công nghệ DAB+, sử dụng chuẩn âm thanh AAC hiện đại cho phép chuyển tải nhiều chương trình phát thanh trên 1 kênh tần số và chất lượng âm thanh tốt hơn.

c) Đài truyền thanh cấp xã: Hạ tầng phát triển rộng khắp, thông tin đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức truyền tải thông tin cơ bản qua mạng Internet tới trực tiếp các hộ dân trong phạm vi phục vụ. Thiết bị đầu cuối tiếp nhận thông tin sẽ là các thiết bị thông minh của cá nhân trong hộ gia đình, vừa đảm bảo thông tin được truyền đạt, vừa đảm bảo tính cá nhân trong tiếp nhận thông tin.

d) Truyền hình trả tiền: Người dân được thụ hưởng các loại hình truyền hình theo yêu cầu (TvoD) thông qua đường cáp quang hoặc truyền hình vệ tinh. Người dân có thể thụ hưởng cùng lúc nhiều loại hình dịch vụ như Internet, truyền hình, phát thanh... của nhiều nhà cung cấp khác nhau trên cùng 1 đường truyền. Đối với dịch vụ truyền hình sẽ có nhiều dịch vụ đi kèm, trên đó người dân sẽ được cung cấp miễn phí đối với các kênh truyền hình quảng bá và trả phí cho các kênh truyền hình trả tiền. Phương thức tính cước sẽ tính riêng cho từng nội dung, theo thời gian xem chương trình hoặc sử dụng dịch vụ.

III. CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Dự án 1: Hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo

- Nội dung: Hỗ trợ các hộ gia đình nghèo và cận nghèo đầu thu truyền hình số. Trên cơ sở danh sách các hộ nghèo, cận nghèo do UBND huyện, thành phố cung cấp, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì việc lập danh sách đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh từ nguồn vốn của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Tổng số hộ dự kiến hỗ trợ là 75.760 hộ, bao gồm: 45.260 hộ nghèo, 30.500 hộ cận nghèo (Theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc chuẩn y kết quản Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

- Kinh phí thực hiện: 31,56 tỷ đồng.

- Nguồn kinh phí : Quỹ dịch vụ viễn thông công ích - Bộ Thông tin và Truyền thông (theo Thông tư số 08/2016/TT-BTTTT ngày 30/3/2016 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020) và ngân sách hỗ trợ của tỉnh đối với Hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh không thuộc diện hỗ trợ của Trung ương (nếu có).

- Thời gian thực hiện: 2018-2019.

2. Dự án 2: Xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất

- Nội dung: Xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và phủ sóng các khu vực lõm sóng tại tỉnh Quảng Ngãi

- Hạng mục đầu tư:

Đầu tư máy phát sóng số DVB-T2 công suất 5-10Kw tại Đài phát sóng của Đài tỉnh. Các máy phát sóng số DVB-T2 công suất 100-500w tại các vị trí: xã Trà Quân, Trà Xinh (Tây Trà); xã Sơn Mùa (Sơn Tây); TT. Di Lăng, Sơn Thượng, Sơn Giang, Sơn thuỷ (Sơn Hà); Long Sơn, Long Môn (Minh Long); Ba Dinh, Ba Nam, Ba Liên (Ba Tơ); Phổ Khánh (Đức Phổ) và nâng cấp cải tạo hiện trạng tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Đức Phổ, Lý Sơn.

Trạm mặt đất DTH/DVB-S

Thiết lập hệ thống đơn tần (SNF)

- Cơ quan chủ trì: Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

- Kinh phí thực hiện: 34 tỷ đồng

- Nguồn kinh phí: Doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2018-2020.

3. Dự án 3: Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Giai đoạn 2017 – 2020 (Theo Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020)

a). Đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình cho phóng viên.

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Kinh phí: 9 tỷ đồng

- Thời gian thực hiện: 2017 - 2019

b). Cải tạo nhà làm việc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Kinh phí: 6 tỷ đồng

- Thời gian thực hiện: 2017 - 2018

c). Đầu tư hệ thống điều khiển, lưu trữ và thiết bị sản xuất chương trình truyền hình tại trung tâm theo chuẩn HD

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Kinh phí: 18 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh

- Thời gian thực hiện: 2018 - 2019

Giai đoạn 2021 – 2025:

d. Đầu tư trang thiết bị cho 3 trường quay S1, S2, S3

- Cơ quan chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Kinh phí: 40 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh

- Thời gian thực hiện: 2021 - 2025

e. Đầu tư hệ thống dựng hình, hệ thống thiết kế đồ họa và thương hiệu kênh, hệ thống lưu trữ và các hệ thống kỹ thuật phục vụ sản xuất chương trình phát sóng trên mạng xã hội, kết nối vạn vật (IoT).

- Nội dung: Đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị hoạt động để Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng hiện đại theo xu thế hội tụ thông tin.

- Đơn vị chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Hạng mục đầu tư: Thiết bị ghi âm, truyền tin, trang thiết bị cho 3 trường quay S1,2,3. Hệ thống dựng hình phi tuyến, hệ thống thiết kế đồ họa và thương hiệu kênh.

- Kinh phí thực hiện: Khoảng 30 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh.

- Thời gian thực hiện: 2021 - 2025

4. Dự án 4: Đầu tư nâng cấp hệ thống Đài TT-TH cấp huyện

- Nội dung: Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị hoạt động đáp ứng nhu cầu hoạt động của hệ thống Đài TT-TH cấp huyện.

- Đơn vị chủ trì: UBND huyện, thành phố.

- Hạng mục đầu tư: Đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất chương trình tại 14 Đài TT- TH cấp huyện với các hạng mục sau: Thiết bị camera, Bàn dựng phi tuyến, Nâng cấp phòng thu thanh, Máy vi tính

- Kinh phí thực hiện: 7 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện, thành phố

+ Giai đoạn 2017 – 2020: 1,5 tỷ đồng

+ Giai đoạn 2021 – 2025: 5,5 tỷ đồng

5. Dự án 5: Đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã

- Nội dung: Nâng cấp, sửa chữa, lắp mới các xã chưa có hệ thống Đài truyền thanh cấp xã, nâng cao chất lượng thông tin tại cấp xã.

- Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện

- Đơn vị phối hợp: UBND các xã, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh.

- Thời gian thực hiện: 2018-2025

- Kinh phí thực hiện: 5,05 tỷ đồng, ngân sách huyện.

6. Dự án 6: Mở rộng mạng truyền hình cáp

- Nội dung: Phát triển mạng lưới truyền hình trả tiền đến cấp huyện vào năm 2020, đến cấp xã vào năm 2025

- Đơn vị chủ trì: Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông

- Thời gian thực hiện: 2017 – 2025

- Kinh phí thực hiện: 50 tỷ đồng, nguồn doanh nghiệp

+ Giai đoạn 2017 - 2020: 15 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2021 – 2025: 35 tỷ đồng.

7. Dự án 7: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực cho Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Đài TT-TH cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã.

- Đơn vị chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì nhiệm vụ đào tạo cho cán bộ Đài; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp huyện và cấp xã.

- Đơn vị phối hợp: Sở Nội vụ, Hội nhà báo tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND huyện, thành phố.

- Kinh phí thực hiện: 6,99 tỷ đồng, ngân sách địa phương (Giai đoạn 2017 - 2020: 3,1 tỷ đồng; Giai đoạn 2021 – 2025: 3,89 tỷ đồng).

8. Dự án 8. Dự án đo lường định lượng khán giả truyền hình kênh PTQ

- Mục đích: Phục vụ công tác đánh giá hiệu quả nội dung thông tin của kênh và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đánh giá các chương trình truyền hình.

- Đơn vị chủ trì: Đài PT-TH tỉnh

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử.

- Tổng mức đầu tư: 1,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương, trung ương (Giai đoạn 2017 – 2020: 0,5 tỷ đồng; Giai đoạn 2021 – 2025: 1 tỷ đồng).

(Chi tiết tại phụ lục 01 và 02 kèm theo)

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp cơ chế, chính sách

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và sự phát triển của phát thanh, truyền hình:

Cơ chế cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở rộng phạm vi hoạt động, dịch vụ trong lĩnh vực liên quan đến chức năng như quảng cáo, liên kết sản xuất phim tài liệu, văn nghệ, giải trí…và dịch vụ cung ứng các thiết bị, vật tư liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình để tạo nguồn thu sự nghiệp phát triển ngành phát thanh- truyền hình địa phương.

Cơ chế đặt hàng cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

2. Giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy

Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, điều chỉnh tổ chức bộ máy theo xu hướng hội nhập và hội tụ giữa phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin, báo điện tử. Điều chỉnh mô hình hoạt động của đài theo xu hướng mới tập trung sản xuất chương trình và bàn giao khâu truyền dẫn phát sóng cho doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng. Đối với bộ phận truyền dẫn hiện tại sẽ được Đài sắp xếp, phân công nhiệm vụ mới vào các vị trí phù hợp và thực hiện cắt giảm nhân sự (chấm dứt hợp đồng).

Đối với Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện điều chỉnh, hoàn thiện tổ chức bộ máy theo Thông tư số 17/2010/TTLT-BNV-BTTTT ngày 27/7/2010 Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và quy định của UBND tỉnh có liên quan.

Đối với Đài Truyền thanh cấp xã giữ nguyên cơ chế lao động kiêm nhiệm, lao động hợp đồng theo Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 9/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc Quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Thu hút, hợp tác các chuyên gia trong lĩnh vực trọng tâm của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nội dung chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông hiện đại, truyền thông trên mạng xã hội, truyền thông IoT; bồi dưỡng nghiệp vụ biên tập, quay phim, đạo diễn, sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình; bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin; bồi dưỡng khả năng vận hành các trang thiết bị trong hệ thống phát thanh, truyền hình.

4. Giải pháp công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hội tụ trong viễn thông, công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất; ứng dụng số hóa trong sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình; công nghệ truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình vệ tinh…

Coi trọng và ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến, kỹ thuật đo lường hiện đại, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và lưu trữ thông tin.

Triển khai các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, tiếp cận các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia tại các dự án thử nghiệm công nghệ mới như: công nghệ phát thanh, truyền hình, ứng dụng xu hướng hội tụ báo chí trên thiết bị đầu cuối, trên Internet.

5. Giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư

a) Căn cứ các nội dung Quy hoạch, trên cơ sở khả năng huy động vốn đầu tư, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và tiến hành đầu tư phù hợp với quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư:

Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như mạng lưới truyền dẫn phát sóng, mạng lưới truyền hình trả tiền: Sử dụng nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội để đầu tư xây dựng.

Đối với dự án số hóa phương thức truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình, cần tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh.

b) Căn cứ khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn trong từng thời kỳ, các cơ quan chủ quản bố trí, lập kế hoạch hàng năm nhằm thực hiện các mục tiêu đã được đề ra trong Quy hoạch:

Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thực hiện đề án số hoá của quốc gia trước năm 2020 theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản liên quan. Đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông bằng các đề án, dự án cụ thể.

c) Thu hút các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng số:

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, mạnh mẽ, cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, xác định thu hút thêm các doanh nghiệp có tiềm năng khác có năng lực về tài chính trên cả nước.

Tạo cơ chế ưu đãi tín dụng để các doanh nghiệp có thể vay vốn mở rộng cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn tỉnh, hướng đến khu vực nông thôn, miền núi.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Báo cáo và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thực hiện quy hoạch; Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các đơn vị thực hiện quy hoạch.

Xây dựng và đề xuất UBND tỉnh các đề án: Đào tạo nguồn nhân lực ngành phát thanh - truyền hình; Điều tra phương thức thu xem truyền hình và đối tượng hỗ trợ của người dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức; hỗ trợ người dân mua các thiết bị truyền hình công nghệ số. Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách: Cơ chế quy định thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền; Cơ chế ngành phát thanh - truyền hình kinh doanh đa ngành; Cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng thông tin trong ngành phát thanh - truyền hình; Cơ chế quản lý báo chí… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người dân.

Hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị hoạt động trong ngành phát thanh - truyền hình triển khai thực hiện quy hoạch; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới phát thanh, truyền hình theo hướng đổi mới công nghệ, phủ sóng diện rộng, đưa phát thanh, truyền hình đến với người dân ngày một được nâng cao.

Thẩm định kỹ thuật đối với các dự án đầu tư về phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển ngành phát thanh - truyền hình theo đúng định hướng công nghệ hiện đại, tránh sử dụng các công nghệ cũ, lạc hậu, không còn phù hợp với xu thế.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thành lập các bộ phận công tác và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ban, ngành, các đơn vị báo chí để thực hiện các đề án, dự án trong quy hoạch.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xác định nguồn chi ngân sách hàng năm cho các dự án, đề án trong quy hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cân đối tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh cho các dự án phát triển ngành phát thanh –Truyền hình trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất các giải pháp nhằm thu hút các nguồn vốn như ODA, vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn từ doanh nghiệp nhằm tăng cường đầu tư cho ngành phát thanh - truyền hình.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh căn cứ vào quy hoạch này xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn và kế hoạch hàng năm, bám sát các nội dung trong quy hoạch. Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án liên quan bao gồm: Dự án phối hợp với các đơn vị được cấp phép xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn nhằm số hoá mạng lưới truyền dẫn phát sóng truyền hình, dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình, dự án phát sóng truyền hình tỉnh lên các phương thức truyền dẫn phát sóng khác nhau.

Bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ tăng cường thông tin về cơ sở nhằm hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thiết bị thụ hưởng thông tin, hỗ trợ nguồn thông tin đến người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản quản lý nhà nước cấp tỉnh hỗ trợ phát triển ngành phát thanh - truyền hình.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã

Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động phát thanh, truyền hình, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền của Đảng bộ và chính quyền tại địa phương.

Căn cứ các nội dung trong quy hoạch, bố trí kinh phí, nhân lực thực hiện các dự án, đề án hiệu quả.

6. Các sở, ban, ngành liên quan

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung của quy hoạch có liên quan, trong đó chú ý một số nội dung sau: Phối hợp trong việc đảm bảo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện, xây dựng một cơ chế thông tin công khai, minh bạch; Phối hợp với các đơn vị hoạt động báo chí trong tỉnh để triển khai các hoạt động nhằm đưa thông tin đến với đông đảo người dân trong tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Ngọc Căng

 

PHỤ LỤC 01

(Kèm theo Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Tỷ đồng

STT

Kế hoạch trung hạn

Ngân sách trung ương

Ngân sách địa phương

Vốn xã hội hóa

Tổng vốn

Ghi chú

Tổng cộng

Cấp tỉnh

Cấp huyện

 

 

1

2=3+4

3

4

5

6=1+2+5

7

1

Giai đoạn:

2017-2020

31,56

39

36,6

2,4

49

119,56

 

2

Giai đoạn:

2021-2025

0

84,54

74,89

9,65

35

119,54

 

 

Tổng cộng

31,56

123,54

111,49

12,05

84

239,1

 

 

PHỤ LỤC 02

(Kèm theo Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Dự án đầu tư

Nội dung, hạng mục đầu tư

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Giai đoạn 2017 - 2020 (tỷ đồng)

Giai đoạn 2021 - 2025 (tỷ đồng)

Ghi chú

NSTW

NST

NSH

XHH

NSTW

NST

NSH

XHH

Dự án 1

1. Hỗ trợ đầu thu số cho các hộ nghèo, cận nghèo

Sở Thông tin và Truyền thông

UBND cấp huyện; Sở LĐ- TB&XH, Quỹ Dịch vụ VTCI

31,56

 

 

 

 

 

 

 

Thực hiện trong năm 2018

Dự án 2

1. Đầu tư máy phát sóng số DVB-T2 công suất 5-10Kw tại Đài phát sóng của Đài tỉnh.

2. Các máy phát sóng số DVB-T2 công suất 100-500w tại 13 xã [1] và nâng cấp cải tạo hiện trạng tại 7 huyện [2]

Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng truyền dẫn, phát sóng

Sở TTTT, Đài PT-TH tỉnh

 

 

 

34

 

 

 

 

 

Dự án 3

Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị Đài PTTH [3]

Đài PT-TH tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

 

33

 

 

 

70

 

 

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2022

Dự án 4

Đầu tư trang thiết bị cho Đài TTTH cấp huyện: Thiết bị camera, Bàn dựng phi tuyến, Nâng cấp phòng thu, Máy vi tính.

UBND huyện, thành phố

 

 

 

1,5

 

 

 

5,5

 

 

Dự án 5

Đài xã: Đầu tư mới 6 Trạm truyền thanh xã; Sửa chữa, nâng cấp 16 trạm truyền thanh đã hỏng; Chuyển đổi tần số 59 trạm sang phát sóng ở tần số (54 – 68) MHz.

UBND huyện, thành phố

 

 

 

0,9

 

 

 

4,15

 

 

Dự án 6

Phát triển mạng lưới truyền hình trả tiền đến cấp huyện vào năm 2020, đến cấp xã vào năm 2025

Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền

Sở Thông tin và Truyền thông

 

 

 

15

 

 

 

35

 

Dự án 7

1. Đài PT-TH tỉnh đào tạo 6 khóa

2. Đài TT-TH cấp huyện đào tạo 8 khóa

3. Đài truyền thanh cấp cơ sở đào tạo 4 khóa

4. Sở TTTT đào tạo 2 khoá

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Nội vụ, Hội nhà báo tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, UBND huyện, thành phố

 

3,1

 

 

 

3,89

 

 

 

Dự án 8

1. Đánh giá hiệu quả nội dung thông tin của kênh và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đánh giá các chương trình truyền hình.

Đài PT-TH tỉnh

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử

 

0,5

 

 

 

1

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

31,56

36,6

2,4

49

 

74,89

9,65

35

 

Chú thích:

[1] Tại các xã, thị trấn: Trà Quân, Trà Xinh (Tây Trà); Sơn Mùa (Sơn Tây); Di Lăng, Sơn Thượng, Sơn Giang, Sơn thuỷ (Sơn Hà); Long Sơn, Long Môn (Minh Long); Ba Dinh, Ba Nam, Ba Liên (Ba Tơ); Phổ Khánh (Đức Phổ);

[2] Các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Đức Phổ, Lý Sơn.

[3] - Giai đoạn 2017-2020: (1) Đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình cho phóng viên, (2) Cải tạo nhà làm việc Đài PT-TH tỉnh, (3) Đầu tư hệ thống điều khiển, lưu trữ và thiết bị sản xuất chương trình truyền hình tại trung tâm theo chuẩn HD;

- Giai đoạn 2021 - 2025: (1) đầu tư trang thiết bị cho 3 trường quay S1, S2, S3; (2) Đầu tư hệ thống dựng hình, hệ thống thiết kế đồ họa và thương hiệu kênh, hệ thống lưu trữ và các hệ thống kỹ thuật phục vụ sản xuất chương trình phát sóng trên mạng xã hội, kết nối vạn vật (IoT).