Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 906/QĐ-UBND | An Giang, ngày 24 tháng 5 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG XE CHUYỂN BỆNH MIỄN PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Tỉnh hội An Giang tại Tờ trình số 109/TTr-HCTĐAG, ngày 19 tháng 02 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế tổ chức, hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đề nghị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Tỉnh hội An Giang chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan, triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Tỉnh hội An Giang, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG XE CHUYỂN BỆNH MIỄN PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt số 906/UB-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý, điều hành hoạt động các xe chuyển bệnh mang tính nhân đạo như: xe chuyển viện miễn phí, xe từ thiện, xe đưa rước bệnh nhân, xe đưa giúp bệnh nhân nghèo,… của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang. Nay thống nhất tên gọi là xe chuyển bệnh miễn phí.
2. Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu và sử dụng các xe chuyển bệnh phục vụ miễn phí hoạt động tại tỉnh An Giang.
3. Quy chế này không áp dụng cho các xe chuyển viện cấp cứu của ngành y tế và các xe chuyển bệnh có thu phí hoặc dịch vụ khác.
Điều 2. Tên gọi xe chuyển bệnh miễn phí
Xe chuyển bệnh miễn phí là tên gọi chung cho các loại xe chuyển người bệnh hay người bị tai nạn đến các cơ sở khám chữa bệnh hay từ các cơ sở khám chữa bệnh về nhà mang tính nhân đạo mà không thu bất kỳ khoản phí nào từ người bệnh hay thân nhân người bệnh.
Điều 3. Sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trên xe
1. Xe chuyển bệnh miễn phí được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng theo điều 14, chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ; ở phía trước, bên hông hoặc phía sau xe (phụ lục 1).
2. Các xe thuộc sở hữu của Hội Chữ thập đỏ các cấp có thể sử dung logo của Hội Chữ thập đỏ thay cho biểu tượng Chữ thập đỏ ( phụ lục 2).
3. Không sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trên các xe chuyển bệnh có thu phí hoặc dịch vụ, xe không đăng ký hoạt động chuyển bệnh miễn phí .
Điều 4. Các xe chuyển bệnh miễn phí không phải trả phí giao thông khi hoạt động chuyển bệnh đi trên các tuyến đường, cầu, phà, đò có thu phí giao thông trong tỉnh.
Điều 5. Không sử dụng xe chuyển bệnh miễn phí vào các hoạt động ngoài mục đích đã đăng ký.
Chương 2
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
Điều 6. Điều kiện khi hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí
1. Xe có nguồn gốc rõ ràng và có địa chỉ cụ thể của tổ chức hay cá nhân đang là chủ sở hữu của xe.
2. Có đầy đủ các giấy tờ hợp pháp theo quy định khi tham gia giao thông.
3. Có các trang thiết bị sơ cấp cứu và người phục vụ theo quy định của ngành y tế.
4. Chủ sở hữu xe cam kết sử dụng xe cho việc chuyển bệnh miễn phí không thu nhận chi phí hay bất cứ các khoản thù lao nào của bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
5. Tham gia mạng lưới xe chuyển bệnh trong tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương lân cận khi có bệnh nhân cần chuyển bệnh.
6. Chấp hành sự điều động của Hội Chữ thập đỏ các cấp khi có thiên tai, thảm họa hay chiến tranh xảy ra.
7. Các điều kiện khác:
a) Tài xế phải có giấy phép lái xe phù hợp, có giấy chứng nhận đã được tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu và sử dụng thành thạo các trang thiết bị sơ cấp cứu trên xe.
b) Ngoài biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng, trên xe phải ghi thêm địa chỉ nơi quản lý xe, số điện thoại liên hệ ở bên hông, phía sau xe (phụ lục 4) và số đăng ký xe chuyển bệnh miễn phí do Hội Chữ thập đỏ tỉnh cấp ở phía trước và sau xe (phụ lục 5).
c) Trong xe có bản thông báo về hoạt động phục vụ miễn phí của xe, địa chỉ tiếp nhận đóng góp (nếu có), điện thoại liên hệ của người quản lý xe với cỡ chữ to, rõ,… gắn cố định nơi dễ nhìn thấy (phụ lục 6);
d) Tên chủ xe, đơn vị quản lý xe (hoặc đơn vị tài trợ) được giới thiệu ở bên trong xe.
Điều 7. Trang bị trên xe
Xe chuyển bệnh miễn phí phải có các trang thiết bị tối thiểu sau:
1. Giường cố định cho bệnh nhân nằm và cáng chuyển bệnh.
2. Bình oxy cấp cứu (chỉ trang bị cho xe chuyển bệnh nhân từ các bệnh viện lên tuyến trên và có cán bộ chuyên môn theo xe).
3. Ghế ngồi an toàn cho cho cán bộ y tế và thân nhân người bệnh.
4. Túi cứu thương.
5. Trang bị đèn tín hiệu và còi ưu tiên theo Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ “Quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên” và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
- Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
Điều 8. Khi chuyển bệnh, ngoài các giấy tờ cần xuất trình cho các đơn vị kiểm tra giao thông theo quy định, trên xe cần có các giấy tờ sau:
1. Phiếu điều xe: ghi rõ ngày, giờ, nơi đi, nơi đến của đơn vị quản lý xe.
2. Hồ sơ (hoặc giấy giới thiệu) chuyển bệnh trong trường hợp chuyển viện.
Chương 3
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
Điều 9. Quản lý hoạt động các xe chuyển bệnh miễn phí
Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành lập Ban Điều hành hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trực thuộc Hội Chữ thập đỏ cùng cấp; số lượng từ 5-7 thành viên, có sự tham gia của đại diện các đơn vị: Hội Chữ thập đỏ, Y tế, đại diện các đoàn thể, các tổ chức hoặc cá nhân là chủ sở hữu của xe,… Trong đó, đại diện lãnh đạo hội Chữ thập đỏ là Trưởng Ban, đại diện lãnh đạo ngành Y tế là Phó Ban.
Ban Điều hành có nhiệm vụ quản lý, điều hành các xe chuyển bệnh miễn phí theo quy chế; nơi làm việc của Ban Điều hành tại cơ quan Hội Chữ thập đỏ.
Ban Điều hành họp định kỳ 3 tháng 1 lần nhằm trao đổi thông tin và các biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động chuyển bệnh.
Điều 10: Tổ chức và nhiệm vụ của các cấp Hội Chữ thập đỏ
1. Cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã): Tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân có xe nêu ở điều 1 đăng ký hoạt động chuyển bệnh miễn phí; hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký, xác nhận và chuyển về huyện, thi, thành Hội; quản lý, điều hành và thực hiện theo quy chế tại xã.
2. Cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện): Tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tổ chức đơn vị cấp xã, tổng hợp hồ sơ đăng ký trên địa bàn đề nghị Tỉnh Hội cấp giấy chứng nhận hoạt động; quản lý, điều hành và thực hiện quy chế tại huyện.
3. Cấp tỉnh: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các Huyện Hội, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí; quản lý, điều hành hoạt động chuyển bệnh miễn phí theo quy chế trên địa bàn tỉnh.
Điều 11. Trách nhiệm của các các thành viên trong Ban Điều hành
1. Hội Chữ thập đỏ:
a) Phân công cán bộ phụ trách Ban Điều hành các cấp, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí tại địa phương. Tuyên truyền và hỗ trợ các cá nhân, các tổ chức có xe chuyển bệnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ khi tham gia giao thông và thực hiện đúng qui chế hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí.
b) Lập kế hoạch vận động và sử dụng kinh phí cho hoạt động chuyển bệnh.
c) Hỗ trợ túi cứu thương.
d) Tổ chức lớp tập huấn về sơ cấp cứu và cấp giấy chứng nhận cho tài xế, người theo xe
đ) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký xe hoạt động chuyển bệnh miễn phí.
2. Ngành Y tế:
a) Cử Cán bộ tham gia Ban Điều hành, hỗ trợ thực hiện các phần việc có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn của ngành Y tế.
b) Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xây dựng chương trình, tài liệu, hỗ trợ tập huấn sơ cấp cứu, trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng trang thiết bị cho lực lượng lái xe tình nguyện.
3. Các đoàn thể:
Cử cán bộ tham gia Ban Điều hành các cấp, thực hiện các hoạt động tuyên truyền vận động các chủ phương tiện có nguyện vọng và điều kiện tham gia hoạt động chuyển bệnh miễn phí, vận động nguồn hoạt động chuyển bệnh, tham gia giám sát hoạt động của các phương tiện và sử dụng nguồn quỹ chuyển bệnh.
4. Các tổ chức, cá nhân sở hữu và sử dụng các xe chuyển bệnh miễn phí:
a) Đăng ký hoạt động chuyển bệnh miễn phí với Tỉnh hội thông qua hệ thống Hội Chữ thập đỏ các cấp.
b) Chịu trách nhiệm trực tiếp về việc tuyển chọn lái xe tình nguyện đảm bảo các quy định về an toàn giao thông.
c) Tài xế, chủ sở hữu xe khi chuyển bệnh phải cam kết phục vụ nhiệt tình và miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân, không được đòi hỏi hay gợi ý cho thân nhân người bệnh phải chi tiền bồi dưỡng hay bất cứ các khoản chi nào khi chuyển bệnh.
d) Để đảm bảo nguồn hoạt động cho xe, chủ sở hữu xe thông qua Hội Chữ thập đỏ cùng cấp kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và đóng góp của cộng đồng dân cư tại địa phương.
đ) Trong quá trình phục vụ nếu xe xuống cấp, hư hỏng, xe không đủ điều kiện hoạt động chuyển bệnh hoặc vi phạm các điều khoản quy định mà không khắc phục được, Ban Điều hành sẽ xóa tên trong danh sách đăng ký hoạt động và thông báo đến các đơn vị liên quan.
Chương 4
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 12. Nguồn quỹ hoạt động
1. Quỹ hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí được hình thành từ các nguồn:
a) Đóng góp của hội viên và người tình nguyện Chữ thập đỏ;
b) Ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và sự tự nguyện của bệnh nhân;
c) Các khoản sinh lời từ các dịch vụ đầu tư từ nguồn quỹ của Ban điều hành;
d) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Ban điều hành hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí các cấp tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ cấp trên.
Điều 13. Sử dụng nguồn quỹ
1. Nguồn quỹ hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí chỉ được chi cho các hoạt động sau:
a) Chi phí nhiên liệu cho xe chuyển bệnh miễn phí;
b) Chi hỗ trợ tiền ăn, uống và trả phụ cấp (nếu có) cho tài xế tham gia chuyển bệnh và dự các lớp tập huấn do Hội cấp trên triệu tập;
c) Chi mua sắm, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa xe, trang thiết bị sơ cấp cứu trên xe theo khoản 3, điều 6, chương 2 của quy chế này;
d) Chi hỗ trợ hoạt động cho Ban điều hành (nếu có);
đ) Chi sơ kết, tổng kết.
2. Ban điều hành hoạt động xe chuyển bệnh lập sổ sách thu chi theo quy định và hướng dẫn của ngành tài chính, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cho việc sử dụng xe chuyển bệnh có định mức chi cụ thể cho từng hoạt động từ nguồn quỹ hoạt động.
3. Sau mỗi chuyến chuyển bệnh, tài xế có trách nhiệm tổng hợp chứng từ và thanh quyết toán trực tiếp với Ban điều hành.
4. Ban Điều hành chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý các khoản chi từ nguồn quỹ, có trách nhiệm thực hiện công khai tài chính định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Hội Chữ thập đỏ hay Ban Điều hành cùng cấp và Hội Chữ thập đỏ cấp trên.
Chương 5
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Khen thưởng và xử phạt
1. Tập thể, cá nhân chấp hành đúng quy chế, tham gia tốt hoạt động xã hội từ thiện sẽ được xem xét khen thưởng.
2. Hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí vi phạm quy chế sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Quy chế này trong phạm vi toàn tỉnh, tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện./.
Quyết định 906/QĐ-UBND năm 2011 về Quy chế tổ chức, hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí do tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 906/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/05/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Minh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra