Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/2018/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 23 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẤU NỐI NƯỚC THẢI VÀO HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Hiệp định tài trợ Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải, giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế ngày 27/10/2017;

Căn cứ Hiệp định vay Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải, giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế ngày 27/10/2017;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1162/TTr-SXD ngày 27 tháng 4 năm 2018, Công văn số 2081/SXD-PTĐT&HTKT ngày 12 tháng 7 năm 2018 và Công văn số 2382/SXD-PTĐT&HTKT ngày 09 tháng 8 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2018.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng);
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận;
- Thường trực HĐND các huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Ninh Thuận;
- Công báo, Cổng thông tin ĐT Ninh Thuận;
- VPUB: LĐ, TCDNC, KTTH;
- Lưu: VT. Đạt

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐẤU NỐI NƯỚC THẢI VÀO HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 91/2018/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định việc đấu nối nước thải từ trong nhà, công trình vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hộ gia đình có liên quan; thẩm quyền, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

2. Các nội dung khác có liên quan đến hoạt động đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị không nêu tại quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về quy định hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong phạm vi có hệ thống thoát nước đô thị đều phải chấp hành việc đấu nối theo quy định này.

Điều 3. Mục tiêu của việc thực hiện đấu nối nước thải

Việc thực hiện đấu nối nước thải, nhằm thu gom được toàn bộ nước thải từ các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước đô thị, khai thác hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải, hạn chế việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường đất và không khí. Góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dùng trong quy định này được hiểu theo Điều 2 Giải thích từ ngữ tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Điều 5. Phân loại đối tượng đấu nối

1. Trong các khu dân cư hiện hữu:

a) Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn,... có xả nước thải ra môi trường, nằm trong phạm vi 50m đến hệ thống thoát nước đều bắt buộc phải đấu nối. Đơn vị quản lý hệ thống thoát nước sẽ quy định thời gian thực hiện việc đấu nối;

b) Đối với các hộ gia đình có xả nước thải ra môi trường và nằm trong phạm vi 50m đến hệ thống thoát nước đều phải có trách nhiệm đấu nối. Đơn vị quản lý hệ thống thoát nước có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc đấu nối, xây dựng lộ trình, thời gian phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện đấu nối theo quy định.

2. Trong các khu đô thị, dân cư mới:

Đối với các hộ gia đình, công trình xây dựng mới đều bắt buộc phải có hệ thống đấu nối để được cấp giấy phép xây dựng.

Trường hợp tại khu vực chưa đầu tư xây dựng tuyến cống thu gom thoát nước thì hộ thoát nước phải lắp đặt hố ga đấu nối chờ sẵn trong khuôn viên nhà hoặc công trình tại vị trí thuận lợi để đấu nối sau này.

3. Đối với những hộ thoát nước không tuân thủ theo quy định đấu nối, tự động xả nước thải ra môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đơn vị quản lý thoát nước tiến hành tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Miễn đấu nối

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 35 Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính Phủ và Điều 7 Quyết định 55/2017/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐẤU NỐI

Điều 7. Quy định về điểm đấu nối

1. Điểm đấu nối là điểm xả nước thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Vị trí điểm đấu nối được xác định nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước đã được đơn vị quản lý thoát nước đầu tư xây dựng.

2. Nước thải sinh hoạt từ các hộ thoát nước được phép xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước đô thị nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải xả vào hệ thống thoát nước do Bộ Xây dựng ban hành.

3. Các loại nước thải khác được xả vào điểm đấu nối của hệ thống thu gom nước thải nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Điều 8. Yêu cầu về cao độ của điểm đấu nối

1. Cao độ của điểm đấu nối phải thấp hơn cao độ các công trình của các hộ thoát nước nhằm đảm bảo độ dốc để nước từ hệ thống thoát nước chung không chảy ngược vào các hộ thoát nước.

2. Đường kính ống thoát nước từ các điểm xả đến điểm đấu nối tối thiểu là 90mm, ống sử dụng vật liệu uPVC, HDPE, và độ dốc phải phù hợp để đảm bảo không bị tắt nghẽn.

Điều 9. Quy định về hộp đấu nối

1. Tại vị trí điểm đấu nối phải bố trí Hộp đấu nối nhằm đảm bảo ổn định, an toàn cho điểm đấu nối, đồng thời thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng khi cần thiết tránh rò rỉ nước thải.

2. Đơn vị quản lý thoát nước có trách nhiệm thực hiện thiết kế, thi công xây dựng, sửa chữa và quản lý hộp đấu nối.

Điều 10. Chất lượng, khối lượng nước xả thải vào điểm đấu nối

1. Nước thải trước khi đấu nối với hệ thống thoát nước đô thị phải xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép.

2. Xác định khối lượng nước thải:

a) Đối với nước thải sinh hoạt:

Trường hợp các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được tính bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước;

Trường hợp các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được xác định căn cứ số nhân khẩu (người) có trong hộ thoát nước với mức bình quân chung là 04 m3/người/tháng.

b) Đối với các loại nước thải khác:

Trường hợp các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được tính bằng 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước;

Trường hợp các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải được xác định thông qua đồng hồ đo lưu lượng nước thải (hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư lắp đặt đồng hồ và các thiết bị bảo vệ phụ trợ khác).

Điều 11. Trình tự đấu nối

1. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước có trách nhiệm tổ chức khảo sát lập kế hoạch, thông báo kế hoạch đấu nối nước thải tới các hộ thoát nước theo từng khu vực, cụm dân cư, ưu tiên các khu vực, cụm dân cư nằm trong dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các cụm dân cư đã có hệ thống thoát nước hoạt động tốt.

2. Trên cơ sở đăng ký của các hộ thoát nước theo kế hoạch, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước hoặc đơn vị được phân công quản lý hệ thống thoát nước đến từng hộ thoát nước để khảo sát, lập thiết kế hệ thống đấu nối nước thải; trường hợp hộ thoát nước tự thiết kế hệ thống đấu nối thì thiết kế phải đúng quy định và được đơn vị thoát nước chấp nhận.

3. Đơn vị thoát nước ký thỏa thuận đấu nối và hợp đồng dịch vụ thoát nước với hộ thoát nước.

4. Hộ thoát nước tự chịu trách nhiệm tổ chức thi công hệ thống đấu nối nước thải và xử lý sơ bộ trong phạm vi khuôn viên đất của mình. Đơn vị quản lý hệ thống thoát nước thi công từ bên ngoài tường rào đến điểm đấu nối theo đúng thiết kế được lập tại khoản 2 Điều này và phù hợp với các quy định tại thỏa thuận đấu nối.

Điều 12. Quy định về xả nước thải tại điểm đấu nối

1. Đối với nước thải sinh hoạt:

a) Các hộ thoát nước thực hiện đấu nối trước thời điểm dự án nhà máy xử lý nước thải của hệ thống thoát nước đô thị hoạt động chính thức thì bắt buộc phải có bể tự hoại để xử lý sơ bộ nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị.

b) Các hộ thoát nước đấu nối sau thời điểm dự án nhà máy xử lý nước thải của hệ thống thoát đô thị hoạt động chính thức thì nước thải được đấu nối trực tiếp vào các điểm đấu nối hệ thống thoát nước đô thị;

2. Đối với các loại nước thải khác:

Các hộ thoát nước phải tự thu gom và có hệ thống xử lý nước thải cục bộ bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào điểm đấu nối và theo các quy định về đấu nối và thỏa thuận đấu nối. Đồng thời phải được đơn vị quản lý hệ thống thoát nước kiểm tra cho phép trước khi xả vào điểm đấu nối.

3. Đối với nước mưa: Được tiêu thoát ra vỉa hè trước nhà, công trình.

Điều 13. Hầm cầu tự hoại và hầm rút

Sau khi được đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung, các hộ thoát nước phải xử lý bịt đáy và thành hầm rút nước thải (sau hầm tự hoại) và rút nước thải từ tắm giặt, nhà bếp không cho nước thải thấm vào đất.

Điều 14. Cơ chế tài chính

1. Hộ thoát nước tự đầu tư chi phí, tổ chức thi công cải tạo hệ thống thoát nước thải và công trình xử lý sơ bộ trong phạm vi khuôn viên phần đất tư của mình theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các yêu cầu trong các nội dung về quy định đấu nối và thỏa thuận đấu nối. Nhà nước đầu tư thực hiện từ tường rào (tường nhà) đến điểm đấu nối, hoàn trả nguyên trạng các mặt bằng công cộng đã sử dụng để thi công.

2. Đối với hộ thuộc diện chính sách là gia đình có công với cách mạng theo tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định, gia đình nghèo có giấy chứng nhận hộ nghèo; các hộ chấp hành và thực hiện đấu nối ngay khi được yêu cầu đấu nối sẽ được xem xét hỗ trợ bằng hình thức vay vốn trong nguồn quỹ quay vòng của dự án.

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘ THOÁT NƯỚC SỬ DỤNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của hộ thoát nước là cơ quan, hộ gia đình, cá nhân

1. Được phép và có nghĩa vụ đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước tại điểm đấu nối.

2. Xả nước thải vào hệ thống đúng quy định quy chuẩn, kỹ thuật hiện hành.

3. Thanh toán tiền dịch vụ thoát nước đầy đủ, đúng hạn.

4. Thông báo kịp thời đến đơn vị quản lý hệ thống thoát nước khi thấy các hiện tượng bất thường có thể gây ra sự cố đối với hệ thống thoát nước và yêu cầu khắc phục sự cố khi xảy ra.

5. Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Điều 16. Trách nhiệm của hộ thoát nước là cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi sử dụng hệ thống thoát nước đô thị

1. Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị.

2. Khi trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp, và của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị hỏng hoặc có sự cố kỹ thuật dẫn đến chất lượng nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định thì người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm báo cho cơ quan quản lý thoát nước biết và phải áp dụng ngay biện pháp kỹ thuật cần thiết để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Điều 17. Trách nhiệm của hộ thoát nước là cơ sở xây dựng

Trước khi xả thải từ các công trình xây dựng vào hệ thống thoát nước đô thị phải qua hệ thống lắng và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định.

Điều 18. Trách nhiệm của đơn vị thoát nước là bệnh viện

Trước khi xả nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị, nước thải của bệnh viện phải được xử lý, khử trùng theo tiêu chuẩn hiện hành, những bệnh viện chưa có trạm xử lý phải có kế hoạch bổ sung ngay hệ thống xử lý nước thải.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn mình quản lý.

2. Triển khai chủ trương, quy định và kế hoạch đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị, phối hợp với Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động các hộ đấu nối thực hiện đúng quy định.

3. Hướng dẫn về thủ tục pháp lý có liên quan đến việc đấu nối nước thải trong công tác cấp phép xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở riêng lẻ theo thẩm quyền.

4. Ký thỏa thuận và hợp đồng dịch vụ đấu nối thoát nước đô thị với các hộ sử dụng. Thiết lập cơ sở dữ liệu, quản lý các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý; tổ chức thu phí thoát nước theo quy định.

5. Kiểm tra, phát hiện, xử lý việc xả thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước đô thị và các vi phạm quy định đấu nối theo quy định của pháp luật.

6. Xây dựng kế hoạch đấu nối nước thải cho các hộ thoát nước phù hợp với kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước các huyện, thành phố.

Điều 20. Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận

Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ quản lý sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án, Ban Xây dựng năng lực, và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng, phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng trong công tác đấu nối nước thải.

2. Tổ chức thực hiện việc xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải, mạng ống cấp 3, hố đấu nối theo khối lượng và tiến độ dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để phục vụ việc đấu nối nước thải.

3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc giám sát việc đấu nối nước thải cho các hộ thoát nước.

Điều 21. Sở Xây dựng

1. Hướng dẫn việc lập hồ sơ thiết kế dự toán, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đấu nối kịp thời.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng liên quan đến công tác đấu nối để phù hợp yêu cầu đấu nối; hướng dẫn về thủ tục pháp lý có liên quan đến việc đấu nối nước thải trong công tác cấp phép xây dựng công trình.

3. Hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về hoạt động xả nước thải từ các Hộ thoát nước xả vào hệ thống thoát nước đô thị.

Điều 22. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

Trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, quần chúng tổ chức phổ biến, giáo dục và hướng dẫn nhân dân chấp hành quy định.

Điều 23. Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội

Trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.

Điều 24. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc thì các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 91/2018/QĐ-UBND quy định về đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 91/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản